Viết về chuyện viết,

Trong suốt thời đi học, mình luôn thích đọc, thích viết và luôn nghĩ rằng mình thích học Văn, hiển nhiên một bộ môn kết hợp việc đọc & viết. Mình không có thành tích nào to tát, đáng kể với môn học này, thi điểm không cao, không học lớp chuyên, không thi học sinh giỏi, không trúng giải gì bao giờ… Nếu có gì có thể tự tin & tự hào mà nói thì chỉ là mình đã học môn này rất nhiệt tình, rất thật lòng. Ít nhất là mình đã nghĩ vậy.

Mình có một vài kỷ niệm với môn Văn, cả vui, buồn cười, cả cay đắng. Vài chuyện vui hiếm hoi có thể kể tới như là mình từng có vài bài tập làm văn mà cô giáo thích quá, không chỉ cho đọc ở lớp mình mà còn mang cho cả tổ văn xem và đọc ở cả những lớp khác. Hay là một thằng bạn mình – đứa căm thù môn văn với tất cả nhiệt huyết tuổi trẻ, đứa từng tuyên bố rằng thi tốt nghiệp xong nó sẽ đốt sách văn rồi đái vào đấy; mà thi ĐH nó được 7đ (hay 7.5 gì đấy) văn, mình được có 6.5đ. Nó cười muốn tắc thở. Chuyện cay đắng thì mình đã viết nguyên mấy bài blog rồi đấy.

Hồi cấp 2, có lần chọn học sinh đi thi học sinh giỏi văn, mới vòng trường thôi (rồi mới lọc dần thi các cấp cao hơn). Ngày đó thì điểm văn mình không tệ, không phải cao nhất lớp nhưng cũng luôn trên 8 phẩy & có những bài hay được đọc trước lớp. Cô văn chọn tất cả từ những bạn điểm cao nhất lớp, những bạn cô rất quý cho tới cả những bạn ghét môn văn & điểm làng nhàng, trừ mình ra. Tất nhiên, lớp mình chẳng đứa nào qua được vòng trường. Nếu mình đi thi chắc… cũng trượt thôi, nhưng ngày đó mình đã rất thắc mắc tại sao cô không chọn mình, cô đã chọn theo tiêu chí gì? Mà mình quá shock và tự ái để xung phong xin đi thi (vòng trường không giới hạn số học sinh tham gia, các lớp cử bao nhiêu bạn đi cũng được).

Read More »

Trong lúc viết fanfic,

Mấy hôm nọ mình vừa viết xong bài báo về fanfic, fanfiction: của fan, do fan & vì fan (đọc ở đây). Đây là bài mình đã dành nhiều tâm huyết, cảm thấy muốn tri ân đôi chút cho cộng đồng fanfic mình đã tham gia rất nhiều năm qua. Không phải lúc nào mình cũng đọc fanfic, nhưng mình đã bắt đầu đọc từ những năm cấp 3 tới giờ.

Mình đã viết thử một fanfic trước khi bắt tay vào viết bài báo, kiểu phương pháp Autoethnography ấy. Mình từng vẽ fanart không ít, nhưng đây là lần đầu tiên viết fanfic. Quả thật là khá vui, chẳng trách nhiều người hứng thú tham gia vào hoạt động này như vậy. Cảm giác rất khác so với khi mình sáng tác để xuất bản. Gần như không có áp lực gì, mình tự tha thứ cho tất cả sai lỗi khi viết, không tự censor bản thân. Một điểm mình nghĩ có nhiều ảnh hưởng tới tâm lý là sự nặc danh khi sáng tác fanfic. Khi mình sáng tác kiếm sống, danh tính của mình là thật, người ta có thể biết mặt mình mà chửi luôn :)))) , ít nhất thì vd như biên tập viên, NXB, toà soạn… biết mình là ai, biết cả thông tin cá nhân của mình luôn (hợp đồng đó các bác :)) ). Nhưng khi mình viết fanfic, mình có thể giữ chuyện đó cho riêng bản thân. Mình có thể đăng tải fanfic đó lên và không ai trên thế giới này biết đó là tác phẩm của mình (tất nhiên hacker đào sâu ra chắc vẫn mò được thôi, nhưng ai mà rảnh thế với một fanfic vô hại & tầm thường như này). Đó là một cảm giác hết sức thư thái!

