3 xu suy nghĩ về mặc đẹp,

Hôm qua mình vô tình bắt gặp một clip youtube bàn về việc làm cách nào để mặc thời trang. Những clip chủ đề này có nhiều, với những quan điểm đa dạng; cũng như bản chất của thời trang – có rất nhiều cách hiểu. Khó mà khẳng định một cách nhìn là tuyệt đối đúng. Quan điểm của bạn này khiến mình muốn viết vài điều; đặc là khi mình đang sống ở một nơi mà dân cư mặt bằng chung có gu thẩm mỹ thời trang rất ấn tượng (hoặc đơn giản do hợp gu mình?).

Tóm tắt ý kiến của bạn nọ: mặc đẹp là khi có 2 trên 3 yếu tố: tiền – ngoại hình – gu thẩm mỹ. Ngay khi nghe đến đây, trong đầu mình đã bật lên cả đống ví dụ tiêu biểu có đủ hai yếu tố tiền với ngoại hình mà ăn mặc rất gớm =))))). Thực ra, giới celeb Việt Nam, với mình (vì thế nào là đẹp với mỗi người cũng rất khác nhau), rất ít người mặc đẹp & thú vị. Chủ yếu họ mặc… không xấu (có tiền và ngoại hình); một cái đẹp rất an toàn, công thức, phổ thông. Khi mình nghĩ tới các ngôi sao thời trang thế giới, mình có thể hình dung ra ngay một vài set đồ đặc trưng của họ – một dấu ấn, ngôn ngữ sắc nét. Một vài ví dụ trong nhóm yêu thích của mình (không có nghĩa mình muốn mặc & có thể mặc giống họ):

Audrey Hepburn được coi là một trong những biểu tượng thời trang thập niên 50, nổi bật với phong cách sang trọng, tinh tế, thanh thoát. Twiggy là biểu tượng thập niên 60, phong cách nửa tinh nghịch, màu mè, nửa bí ẩn, quyến rũ. Michael Jackson thì hẳn ai cũng quen rồi, ông ý có nhiều outfit huyền thoại nhưng cá nhân mình thích bộ sưu tập áo khoác style quân đội kết hợp cùng mũ fedora và kính đen của ông ý – nhìn vừa ngầu vừa phóng khoáng.

Khi ngâm cứu mấy icon mình thích, mình nhận ra những điểm khiến họ nổi bật là: hiểu bản thân (việc họ làm + tính cách + cơ thể), có gu (không riêng thời trang, mà về nghệ thuật lẫn đời sống nói chung), có điều kiện để tìm hiểu, thử nghiệm với thời trang. Tất cả những điểm ấy khiến mọi thứ họ mặc đều có chủ đích, có ý nghĩa, lý do.

HIỂU BẢN THÂN

Mình nghĩ mọi bài học về thời trang sẽ kém hiệu quả nếu như bạn không hiểu về bản thân mình, việc mình làm trước nhất. Khi chưa biết bản thân, chúng ta chỉ đơn thuần mô phỏng lại người khác. Lúc học khoá về xây dựng phong cách cá nhân của Dearly Bethany, điểm mình thích nhất ở khoá đó là cách tiếp cận của Bethany: đi từ những gì bạn thích trước (sách, nhạc, phim ảnh…), không liên quan tới quần áo. Đó là cách đơn giản để định vị bản thân. Tiếp đó là hiểu về cơ thể mình (tỷ lệ, màu da, chất tóc…).

Những người hiểu về bản thân luôn tạo ra aura/ khí chất riêng và tự tin. Điều này khiến họ hấp dẫn hơn, ngay cả khi không mặc đồ đắt tiền, hàng hiệu. Tự tin vì biết mình rất khác tự tin chỉ vì… tỏ ra tự tin mà thôi. Tự tin là không cần gồng. Tại sao cùng một món đồ người này mặc đẹp người khác lại không (dù hai người phom dáng giống nhau), là vì món đồ đó hợp với vibe của họ, hợp lý với họ, bất kể món đồ đó trông có vẻ đơn giản đến đâu.

Một trường hợp thời trang iconic mình thấy rất thú vị là Steve Jobs – thậm chí đã tạo ra một phong cách CEO công nghệ :)))) .

Công thức: áo cổ lọ đen – trơn, quần jeans Levi’s 501 classic, giày sneakers New Balance

Tỷ phú công nghệ “đời sau” như Mark Zuckerberg cũng dùng cách tương tự (áo hoodie + áo phông xám + quần jeans), tức là chỉ dùng một công thức “đồng phục”, mặc đi mặc lại; nhưng lại không “đẹp” và iconic được như Jobs. Vì sao?

Công thức của Steve Jobs không chỉ đơn thuần là việc không muốn nghĩ nhiều nên mặc đi mặc lại một kiểu, dù mục đích sau cùng là vậy. Chiếc áo cổ lọ kinh điển của ông ý do một nhà thiết kế nổi tiếng người Nhật – Issey Miyake tạo ra (bác này có rất nhiều thiết kế iconic nhá, xin hãy google thêm). Set đồ này không chỉ hoàn hảo về công năng, cực kỳ phù hợp với công việc thường ngày của Steve Jobs, mà còn thống nhất tuyệt đối với tính cách thương hiệu Apple: tối giản, gọn gàng, tinh tế nhưng vẫn linh hoạt với đời sống (không xuề xoà mà được nâng cấp lên); món đồ nhìn có vẻ đơn giản nhưng chất liệu thì cao cấp. Không khí chung của set đồ này rất giống với một chiếc Iphone 4. Không thể tách rời hình ảnh thời trang của Steve Jobs với các sản phẩm của Apple, cũng như bước ngoặt về product design mà hãng tạo ra. Chưa kể quần jeans và giày sneakers đều quen thuộc, gắn liền với văn hoá Mỹ.

