Chú sâu bướm háu ăn & sách simple concept

Trong rất nhiều dòng nhỏ của sách tranh (picturebook), simple concept /khái niệm đơn giản/, là một trong những thể loại phổ biến & hữu ích nhất.

Concept book/ simple concept picture book/ sách tranh khái niệm đơn giản, dùng để giới thiệu những ý tưởng/ khái niệm cơ bản cho trẻ nhỏ. Đặc biệt ở lứa tuổi 0~6, đây là nguồn cung cấp thông tin hiệu quả. Những cuốn sách này thường trình bày các khái niệm cụ thể, đơn lẻ như bảng chữ cái, màu sắc, số và phép đếm, hình dạng và các khái niệm đối lập.

Công năng là thế nhưng sách không đẹp, không VUI thì làm sao thu hút được sự chú ý của các bạn bé. HỌC phải thông qua CHƠI cơ! Cuốn sách đỉnh nhất là cuốn sách “dạy” nhưng độc giả còn không biết, không cảm thấy mình đang phải học.

Read More »

Trong lúc đọc tiểu thuyết tình cảm,

Dù thường than thở, đổ tội cho “chiếc thuyền” mình đã đóng và đẩy mấy chục năm qua (chi tiết tại đây) làm mình ít tận hưởng, ít thấy thích được những câu chuyện tình yêu hư cấu, nhưng mình vẫn không thôi hi vọng tìm được những chuyện tình khiến mình thổn thức. Tôi vẫn muốn yêu đương chút chít, hường phấn thưa các bác!

Trong tuần vừa rồi, mình đã đọc vài cuốn tiểu thuyết, vài tập thơ thể loại tình cảm (tổng cũng phải hơn chục cuốn đấy), chủ yếu tìm kiếm những tác phẩm nhẹ nhàng, xoa dịu tâm hồn, ngọt ngào sâu răng. Vì vốn rất ít đọc thể loại này, mình đã chọn bừa vài cuốn có rating rất cao và cực kỳ nhiều bình luận trên goodreads. Và đáng buồn rằng mình chỉ toàn rate một hoặc hai sao cho mấy cuốn đó. Có vài cuốn đọc xong phát bực, mình than với bạn nhà mấy ngày liền chưa hết content.

Vấn đề chủ yếu của mình với những tác phẩm kể trên không hoàn toàn nằm ở văn phong (vì mình vốn không kỳ vọng vào điểm này, chỉ cần không sai chính tả, ngữ pháp, truyện dễ theo dõi là được) mà là ở câu chuyện và xây dựng nhân vật. Các tác phẩm này thường có những cái trope khá nhạt nhẽo hoặc tệ hơn, gồng hài hước dí dỏm, thông minh, gồng quirky, gồng đa dạng sắc tộc & xu hướng tính dục (tại sao mình thấy là gồng, vì các nhân vật đó hầu như chẳng được xây dựng gì, chẳng có cá tính gì, chẳng có story arc ra hồn, toàn bộ nhân vật chỉ là một cái check list nhồi cho đủ sự “đa dạng”). Phần miêu tả sex thì… không-nứng-nổi (cả sex dị tính lẫn đồng tính). Một cái trope khác là các nhân vật quan hệ hăng như thỏ, bảy lần một đêm ba ngày liên tiếp. Quan hệ nhiều tới mức mình đọc thấy mệt thay cho chúng nó, nhiều khi chỉ được nghỉ nửa trang sách trước khi vào hiệp tiếp theo. Nếu cốt truyện không mạnh thì xây dựng nhân vật thú vị cũng được, nhưng mấy cuốn mình đọc hầu như nhân vật nào cũng như mấy miếng bìa các tông, vô vị, cứng nhắc và không phân biệt nổi.

Read More »

Trong lúc đọc,

Trong Haikyu!! có một chi tiết lặt vặt chỉ một khung tranh ở góc mà mình rất thích. Đội bóng chuyền trường Karasuno vào đến giải toàn quốc, được lên Tokyo thi đấu. Mà trường nhỏ, ở tỉnh, kinh phí có hạn nên chỉ thuê được nhà nghỉ xoàng. Đến lúc mấy đứa gặp bạn bè ở các trường khác, giàu ơi là giàu, được ở khách sạn sang. Về lại nhà nghỉ chúng nó thi nhau kể những điều chúng nó thích ở chỗ ở hiện tại: nào là có món trứng cuộn ngon, nào là đồ ăn nhiều, rồi thì bà chủ dễ tính hay cho mượn xe đạp…

Chỉ có vậy thôi nhưng lúc đọc mình thấy xúc động vô cùng. Trời ơi cái lũ này sao mà đáng yêu, trong sáng đến thế! Chúng nó chỉ cần được chơi bóng chuyền thôi, còn cái gì cũng được, cái gì cũng tốt cả.

