Mình vừa đọc một bài về đời sống freelance trên một trang báo. Nghe sợ quá toàn điều tiêu cực: nào là thu nhập sụt giảm, mất khả năng thăng tiến, mất cơ hội học hỏi, mất các mối quan hệ, không có chế độ đãi ngộ, cảm thấy lạc lõng… Đọc xong muốn bật khóc.
Với một người đã làm freelance, rồi đi làm cty, rồi lại về lại làm freelance, cũng như có dự định tiếp tục freelance trong thời gian tới, mình có vài phản biện. Đây là trải nghiệm cá nhân của mình. Đầu tiên, phải khẳng định rằng freelance không dành cho tất cả mọi người. Tương tự như việc làm cty cũng vậy. Hãy suy nghĩ và chuẩn bị kỹ nếu bạn lựa chọn phương án lao động này. Mình dám chọn freelance vì mình có ba thứ:
1- Một khoản tiền tiết kiệm tương đối. Đây 100% là tiền tích luỹ nhiều năm của mình từ trước khi kết hôn. Không phải tiền chồng mình, không phải tiền bố mẹ cho.
2- Mình có bảo hiểm y tế gia đình. Hệ thống bảo hiểm y tế của Nhật khá tốt. Mình được hưởng bảo hiểm y như chồng mình đi làm cty. Nếu bạn chưa có chồng để… ăn theo như mình, hãy chủ động tự mua bảo hiểm cá nhân nhé.
3- Có kế hoạch hoặc mục tiêu nghề nghiệp cụ thể. Vd mục tiêu của mình khi freelance là được xuất bản (để bán, không phải tài trợ từ thiện như mình vẫn làm trước giờ) tác phẩm riêng và mở một cửa hàng bán đồ (mình vẽ) nho nhỏ.
Rồi, trên là điều kiện cần với mình. Còn những khó khăn mình gặp phải khi freelance là:
1- Cái khó lớn nhất là tự quản lý bản thân. Thật sự rất rất khó để nghiêm khắc, đưa bản thân vào quy củ, nhất là với một đứa lơ tha lơ thơ như mình. Mình không chặt chẽ tới mức lên và làm đúng kế hoạch chi tiết cho từng ngày. Mình đã thử rồi và thất bại ê chề. Vậy nên mình lên kế hoạch theo tuần: gạch ra vài điều cần hoàn thành trong tuần.
Tiếp nữa, mình tạo dựng những routine (chuỗi thói quen) hàng ngày, từ những thứ nhỏ. Vd mình đặt ra yêu cầu cho bản thân là ngày nào cũng phải học tiếng Nhật, tập thể dục và đọc sách. Có thể là học 10ph thôi cũng được, nhưng phải làm hàng ngày. Khi đã tạo dựng được routine rồi thì cứ thế vô thức đi theo, không phải nhọc công nghĩ nhiều. Vd mình sáng dậy là đặt đun ấm nước rồi đi tưới cây. Sáng mình sẽ viết gì đó, ý tưởng hoặc blog… Mình sẽ tập thể dục vào cuối giờ chiều.
2- Khó khăn thứ hai là thu nhập không đều, chứ chưa chắc là tụt giảm đâu nhé. Vì ngày xưa lương đi làm cty của mình thấp vl thấp. Mình làm freelance kiếm được nhiều hơn. Có thể một dự án làm hai tuần đã bằng lương 3-4 tháng. Nhưng sự bấp bênh, không thường xuyên là chắc chắn có. Vậy nên điều kiện cần số 1 của mình là có khoản phòng thân.
3- Thứ ba là giảm giao tiếp xã hội. Ý mình ở đây là tiếp xúc với con người bình thường. Mình làm việc tại nhà rất ít phải gặp gỡ người khác. Chứ các mối quan hệ bạn bè thân quen của mình trước giờ thì chẳng ảnh hưởng gì cả. Với một đứa rất ngại tiếp xúc xã hội như mình thì việc này không khó nhưng mình nghĩ về lâu về dài có thể không tốt lắm. Nếu bạn chọn làm freelance nhưng vẫn thường xuyên có những hoạt động giao tiếp xã hội, cả ngoài công việc, thì mình nghĩ đây không phải trở ngại gì lớn.
Vì lo ngại sẽ không gặp ai, không quen ai mới nên mình đang tích cực tham gia các hội nhóm chuyên môn.
