Trong bài viết Truyện cổ tích, đọc hay bỏ? mình đã có nói quan điểm của mình về những truyện cổ tích không còn tương thích với xã hội đương thời: chúng ta không xoá bỏ mà cần “cải tiến” chúng.
Một trong những cách cải tiến hiệu quả (và thú vị) nhất chính là re-tell, kể lại tích cũ theo một cách mới, thay đổi thêm thắt tính cách cho các nhân vật quen thuộc, hoặc đôi lúc đảo ngược hẳn các tình tiết cũ. Cô bé choàng khăn đỏ và Nàng Bạch Tuyết & bảy chú lùn có lẽ là những tác phẩm được kể lại nhiều bậc nhất. Và cũng có rất nhiều tác phẩm kể lại hay ho vô cùng.
Hôm nay mình muốn giới thiệu một tác phẩm kể lại Nàng Bạch Tuyết & bảy chú lùn mà mình mới xem được gần đây: Giày đỏ và bảy chú lùn. Đây là một bộ phim hoạt hình 3D đến từ Hàn Quốc. Ngoại trừ đội diễn viên lồng tiếng Anh ra thì ekip hầu hết đều là người Hàn.
Cảnh báo spoiler! (cả phim luôn 🙂 )
Trong bộ phim này, Bạch Tuyết không… xinh (theo chuẩn mực thường thấy ở phim công chúa Disney), mà được cái khoẻ 🙂 . Một thiếu nữ lực điền thực thụ. Bảy chú lùn không vốn lùn mà là bảy hiệp sĩ/ pháp sư chuyên đi trừ gian diệt ác. Trong một phi vụ giải cứu công chúa, lúc cứu được công chúa rồi thấy công chúa… xấu quá lại còn xanh lét, bảy hiệp sĩ tưởng cứu nhầm phù thuỷ liền xông vào… nện cho công chúa một trận 🙂 (đúng là xấu thì không có quà mà). Nên bị công chúa yếm lời nguyền (như một phù thuỷ thực thụ) biến thành người lùn xanh. Lời nguyền chỉ có thể được hoá giải bằng một nụ hôn của công chúa đẹp nhất thế gian.
Đây là một bộ phim với thông điệp “đừng đánh giá cuốn sách qua cái bìa” xuyên suốt và rõ nét. Cá nhân mình đánh giá phim đã truyền tải thông điệp kể trên còn xuất sắc hơn nhiều phim hoạt hình của Hollywood với cùng đề tài.
Yêu bản thân không cần lên gân
Đầu tiên phải kể đến nhân vật trung tâm của bộ phim – Bạch Tuyết. Bạch Tuyết này mũm mĩm, không eo nhỏ chân thon như tiêu chuẩn công chúa thường thấy. Bản thân là một người béo, mình cực kỳ nhạy cảm với những phim động chạm tới vấn đề này. Mình cảm thấy ít phim làm được khéo, hoặc sẽ lên gân đến mức lạc quan độc hại (dù tao có béo phì bao nhiêu thì tao vẫn đẹp bất chấp!) hoặc nhạo báng người béo kiểu sau cùng vẫn cứ phải size 0 thì mới hạnh phúc & thành công được.
Tuy vậy, Bạch Tuyết ở đây vô cùng đáng yêu và dễ đồng cảm. Xuyên suốt cả phim Bạch Tuyết luôn chấp nhận bản thân mình một cách tự nhiên, thoải mái nhất, không chút cay đắng. Ở phiên bản này, táo đỏ biến thành một đôi giày cao gót, ai đi vào sẽ biến thành người phụ nữ đẹp nhất. Mong ước xinh đẹp càng mạnh mẽ thì kết nối với đôi giày càng mạnh, người đi sẽ không thể cởi được giày ra. Bạch Tuyết – ngay cả khi đã được trải nghiệm mùi vị của sự xinh đẹp thì nàng vẫn dễ dàng cởi được giày ra. Điều tuyệt nhất là nàng không cần nghĩ rằng mình thật xinh đẹp, mình đẹp theo cách của mình để thấy thoải mái với bản thân. Nàng ý thức được mình không đẹp lắm, nhưng không phải theo kiểu tự ti dìm hàng bản thân, nàng thực tế nhưng không cay nghiệt. Nàng không gò ép bản thân để đẹp theo tiểu chuẩn nhưng cũng không làm lố biến mình thành tiêu chuẩn đẹp. Nàng vui khi là mình của hiện tại, vậy thôi!