Hồi còn trẻ dại mình rất thích những thứ mỉa mai. Nhưng càng có tuổi, mình càng bớt đi nhiều, chỉ dễ cảm động với những thứ tốt lành nhỏ bé. Những thứ gay gắt, chê bai khiến mình thấy mệt. Đến mức bây giờ viết review mình chỉ muốn viết về những tác phẩm mình thích (tất nhiên vẫn sẽ có những điểm chưa tốt, nhưng ít nhất phải hứng thú với tác phẩm đó đã). Chỉ fan-gơn mới thấy lòng hăm hở. Xem/ đọc một tác phẩm dở đã oải rồi, nhớ lại về nó là thêm một lần oải, lại còn phải viết nữa thì muôn phần uể oải.

Read More »

Về Haikyu!!

Podcast Nghe nói là của chúng mình mới lên sóng tập mới nhất về manga. Nếu các bạn chưa nghe thì nghe thử chút xem sao nhé!

Đây là bản lưu trữ những stt mình viết về Haikyu suốt đợt vừa rồi, đề phòng lúc nào đó mình sẽ lại giở chứng đóng FB :v.

Read More »

Sách là để đọc,

Trong cuốn Proust có thể thay đổi cuộc đời bạn như thế nào của tác giả Alain de Botton, có một chương nói về chuyện đọc sách sao cho hiệu quả. Kết luận của tác giả trong chương ấy, đại ý là, mọi sách vở trong cuộc đời đều chỉ mang tính tham khảo, là những gợi ý mở đường cho những khả năng mới, tuyệt đối không phải chìa khoá vạn năng giải đáp mọi vấn đề của đời người, bất kể tác giả là người thông tuệ đến đâu.

Là một người đã đang và vẫn sẽ làm việc với sách, mình hoàn toàn đồng tình với quan điểm kể trên. Cốt lõi của giá trị đọc sách là đọc càng nhiều ta sẽ càng có nhiều gợi ý, biết thêm nhiều khả năng, lựa chọn. Và chức năng quan trọng không thể bỏ qua nữa là để giải trí. Tuy vậy không đảm bảo rằng cứ đọc nhiều sách là sẽ trở nên hiểu biết, tài năng (có khi chỉ thành anh ngộ chữ thôi). Cùng một cuốn sách nhưng ngấm được đến đâu còn tuỳ người. Nhưng hầu hết những người hay ho, giỏi giang, thành đạt đều đọc sách (không có nghĩa chỉ đọc sách mới có thể trở nên hay ho. Là một chiều thôi.).

Mình luôn coi sách và việc đọc sách là một thứ thường nhật, giống như chuyện ăn chuyện mặc. Không nên quá căng thẳng, trầm trọng hoá vấn đề. Đặc biệt không cần tôn thờ sách, đem đóng tủ kính tháp ngà, thờ phụng. Mình quý sách và giữ gìn sách rất cẩn thận, cũng như mình nấu nướng cũng cẩn thận, sạch sẽ. Nhưng mình cũng có thể thoải mái đem sách bán đồng nát, kê chân tủ, hoặc để đầy lên sàn nhà nếu tủ hết chỗ cất (nhất là khi mình sống ở một nơi động đất suốt ngày – nhưng ít ẩm mốc, để sách nặng dưới sàn là phương án an toàn hơn nhiều các bạn ạ). Đối với mình, cách trân trọng sách chân thành nhất là ĐỌC chúng, tận hưởng, phân tích để hiểu cuốn sách đó.

Read More »

Truyện cổ tích, đọc hay bỏ?

Hôm nọ mình vừa đọc được một bài viết nói về những phê phán xung quanh truyện cổ tích. Đây là chủ đề khá thú vị!

Những gì được dẫn ra trong bài viết, lẫn một số comment của độc giả, mình thấy đều xuất phát từ việc chưa hiểu chính xác về truyện cổ tích lẫn giá trị của chúng. Những gì mình muốn nói quá dài để dành cho một comment, nên mình phải biên hẳn bài này đây.

