Kể chuyện đi tập quân sự,

Những chuyện các em du học sinh về nước trốn dịch, lại kêu ca cơ sở vật chất của khu cách ly, đều do các em đã đi du học quá sớm, chưa kịp trải nghiệm việc đi học quân sự tập trung. Quả là một thiếu sót quá lớn.

Ngày xưa trường mình đi quân sự đúng 1 tháng, ở ký túc xá trường TDTT. Bình thường 1 trường một đợt, không hiểu sao đợt đó dồn luôn 3 trường vào chung cho vui. Thế nên phòng 7 người được ở tận 14 người, trộn chung 3 trường luôn.

Cái phòng mình bé tý, ko đệm, không chăn gối, ko rèm cửa (sáng ra không cần báo thức, nắng rọi thẳng vào mặt tự tỉnh ngay), ko quạt. Đi quân sự là tháng 7 đó các bác, tháng 7 của VN đó Đêm đầu tiên cả lũ nằm hết xuống sàn nhà, lúc nhúc như lũ lợn con, mà vẫn không ngủ được vì quá nóng.

Read More »

Một mình

ORG__DSC2823 copy
Một trang trong cuốn Oh, the Places you’ll go! của Dr.Seuss

Oh, the Places you’ll go! là một trong những cuốn picturebook đầy tính triết học, những suy tư về cuộc đời dưới cách kể nhẹ nhàng, dễ hiểu, không chỉ dành cho trẻ con, mà cả người lớn nữa.

Đây là một trong những trang mình thích nhất:

All Alone!

Whether you like it or not, Alone will be something you’ll be quite a lot.

And when you’re alone, there’s a very good chance you’ll meet things that scare you right out of your pants. There are some, down the road between hither and yon, that can scare you so much you won’t want to go on. 

Chúng ta sẽ phải ở một mình kha khá đấy!

Hồi mình học cấp 1 ở Thực Nghiệm, trường rất xa nhà. Bố mình thường xuyên đi công tác vắng nhà. Mẹ mình làm ở cửa hàng thực phẩm phải mở hàng từ sớm. Thế nên mặc dù trường mình 8 giờ mới bắt đầu vào học, mình luôn có mặt ở trường lúc 7 giờ. Sáng phải dậy từ 6 giờ 6 rưỡi, chuẩn bị, ăn sáng, rồi mẹ đưa đi học, khi trường còn vắng tanh không một bóng người. Bác bảo vệ nhớ mặt mình luôn – học sinh luôn đến sớm nhất trường.

Mình có rất nhiều thời gian chơi một mình. Nhưng mình không thấy chán cũng không thấy sợ. Mình có lẽ đã luôn là một đứa trẻ giỏi chơi một mình (chắc thế nên mình không giỏi chơi với người khác nhiều).

Khi mình (buộc phải) bước vào thế giới người lớn thật sự, mình dần trở lại với việc chơi một mình nhiều, chỉ khác lần này không chỉ là trong khuôn viên trường, mà là một xã hội rộng lớn hơn nhiều.

Những dạo gần đây, đôi lúc mình cảm thấy chán nản, vừa do bệnh vừa do mình không vẽ được gì. Mình lại nhớ lại khoảng thời gian trước khi mình quyết định qua Nhật. Mình còn tuyệt vọng hơn, cùng cực hơn. Mình thường xuyên cãi nhau với bố mẹ, mình chán ghét môi trường làm việc, luôn phải đề phòng đồng nghiệp, mệt mỏi với công việc, người yêu thì ở xa, một năm gặp được 2 lần… Mình đã có thêm một cơ hội để bắt đầu lại, và làm cho tốt hơn.

Mấy ngày nay, mình nghĩ về chuyện làm sao master được kỹ năng ở một mình, vẫn vui và thoải mái như những ngày mình học cấp 1. Nó khiến mình thấy vui hơn. Mình vẫn mong chờ những người bạn mới, nhưng phải hợp mới chơi. Và mình tin là mình sẽ có thôi. Những người cùng tần sóng sẽ luôn có cách tìm thấy nhau, như mình với đám bạn của mình vậy.

