AI làm sáng tạo?

Chủ đề trí tuệ nhân tạo không xa lạ gì với nghệ thuật; trước cả khi AI trở thành đề tài của những cuộc tranh cãi khốc liệt như bây giờ. Những bộ phim kinh điển như Ma Trận (The Matrix – 1999), 2001: a space Odyssey, Blade Runner (1982), Ghost in the Shell (1995), Battle Angel (1993); hay gần đây hơn như Ex Machina (2014), Black Mirror (2011~), tập Zima Blue trong series Love Death and Robots (2019) ngày càng bớt giống Scifi mà khéo sắp sửa chuyển thành… phim tài liệu. Tưởng tượng của loài người (cụ thể hơn là những người làm sáng tạo) về AI đã xuất hiện từ thế kỷ 19 (hẳn có tác động từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất 1784~1840), với cuốn tiểu thuyết đầu tiên về đề tài này mang tên The Wreck of the World (1889) – tác giả William Grove; kể chuyện máy móc nổi dậy chống lại loài người. Vậy AI, hay sự phát triển của công nghệ nói chung, có liên hệ, tương quan thế nào với nghệ thuật & làm nghệ thuật?

Điểm chung lớn dễ nhận thấy ở các tác phẩm Scifi hư cấu có đề tài trí tuệ nhân tạo là sự sụp đổ (ít nhất cũng tà tà lao dốc) của xã hội loài người. Hầu hết các tác phẩm ấy đều đưa ra một lời tiên tri u ám, đầy âu lo về số phận con người, trở nên khổ sở bởi chính sáng tạo của mình. Bi bét như Ma Trận thì chúng ta thành mấy cục pin thịt cho đám máy móc tận hưởng cuộc sống phơi phới. Điểm chung rõ rệt nữa là thông điệp của các tác giả: bất kể công nghệ tân tiến tới đâu, cơ thể con người có trộn lẫn với máy móc thành cyborg gì gì, thứ giữ lại bản chất loài người (hoặc để máy móc tiệm cận hay trở thành loài người) là khả năng tự tư duy & cảm xúc phức tạp. Như trong bộ phim Bicentennial Man (1999), điều giúp “người máy” NDR-114 cuối cùng cũng được công nhận là một con người là khả năng biết yêu thương, với những cảm xúc đa dạng. Anime Memories (1995) đặt ra một câu hỏi kết phim rất thú vị (đại ý) rằng điều gì khiến con người không ngừng tham vọng tạo ra những thứ càng giống mình càng tốt (bất chấp khả năng chúng có thể phát triển ưu việt hơn cả chúng ta)?

Những gì con người đang làm với AI hiện tại không nằm ngoài câu hỏi của Memories. Người ta cố tạo ra những chat bot có thể nói chuyện, trả lời trôi chảy tự nhiên giống người nhất; tạo ra AI art trộn lẫn những tác phẩm sẵn có thành những thứ không phân biệt nổi đâu là máy vẽ, đâu là người vẽ. Cộng đồng digital art có một vụ đình đám (và ngớ ngẩn), một hoạ sĩ Việt Nam bị block nick, xoá bài vì tranh vẽ… quá giống AI art, hội đồng xét duyệt không phân biệt nổi (khổ tâm vđ). Bàn về khả năng AI thay thế loài người trong cuốn 21 Lessons for the 21st Century, tác giả Yuval Noah Harari cho rằng tương lai máy móc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật đủ chất lượng lưu hành thị trường đã cận kề trước mắt. Tuy rằng khả năng tạo ra các tuyệt phẩm kinh điển kiểu như Beethoven còn thấp (nhưng không phủ nhận % khả năng thành hiện thực trong tương lai rất xa) nhưng phần lớn chỉ cần tầm như Britney là đủ sống. Con người, từ cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất, tạo ra những công cụ làm hộ việc tay chân, dần tiến tới việc tạo ra công cụ nghĩ hộ chúng ta luôn. Yuval Noah Harari cũng dự đoán rằng AI rồi sẽ hiểu chúng ta đến chân tơ kẽ tóc, hơn cả người thân, thậm chí cả chính bản thân chúng ta.

