Ghi chép nhỏ về hoạt động nữ quyền,

Đây là một chủ đề hiếm khi mình muốn động tới, vì… mệt. Nhưng hôm nay mình sẽ vượt lười.

Đầu tiên, phải khẳng định rằng đây là vấn đề xã hội mình quan tâm. Mình luôn cố gắng cài cắm (một cách nhỏ nhẹ) những thông điệp về bình đẳng giới vào các tác phẩm mình làm. Xin chia sẻ lại vài ví dụ xinh xinh, để bạn đọc dễ hình dung cách thức mình tham gia vào phong trào xã hội này. Mình cho rằng có nhiều cách khác nhau để chúng ta đóng góp, phù hợp với từng đối tượng, sức đến đâu làm đến đó, không nhất thiết phải “gay gắt”, phải ầm ỹ lên thì mới là nhiệt tình tham gia.

Một trang trong cuốn picture book Địu em– tác giả: Nguyễn Trần Thiên Lộc

Bức tranh trên đây là trang bìa lót, chưa vào nội dung truyện chính. Mình vẽ một hoạt cảnh gia đình: mẹ bầu ngồi thư giãn để các con chăm sóc và bố (xin thứ lỗi tạo hình hơi giống bà giúp việc, nhưng là bố đấy ạ . _ . ) vui vẻ đi quét nhà (một việc cỏn con). Mình mong đó sẽ trở thành hình ảnh quen thuộc, bình thường với các em, cả gái lẫn trai. (xem thêm tranh trong cuốn này tại đây nhé)

Hay một cuốn khác – Giải cứu công chúa, cũng do bạn Lộc viết nội dung, kể về trò chơi giải cứu công chúa, nhưng không hẳn là thế. Mời các bạn nghe cô Julia Roberts đọc cuốn sách này ở đây:

Bạn Lộc là một tác giả viết cho thiếu nhi xuất sắc (bạn ấy đã có nhiều sách xuất bản trên thị trường rồi đó, các bạn tìm đọc thử xem sao), thêm nữa bạn còn là một ông bố. Mình vẽ sách của Lộc rất hợp vì mình đồng tình với cách cài cắm những thông điệp về bình đẳng giới trong các sáng tác của bạn ý: luôn nhỏ nhẹ, hài hước, không lên gân. Những người đàn ông như vậy là các đồng minh quan trọng trong phong trào nữ quyền, bình đẳng giới. Cá nhân mình tin rằng phong trào nữ quyền sẽ khó đạt hiệu quả cao nhất nếu thiếu đi những đồng minh này, vì mục đích sau cùng vẫn là để hai giới chung sống hài hoà và bình đẳng, đúng không?

Kể chuyện dài dòng vậy để nói có vài tổ chức hoặc đơn vị, cá nhân tham gia vào phong trào bình đẳng giới này, thường xuất phát từ mục đích tốt, ban đầu làm rất ổn, nhưng đôi khi sau dần lại chuệch choạc đi, ngay cả phong trào me too. Ví dụ, mới gần đây có vụ em sinh viên mỹ thuật bị chụp ảnh lén rồi đăng lên FB cho cả đám đàn ông bình luận khiếm nhã trên mạng xã hội. Em ấy cũng rất dũng cảm và thẳng thừng chỉ mặt, gọi tên từng người một. Một trang tương đối lớn về bình đẳng giới đưa tin về sự việc này, nhưng lại đưa tin sai một chi tiết là người đàn ông chụp lén ảnh là giảng viên ĐH (người đọc sẽ có thể ngầm hiểu là chính trường ĐH mỹ thuật của em sinh viên đó). Trên thực tế, ông ta là cựu sinh viên của trường và những người trong phần comment cũng không có ai là giảng viên ĐH. Họ có thể đi dạy, nhưng là dạy vẽ ở trường phổ thông hoặc trung tâm. Có một số bạn vào góp ý cho page, nhưng page không sửa, thậm chí còn nhiều bạn vào comment phủ nhận chuyện đó đâu quan trọng gì.