Đợt này mình đang đọc cuốn Quiet của Susan Cain, thấy rất đồng cảm (đọc xong mình sẽ viết reivew). Những người có thái độ phán xét việc mình luôn thích việc ở nhà cả ngày ngồi vẽ (aka làm việc), đọc sách, viết… hơn là ra ngoài gặp và nói chuyện với nhiều người sẽ không bao giờ hiểu được mình như cuốn Quiet này. Điều hài hước là thậm chí họ sẽ không nhận ra họ đang phán xét, họ luôn cảm thấy mình sống như vậy là không tốt cho mình?!?, và như thế thì chán chết đi được.

Để một mình hiệu quả,  mình có vài gạch đầu dòng:

  • Phải nghiêm khắc với bản thân, quy củ. Qúa nhiều tự do cũng là một thử thách.
  • Đặt vừa đủ những mục tiêu hợp lý.  Mình nhận ra sai lầm ngay từ đầu là đã đặt ra quá nhiều mục tiêu, khiến tự bản thân bị ngợp rồi lại lười chẳng hoàn thành được cái gì.
  • Highlight những điều quan trọng, cốt lõi mà bạn luôn mong mỏi hoặc yêu thích, dành tâm huyết cho nó.
  • Giữ liên lạc thường xuyên với những người thân thiết, những người bạn không phải giả vờ hay sợ bị phán xét khi tâm sự. Nhớ gọi điện về cho nhà nếu ở xa nữa.

Ít nhất mấy tuần nay mình cũng giữ được đúng lịch thứ 6 hàng tuần đăng bài rồi nè :p !

 

Trải nghiệm nằm viện tại Nhật,

Thứ 6 tuần trước, đang trong lớp (cố gắng) học chăm chỉ, mình lăn ra đau bụng dữ dội. Thế là lần đầu tiên được cáng lên xe cấp cứu, ò e í e rộn cả một góc phố. Đến viện lăn hết từ phòng chụp này sang phòng siêu âm nọ, bác sĩ quyết định cho vào phòng mổ gấp ngay trong ngày.

Ca phẫu thuật tiếng rưỡi qua trong một cái chớp mắt. Gây mê cái lịm đi mở mắt ra đã thấy người cắm đống dây dợ. Sau đó là một tuần nằm viện.

Ấn tượng của mình với bệnh viện ở Việt Nam là lúc nào cũng nồng nặc mùi thuốc sát trùng, ám ảnh vô cùng, thê lương vô cùng (tuy giờ thì bệnh viện tư nhân cũng khác nhiều rồi). Lần này mình cũng nằm viện công, rất sạch sẽ (đúng tiêu chuẩn Nhật hehe), sạch đến không có tý bụi nào, không có mùi gì. Hàng ngày đều có nhân viên đi lau dọn hai ba lượt. Thêm nữa lại hết sức yên tĩnh.

40989957_1963327637298395_7751996153406685184_n.jpg

Phòng mình bốn người, nhưng chỉ có ba bệnh nhân. Phòng khá rộng rãi, thoáng mát. Mình còn được nằm giường cạnh cửa sổ.

Bạn nhà đi chăm vợ ốm khểnh chân chơi điện tử, hừm.

Ngoài ra bệnh viện có phòng riêng để gọi điện thoại (để không làm phiền bệnh nhân trong phòng), phòng ăn riêng hoặc muốn tiếp người thân đến thăm, phòng tắm chuyên dụng, siêu thị tiện lợi…

Thi thoảng cũng bắt gặp những thông báo được dán trên tường thế này:

IMG_3204.JPG
không được nện bác sĩ

Hết mục tả cảnh.

Bác sĩ và y tá ở đây rất thân thiện, tận tình, lúc nào cũng tươi cười chứ không cáu gắt quát mắng bệnh nhân. Mình mổ xong cũng hồi phục khá nhanh (mình không phải uống kháng sinh). Lúc nhập viện, mình đau quằn quại ngồi không nổi, thở không xong nhưng phải trả lời tiếng Nhật liên tiếp ( . _ . ). Thật là một hoạt cảnh khủng khiếp khi đã đau bụng còn phải chia động từ tiếng Nhật. Sau đó, “tiếng lành đồn xa”, bác sĩ và y tá nào cũng hết sức nỗ lực dùng tiếng Anh với mình, họ còn dùng cả google translate để hỏi chuyện mình bằng tiếng Việt. Dù tiếng Việt của chị Gu gờ rất kỳ nhưng mình đánh giá cao sự tận tình của nhân viên ở đây.

