Một lời động viên,

Mình đang xem series hoạt hình Kotaro lives alone trên Netflix, kể về cậu bé Kotaro 4 tuổi sống một mình trong một khu tập thể. Có đoạn Kotaro bị ngã, xước hết cả đầu gối. Cậu phải tự rửa sạch vết thương và dán băng cứu thương. Sau khi làm xong, Kotaro sang nhà hàng xóm – một hoạ sĩ truyện tranh để xin một lời khen động viên. Kotaro giải thích rằng trước giờ cậu rất sợ việc sát trùng vết thương (tất nhiên rồi, đau mà), và đây là lần đầu tiên cậu đủ dũng cảm tự làm việc đó, thế nên cậu cảm thấy rằng mình rất xứng đáng nhận một lời khen.

Đoạn này, cũng như cả series phim này, vừa dễ thương vừa buồn thối ruột. Trẻ con hẳn nhiên rất cần những lời động viên, những lời khen khi chúng làm được việc gì đó dù nhỏ nhặt tới đâu. Chúng ta cũng dễ dàng trao những lời khen động viên ấy cho trẻ nhỏ hơn. Nhưng khi sống một mình lấy đâu ra ai mà khen cho?

Chuyện này khiến mình nghĩ tới một trong những thứ – trong vô vàn những thứ khiến đời sống người lớn thật khó khăn – chúng ta rất ít khi nhận được những lời khen động viên. Và hẳn nhiên người ta cũng ít nghĩ tới việc làm chuyện đó với người lớn, rất khác đối với trẻ con. Người lớn hẳn nhiên phải làm được xyz chuyện, lại còn cần phải khen sao?! Ai hơi đâu (thực lòng) suốt ngày vuốt ve cái tôi của người khác? Khi bước vào tuổi trưởng thành, chúng ta phải nhận những lời phê bình vì những thứ chúng ta chưa biết làm nhiều hơn là những thứ chúng ta đã làm được. Ngay cả những chuyện nghe chừng nhỏ nhặt.

Read More »

Viết về chuyện viết,

Trong suốt thời đi học, mình luôn thích đọc, thích viết và luôn nghĩ rằng mình thích học Văn, hiển nhiên một bộ môn kết hợp việc đọc & viết. Mình không có thành tích nào to tát, đáng kể với môn học này, thi điểm không cao, không học lớp chuyên, không thi học sinh giỏi, không trúng giải gì bao giờ… Nếu có gì có thể tự tin & tự hào mà nói thì chỉ là mình đã học môn này rất nhiệt tình, rất thật lòng. Ít nhất là mình đã nghĩ vậy.

Mình có một vài kỷ niệm với môn Văn, cả vui, buồn cười, cả cay đắng. Vài chuyện vui hiếm hoi có thể kể tới như là mình từng có vài bài tập làm văn mà cô giáo thích quá, không chỉ cho đọc ở lớp mình mà còn mang cho cả tổ văn xem và đọc ở cả những lớp khác. Hay là một thằng bạn mình – đứa căm thù môn văn với tất cả nhiệt huyết tuổi trẻ, đứa từng tuyên bố rằng thi tốt nghiệp xong nó sẽ đốt sách văn rồi đái vào đấy; mà thi ĐH nó được 7đ (hay 7.5 gì đấy) văn, mình được có 6.5đ. Nó cười muốn tắc thở. Chuyện cay đắng thì mình đã viết nguyên mấy bài blog rồi đấy.

Hồi cấp 2, có lần chọn học sinh đi thi học sinh giỏi văn, mới vòng trường thôi (rồi mới lọc dần thi các cấp cao hơn). Ngày đó thì điểm văn mình không tệ, không phải cao nhất lớp nhưng cũng luôn trên 8 phẩy & có những bài hay được đọc trước lớp. Cô văn chọn tất cả từ những bạn điểm cao nhất lớp, những bạn cô rất quý cho tới cả những bạn ghét môn văn & điểm làng nhàng, trừ mình ra. Tất nhiên, lớp mình chẳng đứa nào qua được vòng trường. Nếu mình đi thi chắc… cũng trượt thôi, nhưng ngày đó mình đã rất thắc mắc tại sao cô không chọn mình, cô đã chọn theo tiêu chí gì? Mà mình quá shock và tự ái để xung phong xin đi thi (vòng trường không giới hạn số học sinh tham gia, các lớp cử bao nhiêu bạn đi cũng được).

