Lâu lắm rồi mình không viết bài blog nào mới. Mình bận rộn quay cuồng quá. Thời gian nghỉ mình chỉ muốn ngủ, không còn có thôi thúc muốn viết về cái gì nữa.
Nhân dịp mình vẫn đang chạy deadline hộc bơ, và mình viết trong lúc nghỉ giải lao (khỏi việc vẽ), mình muốn chia sẻ đôi chút về kinh nghiệm làm việc với khách hàng Việt Nam. Cũng vô tình là gần đây mình bắt gặp nhiều chia sẻ (hay than thở) của các bạn hoạ sĩ trên FB của mình. Tất cả những gì các bạn “kêu than” mình đều rất hiểu, đều đã từng trải qua. Vậy làm sao để làm việc bớt khổ hơn?
Mình bắt đầu vẽ kiếm được tiền chính thức từ hồi năm 2 ĐH, tức là cách đây đã 12 năm rồi, cũng đã gặp đủ loại khách hàng khác nhau. Mình cũng đi từ tình trạng gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp với khách, cãi nhau tay đôi với khách cũng có luôn, bị quỵt tiền cũng không ít. Hiện tại mình đã “đắc đạo” đến được level “đã chết ở trong lòng“, là dù gặp khách hàng hãm đến mấy thì lòng cũng không nổi sóng.
Dưới đây là một vài đúc rút của mình, sau rất rất rất nhiều sai lầm và vấp ngã, qua hơn một thập kỷ vẽ để kiếm sống (“thập kỷ” nghe ghê dã man luôn):
1. Không bao giờ kể xấu khách hàng – đồng nghiệp trên MXH
Mình hiểu và thông cảm với tâm trạng muốn chia sẻ, giải toả bức xúc. Nhưng hãy tin mình, bất kể bạn kể chuyện xấu gì về chuyện làm ăn trên mạng xã hội, đến 90% là bạn không được lợi lộc gì cả. Nhất là khi bạn kể chuyện kiểu phong long, giấu tên, không chỉ thẳng một ai, khi đó mọi chuyện còn dễ tồi tệ hơn vì ai cũng có thể thấy giật mình, bất kể họ có liên quan gì hay không. Với khách hàng đang làm việc cùng bạn, họ chắc chắn không thấy vui vẻ gì khi bị bêu xấu (dù là không nêu thẳng tên) trên MXH. Với khách hàng tiềm năng thì họ sẽ thấy e ngại với bạn. Ờ làm trôi chảy thì không sao, nhỡ có khúc mắc gì thì nó lại bêu mình với thiên hạ 🙂 .
Nếu gặp chuyện bất đồng, nếu nhất thiết muốn phản ứng, hãy nói trực tiếp (một cách lịch sự, ôn hoà) với người đó. Hãy email riêng, hãy nhắn tin riêng, gọi điện, họp mặt…
Hãy nhắc lại theo mình ba lần điều này: khách hàng trả tiền – khách hàng trả tiền – khách hàng trả tiền!!!
2. Làm brief thật kỹ – thoả thuận rõ ràng trước khi nhận project:
Có một sự thật là phần lớn khách hàng không rõ mình muốn gì. Nhưng cũng chính vì thế họ thuê bạn – người có chuyên môn để giúp họ. Ngay khi nhận được offer công việc, hãy có sẵn một danh sách những câu hỏi để hỏi khách hàng, và hãy nhớ bạn đang hỏi trên tinh thần để làm đúng nhất được nhu cầu của khách, ví dụ như:
– Khối lượng công việc: bao nhiêu tranh, kích thước bao nhiêu, chất liệu gì…
– Thời hạn hoàn thành dự án
– Budget của khách
– Mục đích của dự án: đăng tải ở đâu, dưới hình thức nào, nhắm tới đối tượng gì…
Khi họ không trả lời được rõ ràng, hãy đưa ra vài ví dụ cụ thể để họ dễ hình dung rồi lựa chọn. Và họ đã chọn cái gì thì phải có giao kèo chắc chắn không… lật bánh tráng. Nếu đổi phương án thì tính thêm tiền. Đổi bao nhiêu tiền tính thêm bấy nhiêu chi phí. Mình lòng rất tĩnh mỗi khi khách đổi brief vì mình đã có thoả thuận thêm tiền khi thay đổi, tôi làm bao nhiêu cũng được, chỉ cần anh trả tiền đủ chừng đó.
