Bài thơ chữa lành một chú cá

Hôm nay mình xin giới thiệu một cuốn sách tranh xuất sắc gần đây mới mua – This is a poem that heals fish. Thật ra mua nhiều cơ mà cuốn nào hay quá mới thích viết, đâm ra cũng sắp cạn cả từ vựng để ca ngợi.

IMG_3584.JPG

Ngay từ tựa đề ta đã đoán được ngay, chuyện kể về một bài thơ, do một nhà thơ, nhà viết kịch chấp bút kịch bản – Jean-Pierre Siméon. Mình luôn cảm thấy thơ ca ở Việt Nam bị hiểu nhầm thê thảm. Nếu bạn lỡ mồm nói thích thơ, lập tức người ta sẽ hình dung bạn là đồ… thơ thẩn, đôi lúc sến sẩm và thiếu thực tế. Tuy thế, lại có rất nhiều người bình thường làm thơ. Bố vợ ông anh mình còn sáng tác trường ca, in ra mất cả trăm tờ A4, kể chuyện ngày xưa bị cấp dưới lật ghế. Thơ ca mặt nào đó vừa bình dân, phổ thông lại vừa bị coi nhẹ.

Read More »

Bé Maron, thử nấu cà ri nhé!

Đây có phải cuốn ehon đầu tiên mình viết review không ta? Cơ bản là giờ trình độ chỉ đọc sách tranh thiếu nhi là thấy thoải mái nhất đó, hehe (dù đọc ehon toàn hiragana đau cả đầu).

ORG__DSC1374.JPG

Câu chuyện tên là “Bé Maron, thử nấu cà ri nhé!” (Maron chan karee tsukutte miyou!), kể về chú chó Maron muốn trở thành đầu bếp. Nhân đây bụng cũng hơi đói, Maron đi nấu cà ri cho ông ăn đi. 

Read More »

Ngày mưa Di Cư,

Sách đặt gần tháng trời mới về đến nơi.

ORG__DSC1367.JPG

Trời mưa tầm tã, không khí se lạnh đọc một cuốn picture book cảm động và bay bổng thế này thật hợp và thấm quá đi!

Câu chuyện kể về một gia đình di cư qua con mắt của cô con gái út – Anna. Mọi sự vất vả, đau khổ, thiếu thốn… dưới góc nhìn của Anna trở nên nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn không kém phần khốc liệt. Cô bé không than thở, không oán trách, chỉ tự kể cho mình những câu chuyện, khi thì cô bé là một chú thỏ, khi là một chú ong (nhưng không phải loại ong thợ đâu), khi lại là một chú mèo rúc vào chăn ngủ…

Read More »

The gift of Nothing

Hôm nọ nhân dịp Kinokuniya giảm giá 20% tất cả các đầu sách ngoại văn, mình tranh thủ đi vợt một mẻ (sẽ giới thiệu dần dần). Tình cờ mua được một cuốn xuất sắc nhất trong số sách một năm trở lại đây mình đọc.

Tác phẩm này dù mình nghĩ bao nhiêu cũng không biết dịch thế nào cho hay, gần như là một cuốn không thể chuyển ngữ sang tiếng Việt mà giữ được sự tinh tế, thông minh, hài hước vốn có của bản gốc.

ORG__DSC1354.JPG

Câu chuyện kể về Mooch, một chú mèo có bạn thân là Earl – một chú chó hàng xóm. Vào một ngày đặc biệt, Mooch muốn tặng Earl một món quà nhưng nghĩ mãi không biết nên tặng gì, vì Earl dường như đã có mọi thứ (mà một chú chó cần): một cái bát, một cái giường, một món đồ chơi.

Read More »

Nhà Liszts

Mình mới mua cuốn picture book này, chủ yếu vì mình rất thích chị hoạ sĩ minh hoạ – Júlia Sardà.

Về phần hình ảnh thì khỏi phải bàn, Júlia luôn vẽ hết sức tỉ mỉ, bố cục chặt chẽ, nhân vật  biểu cảm, đặc trưng. Với mình thì chẳng có gì để chê hết. Cuốn sách tuy mỏng nhưng trang nào nhìn cũng đã mắt, trang nào cũng có thể đóng khung treo trưng bày cả.