Sau khi mổ xong hết đau bụng, mình đã tỉnh táo trở lại để chia động từ. Các bác sĩ và y tá bắt đầu nói chuyện tiếng Nhật với mình, không cậy nhờ chị Gu gờ nói tiếng Việt lớ ngớ như Việt kiều xa quê nữa. Mình còn làm quen được người bạn Nhật đầu tiên nữa *chấm nước mắt*, là cô y tá tên Kagi (nghĩa là chìa khoá), cô đang học tiếng Anh nên bảo mình có thể gọi cô là Key, Key-san. Key san rất mê đi du lịch và ăn uống, đã từng đến Việt Nam và bị phê đồ ăn ở đây, nhất là xoài và tôm. Cô bảo đang nỗ lực đi làm và học tiếng Anh để đi chơi thế giới đây này. Sugoi ne!

Nằm viện một tuần mình còn được luyện nói nhiều hơn học trên lớp. Và họ cũng hiểu được hết những gì mình nói *xúc động*. Qua những lần nói chuyện, mình mới biết, dù họ đang làm một công việc ổn định, dù đã tiệm cận tuổi trung niên, vẫn không ngừng học thêm những thứ mới (đôi khi chả liên quan gì tới công việc đang làm), thậm chí cả về tiếng Nhật. Điều này với mình thật đáng nể.

Y tá lúc nào cũng túc trực, vài tiếng lại quay lại kiểm tra (hoặc có thể bấm nút gọi). Tối tắt đèn đi ngủ thì cứ một tiếng lại vào rọi đèn xem bệnh nhân đã ngủ chưa, như giám thị ngày xưa ý. Bạn nhà mình bị mẹ mắng vì không ngủ lại bệnh viện trông mình đêm đầu tiên sau khi mổ xong. Nhưng cái đó mình thấy không cần thiết, và chưa chắc người nhà đã được ngủ lại. Ở VN mình thiếu y tá quá nên người nhà phải tự túc trực. Chứ bệnh viện ở đây y tá theo dõi rất cẩn thận sát sao rồi, người nhà nên nghỉ ngơi thì hơn vì sau đó còn rất nhiều việc mất sức khác.

Đồ ăn ở bệnh viện cũng rất ngon, dễ ăn. Mình có ký hoạ lại mấy bữa.

Điều quan trọng cuối cùng mình muốn nhắc tới là viện phí. May mình có bảo hiểm, nên chỉ phải trả 30%, không thì viện phí đã lên tới hơn trăm triệu *ngất một chút*. Mình nghe nói có rất nhiều du học sinh VN sang đây cố tình không đóng tiền bảo hiểm. Cái đó dại dột cực kỳ, nếu có đi Nhật, hãy nhớ tuyệt đối đóng đủ bảo hiểm nhé! Bảo hiểm ở Nhật khác VN ở chỗ có thể được áp dụng ở mọi nơi (mọi phòng khám, bệnh viện, hiệu thuốc) chứ ko như VN chỉ được ở một bệnh viện mình đăng ký.

Viết dài quá rồi, mình xin kết tại đây. Hiện giờ mình cũng khoẻ lên nhiều rồi, chỉ có cười to hay hắt xì là đau vết mổ. Thế là đành làm quý cô ít lời, hiền dịu hẳn một tháng trời. Khổ vcđ!

Triển lãm Cờ cá Koi (koinobori)

Ngày 5/5 hàng năm là ngày tết thiếu nhi ở Nhật, 子供の日. Vào ngày này người ta sẽ treo cờ cá chép hay còn gọi là Koinobori (鯉 là cá chép cảnh của Nhật, のぼりlà cờ). Những chiếc cờ này được thiết kế giống cá chép, khi treo cả dàn lên sẽ tạo ra một khung cảnh nên thơ, giống như cá chép đang bơi trên nền trời xanh vậy.

