Trong cuốn sách Strangers Drowning, tác giả Larissa MacFarquhar có nhắc tới khái niệm Moral saint, chỉ những người sẵn sàng hi sinh lợi ích bản thân đi để làm việc thiện, giúp đỡ người khác. Phần lớn mọi người đều không ưa các “thánh đạo đức” này, vì việc chứng kiến những hành động hi sinh như vậy phản chiếu lại đạo đức bản thân chúng ta theo cách không dễ chịu gì (đây là sách nói thế).
Đây hẳn là cảm giác của mình khi xem mấy phần phim đầu của Captain America và thấy anh chàng – đánh giá mức độ “anh hùng” của người khác bằng việc sẵn lòng đổ máu bò dưới dây thép gai – nhạt nhẽo vô cùng. Mình chỉ bắt đầu thấy đội trưởng Mỹ thú vị hơn, con người hơn từ phần phim Civil War, khi anh phải đối mặt với những lựa chọn mà dù anh chọn cái gì cũng sẽ gây tổn thương cho một người thân thiết với anh.
Tương tự, trong các tác phẩm hư cấu, nhân vật chính tốt quá có khi lại ít được thích hơn những nhân vật có phần phản diện. Ví dụ như trong Thor 1, Loki được yêu thích hơn hẳn. Không chỉ bởi anh Tom Hiddleston quá đẹp trai và ‘charming’ (Thor của Chris cũng đẹp trai ngời ngời còn gì), mà vì anh đã thể hiện được những khía cạnh mong manh, dễ tổn thương của nhân vật. Khán giả hiểu được nguồn cơn của những hành động sai trái (hiểu không có nghĩa là “đồng tình”), cũng như nỗi đau của Loki và phần nào đồng cảm với nhân vật. Vì làm gì có ai không sứt mẻ bao giờ.
Khi đọc Naruto, đó là lần đầu tiên mình thích một nhân vật chính mà thằng đấy lại còn tốt tính. Vì mình hiểu được vì sao nó tốt. Naruto không nhớ nổi một ký ức nào về cha mẹ mình, lớn lên trong sự ghẻ lạnh của những người xung quanh, nó tha thiết tìm kiếm lòng tốt & sự công nhận. Và bước ngoặt đối với Naruto là khi nó lần đầu nhận được lòng tốt từ một người khác – thầy Iruka, người tin rằng nó là một đứa trẻ ngoan, bất kể trước giờ nó đã cố tình hành xử nghịch phá bao nhiêu, học dốt đến thế nào. Nó nhận ra lòng tốt có thể được lựa chọn ngay cả trong những tình huống khó khăn. (Như trong Parasite có câu thoại là khi giàu có, sung sướng thì ai cũng dễ làm người tốt cả, đúng hơm?)
Vậy nên việc Naruto đối xử tốt với người khác là một lựa chọn. Trong mọi trận chiến, nó đều tìm được điểm để cảm thông cho đối thủ. Ngay cả khi kẻ đó đang tìm cách làm hại người nó yêu quý, nó cũng không gạt bỏ sự đồng cảm ấy đi. Lựa chọn của Naruto thể hiện ngay ở cách nó nói, không bao giờ là tao sẽ giết mày mà là tao sẽ ngăn chặn/ ngăn cản mày. Điều làm mình thích Naruto là bởi trong mọi tình huống nó lựa chọn lòng tốt, việc đó không bao giờ dễ dàng, và không phải lúc nào cũng kết thúc tốt đẹp, nhưng nó luôn tìm được đủ can đảm để chọn điều đó.
Trường hợp đầu tiên, cũng là lớn nhất mà Naruto đã chọn để “tốt” chính là thằng Sasuke =))). Sasuke như kiểu project trọn đời của Naruto. Tao sẽ tốt với mày đến tận cùng, bất chấp có chuyện gì có thể xảy ra, đến mức có phần hơi toxic vì nó không nhận ra rằng vấn đề của Sasuke thì chỉ tự Sasuke giải quyết được, không phải nó cứ gánh hết hộ là xong .
Nhưng về sau Naruto phát triển rất là chán ó, hoá thành moral saint ban phát lòng tốt khắp thiên hạ ó .
Trong cú tát lịch sử Oscar, vì chỉ là một khán giả đứng xem, mình thấy rất dễ dàng để đánh giá sự việc & những người trong cuộc. Nên làm thế này, làm thế kia cơ. Lựa chọn khó khăn hơn bây giờ lại nằm trong tay khán giả, mình thấy vậy. Nói bao nhiêu là đủ, phê phán tới mức nào là vừa, chúng ta có lường trước được những gì chúng ta nói có thể đẩy một người tới đâu hay không? Bạn có dám chọn lòng tốt hay không? Rất nhiều người bênh vực Chris Rock, nói rằng câu đùa đấy cũng bình thường thôi, bọn mày không biết dark comedy à các kiểu. Người ta nói vậy cũng có cái lý của họ, người ta cho rằng nhà Smith không biết “take a joke”. Ừ thì cười, cho dù người ta “take” được cái “joke”, dù chịu được nỗi đau, bị móc mỉa nhưng chúng ta có cần cứ phải “làm khó”, thử thách nhau như thế?
Hôm qua, đột nhiên một ký ức xuất hiện trong đầu mình: thời học cấp 3, mình từng nói với đứa bạn thân ngày đó (mà nghỉ chơi lâu rồi) là mình chỉ muốn trở thành một người tốt. Mình không nhớ hoàn cảnh nào, lý do gì khiến mình nói ra điều đó. Giờ nghĩ lại chỉ thấy ôi tôi đúng là một tấm chiếu chưa trải. Này mong muốn cụ thể có hơn không, một căn nhà có vườn, phòng tắm có bồn tắm, tháng nào cũng đi onsen… người tốt là cái gì, thế nào mới là tốt? Mình không còn giữ cái mong muốn ngây thơ đó. Nhưng nếu mình đùa một câu mà làm người khác cười nhưng chủ thể thì khó chịu, mình vẫn sẽ thấy áy náy. Mình không thấy thoải mái với việc phải dìm một ai đấy để mua vui, bất kể người đó có thể “take a joke” hay không. Mình luôn cảm thấy đùa vậy là cái đùa… dễ dàng, cái đùa ít đầu tư tâm sức.
Mình nghĩ rằng vào thời điểm hoang mang, hỗn loạn mình hình thành nhân sinh quan, mình đã yêu thích những hình tượng như Naruto, những nhân vật đủ mạnh mẽ, đủ dũng cảm (dù bị tổn thương bao nhiêu lần) để chọn lòng tốt. Dù mình không phấn đấu để trở thành một người như vậy, mình sẽ luôn cân nhắc tới kindness trong mọi việc mình làm. Đùa như thế này có gây tổn thương hay không, viết bài báo như này có đem tới tác dụng ngược nào không, xây dựng một nhân vật như này có đem lại điều gì tích cực nào hay không, nói chuyện này trên podcast có ok không… Mình sẽ không cố lựa chọn những thứ gây tranh cãi, đi ngược dư luận để làm những thứ ở ranh giới mong manh. Nếu có cách nào để truyền đạt quan điểm ít gây tổn thương nhất có thể mình sẽ chọn cách ấy. Nhưng nếu cần nói mà không thể không làm tổn thương ai đó, mình vẫn sẽ nói và vẫn sẽ xin lỗi người đó.