Read More »

Bức tường

Trong bối cảnh gần đây những luật lệ mới, kiểm duyệt mới được thông qua, có một cuốn sách rất hợp để suy nghĩ về vấn đề này.

IMG_5103_polarr.JPG

Bên Đủng Đỉnh Đọc đã review về cuốn này rất hay (bạn có thể đọc tại đây), nên mình không định viết thêm nhiều, chỉ muốn chia sẻ ngắn gọn về một bức tường mình từng va phải.

The wall được kể qua con mắt của một hoạ sĩ, đã được sinh ra và lớn lên ở Tiệp Khắc, vào giai đoạn sau thế chiến thứ II, dưới sự kiểm soát của Xô Viết. Đây là một câu chuyện lịch sử có lẽ không bao giờ cũ.

Read More »

Một cuốn sách xấu xí?

Có một câu mà tôi luôn hỏi những độc giả là phụ huynh rằng liệu họ chọn hết sách cho con mình hay để lũ trẻ tự lựa chọn. Phần lớn phụ huynh trả lời họ thường chọn hộ bọn trẻ, tin tưởng rằng người lớn mới đủ nhận thức để đánh giá, phân loại sách nào là tốt, là phù hợp cho con mình. Có một số ít bậc cha mẹ thì chọn phương án 50-50, cho phép trẻ con được chọn mua một nửa.

Vậy các ông bố bà mẹ dựa trên những tiêu chí nào, tiêu chuẩn ra sao để đánh giá một cuốn sách là tốt, là hay, rằng con mình sẽ thích đọc? Liệu có những sai lầm hay định kiến gì có thể tồn tại ở đây?

Những cuốn sách được coi là không thích hợp với trẻ nhỏ, trước hết thường do đề tài chúng đề cập tới. Ví như cái chết, bạo lực, tình dục… những câu chuyện có nhiều tình tiết quá đáng sợ, hoặc quá đau buồn, tiêu cực. Có không ít những cuốn sách thiếu nhi kinh điển của thế giới từng bị liệt vào danh sách “có hại” cho trẻ nhỏ. Ví dụ cuốn Ở nơi quỷ sứ giặc non (Where the wild things are) của tác giả Maurice Sendak, tác phẩm từng đoạt huân chương Caldecott năm 1964, bán được hơn 20 triệu bản trên toàn thế giới và đến nay vẫn luôn nằm trong danh sách bán chạy nhất. Bản thảo này ban đầu bị nhiều biên tập viên từ chối, cho rằng câu chuyện vô nghĩa, lại có quá nhiều yếu tố đáng sợ, kinh dị, trừng phạt… không phù hợp với trẻ em. Hay cuốn Alice ở xứ sở thần tiên bị đánh giá là chơi chữ quá phức tạp, có nhiều chi tiết ám chỉ sử dụng thuốc, và Alice thì thiếu cá tính, không có chính kiến. Hay cuốn Winnie the Pooh thì quá sướt mướt…

Alice with the Duchess, illustration from 'Alice in Wonderland' by Lewis Carroll (1832-9) (colour litho)
Alice with the Duchess, illustration from ‘Alice in Wonderland’ by Lewis Carroll (1832-9) (colour litho)

Vấn đề này phụ thuộc vào góc nhìn của người đọc, đặc biệt ở đây chính là những độc giả người lớn. Chúng ta nhìn vào tổng thể câu chuyện hay chỉ xét đoán trên một số chi tiết, khía cạnh nhỏ lẻ. Đạo diễn phim hoạt hình nổi tiếng Nhật Bản, người sáng lập ra hãng phim Ghibli – Hayao Miyazaki từng bày tỏ quan điểm kể chuyện cho trẻ em của ông: quan trọng là câu chuyện luôn mang tới một cơ hội thứ hai, một niềm hy vọng nào đó. Một tác phẩm dù có đau buồn, tăm tối đến mấy nhưng cuối cùng vẫn làm nổi bật lên những thông điệp tích cực thì chưa chắc đã là không phù hợp với trẻ nhỏ. Trong cuốn Ở nơi quỷ sứ giặc non, tuy rằng nhân vật chính – cậu bé Max là một đứa trẻ nghịch ngợm, có phần ngỗ ngược, dỗi mẹ và dám bỏ nhà đi nhưng cuối cùng, khi đã được tự do rong chơi bên những quỷ sứ giặc non y như mình, cậu lại nhớ nhung cảm giác được yêu thương. Và chi tiết đắt giá nhất của câu chuyện là khi cậu trở về nhà, có một bát súp còn nóng đang chờ sẵn. Điều đọng lại ở tác phẩm này không phải là sự nghịch phá của Max mà là sự bao dung, yêu thương vô bờ của mẹ cậu.

