Phụ nữ để yêu?

Tối qua, trước khi đi ngủ, mình định bụng xem một bộ phim tình cảm hường phấn gà bông, vui vẻ ấm áp cho dễ ngủ. Netflix hí hửng giới thiệu đây phim này đang được xem nhiều nhất tuần này này, đây đây! Một phim Hàn Quốc – Cô gái thế kỷ 20 (20th century girl), có giới thiệu và trailer rất lừa tình. Vì qua phần giới thiệu tưởng chừng đây là một phim tình cảm học đường đơn thuần dễ thương. Nhưng KHÔNG!!! Phần tiếp theo mình xin spoil hết toàn bộ nội dung phim, nếu bạn định xem phim thì hãy dừng đọc ở đây. Còn nếu không ngại spoiler hoặc không có ý định xem thì mình muốn nói đây là một phim không-đáng-xem. Nó khiến mình vô cùng bực, chủ yếu bởi những định kiến giới cũ kỹ cũng như tư duy kể chuyện lười biếng. Điều làm mình khó chịu hơn hết là đây không phải bộ phim duy nhất đối xử với các nhân vật nữ chính theo cách này.

Cô gái thế kỷ 20 kể về mối tình (đầu) học trò của Na Bo-ra, một nữ sinh theo mô típ “không-giống-các-cô-gái-khác”: cô giỏi võ, có thể tay không đập vỡ ván gỗ, ăn siêu khoẻ, có thể ăn liền hai cái bánh pizza cùng lúc (nhưng ngoại hình diễn viên thì vô cùng mong manh lá lúa 🙄), cô không dịu dàng, hiền thục mà là một thiếu nữ lực điền chân chính, ăn to nói lớn, mắng con trai oang oang nhưng tính tình trong sáng, thiện lương, tốt bụng. Na Bo-ra có một cô bạn rất thân, bị bệnh tim. Trước khi đi mổ tim, cô bạn thân nhờ Na Bo-ra tìm hiểu thông tin về crush học cùng trường. Cô bạn thân chỉ đụng crush đúng một lần, được cậu ta đỡ dậy lúc ngã mà đem lòng yêu thương sâu sắc, kiểu đây là chân ái cuộc đời tôi. Na Bo-ra dĩ nhiên giúp bạn hết tâm hết sức. Mâu thuẫn chính của phim là chi tiết cô bạn thân chỉ đưa cho Na Bo-ra một cái tên, là cái tên được thêu trên áo đồng phục ngày cô ấy đụng mặt crush. Nhưng hoá ra hôm đó crush mặc áo của anh bạn thân. Nên đáng nhẽ phải tìm hiểu crush thì Na Bo-ra tìm hiểu nhầm anh bạn thân của crush. Khi vỡ lẽ ra thì Na Bo-ra và crush của bạn thân đã lỡ thích nhau rồi. Nữ chính rơi vào thảm cảnh chọn bạn thân hay chọn bạn trai.

3/4 phim là chuyện tình học trò ngốc nghếch vậy thôi. Rất đơn giản và nhiều mô típ lối mòn nhưng mình thấy xem vui cũng được. Phân đoạn tỏ tình của hai nhân vật chính khá đáng yêu, mình tha thứ cho sự ngốc nghếch của nó. Sau đó, 1/4 cuối phim là cặp đôi nữ chính phải yêu xa, nam chính sang New Zealand sinh sống (tất nhiên hứa sẽ sớm trở về). Đột nhiên một ngày nữ chính mất liên lạc với người yêu, gọi điện lẫn email đều không được. Rồi nữ chính cứ vò võ chờ đợi như vậy, không yêu nổi ai khác, đến hơn chục năm sau 🙃🙃🙃, mà không hề tìm một cách thức nào khác để liên lạc (thậm chí không hỏi han qua cậu bạn thân của người yêu?!? WTF có phải thời trung cổ đâu mà cứ nằm đó chờ đợi trong vô vọng?). Đù mé có internet rồi mà!!!! 15 năm sau, BAM, nữ chính nhận được vé mời đến xem một buổi triển lãm, đoán xem, của nam chính đã chết từ chục năm trước, chính thời điểm cô mất liên lạc với anh. Kết phim, nữ chính khóc đôi chút nhưng mỉm cười mãn nguyện xem lại đoạn phim kỷ niệm về mối tình học trò xưa kia.