Read More »

Xây dựng nhân vật 101 (p2)

Xây dựng nhân vật 101 (p1)

3. Đặc điểm tính cách

Nhân vật này là con người như thế nào: sôi nổi hay trầm lắng, nóng nảy hay điềm tĩnh, hiền lành hay ác độc, ngây thơ hay trải đời, vui tính hay khô khan… Hãy cho nhân vật một vài quan điểm, niềm tin.

Lưu ý: tất cả những phân tích này mình dựa trên bản manga gốc. Anime chuyển thể có thể thay đổi chi tiết.

a. Mỗi nhân vật nên có 4-5 gạch đầu dòng các nét tính cách chủ đạo rõ ràng.
Vd: Hinata Shoyo – không khí chung là nhiều năng lượng, thu hút. Niềm tin: có ước mơ phải theo đuổi đến cùng, nỗ lực hết sức sẽ đạt được.
– Tích cực/ vui vẻ
– Ngây thơ/ hơi ngốc
– Quyết tâm/ bền bỉ

b. Nên có những nét tính cách đối lập nhau (cả xấu & tốt).
Con người rất hiếm khi chỉ A hoặc chỉ B, luôn có các mặt đối lập nhưng thống nhất trong một cá thể. Thêm vài sự đối lập sẽ khiến nhân vật có lớp lang, thú vị hơn, không một chiều, dễ tạo sự đồng cảm.
Vd: Hinata thường nói năng, hành xử ngốc nghếch nhưng lại cũng là đứa suy nghĩ sâu sắc, có EQ cao. Sự ngây thơ thường gây cảm giác suy nghĩ đơn giản, chưa trải sự đời. Như việc ai cũng coi cái biệt danh “Đức vua” của Kageyama là một sự mỉa mai, một vết nhơ, nhưng Hinata nhận ra rằng chúng ta có thể “ôm lấy” cái vấp váp đó và biến nó thành điểm mạnh, thành niềm tự hào.

Hoặc chi tiết mình thích vcl, thằng Tsukishima bảo ơ nhìn mặt Kageyama tưởng thông minh :)))). Hoá ra chỉ là sinh vật đơn bào thôi ạ!

Read More »

Xây dựng nhân vật 101 (p1)

Mình đã từng viết về việc xây dựng nhân vật (cụ thể là động lực) trong bài này. Hôm nay mình sẽ viết thêm một chút nữa, vẫn là những gì mình học được (từ nhiều nguồn).

Để tạo dựng một nhân vật sinh động, đáng tin, đa chiều, có một mô hình tương đối dễ áp dụng: nhân vật 3D. Ba khía cạnh cơ bản để cấu thành một nhân vật gồm có:

1. Đặc điểm hình thức

(hình dáng, ngoại hình, visual nhận diện)

Những đặc điểm như: cao, thấp, béo, gầy, già, trẻ, màu da, độ tuổi, kiểu tóc, phong cách, trang phục, mặt mũi, tay chân có tật gì… Nói chung, tất cả mọi thứ để người đọc/ người xem nhận ra nhân vật của bạn.

Nhưng trước khi đi sâu vào từng tiểu tiết liệt kê ở trên, nhân vật cần có dáng hình khái quát dễ nhận diện & đặc trưng. Trên thực tế, con người thường nhớ nhất hình dáng khái quát – hay silhouette & pose của nhân vật. Ví dụ như:

Read More »

NHIỆM VỤ KHÓ LẮM LUÔN,

Hôm qua mình xem Pitch meeting (một series hài hước trên youtube về cuộc đối thoại giả tưởng giữa biên kịch và nhà sản xuất) về loạt phim Mission: Impossible, cậu ý có đùa rằng ê sao mày không đặt tên phim là Mission: Very Difficult? Mình cười ngất.