Phim xây dựng cực kỳ chân thực trải nghiệm của một cô gái không xinh đẹp, nổi bật. Rất hiếm khi có ai tự nhiên muốn giúp đỡ bạn. Vậy nên họ học được và chấp nhận việc phải tự thân vận động hầu hết mọi việc. Bạch Tuyết trong phim cũng có lúc bị chọc ghẹo về ngoại hình, nhưng nàng không nhẫn nhịn, cũng không xù lông. Nàng phản ứng một cách nhẹ nhàng, lịch sự nhưng thẳng thắn.
Bạch Tuyết này độc lập, dũng cảm nhưng nàng vẫn vô cùng nữ tính. Nàng mềm mại và giàu cảm thông với những người khác. Nàng sẵn sàng lên tiếng bảo vệ cho bạn bè khi họ bị xúc phạm. Nhưng nàng cũng không ngại tìm sự giúp đỡ khi cần. Nàng ý thức được rất rõ mình có thể và không thể làm những gì.
Quyền nữ không nghĩa rằng người phụ nữ đó phải là mạnh nhất, phải không cần bất kỳ ai giúp, phải làm được mọi thứ nam giới làm được, phải từ bỏ sự duyên dáng nữ tính… Sự mềm mại, dám đặt bản thân vào những tình huống dễ bị tổn thương cũng là sức mạnh.
Bộ phim này lúc đầu mới quảng bá ở thị trường Mỹ thì bị một làn sóng phản đối rất mạnh mẽ, với lý do là phim fat-shaming (nhạo báng người béo). Do cái poster PR này:
Cách diễn đạt câu chữ và việc đặt hình ảnh so sánh trực diện (một cô gái thon thả vs một cô gái mập mạp) quả thật rất kém duyên dáng, dễ gây trigger. Không khác nào phim đang “chửi thẳng” là béo thì không đẹp. Nhất là trong một xã hội khi người ta muốn đề cao thông điệp vóc dáng nào cũng… đẹp cả. Cho dù với mình, một người béo (và đã béo từ lúc mới đẻ ra), đó là một kiểu hường phấn hoa mỹ, tự huyễn hoặc. Mình không thấy có gì đáng tự hào hay đáng cổ vũ trong việc không kiểm soát được việc ăn uống của bản thân, không rèn luyện cho cơ thể khoẻ mạnh, không có gì dễ chịu trong việc cơ thể nặng nề, ục ịch (không vui đâu các bạn 🙂 không vui một chút nào hết. Rất mệt mỏi là đằng khác!). Mình tin rằng trên đời chẳng có chuyện gì tốt đẹp mà dễ dàng đạt được, không chỉ riêng chuyện ngoại hình. Và tự AQ rằng bụng núng nính ngấn mỡ cũng “đẹp theo cách riêng” thì luôn dễ dàng hơn lao vào tập tành.
Nếu mình trong đội PR trong phim, mình sẽ không đánh vào vấn đề ngoại hình. Có thể sẽ là: Sẽ thế nào nếu Bạch Tuyết không nằm chờ nụ hôn giải cứu của Hoàng tử, sẽ thế nào nếu có một Bạch Tuyết không giống như tưởng tượng thông thường của bạn? …
Tuy nhiên Bạch Tuyết trong phim này, với mình thì không phải kiểu béo phì nộn, mà là mũm mĩm chubby. Và quan trọng nhất là nàng ấy rất khoẻ mạnh, cũng rất tự hào về sức khoẻ của mình. Nàng cũng dũng cảm dám yêu, và đã yêu là dám theo đuổi, dám bày tỏ. Mình ship cực mạnh cặp đôi trong phim này *Đẩy thuyền như một người đàn bà lực điền chân chính*. Phim làm mình vô cùng yêu quý các nhân vật và thật lòng mong chúng nó được hạnh phúc, đến được với nhau.