Koinobori-childrens-day
credit: skyehohmann.photoshelter.com

Trước thì Koinobori là dành riêng cho ngày bé trai, ngày bé gái thì sẽ có búp bê. Nhưng hiện giờ thì mình thấy cũng không còn quá tách biệt, đến lễ treo cờ Koinobori thì bé nào cũng phấn khích cả, mình cũng thế :))). Có những nơi tổ chức lễ hội lớn thì sẽ treo cả nghìn cờ cá chép, còn ở những khu dân cư bình thường như nhà mình thì chỉ treo một hai dải cờ,  nhìn cũng rất vui rồi.

Hôm đó mình có đi xem một triển lãm Koinobori ở bảo tàng nghệ thuật quốc gia. Koinobori truyền thống được cách điệu, nâng tầm, trừu tượng hoá hơn. Không còn những chi tiết cụ thể như mắt, vây, đuôi cá nữa, thay vào đó là sự đa dạng của chất liệu, hoạ tiết, màu sắc cùng với sắp đặt không gian, ánh sáng và âm thanh.

IMG_2495

Đàn cá Koinobori “bơi” từ ngoài cửa vào, chuyển dần từ đen trắng sang vàng, đỏ, xanh… cùng với tiếng sóng biển “vỗ” từ trên trần nhà :))))).

IMG_2450

IMG_2449.JPG

Ở giữa triển lãm có đặt rất nhiều beanbag (dịch là gì ta?) để khách tham quan có thể thoải mái ngồi ngắm cá bơi. Thật là đã kinh khủng!

IMG_2497.JPG

Triển lãm này mình đã đi từ hồi tháng 5, giờ cũng không còn nữa nhưng hôm nay tự dưng nhớ ra nên muốn viết bài giới thiệu về nó. Đây là một trong những thứ mình nể phục dân Nhật, họ biết cách vừa gìn giữ văn hoá truyền thống, vừa nâng tầm, cải tiến những hoạt động văn hoá ấy cho phù hợp với thời đại. Gần đây ở Việt Nam có triển lãm Vẽ về hát Bội của các hoạ sĩ trẻ mình thấy cũng rất xuất sắc, nên phát huy.

ORG__DSC0955.JPG

Khách tham quan triển lãm này rất đông, và cũng có rất nhiều trẻ con. Chúng nó cực kỳ phấn khích chạy chơi quanh đống cá. Điểm này thì trẻ con Nhật thật là sướng!

Nếu có dịp đi du lịch Nhật, ngoài những đợt nổi tiếng như tháng 4 hoa anh đào hay tháng 11 lá phong đỏ, thì những ngày lễ khác như tết thiếu nhi tháng 5, hoặc lễ hội pháo hoa tháng 7 hay xem đom đóm tháng 8 cũng vô cùng thú vị, rất đáng xem.

 

Bảo tàng nghệ thuật Digital

Ở Tokyo mới khai trương một bảo tàng nghệ thuật kỹ thuật số, kết hợp với cty Epson, tên là Digital Art Museum.

IMG_2847.jpg

Concept của triển lãm phá vỡ mọi quy tắc, khám phá và phát huy trí tưởng tượng. Nguyên bảo tàng là một toà nhà được sơn đen sì, đến nhân viên cũng mặc toàn đồ đen. Triển lãm phô bày những công nghệ ba chiều đời mới, tương tác với tổng diện tích lên tới 10.000m2, 520 máy tính và 479 máy chiếu, tạo ra một không gian ảo ấn tượng.

Bảo tàng được chia thành nhiều khu vực trình chiếu với những chủ đề khác nhau, rừng bươm bướm, rừng hoa, rừng đèn, thế giới pha lê… Tuy vậy sẽ không có chỉ dẫn hay bản đồ gì hết, mà người xem tự chủ động lang thang, khám phá mọi ngõ ngách. Các tác phẩm cũng thay đổi liên tục. Những hình ảnh được trình chiếu trên sàn hoặc tường có thể tương tác trực tiếp. Ví dụ có hình ảnh một con thạch thùng đang chạy trên sàn, bạn giẫm vào đó thì nó sẽ… tan xác thành những mảng màu. Thấy bọn trẻ con có vẻ rất thích trò giẫm giẫm này.

Không chỉ là không gian phô diễn ánh sáng, hình ảnh, âm thanh, triển lãm này còn tạo ra nhiều không gian để vận động. Như khu vực “Khu rừng vận động”, có cả trampoline, có “đồi núi” để leo trèo… Hoặc cả một căn phòng toàn bóng cao su đổi màu sặc sỡ.