Đúng là một chi tiết nhỏ ấy không làm thay đổi thực tế & bản chất của hành động sai trái, tởm lợm kia. NHƯNG, một chữ NHƯNG rất TO, đưa tin CẦN chính xác, không nhập nhèm dễ gây hiểu lầm, nếu nhầm thì phải sửa lại cho đúng. Hơn cả việc nhầm lẫn thông tin, thái độ coi nhẹ và hời hợt rất dễ gây ấn tượng/ hiểu lầm rằng họ chỉ quan tâm tới quyền lợi phụ nữ, chỉ cần bảo vệ phụ nữ là được, còn mấy tên đàn ông đã mắc tội thì không đáng được để ý gì thêm, có sai gì thì mày vẫn đã gây ra tội, tao chỉ cần biết mày đã làm sai thế thôi. Chuyện này tại sao nguy hiểm, trước hết, không bao giờ được loại trừ khả năng đàn ông bị oan, không phải cứ phụ nữ kêu là auto đúng. Trong trường hợp cụ thể kể trên, các giảng viên nam của ĐH ấy không hề gây ra tội gì, ít nhất là trong sự việc cụ thể của em sinh viên đó, tự dưng họ bị vạ lây vậy có OAN không, có SAI không? Trường ĐH cũng mang tiếng có giảng viên mất dạy. Xử gì thì cũng phải đúng người đúng tội nhé!

Một sự việc khác cũng của page đó, khi họ đưa tin về kỷ luật đen trong trường học của Nhật, có điều luật cấm nữ sinh buộc tóc đuôi ngựa. Họ chỉ đưa đúng một chi tiết như vậy, minh tin rằng không mấy người Việt biết về cái kỷ luật đen đó. Mình bổ sung thêm chuyện rằng kỷ luật đen có rất nhiều thứ, và nó áp cho cả nam sinh lẫn nữ sinh (vd nữ sinh bị cấm buộc tóc thì nam sinh cũng bị cấm cạo đầu hay nhuộm tóc). Đó là một điều luật chống lại con người, chứ không chỉ phụ nữ. Page tất nhiên không bổ sung, họ phản hồi đại ý rằng họ chỉ muốn tập trung vào chi tiết đó, cũng có những bạn vào gay gắt phản đối mình rằng đây là bài nội dung về bất công với nữ sinh, không phải nỗi khổ của học sinh Nhật nói chung. Mình cho rằng đây là cách đưa tin CHERRY PICKING, chỉ lựa bằng chứng (dù là thật) để backup cho thông điệp, cho câu chuyện họ muốn kể, mà không cố gắng đưa ra cái nhìn tổng thể, nhiều khía cạnh cho câu chuyện. Nếu muốn lấy ví dụ cho việc bất bình đẳng giới ở Nhật, có rất nhiều ví dụ khác tiêu biểu và chuẩn xác hơn.

Thái độ kể trên gây hại cho phong trào nữ quyền/ bình đẳng giới nhiều hơn là bảo vệ cho phụ nữ, có khả năng biến tướng thành toxic feminism. Để có được sự đồng lòng của những người đã có ý thức về bình đẳng giới, đổ thêm dầu vào nỗi uất ức sẵn có của nhiều chị em phụ nữ thì DỄ, để thuyết phục những người còn đang lung lay ở giữa, những người đàn ông đã bị nuôi dạy bởi những định kiến sai lầm về bình quyền mới KHÓ. Và đó nên là một trong những ưu tiên của các hoạt động nữ quyền. Khi bạn đưa tin về các sự việc bất bình đẳng, về nỗi khổ của chị em, trước hết câu chuyện phải chính xác, trung thực; nếu người đàn ông này tát cô gái 5 cái thì phải ghi đúng 5 cái, không phải 10 hay 2 cái. Việc biên tập, chỉnh sửa hoặc cắt gọt câu chuyện (nghĩ rằng) có lợi cho nạn nhân chưa chắc đã giúp ích gì, mà có khi còn khiến nạn nhân bị tấn công ngược vì dối trá. Câu chuyện mở đầu của bạn nếu sai, dù là chỉ một chi tiết nhỏ, thì những lý lẽ, phân tích sau đó của bạn dù đúng cũng kém tin cậy & thuyết phục đi, thậm chí người ta sẽ không muốn nghe bạn nói nữa, hoặc có ác cảm với phong trào nữ quyền.