Mặc dù là một phim bi kịch, nhưng mình không thấy buồn, không một chút nào, chỉ thấy bực bội. Vì cái kết bi kịch này thậm chí không thèm cố logic một chút, biên kịch chỉ quăng ra cái kết vậy cho bi đát, bi đát chỉ để bi đát, cho khán giả xem bị shock hoặc thấy day dứt tiếc cho “mối tình đẹp” của nữ chính. Một bi kịch hay không chỉ là quẳng ra những tình tiết đau khổ, mà những bi kịch ấy phải có ý nghĩa, phải make sense. Phim này khiến mình bực bội như cách phim Blond (phim mới nhất về Marilyn Monroe) đã làm. Bộ phim chỉ đơn giản hành hạ nữ chính; không hơn không kém. Mà điều mình ghét thậm tệ hơn nữa, họ hành hạ nữ chính nhưng đội lốt ca ngợi & tiếc thương cho người phụ nữ ấy. Mình ghét thậm tệ khi những người kể chuyện đối xử với phái nữ đã tồi tàn lại còn đạo đức giả như thế này. Điều không quá bất ngờ là cả hai câu chuyện kể trên, người viết nội dung đều là… nữ. Quả là chỉ phụ nữ mới cay đắng với nhau được tới mức này!

Trong 20th century girl, nữ chính được xây dựng có cách yêu hoàn hảo, không tỳ vết đến mức phi lý (anh người yêu cũng vậy). Hai người có một mối tình học trò dễ thương trong vòng… mấy tháng, thơm nhau một lần rồi chia xa. Anh bồ đang tình thương mến thương như vậy bỗng bặt vô âm tín nhưng nữ chính vẫn tuyệt đối chung thuỷ, tuyệt đối yêu thương, không thể dứt bỏ dù bất cứ giá nào. Đây là một kiểu ảo vọng về tình yêu vừa phi lý vừa độc hại. Cô ấy có thể luôn giữ mối tình đẹp đẽ trong lòng, nhưng phải lớn lên chứ, phải trưởng thành đi chứ, phải nỗ lực vì hạnh phúc của bản thân chứ?! (sau hơn chục năm đau khổ vò võ chờ đợi, đùng cái biết người yêu chết ngắc từ lâu, mình nghĩ phim sẽ logic hơn nếu nữ chính đau khổ tột cùng đến mức muốn nhảy cầu, chứ ko chỉ rơm rớm nước mắt rồi mỉm cười mãn nguyện nhìn lại kỷ niệm kiểu vậy. Mãn nguyện gì vậy? Vì anh ấy yêu mình sâu đậm, anh ấy không phải một thằng khốn anh ấy chỉ…. chết rồi thôi?!?! Hoặc nhẹ nhàng hơn thì nữ chính đã có gia đình hoặc ít nhất đang trong một mối quan hệ hạnh phúc) Các bạn có thấy, trong một cuộc tình vụng trộm, người phụ nữ thường bị chỉ trích nhiều hơn người đàn ông không? Vì phụ nữ được kỳ vọng có sự chung thuỷ tuyệt đối, bất kể người đàn ông kia có ra sao. Còn đàn ông thì… ờ đàn ông vốn thế!?

Tương tự, hình tượng Monroe trong Blond (không bàn tới chuyện sát thực tới đâu, mình chỉ coi đây là một nhân vật hư cấu bình thường), được xây dựng vừa xinh đẹp, vừa tài năng lại sâu sắc. Nhưng cô phải gánh chịu hết bi kịch này tới bi kịch khác suốt cuộc đời tới tận lúc chết, không một phút giây thật sự hạnh phúc. Cũng như nhân vật Na Bo-ra, họ là những người phụ nữ gần như hoàn hảo, tốt đẹp thuần khiết, không mảy may một suy nghĩ xấu xa, không gây ra tội lỗi nào. Họ phải hoàn thiện tới level ngồi lên điện thờ như vậy thì việc hành hạ họ mới đau đớn hơn nữa, thê lương hơn nữa. Ôi những đoá hoa tuyệt đẹp bị cuộc đời vùi dập (nhưng hãy cứ tiếp tục vậy đi nhé, vậy mới là chuẩn mực)!!! Cách kể chuyện như vậy khiến những nhân vật đó… không giống người, con người không chỉ (luôn) tốt hoặc chỉ (luôn) xấu; đồng thời phản ánh kỳ vọng vô lý, một chiều lên phái nữ. Hình tượng nhân vật nữ bây giờ bị phân cực theo hai hướng: nữ cường, tự chủ và hoàn hảo & nữ nhân mềm dịu, hi sinh cao cả & vẫn hoàn hảo. Cả hai mô típ này đều thiếu cái nhìn nhân văn, cảm thông với phái nữ.