Các nhân vật được minh họa trong Ở nơi quỷ sứ  giặc non (Where the wild things are) của tác giả  Maurice Sendak gây tranh cãi do dáng vẻ kỳ cục.
Các nhân vật được minh họa trong Ở nơi quỷ sứ giặc non (Where the wild things are) của tác giả Maurice Sendak gây tranh cãi do dáng vẻ kỳ cục.

Không phải đề tài của câu chuyện mà chính là cách kể, cách truyền đạt quyết định việc tác phẩm có phù hợp với trẻ em hay không. Các tác giả muốn truyền đạt điều gì, muốn cho các em một cơ hội thứ hai, một niềm hy vọng hay không. Trẻ con cũng có nhiều trải nghiệm phong phú, tuy thời gian không thể bằng người lớn nhưng không có nghĩa chúng ta bỏ qua những trải nghiệm ấy. Ví dụ như câu chuyện về cái chết, trẻ con hoàn toàn có thể đã tiếp xúc với vấn đề này, mất mát người thân hoặc đơn giản là một chú chó. Vậy nên, vội vã quy kết các em sẽ sợ hãi khi đọc những câu chuyện về đề tài này thì thật thiếu thỏa đáng. Trong cuốn Vịt, Cái chết và hoa Tulip (Duck, Death and the Tulip) của tác giả người Đức Wolf Erlbruch, cái chết đã được diễn giải một cách vừa giản dị, dịu dàng vừa hết sức thơ mộng. Cái chết ở đây không mang hình ảnh đáng sợ, tăm tối mà trái lại nhẹ nhàng, âm thầm, luôn song hành với cuộc sống lúc buồn, lúc vui của chú vịt. Cho tới khi vịt đã sống trọn vẹn một cuộc đời thì cái chết tiễn vịt đi với một bông hoa tulip.

Quan điểm của tôi khi sáng tác lẫn biên tập sách cho thiếu nhi là trước hết cuốn sách ấy có gây được sự đồng cảm với các em không. Nếu các em buồn thì những nỗi buồn ấy cũng cần được thừa nhận, nếu các em mắc lỗi thì các em cũng xứng đáng được tha thứ, được thêm một cơ hội nữa. Đó hẳn là lý do cậu bé Max của Maurice Sendak được yêu quý đến vậy, vì Max không giả vờ là một cậu bé ngoan, nghe lời người lớn răm rắp. Max thành thật.Và chỉ những cuốn sách thành thật mới có thể được hiểu, được đồng cảm.

Trẻ em có cách nhìn nhận thế giới khác với người lớn. Người lớn thường hay lo lắng rằng các em sẽ không hiểu điều này, điều khác. Các em hiểu theo cách khác người lớn chưa chắc là các em đã sai. Tôi nghĩ rằng khi đọc một lượng sách đủ nhiều, tự mỗi người sẽ hình thành được một bộ lọc tương thích với bản thân mình, sẽ nhận định được cái gì phù hợp với mình cái gì không. Cũng giống như tiêm phòng, hệ miễn dịch phải được tiếp xúc với căn bệnh mới có thể biết cách chống lại được. Thêm nữa, không phải đọc xong một cuốn sách nói về lòng hiếu thảo là ngay lập tức các em sẽ hiếu thảo ngay, cũng như không phải lỡ đọc phải một cuốn sách dở là các em sẽ hư hỏng được luôn. Chưa kể, thu hút được sự tập trung, sự vui thích của trẻ con không hề đơn giản chút nào. Một cuốn sách các em không đồng cảm, không yêu quý thì các em cũng sẽ không nhớ. Và trẻ em đủ thông minh để biết chúng thích cái gì.

