Bất kể Táo quân đã trở nên dở và nhạt nhẽo ra sao, việc xem Táo đã trở thành một phần “thủ tục” ngày Tết của mình. Giống như không có mùi thơm lá mùi già, đón Tết sẽ thấy thiêu thiếu.
Những năm gần đây đã có rất nhiều chỉ trích với chương trình Táo quân, về những câu đùa đã quá lỗi thời, chọc ngoáy ngoại hình – body shaming, giễu nhại vô duyên cộng đồng LGBTQ+… Có những người thì bênh vực, cho rằng đã làm hài không thể không đụng chạm một ai đó. Cá nhân mình cũng thích hài kịch đen, những chuyện đùa không thèm kiêng nể ai. Tuy vậy, điều gì phân biệt hài kịch đen với chỉ đơn giản… xúc phạm ai đó?
Tất nhiên, hài hước là một phạm trù cực kỳ chủ quan, cá nhân. Không có công thức chung đúng cho tất cả. Không có câu đùa nào khiến con dân Trái đất cười được tất. Nhưng là một người luôn đặt tiêu chí buồn cười lên rất cao trong mọi sản phẩm nghệ thuật, mình muốn chia sẻ một góc nhìn nhỏ về sự hài hước mà mình trân trọng.
Hôm qua, mình bật chương trình Hoa táo (Gặp nhau cuối năm 2009) để xem lại, cho có không khí (với mình đây là một trong những năm tốt nhất từ xưa đến giờ). Mình nhận ra chương trình 2022 đã xào lại không ít câu đùa của năm 2009, nhưng… it didn’t work at all. Hài kịch mình thấy vô cùng, vô cùng khó làm. Phân tích một câu đùa vì sao nó buồn cười cũng là giết chết sự hài hước ấy, nhưng hãy “gắng gượng” với mình thêm chút.
Lấy ví dụ một câu đùa đã được xào lại từ 2009 trong năm nay: “Cỗ nào cũng có thịt gà / Đàn ông phải có đàn bà mới vui” (2009 – lời Nam Tào) —> “Cỗ nào cũng có thịt gà / Báo cáo phải có đàn bà mới vui” (2022 – lời Táo kinh tế). Phiên bản 2009 thì buồn cười, còn 2022 mình chỉ thấy sexist. Vì sao?
Cái rõ ràng đầu tiên đập vào mặt là bản 2022 không vần, nói nghe không trôi, không còn giữ được sự đối xứng của câu cũ (đàn ông – đàn bà vs cỗ – thịt gà). Báo cáo với đàn bà là hai phạm trù không liên quan cho lắm.
Thứ hai là văn cảnh. Trong 2009, đấy là đoạn Nam Tào đang công bố các thí sinh Hoa Táo lọt vào phần thi ứng xử. Trước đó là hai Táo nam giới. Câu đùa này chỉ đơn thuần ám chỉ việc cân đối về giới, những thứ thường đi cặp với nhau (như ăn cỗ hay có đĩa thịt gà). Khiến hai Táo nữ còn lại hồi hộp tưởng mình sắp được gọi tên. Và punch line của tình tiết này là Nam Tào chốt: “Cỗ nào cũng có thịt gà/ Đàn ông không có đàn bà vẫn vui” và gọi tên một Táo nam giới. Câu này vẫn vần & trôi mồm, cũng như bẻ ngược lại mong đợi (không có Táo nữ nào được gọi), cũng như quan điểm quen (đàn ông không cứ phải đi kèm với đàn bà).
Với mình, câu đùa trên là một câu đùa hiệu quả (mà không cần phải xúc phạm ai), có tình huống hợp lý, có thông điệp nhất định, lại được deliver một cách tự nhiên (câu từ vần điệu, Xuân Bắc diễn cũng duyên). Đây là một câu đùa có nội hàm.
