Chủ đề trí tuệ nhân tạo không xa lạ gì với nghệ thuật; trước cả khi AI trở thành đề tài của những cuộc tranh cãi khốc liệt như bây giờ. Những bộ phim kinh điển như Ma Trận (The Matrix – 1999), 2001: a space Odyssey, Blade Runner (1982), Ghost in the Shell (1995), Battle Angel (1993); hay gần đây hơn như Ex Machina (2014), Black Mirror (2011~), tập Zima Blue trong series Love Death and Robots (2019) ngày càng bớt giống Scifi mà khéo sắp sửa chuyển thành… phim tài liệu. Tưởng tượng của loài người (cụ thể hơn là những người làm sáng tạo) về AI đã xuất hiện từ thế kỷ 19 (hẳn có tác động từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất 1784~1840), với cuốn tiểu thuyết đầu tiên về đề tài này mang tên The Wreck of the World (1889) – tác giả William Grove; kể chuyện máy móc nổi dậy chống lại loài người. Vậy AI, hay sự phát triển của công nghệ nói chung, có liên hệ, tương quan thế nào với nghệ thuật & làm nghệ thuật?
Điểm chung lớn dễ nhận thấy ở các tác phẩm Scifi hư cấu có đề tài trí tuệ nhân tạo là sự sụp đổ (ít nhất cũng tà tà lao dốc) của xã hội loài người. Hầu hết các tác phẩm ấy đều đưa ra một lời tiên tri u ám, đầy âu lo về số phận con người, trở nên khổ sở bởi chính sáng tạo của mình. Bi bét như Ma Trận thì chúng ta thành mấy cục pin thịt cho đám máy móc tận hưởng cuộc sống phơi phới. Điểm chung rõ rệt nữa là thông điệp của các tác giả: bất kể công nghệ tân tiến tới đâu, cơ thể con người có trộn lẫn với máy móc thành cyborg gì gì, thứ giữ lại bản chất loài người (hoặc để máy móc tiệm cận hay trở thành loài người) là khả năng tự tư duy & cảm xúc phức tạp. Như trong bộ phim Bicentennial Man (1999), điều giúp “người máy” NDR-114 cuối cùng cũng được công nhận là một con người là khả năng biết yêu thương, với những cảm xúc đa dạng. Anime Memories (1995) đặt ra một câu hỏi kết phim rất thú vị (đại ý) rằng điều gì khiến con người không ngừng tham vọng tạo ra những thứ càng giống mình càng tốt (bất chấp khả năng chúng có thể phát triển ưu việt hơn cả chúng ta)?
Read More »