Đừng bước chân vào một dự án khi đôi bên đều mù mờ về sản phẩm mong đợi.
3. Đừng ngại nói KHÔNG:
Nếu ngay từ đầu người liên hệ làm việc với bạn đã nhiều vấn đề, nói năng không lịch sự lắm hoặc trao đổi kỹ về brief thì lại hời hợt, hoặc đang nói chuyện lại lặn mất tăm… thì tốt nhất bạn nên bỏ qua vụ đó luôn. Đừng cố đấm ăn xôi vì thường sau đấy bạn chỉ toàn bị ăn… đấm.
Nếu yêu cầu, thoả thuận của khách hàng hơi quá quắt với bạn, vd tiền quá thấp, thời hạn quá gấp, yêu cầu quá cao, và bạn không thể thuyết phục họ thay đổi thì cũng đừng nhận. Đặc biệt với những dự án quá gấp. Chất lượng sản phẩm thì khó đảm bảo, lại hại sức khoẻ của bạn. Hãy nhớ, tiền dự án thường không bù nổi tiền chữa bệnh đâu 🙂 .
Nếu bạn từ chối, hãy ngắn gọn, thẳng thắn và nhẹ nhàng. Hãy biết dùng những từ ngữ uyển chuyển: rất cảm ơn cty đã xem xét để hợp tác, nhưng rất tiếc tôi không thể tham gia dự án này, hi vọng chúng ta sẽ có dịp hợp tác trong tương lai, thời hạn và chi phí của dự án không phù hợp với tôi hoặc tôi không thể đáp ứng, tôi xin phép không tham gia dự án… Luôn nhớ cảm ơn nhé!
4. Hãy trung thực và thẳng thắn:
Nếu lỡ bạn gặp vấn đề gì trong lúc làm, không kịp tiến độ chẳng hạn.. hãy báo sớm cho khách hàng, để họ có phương án xử lý. Nếu bạn không đồng tình gì cũng hãy trao đổi lại, đừng nói dối, đừng quanh co, đừng tránh né. Khách hàng nào, dù to dù nhỏ thế nào, mình cũng luôn thẳng thắn với họ, và thường mình thấy người ta sẽ coi trọng sự trung thực của bạn.
Trong trường hợp gặp phải khách hàng hãm quá, quá quắt quá, hãy nhớ lại điều số 3, từ chối và rời khỏi dự án. Tất nhiên nếu hợp đồng có điều khoản đền bù thì hãy cân nhắc cho cẩn thận. Khổ quá thì đền tiền hợp đồng đi. Sức khoẻ lẫn tinh thần của bạn quan trọng hơn thế.
Hãy trao đổi ngay từ đầu với khách hàng những quy tắc làm việc của bạn. Ví dụ như không liên lạc công việc sau 8h tối chẳng hạn, bạn nghỉ ngơi hoàn toàn vào CN chẳng hạn… Nếu họ không chấp thuận thì thôi đừng nhận. Chúng ta làm việc cũng phải có giới hạn, mình không thấy việc làm việc tới chết hay văn hoá bận rộn điên đầu có gì đáng tự hào hết, đấy là quan điểm của mình.
5. Luôn làm tốt hơn, nhiều hơn một chút so với những gì bạn được trả:
Cái này là tôn chỉ riêng của mình thôi, không phải lời khuyên. Mình sẽ cố gắng làm thêm gì đó, bonus ngoài lề những gì được yêu cầu. Giống như đi chợ mua thịt được khuyến mại thêm củ tỏi vậy. Mình nghĩ do mình có standard cao cho chính bản thân, cho tất cả sản phẩm mình làm ra, bất kể dự án nhỏ tới đâu.
Vậy thôi, mình hết giờ giải lao rồi, phải quay lại vẽ cho kịp ( ; v ; ).