Đọc là một quá trình dài và kiên nhẫn. Tác dụng của việc đọc cũng phải được thẩm thấu qua thời gian. Điều quan trọng hơn cả là phải xây dựng được thói quen đọc cho trẻ con. Muốn làm được việc này cần phải để các em tìm cho được cuốn sách các em thích. Và càng đọc nhiều, đọc phong phú thì khả năng tìm thấy sẽ càng cao. Nếu gò ép các em đọc những cuốn sách mà chúng ta cho rằng hay (mà chưa chắc các em đã thấy hay) rồi cấm các em đọc những cuốn chúng ta nghĩ là dở thì sẽ dễ khiến các em cảm thấy rằng đọc chẳng có gì thích thú, đọc thật mệt mỏi. Việc tốt nhất người lớn có thể làm là tạo ra một môi trường mà trẻ em có thể tiếp cận với sách dễ dàng nhất, thoải mái nhất, tự do nhất.

Lần tới khi các bạn xét đoán một cuốn sách có xấu xí, có không phù hợp hay không, hãy thử cho các em cùng tham gia bàn bạc, quyết định xem sao.

———————————————————————————

bài viết cho tạp chí Tia sáng (nhân dịp 1.6 :p), được đăng tải tại đây.

Book-graphy

Liệt kê những cuốn picture book mình đã từng làm từ bấy đến giờ (◡‿◡✿), chia theo các hạng mục:

I. Tự làm từ A đến Z, được xuất bản (cả bán và không bán).

1. Nắng ơi là nắng (2012)

Nangoilanang_2012_TRANG BIA copy

 

Truyện đầu tiên được xuất bản nên nó đặc biệt mang nhiều ý nghĩa và kỷ niệm với mình. Yêu nó vô cùng luôn! (như các bạn có thể thấy tên blog này của mình là Cốm ơi là cốm =))) )

Cái truyện đã khiến bao người tự hỏi là: tác giả là người Việt thật sao? =)) (ôi tôi bị chối bỏ trên chính quê hương mình ; v ; ). Chuyện kể về bạn Hươu con vì quá thương mẹ làm việc ở vườn cam dưới trời nắng nóng nên đã bắc thang bắc ghế lên nuốt luôn cả Mặt Trời :p….

2. Xanh thật là xanh (2013) (preview: tại đây)

bia co ten copy

 

Truyện này có sự gắn bó mật thiết với bản thân mình, là ước vọng sâu thẳm không thầm kín của mình hiehie. Mà ai đọc cũng bảo con bé nhân vật chính giống hệt mình luôn =)))))) (chính là hình tượng bản thân).

Chuyện về một cô bé vì ghét ngủ trưa vô cùng nên mỗi ngày lại biến thành một thứ gì đó không ngủ trưa. Và hôm nay cô bé biến thành một cái cây…

3. I have a crush on you (2013) (preview: tại đây)

bia copy

 

Ôi đây là câu chuyện mình nghĩ ra trong 15ph trên tàu từ Nha Trang về Hà Nội và vô tình thế nào nó đã trở thành cuốn picture book ♥ đầu tiên mình được xuất bản (để bán). Internet hit thứ 2 của mình chệp.

Nhưng đôi lúc nghĩ, mình cũng không muốn câu chuyện này cứ bám vào mình mãi. Thế thì khổ thân mình lắm =)).

4. Một chuyện lòe loẹt (2014) (preview: tại đây)

truyện này lúc cuối tâm trạng chạm đáy quá nên phần typo nhìn hơi chán híc!
truyện này lúc cuối tâm trạng chạm đáy quá nên phần typo nhìn hơi chán híc!

Truyện sắp được in trong năm nay :). Truyện này gây cho mình vô vàn vô vàn đau khổ trong suốt quá trình làm (⊙︿⊙✿). Mà thực sự mình cũng chưa hài lòng 100% với kết quả cuối cùng, nếu mình kiểm soát tốt hơn cảm xúc trong khi làm việc thì chắc truyện này sẽ khá hơn, híc.

II. Minh họa và (dám) thêm thắt (đôi khi là tàn nhẫn) vào phần nội dung

1. Gấu vuông (2013): (preview: tại đây)

bia 1 copy

 

Quyển này vẽ vui vô cùng!!!!!

