Thời mới lớn, mình hay dằn vặt nghĩ tôi có gì đặc biệt không, tôi có tẻ nhạt không? Nhưng khoảnh khắc mình nghĩ ôi tôi đã (sắp) lớn thật rồi là khi mình nhận thấy bản thân hoàn toàn bình thường không chút lăn tăn.
Mình không hiểu sao nhiều người thích sử dụng một cách diễn đạt tiêu cực cho những điều tích cực. Ví dụ như kể chuyện theo đuổi ước mơ, dám liều mình, dám chịu khổ để làm điều mình say mê thì họ nói “tôi đã điên khùng như thế” hoặc “không hiểu sao thích tự-hành như thế”… Mình thì thấy chuyện đó không có gì khùng điên hay tự hành hạ bản thân. Không theo đuổi việc mình muốn, việc mình có khả năng làm tốt nhất, tự trói buộc bản thân với một công việc bí bức… thì mới là tự-hành-hạ chứ ha?
Mình không thấy cách diễn đạt như vậy là khiêm tốn (tôi khùng điên thôi chứ không phải tôi can đảm hay nhiệt huyết đâu), cũng không thấy hài hước?! Ví dụ nói “tôi không biết vào thời điểm ấy lấy dũng cảm ở đâu ra để quyết định (theo đuổi ước mơ) vậy nữa” hoặc “thích quá nên làm liều thôi” có phần dễ chịu và thành thật hơn với mình.
Những thứ tốt đẹp như đặt cược để thành công, theo đuổi ước mơ, hoặc trải nghiệm đáng nhớ có thể hiếm có nhưng không phải điều kì cục, ngu ngốc. Nếu có lúc nào có thể tự hào về bản thân, hãy là những lúc ấy, lúc bạn đã dũng cảm làm điều mình thật sự mong muốn, với một tâm trí & trái tim sáng suốt vô cùng. Nếu có chuyện gì dở hơi mình làm trong quá khứ thì đó là không nghe theo “tiếng gọi con tim” mà học khoa đồ chơi làm đủ thứ cho vui. Bày đặt nội thất làm gì khổ vl, tự hành vl.
Không ít người dùng những từ tiêu cực như điên khùng, tự hành với nghĩa tích cực, có lẽ do họ cảm thấy rằng cách diễn đạt như vậy nghe low-key rằng tôi (đôi chút) nổi loạn, cá tính hơn và có thể là (một nỗ lực để) hài hước. Đặc biệt trong giới làm sáng tạo, dường như có một sức ép phải trở nên đặc biệt, thậm chí tới mức nếu bạn là một người bình thường thì bạn khó mà giàu sức sáng tạo. Trí tưởng tượng, nhìn chung, không được gắn với sự bình thường. Mình nghĩ đây có thể là một sự hiểu lầm về trí tưởng tượng, lẫn đánh giá thấp giá trị của sự bình thường. Một trong những tác phẩm đồ sộ, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên thế giới, bộ tiểu thuyết Chúa Nhẫn lại được tác giả J. R. R. Tolkien tạo ra trong một cuộc đời bình thường ngoài sức tưởng tượng. Cả đời Tolkien chưa từng đi du lịch ở đâu ngoài thành phố nhỏ của ông. Ông sống một đời bình dị và nghe có phần nhàm chán, chỉ ngày ngày đi làm rồi về nhà, vậy thôi. Không có gì kịch tính! Nhưng liệu có ai dám nói Tolkien là người kém sáng tạo?
Trong một bộ anime hài mình rất khoái, tên là Saiki Kusuo no hinan (nỗi khổ của Saiki Kusuo), thằng Saiki nhân vật chính là một đứa đẻ ra đã có sức mạnh siêu nhiên, và nó chỉ có một mong muốn tột bậc là được sống một cuộc đời bình thường, được thong thả ăn thạch cafe trong chánh niệm. Có một đứa bạn cùng lớp mà Saiki ngưỡng mộ vô cùng, tên là Satou. Saiki cực kỳ yêu thích Satou vì Satou bình thường tới mức phi lý. Ngay từ cái tên, Satou là cái họ phổ biến nhất ở Nhật. Satou đáp ứng đầy đủ và vừa khít tất cả điểm trung bình có thể có ở một đứa học sinh cấp 3: chiều cao trung bình, cân nặng trung bình, điểm số trung bình, gia cảnh trung bình, có câu chuyện nền bình thường đến nỗi không ai buồn nhớ… Đây là mối quan hệ mình thích nhất trong cả cái series này (và tôi đã cười vl cười). Và phần nào mình thấu hiểu được sự yêu thích Satou ấy của Saiki, trong một thế giới, một bộ anime toàn những đứa dở hơi cám lợn thì Satou đúng là một dòng suối mát lành =)))).
Mình không bao giờ phủ nhận tầm quan trọng và sự tuyệt vời tột đỉnh của những thứ sáng tạo khác thường, bất ngờ, mới mẻ. Mình mê đắm những thứ đó. Với mình, những điểm “khác thường” như vậy giống như những nốt nhạc dồn dập, cuốn hút. Nhưng chúng ta không thể nghe nhạc mà không có khoảng im lặng giữa những nốt kịch tính kia. Sự bình thường cũng giống như vậy. Đời sống mà ngày nào cũng khùng điên thì chết 🙂 🙂 . Chết nghĩa đen ấy. Sự bình thường, êm ả, đều đặn cũng là một phần không nhỏ giúp Tolkien tạo nên tuyệt tác của ông.
Sự bình thường được thừa nhận và tận hưởng qua phong cách thời trang/ một quan điểm gọi là Normcore. Ăn mặc đồ không thương hiệu, kiểu dáng đơn giản, toàn món dễ tìm ai cũng có. Thế giới luôn có cách tự cân bằng rất thú vị như thế đấy. Hết thời lồng lộn Art Nouveau thì đẻ ngay ra Bauhaus ke nuột, tối giản. Có xì tai quần áo tưng bừng siêu thực thì cũng sẽ sản sinh ra Normcore bình thường không còn gì để nói. Có Saiki thì phải có Satou!!!
Nói tóm lại, bạn không đặc biệt như bạn tưởng đâu và điều đó hoàn toàn ổn. Phần lớn chúng ta là thế. Chỉ cần sống không gồng, gồng hài hước, gồng nổi loạn, gồng cá tính, gồng sâu sắc… Chuyện bình thường, tốt đẹp vcl thì đừng kể mình khùng điên mới làm thế. Muốn làm cái gì mà không làm thì mới là “hâm” ý.
p.s: một trong những cụm “hoàn toàn bình thường” tôi tha thiết được nghe nhất là mỗi khi đi khám bệnh đó các bác! 🙂
Haha =)))) Em làm ngành sân khấu cũng có áp lực của sự đặc biệt – cá tính. Sự áp lực của việc phải phóng đại sức hấp dẫn cá nhân và luôn hấp dẫn, luôn đặc biệt, càng trở nên rõ ràng hơn dưới ánh đèn sân khấu và vai trò chính-phụ trong một vở kịch/phim, dưới lăng kính của sự so sánh. Em cũng đang trong những nghĩ suy và cảm nhận về sự bình thường. Cảm ơn bài viết của chị ạ, em được thêm động lực và gợi hứng để chiêm nghiệm thêm về sự bình thường ấy.
LikeLiked by 1 person
Reblogged this on Nemophila and commented:
Ừ nhỉ? Cũng phải cố gắng mới được bình thường chứ bộ 😀
LikeLiked by 1 person