Read More »

Tuyệt đối an tâm.

Hồi trước mình xem phim The Good Doctor, kể về một bác sĩ thiên tài tên Shaun mắc chứng tự kỷ, có chi tiết là: Shaun vốn không biết ăn nói khéo léo trong các tình huống giao tiếp thường ngày, cậu thường nói thật & thẳng tất cả mọi thứ. Cậu khám cho một bệnh nhân xong và khi bệnh nhân hỏi tôi có khoẻ mạnh không, Shaun nói… thật, là giờ chưa thể khẳng định điều gì, luôn có nguy cơ xyz này nọ. Và chuyện đó khiến bệnh nhân nọ vừa căng thẳng, lo lắng, vừa tức giận. Lúc ấy, vị giám đốc bệnh viện, cũng là mentor của Shaun kịp thời can thiệp, giải quyết vụ việc. Ông khẳng định chắc chắn với bệnh nhân kia rằng ông hoàn toàn khoẻ mạnh, không có vấn đề gì cả đâu nhé.

Shaun vô cùng bối rối, hỏi mentor của mình là sao lại nói dối bệnh nhân. Vị giám đốc đáp lại rằng người bệnh luôn cần sự khẳng định chắc chắn, cho dù trên thực tế thì gần như chẳng có gì chắc chắn được đến mức đó. Cái gì cũng chỉ mang tính thời điểm.

(và cũng vì hôm nay mình vừa đi cắt chỉ vết khâu ở viện về, đau vcl tự dưng nhớ lại phim về bác sĩ)

Read More »

Ghi chép nhỏ về hoạt động nữ quyền,

Đây là một chủ đề hiếm khi mình muốn động tới, vì… mệt. Nhưng hôm nay mình sẽ vượt lười.

Đầu tiên, phải khẳng định rằng đây là vấn đề xã hội mình quan tâm. Mình luôn cố gắng cài cắm (một cách nhỏ nhẹ) những thông điệp về bình đẳng giới vào các tác phẩm mình làm. Xin chia sẻ lại vài ví dụ xinh xinh, để bạn đọc dễ hình dung cách thức mình tham gia vào phong trào xã hội này. Mình cho rằng có nhiều cách khác nhau để chúng ta đóng góp, phù hợp với từng đối tượng, sức đến đâu làm đến đó, không nhất thiết phải “gay gắt”, phải ầm ỹ lên thì mới là nhiệt tình tham gia.

Một trang trong cuốn picture book Địu em– tác giả: Nguyễn Trần Thiên Lộc

Bức tranh trên đây là trang bìa lót, chưa vào nội dung truyện chính. Mình vẽ một hoạt cảnh gia đình: mẹ bầu ngồi thư giãn để các con chăm sóc và bố (xin thứ lỗi tạo hình hơi giống bà giúp việc, nhưng là bố đấy ạ . _ . ) vui vẻ đi quét nhà (một việc cỏn con). Mình mong đó sẽ trở thành hình ảnh quen thuộc, bình thường với các em, cả gái lẫn trai. (xem thêm tranh trong cuốn này tại đây nhé)

Hay một cuốn khác – Giải cứu công chúa, cũng do bạn Lộc viết nội dung, kể về trò chơi giải cứu công chúa, nhưng không hẳn là thế. Mời các bạn nghe cô Julia Roberts đọc cuốn sách này ở đây:

Bạn Lộc là một tác giả viết cho thiếu nhi xuất sắc (bạn ấy đã có nhiều sách xuất bản trên thị trường rồi đó, các bạn tìm đọc thử xem sao), thêm nữa bạn còn là một ông bố. Mình vẽ sách của Lộc rất hợp vì mình đồng tình với cách cài cắm những thông điệp về bình đẳng giới trong các sáng tác của bạn ý: luôn nhỏ nhẹ, hài hước, không lên gân. Những người đàn ông như vậy là các đồng minh quan trọng trong phong trào nữ quyền, bình đẳng giới. Cá nhân mình tin rằng phong trào nữ quyền sẽ khó đạt hiệu quả cao nhất nếu thiếu đi những đồng minh này, vì mục đích sau cùng vẫn là để hai giới chung sống hài hoà và bình đẳng, đúng không?