 

2. Sói Út (2013): (preview: tại đây)

bia 1 copy

Cuốn này mình đã “đắc tội” can thiệp dã man vào nội dung mà không bàn với tác giả trước T.T, tý nữa tưởng là chị em không nhìn mặt nhau nữa rồi. May mà nhà thơ rộng lượng hihihi (ღ˘⌣˘ღ)

3. Mía đường hay vội (2013)

bia_pa 2 copy

Cuốn này vừa vẽ vừa muốn… bóp cổ tự tử =))). Sách do NXB KĐ ấn hành, các bạn có thể mua ở các nhà sách, tuy là bản in ra chả hiểu sao nhìn bạc phơ bạc phếch -__- *rất là đau khổ*.

Có mấy truyện đang vẽ trong 2014 thì chưa xong, chưa in nên cũng chưa đưa vào mục này luôn (◡‿◡✿)

III. Truyện tung Internet (biết đâu lại được xuất bản)

[Đã hoàn thành]

1. ♥ monster (2011) (đọc tại đây)

204732_1966314353449_1915759_o copy

 

Vâng đây chính là cái truyện mình đã được hơn 1 triệu lượt like trên FB vào thời điểm nó trở nên viral =))).

2. Just say cheese (2012) (đọc tại đây)

bia

 

Truyện này thấy cũng được nhiều bạn thích, mà không bằng ♥ monster :p.

3. Thỏ thộn & gấu ngu hiểm (2011) (đọc tại đây)

tumblr_mv2ry3WhNZ1rj68xlo1_1280

truyện này vẽ hồi tháng 12/2011, vẽ cho thằng bạn đi tán gái =)).

[Đang vẽ tiếp]

4. Sounds from Tokyo (2014) (preview: tại đây)

Âm thanh từ Tokyo
Âm thanh từ Tokyo

Đây là một project khá đặc biệt, khác hẳn với những truyện mình từng làm từ trước đến giờ. Để biết chi tiết, các bạn hãy click vào link preview để đọc nhé :))))). Hoặc có khi theo dõi blog mình thường xuyên chắc cũng biết chuyện phần nào, chẹp (⊙‿⊙✿).

5. Rung ra rung rinh (2012) (preview: tại đây)

trag3 copy_s

 

Truyện này mình rất rất thích , chắc chắn một ngày sẽ hoàn thành nốt (ღ˘⌣˘ღ).

Và còn nhiều chuyện lặt vặt, truyện tranh một trang, nhật ký bằng tranh, kịch bản trên giấy, bản thảo….. hầy, lúc nào cũng thấy mình lười chảy thây, không biết bao giờ mới hoàn thành xong hết được đống này =_= . 

Mà thôi nhìn lại thấy cũng không đến nỗi quá tệ hén, cố gắng trong 2014 hoàn thành thêm 2 cuốn nữa 😀 *tung hoa* *tự vai* 

Đợi thư,

Hôm nay ở công ty mình đọc được câu chuyện này xúc động lắm lắm.

Chuyện về bạn Cóc và bạn Ếch. Một ngày bạn Ếch gặp bạn Cóc mặt mũi buồn thiu mới liền hỏi thăm thì bạn Cóc mới bảo, ừ đúng rồi, đây là thời gian buồn nhất trong ngày vì tớ đang đợi thư, mà không bao giờ có ai viết thư cho tớ cả. Bạn Cóc đợi hết ngày này qua ngày khác mà không có bức thư nào được chuyển tới.

Thế là hai bạn cùng ngồi thừ cả người.

hqdefault

Cuối cùng bạn Ếch quyết định về nhà và viết một bức thư, nhưng “sáng suốt” thay lại nhờ ốc sên đi gửi.

FrogToadFriends5

Rồi sang nhà Cóc cùng ngồi đợi thư, đợi mãi, đợi mãi mà không thấy thư tới. Đến đây Cóc trở nên tuyệt vọng, không có ai viết thư cho tớ cả và sẽ chẳng bao giờ có ai viết hết. Ếch thấy vậy mới bảo, tớ đã viết cho cậu một bức thư mà, tớ viết là “Cậu là người bạn tốt nhất của tớ“.