ORG__DSC1298.JPG

Ba khu vực mình thích nhất là Rừng đèn, Thế giới Pha lê và một phần bóng cao su ở Khu rừng vận động. Rừng đèn thì lãng mạn, nên thơ như ngày sinh nhật của Rapunzel (lúc đứng xếp hàng chờ vào có cô bé tâm sự với mẹ như thế). Ánh sáng từ những chiếc đèn được thả từ trần xuống, thay đổi nhẹ nhẹ chầm chậm từ vàng cam sang hồng, xanh, đỏ. Toàn bộ sàn và tường được lắp gương khiến căn phòng dường như vô tận.

ORG__DSC1306 2

Phòng này có vẻ là khu vực hot nhất bảo tàng, người xếp hàng lúc nào cũng đông, mỗi nhóm khách tham quan chỉ được ở trong đó khoảng 3-4ph.

Phòng Thế giới pha lê thì giống như bước vào một cảnh phim Star Trek lúc tàu USS chuẩn bị nhảy bước nhảy ánh sáng vậy. Kết hợp với âm nhạc tạo ra một trải nghiệm choáng ngợp.

Ngoài ba khu vực trên thì cơ bản bảo tàng này làm mình đau đầu, chóng mặt, bức bí, giống như bạn bị nhốt trong một cái TV khổng lồ vậy, và các hình ảnh liên tục chuyển động không ngừng. Những khu vực trưng bày mô phỏng thiên nhiên, như sóng biển hay cây lá mình không đánh giá cao lắm. Chúng khiến mình cảm thấy hơi lạnh sống lưng, như những bộ phim scific về một thế giới tuyệt vọng khi con người không còn thiên nhiên thực sự nữa mà phải sống trong thế giới ảo vậy.

Một vài điểm chú ý khi đi bảo tàng này:

  • Không được đi giày cao gót và dép xăng đan, vì có nhiều đoạn leo trèo này nọ. Ở bảo tàng có sẵn giày cho khách mượn.
  • Có nhiều khu vực sàn gương nên tốt nhất không nên mặc váy ngắn, hơi bất tiện tý.
  • Vé vào cửa là 3200¥ cho người lớn và 1000¥ cho trẻ em (nhà mình đặt vé sớm nên còn có khoảng 2400¥), tuy nhiên chơi được cả ngày nên mình thấy cũng hợp lý.
  • Không được mang đồ ăn, đồ uống vào trong mà chơi lâu sẽ khá mệt nên tính toán ăn uống trước để có đủ sức chơi bời.

Tuy nhiên, tóm gọn lại thì mình vẫn thấy đây là một nơi đáng thử đến một lần, vừa choáng ngợp vừa đáng sợ (ở khía cạnh scific). Nhưng cá nhân mình sẽ không quay lại lần thứ hai.

p.s: mình có quay video mà wordpress đòi tiền mới cho up, nên… bye!

Bốn mùa một năm,

Khi mình bắt đầu chuyển đến sống ở Nhật, một trong những điều mình thích nhất ở nơi này là cảnh sắc bốn mùa. Trong tiếng Nhật, “bốn mùa” là “四季” (shiki – gồm chữ Tứ và chữ Quý), Shiki là một trong những đặc trưng mà người Nhật tự hào về đất nước mình (mình được biết điều này trong một buổi học về văn hoá Nhật).

Ở Hà Nội cũng có bốn mùa, nhưng bốn mùa Hà Nội có gì khác với Nhật? Hà Nội tháng 2 có hoa đào, tháng 3 có hoa sưa trắng một góc trời cũng lãng mạn và xao xuyến vô cùng, tháng 6 có hoa sen, hoa bằng lăng tím, tháng 9 có hoa sữa (ặc ặc mình siêu ghét cái mùi đau đầu này), tháng 12 có hoa cải vàng… Vấn đề không phải chuyện thiên nhiên không ưu đãi, mà do ở mình quy hoạch đô thị, xây dựng hình ảnh du lịch không tốt đấy. Cùng là bốn mùa, Nhật rất biết “nhấn mạnh”, làm nổi bật những đặc trưng ấy lên. Ví dụ đến mùa hoa anh đào, hình ảnh hoa anh đào sẽ xuất hiện khắp mọi nơi, từ lon bia, chai rượu, cái bánh cho tới xe buýt, băng rôn, poster… Đến mùa lá phong đỏ (momiji) cũng vậy. Giá mà ở nhà mình, người ta cũng quy hoạch cây cối được tốt như vậy. À mà chưa cần đẹp đâu, chỉ cần đừng chặt cây bừa phứa là được rồi!