Mình không nói phái nữ là được làm sai thoải mái đi. TẤT NHIÊN LÀ KHÔNG. Nhưng xin hãy cho họ làm người bình thường, với đủ khía cạnh đa chiều, được mắc sai lầm và được học từ những sai lầm ấy, được tiếp tục nỗ lực sống và sửa sai và tạo ra những điều tốt đẹp! Có một bộ phim bi kịch xuất sắc mà mình từng xem, tên là Memories of Matsuko, kể về cuộc đời Matsuko – một người thiện lành và xinh đẹp. Cuộc đời cô đủ thăng trầm, đớn đau, cùng cực. Nhưng tại sao bi kịch này lại make sense, còn những phim như Blond hay 20th century girl thì không? Vì khán giả được thấy không chỉ đời hành nữ chính, mà hơn hết là cách nữ chính đối mặt và phản kháng với những bi kịch ấy, giành lại quyền quyết định cuộc đời mình. Matsuko từng bị rất nhiều người đàn ông đối xử tệ bạc, cô trải qua nhiều mối tình tan vỡ. Nhưng cô không ngừng tin vào tình yêu, không bao giờ thôi yêu thương thật lòng. Cô mắc nhiều sai lầm và phải trả giá đắt (sai lầm level giết người đi tù nhé =)) ). Matsuko là một người phụ nữ nhiều sứt mẻ, à không, giống những mảnh vụn được chắp lại hơn, dù có những lúc cùng cực, buông bỏ nhưng sau cùng vẫn cố gắng níu giữ nghị lực sống đẹp đẽ vô cùng.

Có một phân đoạn trong Memories of Matsuko, mình cho rằng là phân đoạn rất phụ nữ, dịu dàng và cảm động hết sức. Matsuko có thời bị xô đẩy thành gái làng chơi, và có một người bạn thân là diễn viên phim porn. Chồng cô diễn viên JAV đó lại chính là đạo diễn phim của cô. Một lần hai cô bạn gặp nhau đi cafe, cô diễn viên JAV tỏ ra vô cùng vui vẻ kể về chuyện cô và chồng làm việc trôi chảy ra sao, công ty đang phát triển tốt thế nào; đến cả đoạn cô quay với đồng nghiệp nam rồi anh chồng đạo diễn vẫn lạnh lùng (& chuyên nghiệp?) chỉ đạo phải sex như này như kia, mạnh lên abc xyz. Matsuko không nói gì chỉ nắm chặt tay người bạn thân, ánh mắt chan chứa như ngầm nói mày không cần phải tỏ ra mạnh mẽ trước tao đâu. Rồi hai người cùng bật khóc. Phân đoạn này, cho tới giờ, vẫn là một trong những phân đoạn thể hiện tình bạn của phụ nữ rất chân thành, đầy cảm thông nhất mình từng được xem trên phim.

Mình cho rằng, những câu chuyện muốn tôn vinh phụ nữ, đừng chỉ ca ngợi họ như một tượng đài không tỳ vết, hãy trao cho họ sức mạnh, nhưng đừng là thứ sức mạnh tuyệt đối, không điểm yếu (kiểu captain Marvel :v ). Sức mạnh ấy có thể là một người bạn gái thân thiết hiểu được cả những nỗi lòng họ không dám nói ra. Sức mạnh ấy cũng có thể là sự dũng cảm dám thừa nhận sai lầm, thừa nhận mình cũng đôi lúc có những suy nghĩ xấu xa, nhỏ mọn, rằng tôi là một người bình thường với vô số mâu thuẫn nội tại.

Đừng chỉ quăng quật phụ nữ nữa, tôi chán xem mấy câu chuyện thế lắm rồi!

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s