Manh nha trỗi dậy của AI hiện nay, chắc chắn tạo ra một sức ép không nhỏ lên giới sáng tạo. Cạnh tranh với nhau chưa đủ hardcore, giờ còn phải đua với máy – những thứ không cần nghỉ ngơi. Mình cho rằng khi ứng dụng AI nhiều hơn vào công việc sáng tạo (vd như hoạ sĩ vẽ phác thảo, AI hoàn thiện nốt), hiển nhiên năng suất sẽ tăng, sản lượng sẽ tăng nhưng không có gì đảm bảo nâng cao chất lượng sản phẩm. Một nùi Britney liệu có tạo ra được một Beethoven? Ít nhất hiện tại, và có thể trong tương lai gần, việc AI có thể làm vẫn phải dựa vào những sáng tạo (thật sự) sẵn có của con người. Đơn cử như việc vẽ, nếu một hoạ sĩ làm việc theo cách chỉ lên phác thảo và phó mặc phần còn lại cho AI, trên thực tế kỹ năng của hoạ sĩ rất khó phát triển được, vì thiếu sự rèn luyện và quá trình hoàn thiện đến cùng. Quy trình sáng tạo không bao giờ chỉ dừng lại ở bước lên ý tưởng, phác thảo. Trong cả quá trình làm, ý tưởng được nuôi dưỡng, chỉnh sửa, gọt giũa trở thành phiên bản sau cùng tốt nhất của chính nó. Phó mặc chuyện đó cho AI là chúng ta tước đi việc tự tư duy, thậm chí tệ hơn là cơ hội đào sâu sáng tạo & phát triển. Ứng dụng thì rõ là có đấy, nhưng liệu có cần thiết, có tốt như chúng ta tưởng?

các kỹ sư AI, xin hãy họ lại một giây :))))

AI art mới chỉ là một phần rất nhỏ của trí tuệ nhân tạo. Không loại bỏ khả năng cứ đà này sớm muộn gì cũng chẳng cần các kỹ sư nữa, AI tự code, tự sản sinh ra chính mình luôn. AI tự làm được tất, thay thế mọi thứ của con người thì sự tồn tại của con người có ý nghĩa gì? Hôm nọ mình đọc được một bài báo về đạo đức của AI, do một tiến sĩ đang làm trong lĩnh vực này viết. Ít nhất ở thời điểm hiện tại, mình nghĩ đạo đức không phải của AI mà là của những người tạo ra chúng. Tuy rằng, ở một mặt nào đó, mình cảm thấy khoa học không phải lúc nào cũng đi song song với đạo đức (chưa kể đạo đức là một vấn đề vô cùng… mong manh và tuỳ biến :))) ). Đôi khi con người làm chỉ vì chúng ta có thể làm được, không đồng nghĩa rằng chúng ta nên làm; và chúng ta không bao giờ biết chắc được kết quả sẽ dẫn loài người tới đâu. Vấn đề tương tự từng xảy ra với nghiên cứu nhân bản vô tính, đại diện là con cừu Dolly (1996). Xuất phát điểm của ý tưởng này cũng có khía cạnh nghe rất hữu ích: tạo ra cách thức mới chống lại bệnh tật (không biết đây có phải nguồn cảm hứng của tiểu thuyết Never let me go – Kazuo Ishiguro) & cứu giúp những loài có nguy cơ tuyệt chủng (hello Jurassic Park :))) ). Dự án này sau đó đã bị ngưng do nhiều lo ngại về đạo đức khó kiểm soát nổi.

Mình nghĩ, điểm tuyệt vời đồng thời tệ hại của loài người là chúng ta luôn cố gắng vươn tới cái đích cao hơn, làm tốt hơn nữa. Hôm nay sản xuất được 1kg vải một ngày, ngày mai phải làm được gấp 10 lần thế. Không biết thế nào mới là đủ, lúc nào nên chậm lại. Thừa mứa có vô hại hay không – đây hẳn là câu hỏi chúng ta nên nghĩ câu trả lời càng sớm càng tốt.

p.s: so sánh Beethoven vs Britney là của tác giả Yuval Noah Harari

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s