Bất kể Táo quân đã trở nên dở và nhạt nhẽo ra sao, việc xem Táo đã trở thành một phần “thủ tục” ngày Tết của mình. Giống như không có mùi thơm lá mùi già, đón Tết sẽ thấy thiêu thiếu.
Những năm gần đây đã có rất nhiều chỉ trích với chương trình Táo quân, về những câu đùa đã quá lỗi thời, chọc ngoáy ngoại hình – body shaming, giễu nhại vô duyên cộng đồng LGBTQ+… Có những người thì bênh vực, cho rằng đã làm hài không thể không đụng chạm một ai đó. Cá nhân mình cũng thích hài kịch đen, những chuyện đùa không thèm kiêng nể ai. Tuy vậy, điều gì phân biệt hài kịch đen với chỉ đơn giản… xúc phạm ai đó?
Tất nhiên, hài hước là một phạm trù cực kỳ chủ quan, cá nhân. Không có công thức chung đúng cho tất cả. Không có câu đùa nào khiến con dân Trái đất cười được tất. Nhưng là một người luôn đặt tiêu chí buồn cười lên rất cao trong mọi sản phẩm nghệ thuật, mình muốn chia sẻ một góc nhìn nhỏ về sự hài hước mà mình trân trọng.
Hôm qua, mình bật chương trình Hoa táo (Gặp nhau cuối năm 2009) để xem lại, cho có không khí (với mình đây là một trong những năm tốt nhất từ xưa đến giờ). Mình nhận ra chương trình 2022 đã xào lại không ít câu đùa của năm 2009, nhưng… it didn’t work at all. Hài kịch mình thấy vô cùng, vô cùng khó làm. Phân tích một câu đùa vì sao nó buồn cười cũng là giết chết sự hài hước ấy, nhưng hãy “gắng gượng” với mình thêm chút.
Read More »