Hồi cấp 3, mình từng làm một việc hết sức bố láo bố toét. Mình dành nguyên bài kiểm tra văn 2 tiết để phân tích lại chính cái đề bài. Viết trọn mấy trang giấy để phân tích từng câu từng từ, cái đề cô viết nó thiếu logic và vô nghĩa ra sao. Kết luận là đề như thế này thì sao mà em viết nổi.
Khỏi nói vụ đấy đã gây ra bao nhiêu rắc rối cho tất cả mọi người xung quanh, đặc biệt là bố mẹ mình. Mà chính bản thân mình thì ít cảm thấy rắc rối nhất vì quả thực mình không quan tâm cô giáo nghĩ gì hay bị điểm kém thế nào. Đấy là một thời kỳ be bét khi mình đi học hằng ngày không bao giờ soạn sách vở, tất cả các môn mình viết bừa vào chung một quyển vở.
Mình còn nhớ khá rõ việc cô giáo đã dành trọn hai tiết văn tiếp theo để xả sự tức giận và thất vọng với mình. Thực ra cô chỉ cần trừng phạt mình thôi, các bạn khác tự dưng phải nghe cũng mệt (và bất công quá). Đấy chính là chuyện rắc rối mọi người xung quanh phải hứng chịu mà mình đã nói ở trên.
Lời chốt hạ mà cô nói với mình là (đại ý): cô khuyến khích sự sáng tạo nhưng sáng tạo phải có khuôn khổ. Diễn đạt từ ngữ có thể gây hiểu nhầm, nhưng mình hiểu ý cô rằng sáng tạo cũng có sáng tạo this, sáng tạo that. Không phải cái gì “out of the box” cũng tốt cả. Có những thứ phá vỡ khuôn khổ lại làm cho mọi chuyện tệ hơn.
Mình đồng ý rằng không phải cái “cải” nào cũng “tiến”. Có những cái “cải” “tụt” vc “lùi”. Và học sinh thì bình luận cách ra đề của giáo viên làm gì cho… mệt tất cả những người xung quanh .
Mặt khác, trải qua rất nhiều chuyện tương tự như trên (vâng, đó không phải là scandal duy nhất thời đi học của thuỳ), mình nhận thấy rằng sai thì… tất nhiên là sai rồi nhưng tuyệt đối đúng chưa chắc đã tốt như chúng ta tưởng. Phản biện của mình với đề bài của giáo viên chưa chắc đã đúng nhưng việc không bao giờ nghi ngờ bất kỳ điều kỳ giáo viên nói hay mọi thứ họ đưa ra cũng chưa chắc đã tốt cả.
Hôm nọ mình vô tình đọc được ai đó viết rằng họ sẽ không bao giờ đọc sách dở (lướt qua không nhớ rõ ở đâu). Với mình đó là một mong muốn nghe có vẻ… đúng đắn nhưng lại rất mơ hồ. Vì nếu không tự đọc thì sao đã biết cuốn sách đó là hay hay dở. Mình thì ngược lại, mình sẽ đọc cả sách hay lẫn sách dở, vì mình không có cách nào biết được tác phẩm đó thực sự ra sao nếu chưa thử. Và mình tin rằng ngay cả việc tìm hiểu về những cái dở cũng có ý nghĩa; không phải để thấy nó hay hơn mà để hiểu vì sao nó dở.
Quay lại chuyện phản biện lại đề bài của cô giáo, có thể nhiều người sẽ không tin, nhưng mình không cố tỏ vẻ ta đây hay gì (dù có thể người ta sẽ phản biện lại rằng khi mày tỏ vẻ ta đây mày sẽ khó thừa nhận mày đang tỏ vẻ). Mình chỉ thật lòng thấy cái đề đó viết không rõ ràng, không logic, và mình ghét việc chỉ cần biết phải viết về tác phẩm nào và cứ thế viết bừa về nó là được (vậy sao không đơn giản ra đề là: phát biểu cảm nghĩ chung của em về tác phẩm A?). Và việc suy nghĩ, phân tích vì sao cái thứ ấy không ‘make sense’ với mình là điều mình thấy có ích (dù có thể mình đã sai). Chỉ là không nên làm việc đó ngay trong bài kiểm tra để tránh gây phiền phức cho những người vô can khác thôi!
Mình không ‘hư’, không cá tính nổi loạn nhưng cũng lỏng lẻo, kém chuẩn mực hơn nhiều tiêu chuẩn cơ bản (nên mình không thành cái gì cả vì nửa mùa ở giữa). Mình chỉ có mong muốn hết sức đơn giản là được thử & được hiểu. Mình luôn cảm thấy bị hiểu nhầm những gì mình làm là ‘rebel’, là phản kháng nổi loạn, là chứng minh bản thân (nhất là thời tuổi teen) trong khi mình không hề có ý đấy. Mình chỉ muốn hiểu cái thứ đấy, ngay cả khi sau đó mình quyết định rằng nó dở.
p.s: và tôi còn một bài báo cần làm mà tôi chưa viết được chữ nào :v