Đối với freelance, việc giữ gìn các mối quan hệ rất quan trọng, liên quan trực tiếp tới miếng cơm manh áo.
4- Phải tự thân vận động mọi thứ. Bạn muốn làm bất kỳ điều gì cũng phải tự nhấc mông đi tìm hiểu, hoặc hỏi han khắp nơi. Không có gì bày sẵn cả. Đôi lúc mình cũng xuống tinh thần và sợ hãi đủ thứ, nhưng vì cần “miếng ăn” nên lại lao vào làm là hết thời gian nghĩ quẩn :v .
Bên cạnh đó, ưu điểm của đời sống freelance khiến mình đến giờ vẫn chọn freelance là:
1- Chủ động linh hoạt thời gian cá nhân. Bài viết mình nhắc ở đầu có cái nhìn khá tiêu cực và hạn chế rằng làm freelance là mất đi cơ hội học hỏi và phát triển. Với mình thì không hề. Mình có thêm nhiều thời gian học đủ thứ, nhiều hơn khi mình đi làm cty – có những ngày mình phải quay cuồng ba chuyện lặt vặt hết mợ 8 tiếng văn phòng. Chuyện học “miễn phí” luôn có, chỉ là bạn có biết tự tìm được ở đâu không mà thôi. Mình tham gia các khoá học free hoặc các chương trình của các thể loại hội nhóm (như chương trình We need diverse books mình từng giới thiệu đó).
Mình có nhiều thời gian chăm sóc bản thân và gia đình hơn. Đang làm việc mà thấy mệt thì bỏ ra ngoài đi dạo cũng được. Hồi làm văn phòng, đi làm về là mình chỉ muốn vật ra chứ đừng nói tập tành gì.
2- Giảm bớt áp lực tinh thần (cái này đặc biệt riêng đối với cá nhân mình thôi nhé): đây là một trong những thứ cốt lõi khiến mình tin rằng mình hợp làm freelance hơn làm văn phòng. Mình thật sự rất rất rất mệt khi phải đi làm văn phòng. Mình luôn cảm thấy phải “deal” với các mối quan hệ, đôi lúc là drama, nhiều hơn làm việc chuyên môn. Hồi đi làm cty mình gần như không sáng tác được gì hết. Và mình biết chắc không muốn như vậy.
Nói vậy, không có nghĩa là cty của mình môi trường không tốt nhé. Là tính mình rất kém hoà nhập đó.
3- Mở ra nhiều cơ hội để thử. Vì làm freelance mình đã “liều mình” làm những thứ có thể chẳng liên quan gì tới chuyên môn bản thân, như làm podcast chẳng hạn. Mình cũng coi trọng nghiêm túc với việc viết hơn. Tất nhiên, không làm freelance thì vẫn thử được. Vấn đề của mình là không còn sức lực lẫn tâm trí để thử. Đi làm 8 tiếng, cuối tuần chỉ muốn ngủ, không muốn thử cái gì nữa.
Ngoài ra, việc không bị ràng buộc với một đơn vị nào cũng đem tới “tự do” tương đối trong việc bạn muốn hợp tác với ai, thử làm gì, hay đơn giản hơn là viết cái gì lên mxh.
4- Không mắc kẹt trong vùng an toàn. Chính sự bấp bênh của freelance lại cũng đem lại lợi ích bất ngờ: bạn phải luôn nỗ lực, luôn cố gắng vùng vẫy nếu không muốn bị chết đói. Việc an vị chỗ làm có lương đều đặn hàng tháng, dù có thể không làm gì mấy tháng đó, có thể khiến con người ỷ lại, thiếu động lực phát triển.
Sau cùng, mình thấy một sự kiện, là tai hoạ hay cơ hội cũng do bản thân mình nhìn nhận và hành động. Vd như cái khó tự quản lý bản thân, nhưng nếu làm được thì bạn sẽ thành một người rất chuyên nghiệp, tự giác, chủ động. Rất nhiều người đã thành công với việc làm freelance, chuyện này là hoàn toàn có thể. Nhưng không có nghĩa là ai cũng làm được vậy.
Dù bạn chọn đường nào, cũng hãy chuẩn bị kỹ cả tinh thần lẫn kỹ năng & sức khoẻ. Rồi làm gì cũng làm hết sức nhé!