Thế là cả hai đứa mừng rơn. Lúc lâu sau bạn ốc sên mới chuyển thư tới nơi. Cơ mà chậm còn hơn không.

Câu chuyện này vô cùng đơn giản, câu từ vần điệu đọc lên nghe rất thấy ấm lòng. Lại nhớ mình với con bạn ở bên Úc, suốt ngày FB với nhau ầm ầm nhưng vẫn bày đặt viết thư tay 6-7 trang giấy cho nhau. Nhận được thư thấy phấn khởi vô cùng.

Cảm giác đợi một bức thư tay rất thú vị, nó khác hẳn với email. Nhìn được nét chữ viết tay cũng giống như nghe được giọng nói chứ không chỉ nhìn chữ hiển thị màn hình. Thấy thân thương hơn nhiều lắm!

Cho nên nếu có điều kiện thì hãy viết thư cho nhau đi. Chả biết liệu có ai như bạn Cóc ngày nào cũng có một thời gian buồn ơi là buồn vì chờ thư mãi chẳng thấy đâu.

p.s: cuốn này tên là The letter trong bộ  Frog and Toad Are Friends của tác giả Arnold Lobel

bài học

Có một điều ám ảnh trong các tác phẩm (từ sách truyện đến phim ảnh, kịch nghệ…) – mà chính xác là ám ảnh các tác giả – dành cho thiếu nhi ở Việt Nam từ bấy đến giờ: câu chuyện này dạy bài học gì?

Câu hỏi thường xuyên của các bậc “người lớn”: truyện này có giá trị gì, dạy trẻ con cái chi chi? 

Mình không bao giờ nghĩ tới vấn đề này trong lúc sáng tác (xin lỗi các bậc “người nhớn”). Cơ bản, mình không muốn dạy dỗ ai cả (mà mình cũng chẳng có khả năng sư phạm) và lo lắng về chuyện này là vô ích. Bởi mọi câu chuyện tự thân sinh ra (có chủ đích) đã có một ý nghĩa nào đó rồi.

Thật, bạn cứ thử nghĩ xem, làm gì có chuyện gì kể ra mà không thể “học” được điều gì (có điều là hay hay dở thôi). Có những câu chuyện chỉ kể về cảm xúc (vui, buồn, đau khổ, phấn khích, lo âu…), cái khác lại về những sự kiện, về lịch sử, về văn hóa, về một ý tưởng, một suy nghĩ, một chút quan sát… Những câu chuyện là những trải nghiệm (và ý tưởng) – từ tác giả đưa tới cho độc giả. Trải nghiệm lại không phải là ‘học tập’ sao? Làm ra cái mới không phải là sản phẩm cao nhất của việc ‘học tập’ hay sao?

Ngay cả những câu chuyện nghe qua có vẻ rất nhảm nhí như con vịt ngày nào cũng vào quán bar hỏi có bán đinh không. Một ngày kia nó không hỏi đinh mà lại hỏi có bán gạch không. Tất nhiên, chủ quán trả lời không. Thế là con vịt lại hỏi thế bác có bán đinh không. ‘Bài học’ ở đây có thể là sự ‘kiên trì’ mà không có suy nghĩ thì sẽ không dẫn tới một kết quả gì hết, hay nói rộng ra thì tư duy lối mòn sẽ chỉ mắc kẹt trong những ngõ cụt.

Vấn đề của những người kể chuyện chỉ là kể làm sao cho hay, cho chân thật, khéo léo bày tỏ sự tôn trọng với độc giả bằng việc không đập thẳng vào mặt họ những bài học giảng giải, đánh vần từng chữ kiểu họ bị mù chữ. Thật ra, mình nghĩ trẻ con vốn rất thông minh, chưa kể chúng có sức tưởng tượng phi thường, chúng ta không cần phải câu nệ thuyết giáo đạo đức cho chúng. (à, ‘đạo đức’ lại một khái niệm tương đối khác)

Sáng tác mà cứ phải đặt vấn đề dạy dỗ lên hàng đầu thì sẽ giống lên lớp, giảng cho kịp, cho đúng giáo án. Thế chả vui! Cả người dạy lẫn người nghe đều vậy. Chơi mới thích. Chơi đúng kiểu mới là cách học hay ho nhất.