(Bỏ cục tiền to thuê nhà thiết kế xịn làm ra một công thức hoàn hảo dùng trọn đời :))) đi vào lịch sử luôn)

Để sao chép công thức này thì dễ, nhưng đó chỉ là mô phỏng bề ngoài mà thiếu đi cốt lõi. Nhìn vẫn khó thấy “đẹp” nổi. Như vị CEO công nghệ của nước ta, rõ ràng set đồ này không tương thích với triết lý lẫn tính cách sản phẩm của cty nọ, mặc đâu thể ra chất (thà anh đặt Canifa làm một set riêng, áo polo thêu hình quả bom nhỏ xíu trên túi ngực chẳng hạn :))), đi sneakers Bitis, khéo lại chất ngất). Không thể tách rời thời trang ra khỏi đời sống & thời đại. Mọi icon thời trang đều phản ánh thời kỳ họ sống, công việc họ làm cũng như quan điểm sống của họ. Ví dụ Michael Jackson mặc đồ biểu diễn của ông ý rất đẹp, rất huyền thoại, nhưng đổi đồ với Steve Jobs chắc chắn nhìn sai trái ngay. Mọi icon thời trang đều có phong cách gắn liền với những thành tựu họ tạo ra, mang tính chất của những thứ ấy.

CÓ GU

Việc hiểu về nghệ thuật nói chung sẽ giúp bạn hiểu về thời trang nói riêng, vì chúng đều nằm trong một dòng chảy lớn, ảnh hưởng lẫn nhau. Sau khi hiểu được bản thân rồi thì còn phải hiểu món đồ mình chọn, thế mới mặc ra chất riêng được. Và đơn giản thì biết thêm được cái gì hay cái đó. Như hồi thập niên 60, có một xu hướng nổi bật là techno futurism/ space age fashion: sử dụng nhiều chất liệu nilon/ nhựa, kiểu dáng tối giản hơn, rõ hình khối, màu sắc nổi bật… Giai đoạn này có sự kiện rất lớn của thế giới là cuộc chạy đua vào không gian giữa Liên Xô và Mỹ. Việc này đã gây ảnh hưởng/ truyền cảm hứng tới cả giới thời trang.

một số thiết kế của Pierre Cardin với âm hưởng công nghệ vũ trụ.

Bây giờ khi xem các kênh giới trẻ phổ thông, không tính những bạn fashionista “cao cấp” hơn, mình thấy không khí “thời đại” rõ nhất chính là ảnh hưởng của Hàn Quốc (idol, phim ảnh…). Hàn Quốc thật sự làm rất tốt khoản “xuất khẩu” văn hoá này. Cái này cũng không vấn đề gì, nhưng nếu hiểu được nguồn gốc, đặc tính, bản chất của những thứ mình mặc thì sẽ không chỉ là mô phỏng hời hợt một phong cách hoặc kết hợp lung tung các thứ với nhau và chẳng ăn nhập, “make sense” gì. Những thứ công thức (vd người quả táo quả lê thì mặc món này món kia, phong cách Paris thì cần những item này item này…) chỉ giúp chúng ta… không mặc xấu. Chuẩn công thức thì khó xấu. Nhưng để có chất riêng thì cần nhiều hơn thế.

Việc hình thành gu thẩm mỹ ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường sống, những thứ ta tiếp nhận hàng ngày. Vậy nên hãy trải nghiệm càng nhiều càng tốt nhưng đừng dễ dãi, cũng đừng quá máy móc, bảo thủ. Có gu tốt rồi thì không chỉ mặc đẹp đâu, nhiều thứ khác cũng dễ đẹp lên. Những người mặc đẹp mình quen thường nhà họ cũng đẹp, cuốn sổ tay họ chọn cũng đẹp…

CÓ ĐIỀU KIỆN

Có tiền đủ để mua đồ chất lượng cao, đồ hàng hiệu là chưa đủ. Người có tiền, có điều kiện hẳn nhiên dễ dàng đi đây đi đó, mua sách vở xịn, xem triển lãm, xem trình diễn, đến những nơi cao cấp, chất lượng thẩm mỹ cao… phần nào cũng giúp mở mang tầm mắt, hiểu biết hơn (còn ngấm được đến đâu cũng còn tuỳ năng lực cá nhân). Hoặc đơn giản có tiền thì thuê được chuyên gia, thuê được người giỏi làm giúp, tư vấn cho.

Mình tin rằng cái gì cũng có giá của nó, giá của những thiết kế tốt không thể rẻ mạt. Bạn không cần dùng toàn đồ hiệu thì mới mặc đẹp nhưng không thể kỳ vọng tạo ra phong cách hay ho, thú vị từ chỉ bằng những sản phẩm đại trà, may ẩu, chất liệu rẻ tiền, thiếu thẩm mỹ. Ngoài ra thì để thử nghiệm với thời trang, thử nhiều cách để thể hiện bản thân qua ăn mặc cũng cần thời gian, đầu tư, tìm hiểu. Có tiền chắc chắn giúp quá trình này dễ thở hơn :v .

KẾT LẠI,

Có rất nhiều phong cách thời trang, hay fashionista, mà mình không bao giờ có ý định mặc theo, không phải gu của mình (thậm chí có những style làm mình thấy khó ở trong người), nhưng mình vẫn có thể “appreciate” tư duy thẩm mỹ & sự sáng tạo của họ. Và đơn thuần là mình thích tìm hiểu cho biết vậy thôi chứ không để làm gì :))).

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s