Những tranh cãi xung quanh việc phim biopic (tiểu sử) cần bám sát bao nhiêu % với sự thật khiến mình nghĩ tới một chuyện: ranh giới nào cho phim biopic?
Trong nhiều định nghĩa về thể loại biopic mà mình tìm được, người ta thường dùng từ “dramatize”, chứ ko phải “fictionalize” (hư cấu hoá). Nôm na là “làm quá” lên cho hấp dẫn hơn, cho phù hợp với ngôn ngữ nghệ thuật được lựa chọn. Điểm tối thiểu cần thiết là nhân vật chính hoặc sự kiện chính là có thật, từng tồn tại/ diễn ra trong lịch sử.
Có không ít tác phẩm về một nhân vật có thật, nhưng câu chuyện thì 100% hư cấu, ko chỉ riêng phim ảnh. Vd cuốn tiểu thuyết “Nửa kia của Hitler” (Eric Emmanuel Schmitt), kể chuyện tưởng tượng về một phiên bản Hitler trong một… “vũ trụ” khác :))). Tuy vậy, ngay từ đầu người đọc đã được “thông báo” rõ ràng rằng câu chuyện này hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng; hiếm độc giả nào bị nhầm lẫn giữa sự thật và hư cấu dù ai cũng biết Hitler là nhân vật có thật trong lịch sử.
Phần đông chúng ta xem phim ảnh (hay các tác phẩm nghệ thuật nói chung) là để tách ra khỏi sự đều đều (và đôi lúc tẻ nhạt) của đời sống thường ngày; tìm kiếm những dấu chấm cảm (hứng khởi, hoặc xúc động, hoặc sợ hãi…). Hiển nhiên những người làm sáng tạo sẽ cần biến tấu ít nhiều cho những câu chuyện thường ngày đó trở nên hấp dẫn, có điểm độc đáo hơn. Có một sức hút khó cưỡng với những câu chuyện xuất phát từ đời thực nhưng lại thú vị, hấp dẫn hơn đời thường rất nhiều. Chúng đem lại phần nào đó phấn khích, lại đầy động viên, an ủi rằng đời thật cũng có thể rất hay ho. Tâm trạng ấy khác với việc chúng ta thưởng thức một tác phẩm và biết rằng đây chỉ là hư cấu thôi. Con người có vẻ luôn muốn tin rằng những điều tốt đẹp là có thật.
Read More »