Vẻ đẹp bốn mùa ở Nhật có thể nhìn thấy ở bất cứ đâu, ngay từ một góc phố bình thường. Giờ đang là mùa mưa, loài hoa đặc trưng của mùa mưa là cẩm tú cầu. Họ trồng rất nhiều loại cẩm tú cầu ở mọi ngóc ngách phố phường, tạo ra những cảnh tượng như một thước phim điện ảnh.

ORG__DSC1098.JPG
hoa cẩm tú cầu mình chụp ở một công viên nhỏ trong thành phố

 

HipstamaticPhoto-550921529.159545.JPG
Chiếc ghế này nằm trên một con đường nhỏ dọc bờ sông, ngay gần nhà mình

Nhật thực sự là một dân tộc duy mỹ, họ quan tâm đến thẩm mỹ của môi trường sống và làm điều đó một cách triệt để. Cùng là ngắm thiên nhiên trong thành phố, ở mỗi nơi lại có không khí khác nhau. Ví dụ ngắm hoa anh đào trên phố và trên sông cảm giác khác biệt hẳn.

IMG_0364_polarrIMG_0365_polarr

Đến mùa Momiji thì cây cỏ như một dải màu gradient tuyệt mỹ. Không chỉ lúc lá đỏ rực đúng độ mới đẹp, mà cả lúc cả thiên nhiên cây cỏ đang chuyển mình cũng xuất sắc không kém.

IMG_4113

Đi Nhật chơi mùa nào cũng có cái đẹp riêng. Đi lúc nào cũng thích, chỉ cần có tiền thôi :)))

p.s: ảnh toàn bộ là mình chụp, mong bạn đọc blog thì đừng repost lung lung. Nói tử tế thế thôi chứ chủ yếu vẫn là tự giác mỗi người, mình cũng chả kiểm soát nổi. 

Lần đầu đi xem kịch

Tối nay mình đi xem một vở kịch. Không đến nỗi dở nhưng thoại hơi sáo, nội dung thì dễ đoán mà nhân vật thì một chiều. Cô Lụa đi bán lụa, nổi tiếng nhất vùng, gặp anh Cuội chuyên đi bịp thiên hạ vì lỡ đem lòng yêu cô nên đi lừa cô lấy thằng công tử vừa già vừa xấu (anh không có ý đấy đâu nhưng cô có biết kế hoạch của anh đâu, lỡ đưa chân rồi anh kêu gì). Cô Lụa cũng ẻo lả như lụa vậy, nhẫn nhịn và câm nín được cái hay giáo điều. Khổ thân anh Cuội yêu phải gái xinh.

Thi thoảng lại có ba bạn hip hop cool ngầu xông ra phá sóng. Rap chuyện thiên địa nhân sống trong trời đất phải trung thực ôi thôi.

Cứ đến mấy đoạn tình cảm ôi Lụa ơi anh yêu Lụa lắm mặt mình lại bất giác nhúm lại như quả táo tàu. Lòng trào lên ham muốn có trai nhà ở đây mà túm tay bấu áo rên rỉ anh ơi em muốn tự tay bóp cổ mình. Cô Lụa mắt trong trẻo long lanh nhìn tới đâu sáng tới đó, không bao giờ đổ lệ vì nỗi đau riêng mà chỉ khóc than cho số phận người khác.

Mới nghĩ tại sao em phải chịu đựng sự nhăn nhúm này một mình, anh phải ở đây chịu cùng mới phải. Đúng đấy, nếu gặp phải quán ăn dở anh cũng phải ở cùng để ăn đỡ cho em, cho bớt thấy tiếc tiền, còn có người ngồi cùng viết review chê dài cả gang tay. Sướng thì em có thể chịu một mình chứ khổ thế này thì không không…

Muốn cùng khổ nhiều như cả cùng sướng thế này thì đúng là tri âm tri kỷ chứ còn gì nữa.