Bỏ theo dõi,

Sáng nay, trong lúc ăn sáng, mình xem một clip review sách. Bạn booktuber này khá nổi tiếng trong cộng đồng review sách, đặc biệt có series đọc những cuốn sách được các celeb giới thiệu, rồi sau đó (phần nào đấy) bình luận về gu đọc sách của họ. Mình thi thoảng xem clip của bạn này, không phải vì mình quan tâm tới bình luận của bạn ấy về sách (vì gu đọc của bạn ý khác xa mình), mình chỉ tò mò celeb đọc sách gì (aka hóng hớt).

Có lần đã có một celeb phản pháo lại bạn này, nói đại ý rằng tôi đọc sách gì là chuyện của tôi, không cần người khác đánh giá về chuyện đó. Cái này mình đồng ý, giờ còn đọc sách đã là đáng khen rồi. Mình nghĩ nếu chỉ dựa trên các tựa sách để đánh giá gu đọc của một người thì có phần vội vàng. Điều quan trọng hơn là vì sao họ thích cuốn sách đó, thích điểm gì. Ví dụ một cuốn cực kỳ gây tranh cãi như Lolita, với nhiều người cuốn này là red-flag, tệ hơn nếu đó là đàn ông. Tuy vậy, mình thấy cần phải hiểu vì sao họ thích tác phẩm đó, trước khi đưa ra nhận định sau cùng. Nghĩ một người đàn ông thích Lolita suy ra anh ta chắc chắn là một kẻ ấu dâm, có lẽ là một cách tư duy có phần nông cạn. Nhưng vấn đề lớn là chúng ta thường không có đủ thì giờ lẫn tâm trí để dành cho những chuyện như vậy. Tương tự với chuyện ghét một tác phẩm bất kỳ, lý do quan trọng hơn việc ghét hay không.

Quay lại với chiếc clip buổi sáng, mình còn chưa xem hết. Đến một đoạn, lời bạn này nói khiến mình quyết định rằng, chà đây sẽ là lần cuối cùng mình xem clip của bạn này. Bạn ấy bình luận về cuốn The Architecture of Happiness của tác giả Alain De Botton (nổi tiếng với Luận về yêu đã được xuất bản ở Việt Nam). Bạn booktuber ghét cuốn sách này, và lý do của bạn ấy đại ý là chuyện kiến trúc ảnh hưởng tới chất lượng sống là điều hiển nhiên, ai chẳng biết (tất nhiên, nhưng ảnh hưởng như thế nào, vì sao lại thế, cụ thể cái gì gây ra cái gì… không làm kiến trúc khó mà biết được —> đấy là lý do chúng ta đọc), với tư cách một người suốt ngày đi ở nhà thuê, không sở hữu món đồ nội thất nào, cuốn sách này thật “rich people’s nonsense” – mấy thứ nhảm nhí của đám nhà giàu.

Thái độ và lý do của bạn này khá giống những review 1 và 2 sao dành cho cuốn sách này trên Goodreads, thường là những người không có kiến thức gì về kiến trúc, cảm thấy khó chịu vì cuốn sách có giọng điệu bề trên, ra vẻ. Và chúng tao đều không có đủ tiền cũng như quyền lực để thay đổi môi trường sống của mình. Ngược lại, có một số review 1 sao khác, của những người có chút kiến thức cơ bản về mỹ thuật, design, họ thường chê mấy thứ này cơ bản quá, không có gì mới mẻ với họ hoặc sách có bố cục (nội dung) rời rạc.