Read More »

Một cái đề văn,

Hồi cấp 3, mình từng làm một việc hết sức bố láo bố toét. Mình dành nguyên bài kiểm tra văn 2 tiết để phân tích lại chính cái đề bài. Viết trọn mấy trang giấy để phân tích từng câu từng từ, cái đề cô viết nó thiếu logic và vô nghĩa ra sao. Kết luận là đề như thế này thì sao mà em viết nổi.

Khỏi nói vụ đấy đã gây ra bao nhiêu rắc rối cho tất cả mọi người xung quanh, đặc biệt là bố mẹ mình. Mà chính bản thân mình thì ít cảm thấy rắc rối nhất vì quả thực mình không quan tâm cô giáo nghĩ gì hay bị điểm kém thế nào. Đấy là một thời kỳ be bét khi mình đi học hằng ngày không bao giờ soạn sách vở, tất cả các môn mình viết bừa vào chung một quyển vở.

Mình còn nhớ khá rõ việc cô giáo đã dành trọn hai tiết văn tiếp theo để xả sự tức giận và thất vọng với mình. Thực ra cô chỉ cần trừng phạt mình thôi, các bạn khác tự dưng phải nghe cũng mệt (và bất công quá). Đấy chính là chuyện rắc rối mọi người xung quanh phải hứng chịu mà mình đã nói ở trên.

Read More »

Lựa chọn lòng tốt,

Trong cuốn sách Strangers Drowning, tác giả Larissa MacFarquhar có nhắc tới khái niệm Moral saint, chỉ những người sẵn sàng hi sinh lợi ích bản thân đi để làm việc thiện, giúp đỡ người khác. Phần lớn mọi người đều không ưa các “thánh đạo đức” này, vì việc chứng kiến những hành động hi sinh như vậy phản chiếu lại đạo đức bản thân chúng ta theo cách không dễ chịu gì (đây là sách nói thế).

Đây hẳn là cảm giác của mình khi xem mấy phần phim đầu của Captain America và thấy anh chàng – đánh giá mức độ “anh hùng” của người khác bằng việc sẵn lòng đổ máu bò dưới dây thép gai – nhạt nhẽo vô cùng. Mình chỉ bắt đầu thấy đội trưởng Mỹ thú vị hơn, con người hơn từ phần phim Civil War, khi anh phải đối mặt với những lựa chọn mà dù anh chọn cái gì cũng sẽ gây tổn thương cho một người thân thiết với anh.

Tương tự, trong các tác phẩm hư cấu, nhân vật chính tốt quá có khi lại ít được thích hơn những nhân vật có phần phản diện. Ví dụ như trong Thor 1, Loki được yêu thích hơn hẳn. Không chỉ bởi anh Tom Hiddleston quá đẹp trai và ‘charming’ (Thor của Chris cũng đẹp trai ngời ngời còn gì), mà vì anh đã thể hiện được những khía cạnh mong manh, dễ tổn thương của nhân vật. Khán giả hiểu được nguồn cơn của những hành động sai trái (hiểu không có nghĩa là “đồng tình”), cũng như nỗi đau của Loki và phần nào đồng cảm với nhân vật. Vì làm gì có ai không sứt mẻ bao giờ.

Khi đọc Naruto, đó là lần đầu tiên mình thích một nhân vật chính mà thằng đấy lại còn tốt tính. Vì mình hiểu được vì sao nó tốt. Naruto không nhớ nổi một ký ức nào về cha mẹ mình, lớn lên trong sự ghẻ lạnh của những người xung quanh, nó tha thiết tìm kiếm lòng tốt & sự công nhận. Và bước ngoặt đối với Naruto là khi nó lần đầu nhận được lòng tốt từ một người khác – thầy Iruka, người tin rằng nó là một đứa trẻ ngoan, bất kể trước giờ nó đã cố tình hành xử nghịch phá bao nhiêu, học dốt đến thế nào. Nó nhận ra lòng tốt có thể được lựa chọn ngay cả trong những tình huống khó khăn. (Như trong Parasite có câu thoại là khi giàu có, sung sướng thì ai cũng dễ làm người tốt cả, đúng hơm?)

Read More »