Thêm một điểm nữa mình thấy rằng, trong nhiều phong trào, những người đi đầu, hoặc dẫn dắt phong trào trong thời đại internet hiện nay, nhiều khi họ lựa chọn cách làm gắt, vì nếu không gắt thì không gây được đủ sự chú ý. Giống như có một sức ép phải tuyệt đối, hoặc A hoặc B chứ không thể trong trường hợp này thì có thể thế này thế khác, cho dù trên thực tế, có mấy thứ rạch ròi trắng đen rõ được vậy. Thành ra tạo ra nhiều lỗ hổng hoặc gây biến tướng cho các phong trào vốn dĩ vì mục đích tích cực.

Ngoài ra, phần lớn các trang, hội nhóm hoạt động về bình đẳng giới hiện tại ở Việt Nam mình thấy mới dừng lại ở việc phổ biến kiến thức và đưa tin về các vụ án. Cái này vẫn tốt, mình rất ủng hộ. Mình chỉ hi vọng rằng họ sẽ lớn mạnh hơn và làm được những việc khó và cần thiết như bảo vệ và giúp đỡ các nạn nhân khi họ lên tiếng. Việc giúp đỡ này không chỉ dừng ở việc lên tiếng ủng hộ sau khi họ đã ra mặt tố cáo tội phạm, mà nên từ TRƯỚC ĐÓ nữa. Ví dụ khi nạn nhân tự lên tiếng ở các trang cá nhân của họ, tự viết, tự kể lại câu chuyện sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng của cảm xúc. Và điều này có thể khiến họ bị lộ ra những điểm dễ tổn thương, khiến họ bị tấn công ngược. Cái họ cần được giúp đỡ là những người có kiến thức về pháp luật, những người giữ cái đầu lạnh và tỉnh táo để mài dũa từng câu từng từ họ viết ra/ nói ra sao cho kín kẽ, ít sơ hở nhất có thể (không phải là biên tập lại sự thật nhé, mà là cách chọn từ, cách trình bày câu chuyện mạch lạc, chặt chẽ, cách sắp xếp bằng chứng thuyết phục…); làm sao để lời tố cáo của nạn nhân có hiệu quả cao nhất và đề phòng những tác dụng ngược có thể xảy ra.

Ví dụ cụ thể như chuyện em sinh viên mỹ thuật kể trên, em rất dũng cảm và thẳng thắn. Nhưng khi em tố cáo câu chuyện đó, em chỉ kể bộc phát và cá nhân chứ không có ai hỗ trợ, backup. Những điều em không ngờ tới và không thể kiểm soát nổi như là dân mạng tấn công người thân của những kẻ gây tội kia, và người thân của kẻ gây tội thì vẫn ko phải kẻ gây tội, trách nhiệm đó sẽ đổ ngược lên đầu em – nạn nhân. Và chỉ vài ngày sau, em ấy đã bay màu luôn cái tài khoản FB. Chắc chắn em và gia đình cũng gặp rất nhiều phiền phức. Đấy là điều mình hi vọng các tổ chức về bình quyền sẽ làm, hỗ trợ & bảo vệ các nạn nhân từ lúc họ quyết định sẽ lên tiếng cho tới sau đó.

Để kết lại thì mình xin kể lại một chuyện mình đã từng kể nhiều lần, một trong những nhân vật fiction mình thích nhất trong lịch sử là Sherlock Holmes. Vì mục đích xuyên suốt của Sherlock là tìm ra sự thật, thuần tuý sự thật, chứ không phải để bênh vực ai. Và tất nhiên đó là một mục đích tối thượng rất mùi fiction vì chắc gì đã có sự thật, biết đâu chỉ là toàn point of view :))). Nhưng mình vẫn rất mê ahuhuhu, ít nhất những thứ đơn giản như cựu sinh viên thì viết đúng là cựu sinh viên đừng đôn người ta thành giảng viên ĐH ;)))).

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s