Trong bản 2022, tình huống Táo kinh tế đọc câu kia chỉ để giới thiệu Táo Vân Dung (mình không nhớ chính xác là Táo gì) ra báo cáo cùng. Và đặc biệt sau khi Táo kinh tế nói vậy, Ngọc Hoàng đã đáp lời “chén luôn“. Một lần nữa, báo cáo thì liên quan gì tới đàn bà? Chỉ có thể liên tưởng tới gái bao, gái tiếp rượu trong các công cuộc làm ăn, họp bàn? Mình cười không nổi.
Ngoài ra có những miếng hài nhăng nhít. Loại này mình rất khoái, đặc biệt khi nó không cần dùng từ bậy/ chửi, không cần chê bai nhạo báng cái gì. Chỉ là một sự ngớ ngẩn vô hại. Như đoạn Nam Tào, Bắc Đẩu và Táo Thoát nước (Tự Long) tự dưng tuôn ra một tràng những câu ca dao, tục ngữ, thơ thẩn… mà hoàn toàn không liên quan gì tới nhau lẫn tới hoàn cảnh. Punch line cuối là khi Táo Thoát nước đọc câu “Trèo lên trái núi thiên thai/ Gặp chim lan phượng gặp hai cái đùi” rồi ôm chân Ngọc Hoàng, mình nhớ hồi đó đã cười muốn tắc thở. Kiểu hài này mình nghĩ phụ thuộc rất nhiều vào sự duyên dáng và tương tác ăn ý giữa các diễn viên. Năm nay cũng có đoạn kiểu vậy mà nó chỉ… ngớ ngẩn thôi chứ không buồn cười. Có thể do mấy diễn viên trẻ chưa có đủ thời gian, kinh nghiệm để tạo ra sự ăn ý như dàn diễn viên cũ.
Có rất nhiều các miếng hài đã được xào lại và thất bại tương tự như trên. Mình cho rằng do biên kịch hơi lười, chỉ muốn dùng lại miếng cũ nhưng không thật sự đào sâu xem vì sao miếng hài cũ đó hiệu quả. Áp dụng từa lưa thì thất bại là phải.
Mình nhớ tới một câu đùa rất… không buồn cười của Sheldon trong The big bang theory (trong tập Sheldon cố chứng minh mình rất hài hước), nhưng phần nào nó đúng: một câu đùa hay không chỉ buồn cười mà còn cung cấp thông tin/ kiến thức. Một câu đùa sẽ buồn cười hơn khi nó có một phần sự thật, hay còn là tạo ra inside joke với người nghe. Ví dụ cũng trong Táo quân 2009, có đoạn Táo Giao thông bảo đi đứng không cẩn thận, thụt chân xuống hố ga là ba ngày sau bơi ngửa ở sông Tô Lịch ngay. Mình nghĩ câu này chắc chắn sẽ buồn cười hơn với những người đã có trải nghiệm sống ở Hà Nội. Ở Hà Nội mới biết sông Tô Lịch là sông nào và nó có tính chất thối khắm ra sao. Các chương trình Táo quân từ xưa đến giờ, chủ yếu vẫn nhiều inside joke của văn hoá miền Bắc, đặc biệt nhiều chi tiết của Hà Nội, nên khán giả các vùng phía Nam ít thích là điều dễ hiểu.
Tóm lại, với mình, một câu đùa hiệu quả là tổng hoà của nhiều yếu tố: nội dung/ ẩn ý của câu đùa, cách sử dụng từ ngữ, cách truyền đạt, thời điểm, ngôn ngữ hình thể… Mình thường không đánh giá cao, ít thấy buồn cười với những câu đùa phải dùng tới từ chửi, từ bậy bạ, chê bai, xúc phạm cá nhân nào đó. Vì mình cảm thấy đó là đùa… dạng đơn giản & cũ. Tương tự, Sheldon cũng từng kết luận: mày có thể không cần dùng từ ngữ xúc phạm, chửi bới nào mà vẫn có thể gây sát thương không kém. Để chọc cười cũng như chọc chửi sâu cay như vậy cần đầu tư trí lực hơn rất nhiều.
Chúc chúng ta một năm mới được cười nhiều miếng chất lượng, đậm đặc nội hàm.