Rồi mình nghĩ, nếu dịch sang tiếng Việt chắc cũng buồn cười không kém. Tên gốc loạt phim đã được dịch tốt, mình nghĩ vậy, Điệp vụ bất khả thi, nghe rất có không khí hành động mà cũng chuẩn nghĩa. Giờ có thể biến thành:

Điệp vụ rất khó
– Điệp vụ cực khó
– Điệp vụ khó cực
– Điệp vụ khó thế
– Điệp vụ khó lắm
– Điệp vụ khó lắm luôn
– Điệp vụ khó ơi là khó

Chỉ một từ “very” tiếng Anh nhưng tiếng Việt thì có cả đống cách diễn đạt phong phú. Mà rõ ràng mỗi cách diễn đạt lại tạo một cảm giác, không khí, cá tính khác nhau. “Rất khó” nghe trung tính và tương đối nghiêm túc so với “khó cực” hay không gây cảm giác than vãn như “khó lắm”.

Read More »

Trong từng chi tiết,

Khi làm biên tập, hay đơn giản là nhận định dưới góc độ một độc giả, một trong những điều cốt lõi mình dựa vào để đánh giá một tác phẩm dành cho thiếu nhi có hay hay không là khả năng tưởng tượng chi tiết của tác giả.

Ví dụ, ngày trước mình từng minh hoạ một cuốn sách tranh tên là Gấu vuông (của tác giả Trịnh Hà Giang). Truyện kể về một chú gấu hình vuông, tính gọn gàng ngăn nắp và thích mọi thứ… đều vuông vắn như mình. Premise câu chuyện và nhân vật sẵn đã rất thú vị rồi. Hình vuông đều chằn chặn cũng gợi cảm giác ngay ngắn, cứng nhắc. Phần kịch bản lời mình nhận được chỉ thuần nội dung sẽ xuất hiện trên trang sách, không kèm bất kỳ chú thích hay miêu tả gì thêm. Câu văn chỉ ngắn gọn như thế này: “Trong nhà gấu mọi thứ đều hình vuông.

Đây là lúc hoạ sĩ minh hoạ phải phát huy trí tưởng tượng của mình để mở rộng nội dung cho phần lời văn. Mọi thứ đều hình vuông, nhưng vuông như thế nào? Màu sắc ra sao, bố cục nhà ra sao để thể hiện sinh động nhất tính cách của nhân vật? Nếu chỉ một nhân vật gọn gàng, máy móc thì hơi khô khan quá, mình muốn thêm vào vài điểm màu mè cho nhân vật đa chiều hơn. Nên mình cho Gấu vuông mê nghệ thuật, có gu nữa. Vậy thì nhà Gấu sẽ có nội thất màu sắc tươi tắn và chắc chắn phải treo tranh.

Một người mê hình vuông gọn gàng thì sẽ thích hoạ sĩ nào, không phải Piet Mondrian thì còn ai vào đây!

Read More »

Kể tôi trên giấy (tiết 3)

PHƯƠNG PHÁP 3: LIÊN TIẾP

Phương pháp này phải giải thích chi tiết hơn một chút. Cách này là kể chuyện bằng việc liệt kê theo trình tự thời gian. Khác với phương pháp liệt kê số 1, với cách này, nhất thiết phải bám lấy một trục thời gian cụ thể.

“một ngày nọ, tao nghĩ về quá khứ, rồi lại đến tương lai…”
chim hồng thiền sư. mình vẫn muốn viết thêm truyện cho nhân vật này.

Vì kể chuyện theo trình tự thời gian thì kể… bao nhiêu cũng được. Tuy không giới hạn độ dài thời gian (có thể là một phút cũng có thể là một thế kỷ) nhưng tốt nhất chỉ nên kể một tình huống: mở – thân – kết ngắn gọn. Không nên lồng ghép nhiều tình huống sẽ khó sắp xếp. Để luyện tập, bạn có thể thử bằng bố cục 4 khung.

Read More »

Kể tôi trên giấy (tiết 2)

PHƯƠNG PHÁP 2: ĐỐI LẬP

Đúng như cái tên, ở cách kể này, bạn cứ chọn các cặp nội dung đối lập nhau là được.

Đối lập ở đây có thể là đối lập về hình dạng (to – nhỏ, béo – gầy, mỏng – dày), cũng có thể là đối lập về tính chất (nóng – lạnh, dễ – khó, già – trẻ)… Cái đối lập này có thể nhìn thấy bằng mắt thường, hoặc chỉ cảm nhận được bằng cảm giác hoặc đánh giá qua suy nghĩ.

Phương pháp này đặc biệt thích hợp khi bạn muốn kể một câu chuyện về sự thay đổi, nhấn mạnh vào sự thay đổi ấy. Ưu điểm là ấn tượng nhanh, mạnh. “Đấm” phát vào chủ đề ngay.