TRUYỆN CỔ TÍCH LÀ GÌ? CHÚNG ĐẾN TỪ ĐÂU?

Người viết đã quá chủ quan rằng bản thân lẫn người đọc ai cũng hiểu rõ truyện cổ tích là cái gì. Trước nhất, cần phải đưa ra một định nghĩa về truyện cổ tích. Dưới đây là định nghĩa từ sách ngữ văn của Việt Nam:

Truyện cổ tích là những truyện truyền miệng dân gian kể lại những câu chuyện tưởng tượng xoay quanh một số nhân vật quen thuộc như nhân vật tài giỏi , nhân vật dũng sĩ, người mồ côi, người em út, người con riêng, người nghèo khổ, người có hình dạng xấu xí, người thông minh, người ngốc nghếch và cả những câu chuyện kể về các con vật nói năng và hoạt động như con người.

Căn cứ vào nhân vật chính và tính chất sự việc được kể lại, có thể chia truyện cổ tích ra làm 3 loại :Truyện cổ tích về loài vật, truyện cổ tích thần kỳ, truyện cổ tích thế tục (cổ tích sinh hoạt).

Read More »

Vì sao mình không bao giờ muốn tới Neverland,

Mình thích hầu hết các phim hoạt hình classic 2D của Disney, ngoại từ Peter Pan. Ngày nhỏ, mình chỉ đơn thuần không thích, cũng không nghĩ sâu và không giải thích được vì sao mình lại không thích câu chuyện này. Mình cũng đã từng đọc thử sách nhưng hầu như không nhớ gì, không có ấn tượng nào đọng lại.

Giờ khi đã lớn hơn, đọc và tìm hiểu được nhiều thứ hơn, mình liền nghĩ lại và tìm cách giải thích xem điều gì khiến mình không kết nối được với Peter Pan. Tất nhiên, có thể đơn giản nói là tôi không thích thôi nhưng… thế thì nói làm gì? :)))

Điều đầu tiên, Peter Pan là một câu chuyện với concept (khá phổ biến) trốn chạy thế giới thực, thêm chút tránh né trách nhiệm làm người lớn. Mình yêu thích khá nhiều tác phẩm với concept này: Biên niên sử Narnia, Momo, Chuyện dài bất tận (Never ending story), Where the wild things are… Có gì khác biệt giữa việc chạy trốn của Peter Pan với Momo hay anh chị em nhà Pevensie?

Không biết những đứa trẻ khác thế nào nhưng ngày nhỏ mình rất muốn lớn, luôn phấn khởi mỗi lần khai giảng được lên lớp. Mong thành người lớn để được làm đủ thứ tự do tuỳ ý. Việc thích làm trẻ con và mong được làm trẻ con mãi – mình nghĩ – chỉ xuất hiện ở người lớn – những người biết được rằng lớn không vui như mày tưởng đâu (aka đừng lớn bẫy đấy). Một trong những bản năng thuần tuý nhất của những đứa trẻ là tò mò, những gì chúng chưa từng được thử sẽ muốn thử. Làm người lớn là một trong những điều bí ẩn to đùng. Khi còn bé, mình không tài nào đồng cảm được với việc Peter Pan không muốn lớn, mãi mãi mắc kẹt ở hình dạng một đứa trẻ. Thêm nữa, lúc bé mình không thích ý nghĩ bố mẹ biến mất. Giống như đi siêu thị đông nghịt mà bị lạc mất bố mẹ vậy, không vui vẻ tý nào.

Những vùng đất kì diệu thường không có luật lệ để tới hay ở lại, chỉ cần muốn là đến, mở sách ra đọc là tới, chui qua tủ quần áo là tới, vào phòng đóng cửa rồi dong buồm ra khơi là tới… Nhưng luật ở Neverland là phải bé mãi, không được lớn – một mong muốn mà ngay từ đầu mình đã không có.

Read More »

Khi sách không cố dạy ta điều gì,

Mình xuất phát là một độc giả, sau lớn thì dấn thân vào ngành làm sách. Tới nay cũng đã vật lộn với sách vở được hơn tám năm. Từ nhỏ mình đã nghĩ, nếu sau có đi làm văn phòng, mình chỉ muốn làm ở một NXB, và sau đúng là như vậy thật.