Thái độ này, với mình, cũng kẻ cả và nhỏ mọn không khác gì điều họ đang chê. Kiểu một người thường chỉ mặc đồ Uniqlo và bĩu môi chê bai những người bỏ hàng nghìn đô mua một đôi giày, một chiếc áo hàng hiệu. Mình có sách về những chiếc ghế mình không có tiền mua. Nhưng mình đọc và thích vì mình đơn giản muốn hiểu mấy thứ đó. Mình có thể xem những bộ phim tài liệu hay chương trình podcast về du hành vũ trụ dù chắc chắn cả đời này mình không bao giờ đi được. Vì mình muốn biết (dù toàn chuyện có thể chẳng cần biết :)) )! Chúng ta không cần đồng tình với mọi ý kiến mà cuốn sách đưa ra (phản biện được càng tốt). Nhưng điều đáng kể hơn là suy nghĩ về những câu hỏi đặt ra. Nếu như lý do chê cuốn sách của bạn này kiểu mấy thứ này tao không quan tâm lắm, nên đọc sách không thấy hấp dẫn, hoặc tao phản đối ý kiến của tác giả về điểm này điểm nọ trong kiến trúc (ví dụ trong sách ông Alain có đưa ra quan điểm là không cần đầu tư quá nhiều nguồn lực vào việc bảo tồn các công trình kiến trúc hay ông chê kiến trúc nhà cao tầng ở Tokyo)… thì mình sẽ ok lah. Một thiết kế tốt không thể rẻ, và không nên rẻ. Việc coi nhẹ thiết kế (bất kể là nhà cửa hay vật dụng) luôn là deal breaker với mình.

Về cuốn sách kia, mình mới đọc vài chương đầu nhưng mình có thể có hình dung sơ lược về cuốn sách. Mình không nghĩ nó là một cuốn sách về kiến trúc (hay thiết kế nói chung) hay và đúng là bố cục nội dung hơi lủng củng. Mình nghĩ do bản thân tác giả không phải một kiến trúc sư, những quan điểm ông đưa ra là của một người ngoại đạo. Việc anh tự tìm hiểu vẫn rất khác việc anh đã có trải nghiệm làm công việc đó. Cuốn Proust có thể thay đổi cuộc đời bạn như thế nào viết tốt hơn nhiều, mình cho rằng vì lĩnh vực đó là comfort zone – an toàn của Alain, triết học và văn chương. Tuy vậy, vấn đề đặt ra trong The Architecture of Happiness không tồi, premise của nó là đúng (kiến trúc có ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sống). Nếu chê, đó không nên là lý do. Tuy vậy, để chê được trúng chuyên môn, bản thân người đọc cần có đôi chút hiểu biết, ít nhất có một mindset cởi mở để lắng nghe những thứ mình chưa biết, trước khi vội vàng phán nó là những thứ thừa hơi của đám nhà giàu (mà chẳng có lý lẽ gì cụ thể).

Có một cuốn khác về thiết kế mình thấy hay hơn nhiều, The Design of Everything (Don Norman). Tác giả đã có kinh nghiệm hàng chục năm trong lĩnh vực thiết kế. Những phân tích của ông sát thực và dễ hiểu. Thông điệp cốt lõi của cuốn sách là những thiết kế tốt thường khó nhận ra bởi công năng của nó vận hành quá tốt, chúng ta dùng không phải nghĩ, còn thiết kế tồi sẽ lồ lộ ra. Một cái ghế ngồi khó chịu thì chúng ta sẽ thấy khó chịu ngay lần đầu tiên ngồi đúng không? Chúng ta đều đang được hưởng lợi từ những thiết kế tốt (lẫn chịu đựng những thiết kế tồi) mỗi ngày.

Mình nhận thấy, với mọi cá nhân mình theo dõi, dù ở lĩnh vực nào, khả năng rất cao sẽ đến một thời điểm, một sự kiện nào đó khiến mình thấy mâu thuẫn này sâu sắc quá, tôi sẽ bỏ theo dõi cá nhân này. Có những trường hợp, sự nổi tiếng & tiền bạc khiến cá nhân đó thay đổi, nhưng phần lớn mình nghĩ do bản chất của internet, chúng ta không bao giờ thực sự biết một người như thế nào. Chỉ là mỗi lúc họ để lộ ra thêm một khía cạnh nào đấy. Tương tự với những người “theo dõi” mình, đọc những thứ mình viết hoặc xem tranh mình vẽ. Chuyện này cũng giống như mọi mối quan hệ từ lỏng lẻo tới thân thiết khác. Bạn thân mấy cũng có thể không chơi với nhau nữa.

Well, enjoy it while it lasts.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s