Hôm qua mình viết một status về chuyện một nữ nghệ sĩ đã đứng ra xin lỗi một anh MC nọ, sau khi anh MC phỏng vấn và cô ấy từ chối trả lời (stt ở đây nha). Và bỗng nhiên cái status này viral khủng khiếp, đến giờ đã 2.7k like và hơn 1k lượt share, và rất nhiều bạn add FB (comment thì không có mấy đâu vì mình không để bình luận public). Với một FB cá nhân bình thường như mình, friendlist chưa tới 300 bạn, follower vài nghìn người, thì đột nhiên tương tác được như kia cứ như có vụ bóc phốt gay cấn gì.
Bình thường, một bài đăng của mình “hot” lắm cũng chỉ loanh quanh 300~400 like, với khoảng 40~50 lượt chia sẻ. Và những bài mình dùng từ ngữ gắt hơn, rải vài từ chửi tắt vào (vcl, vđ, đm, lol…) luôn viral hơn những bài mình viết giọng nhẹ nhàng, ngôn từ sạch đẹp, mực thước.
Mình không thích viết “đanh đá” cho lắm, dù muốn thì mình viết được. Nếu bạn đã đọc blog mình một thời gian hẳn biết chuyện này. Mình viết báo cũng giọng điềm đạm thôi. Mình nói chuyện bình thường ở ngoài không điềm đạm như cách mình viết đâu. Viết là mình đã tự biên tập rồi, với định hướng không khí, hình ảnh, thông điệp mà mình thấy phù hợp.
Mình không mong thành hot FBer, đặc biệt là việc viral sau một đêm. Mình giống kiểu hộ kinh doanh gia đình, không muốn chuyển đổi thành chuỗi :)) . Mình chỉ có chút sức lực và tinh thần cho việc đối mặt với công luận cho các tác phẩm của mình. Khi bạn sáng tạo – bất cứ thứ gì – bạn buộc phải đối mặt với những ý kiến trái chiều, học cách quen với chê bai lẫn khen ngợi (khen nhiều cũng không ngọt ngào nhiều như ta tưởng đâu hehe). Tất cả những thứ như chia sẻ suy nghĩ, viết lách, giới thiệu sách vở, phim ảnh… không phải tác phẩm, mình không muốn deal với đám đông. Đấy là lý do mình không và sẽ không bao giờ mở comment public trên FB cá nhân. FB là nơi rất nhiều người mệt mỏi, căng thẳng từ áp lực cuộc sống qua lại, và mọi thứ dù nhỏ nhặt đến đâu cũng có thể dễ dàng gây trigger, khiến họ trút lên người khác – đặc biệt là những người không quen biết – mà (gần như) không phải gánh chút hậu quả nào.
Hồi xưa có đợt mình mở comment public mà ngày nào mình cũng được người lạ mắng với dạy bảo, còn nhiều hơn cả bố mẹ mình nữa 🙂 .
Mình nghĩ rằng việc tiếp nhận đóng góp cũng phải có quy trình, có bộ lọc, đúng lúc, đúng chỗ, không thể bừa phứa. Ví dụ một tác giả viết một cuốn sách. Độc giả có thể đóng góp ý kiến bằng cách viết review trên: trang cá nhân (của độc giả), các diễn đàn về sách, các trang mua bán, gửi thư/ email trực tiếp cho NXB hoặc đại diện tác giả (nếu có), họp báo… Không nên xồng xộc xông thẳng vào “nhà” tác giả mà ý kiến, nhất là mắng nhiếc cho dù tác phẩm đó có dở đến mấy. Đọc một cuốn sách chán không chết người, đừng trừng phạt người ta như tội phạm. Làm người không ai làm thế.
Quay lại cái status bất chợt viral kể trên, mình nghĩ lý do nó được đồng tình như vậy là vì mình đã gãi đúng chỗ ngứa của nhiều người. Lặt vặt nhưng vô cùng khó chịu, giống như bị muỗi đốt ở kẽ ngón chân vậy. Vì nhỏ nhặt quá mà nói ra thì dễ bị chê là khó tính, có-mỗi-thế-cũng-làm-quá-lên. Người Việt nói riêng và văn hoá Á Đông nói chung đề cao sự hoà nhã. Những câu hỏi, những lời bình luận kém duyên, dù không hề có ác ý, không gây ra hậu quả gì quá nghiêm trọng, nhưng nhỏ mà bị dồn nén nhiều cũng thành to. Chúng cần được giải toả, theo cách văn minh, tử tế. Một chuyện không tốt, dù vặt vãnh tới mấy, cũng vẫn là một chuyện không tốt, và nó nên bị gọi tên, bị phê bình.
Cái khó của đóng góp ý kiến, phê bình công khai là biết điểm dừng và biết bao dung. Bạn có thể khen chê một bài hát, một cuốn sách… nhưng đừng tấn công cá nhân, mạt sát tác giả. Hay như anh MC kia có thể đã hỏi một câu hỏi vô duyên nhưng chưa chắc anh ta đã ác ý, đã có ý móc mỉa gì nữ nghệ sĩ. Quan hệ giữa bọn họ có thể không quá căng thẳng, cho tới khi dân mạng nhảy vào 🙂 .
Hãy là một người dùng mạng văn minh và thực hiện những biện pháp bạn thấy cần thiết để bảo vệ bản thân nhé! Sức khoẻ tinh thần của chúng ta mong manh hơn chúng ta tưởng đấy.