Thậm chí bạn không cần phải biết vẽ.

Read More »

Kể tôi trên giấy (tiết 1)

Mấy hôm nọ có bạn pm hỏi mình rằng bạn ấy có rất nhiều chuyện muốn kể nhưng lại không biết kể như thế nào. Chuyện này làm mình nhớ ra một kỷ niệm tương đối thương đau: mình từng đi dạy một lớp vẽ ( . _ . )

Đó là một khoá dạy vẽ để kể chuyện, ghi chép đời sống ngăn ngắn. Cũng là lần đầu tiên mình đứng lớp dạy cái gì đó. Thật sự là một trải nghiệm khủng khiếp đối với mình (chắc cũng tương đối tệ với học viên. Mình không dám hỏi nữa ; v ; ).

Cơ bản, mình đã khẳng định được với bản thân rằng mình không hợp với việc dạy, mình không có khả năng đấy cũng như mong muốn làm việc đó (cũng có mấy bạn hỏi mình có mở lớp dạy vẽ không, có nhận học trò không… KHÔNG, các bạn ạ).

Read More »

Thử thách viết 14 ngày (5)

thu thach 14 ngay
NGÀY 12: TÍCH CỰC

Chậm hẳn 2 ngày, nhưng viết sớm lại ko có nguyên liệu hay haha.

 

Tối qua mình đã đăng một status kể một chuyện bực mình. Chuyện thật cũng chẳng có gì to tát. Sáng dậy cũng thấy ê sao lại phải thế?!? Bỗng nhiên mình thấy… dằn vặt vì đã làm một chuyện (nghe chừng) rất tiêu cực.

Mình có áp lực (tự tạo ra cho bản thân) là luôn giữ hình ảnh tích cực nhất có thể: vui vẻ, biết điều, biết suy nghĩ đúng sai, không sân si, không chấp nhặt… Và mỗi khi mình không làm đúng được như vậy mình còn cảm thấy tồi tệ gấp đôi .

Hôm nọ được bạn kể cho một câu chuyện trong manga, nhân vật chính được mọi người xung quanh động viên, cổ vũ “cố gắng lên” nhiều quá mà sau đã tự tử. Nghe có vẻ ngu xuẩn. Nhưng đến chừng này mình rất thấu hiểu cho cảm giác đó. Đó là việc thấy vừa tội lỗi, vừa đáng thất vọng khi mình không thể cố gắng lên, không thể tốt như bản thân (và người khác) mong… Còn tồi tệ hơn nữa khi “đầy người còn khổ hơn thế này sao người ta không thế”, hay “thế này đã là gì”, “chuyện thường chả có gì cũng phản ứng thái quá”…

Bạn có bao giờ rơi vào cảm xúc mà thấy buồn, thấy mình đáng nhẽ không nên ứng xử như vậy, không nên cảm thấy như vậy… trở thành một tội lỗi mà có thể mình sẽ tự nhai đi nhai lại với bản thân nhiều năm về sau đó?

Khi xem Big bang theory, mình có nhiều cảm thông với Sheldon. Cả chuyện cậu ấy gặp vấn đề với những thứ chưa kết thúc. Mình ghét những thứ dở dang. Cả về mặt cảm xúc. Nếu một câu chuyện, một trạng thái tiêu cực không được giải quyết ngọn ngành, mình sẽ không thể thực sự trở nên tích cực được, không thật lòng “move on”. Đấy là nguyên do vì sao đôi lúc nhắc lại về những chuyện đã xảy ra từ rất lâu và mình vẫn còn nguyên cảm giác tồi tệ như chúng vừa xảy ra.

Tóm lại, đây chỉ là một biên bản giải thích dài dòng cho chuyện ngày hôm qua, một minh chứng cho bệnh hay giải thích (đã nói ở ngày 1) mà thôi ))))). Mình không nên quá khắc nghiệt với bản thân, không nên thấy tồi tệ khi mình muốn nói ra một chuyện mình thấy không vui cho dù nó đã xảy ra bao nhiêu năm rồi, hay nó quả thực quá là vớ vẩn. (đây có vẻ là một quyết định “tích cực”?)

Read More »