Mình có quan điểm linh hoạt về sách. Mình không tôn thờ sách, sẵn sàng kê sách dưới chân giường. Đọc xong rồi mà chẳng muốn đọc lại thì đem gói xôi cũng okie. (Và mình rất thích Kindle, các bạn cứ phải chuyển nhà nhiều mà thích đọc mà xem 🙂 ) Với mình, sách không chỉ là tri thức/ kiến thức, mà rộng hơn, đó là những ý tưởng – suy nghĩ – quan điểm của từng cá nhân. Mình thích đọc sách vì tò mò người khác nghĩ gì về thế giới, cách họ nhìn nhận, mổ xẻ cuộc sống. Biết thêm, dù là những thứ mình không đồng tình, không thấy hay ho, thì cũng vui. Cho biết, vậy thôi! (hoặc là để cãi nhau, luyện chính tả, xả xì trét)

Ngày Nobel văn học được trao cho một nhạc sĩ/ ca sĩ – Bob Dylan, dù có nhiều tranh cãi, với mình đó là một bước đi thú vị – có thể không cần thiết, đúng đắn lắm, nhưng thú vị. Vì họ đã gửi tới thế giới thông điệp rằng, văn học có thể là những thứ khác hơn người ta tưởng tượng. Cũng như mình hoàn toàn đồng tình nếu coi rapper giống như nhà thơ, nếu phần lyric họ viết thật sự đầy chất thơ, thể hiện khả năng ngôn ngữ xuất chúng.

Read More »

C’est La Vie! – Cuộc đời thi vị của Sempé (phần 2)

Cứ lúc nào được nghỉ phép, tôi lại lao đến những toà soạn trong thành phố để gửi tranh. Một vài trong số chúng được nhận và thậm chí được in. Tôi thường ăn mừng việc được in tranh bằng cách tự thưởng cho mình được đi bằng xe buýt, một phương tiện đắt đỏ hơn Métro, nhưng có một điều xa xỉ mà ngày nay không được biết tới: những bến đỗ xe. Bến đỗ xịn cho phép bạn lên xe buýt lúc xe vẫn đang di chuyển, và xuống xe lúc chúng còn chưa dừng hẳn. Người lái xe đợi tín hiệu của người điều phối để kéo dây xích treo ở bến trước khi lái đi. Có những lúc khi người điều phối đứng đằng trước mũi xe và bạn có thể tự tay kéo xích (nó là một cái cần gạt có tay nắm bằng gỗ), lúc ấy bạn thường nhận được một cái nhìn cảm ơn từ những nhân viên của Hệ thống giao thông công cộng Paris, và đôi khi là cả sự kính trọng của những nữ hành khách nhìn bạn như một người đàn ông luôn chủ động.

Read More »

C’est La Vie! – Cuộc đời thi vị của Sempé (phần 1)

Độc giả Việt Nam chắc quen nhất với hoạ sĩ Jean-Jacques Sempé qua bộ sách Nhóc Nicolas mà ông minh hoạ. Nhưng bản thân Sempé cũng là một hoạ sĩ minh hoạ/ biếm hoạ vô cùng thành công. Ông đã xuất bản rất nhiều cuốn artbook vô cùng thú vị.

Nhân mình mới mua được cuốn tổng hợp, có một phần tự giới thiệu của Sempé, về cuộc đời và quá trình đến với nghệ thuật của ông, đọc khá thú vị. Mình xin lược dịch ở đây. Có sai sót gì xin thứ lỗi, nói chung mình vẫn dịch không được hay lắm đâu (may quá tôi đã bỏ nghề dịch).

Bìa sách

Tôi sinh ngày 17 tháng 8 năm 1932 tại Bordeaux (Pháp). Nơi đây, bố tôi – ông Edmond Ulysse Sempé từng làm nhân viên bán hàng cho một công ty thực phẩm trong một thời gian ngắn. Ông ấy từng đạp xe vòng vòng, chở đầy cá mòi, cá cơm, cá ngừ đóng hộp, pate, trong một cái vali nhỏ buộc ở phần giỏ xe trước, đại diện công ty đi chào hàng các cửa tiệm bán lẻ khắp Bordeaux và những vùng lân cận.

Dần dà mọi người bắt đầu sử dụng điện thoại ngày càng nhiều. Thế là cách bán buôn thư thả này đột ngột kết thúc.

Read More »