Yêu nhau vì thật lòng yêu nhau
Một số bộ phim nổi tiếng cũng làm về chủ đề yêu không màng ngoại hình, chỉ tâm hồn hoà hợp là đủ, như Beauty and the Beast hay Shrek, đều có những cái kết mình không quá ưng. Vì sau cùng vẫn là người đẹp đến với người đẹp (yêu tâm hồn nên được đền đáp bằng ngoại hình đẹp), người (ngoại hình) xấu đến với người (ngoại hình) xấu. Thậm chí là chọn xấu để ở bên nhau.
Nhưng với Giày đỏ & bảy chú lùn thì không như vậy. Cặp đôi chính đến với nhau với bộ dạng thật của họ, ai đẹp vẫn đẹp, ai mũm mĩm vẫn mũm mĩm. Họ chấp nhận nhau như những gì vốn có. Không có chút gượng ép gì ở đây. Phim cũng không tô hồng việc yêu tâm hồn. Ban đầu nam chính – pháp sư Merlin vẫn hành xử suy nghĩ như một thằng con trai bình thường, thích gái xinh (ai mà không thích cơ chứ). Cậu cũng bị thu hút và nhiệt tình giúp đỡ cô gái vì cô ấy đẹp. Cậu không phủ nhận điều đó và tỏ ra mình cao thượng. Trải qua nhiều biến cố, cả Merlin và Bạch Tuyết dần nảy sinh tình cảm gắn bó, đủ đến độ họ không còn bận tâm gì tới tương xứng ngoại hình hay người khác nhìn vào đánh giá gì. Hai người giúp nhau trở thành những phiên bản tốt đẹp hơn của chính bản thân mình. Đó là những điểm khiến mối tình của họ rất thuyết phục.
Vốn là một đứa con gái chưa bao giờ đẹp, và có một mối tình với một chàng trai luôn được đánh giá có nhan sắc hơn (mình đã từng kể nhiều phi vụ liên quan tới chuyện này rồi đấy), mình thấy rằng kịch bản của phim rất chân thực, rất hợp tình hợp lý. Các chi tiết lãng mạn phim làm cũng tới độ, khiến mình lúc xem muốn rú rít lên. Chúng nó lại còn hôn nhau nhiều nữa chứ, trời ơi con tim tôi!
Tuy vậy, phim vẫn còn một số điểm trừ lồ lộ
Phần kịch bản của phim mình đánh giá rất cao. Nhưng tổng thể thì phim vẫn có một số điểm trừ mình không thể nhắm mắt cho qua nổi.
Mình cảm thấy hầu hết các phim do ekip châu Á làm mà muốn theo phong cách phim Âu Mỹ đều dính phải nhược điểm này, những thứ khiến phim không có cảm giác tròn trịa, dù nội dung cốt lõi làm rất tốt, rất sáng tạo mới mẻ.
Đầu tiên là nhịp phim. Nhịp phim không ổn định, không chắc tay. Có những đoạn mình thấy tấu hài hoặc diễn giải hơi lê thê.
Thứ hai là đùa. Trời ơi đùa của phim này có nhiều miếng nhạt thênh thếch. Lại còn kiểu đùa xong tự giải thích câu đùa sợ khán giả không hiểu hay gì ( . _ . ). Mình thật sự không tiêu nổi những miếng hài như vậy. Đã thế còn cứ lặp đi lặp lại liên tục. Mình thấy đây chính là vấn đề khi mindset châu Á lại cứ cố gắng đùa kiểu phương Tây. Không có cái gồng nào cringe như gồng để hài hước. Thậm chí có vài tình tiết hài mình thấy bị làm lố tới mức toxic. Vd đoạn nhân vật Arthur cố hôn Bạch Tuyết và bị ăn tát. Nhưng cậu ta cố chữa ngượng bằng cách gồng lên nói rằng đây là cách thể hiện tình cảm của phụ nữ?!?, cái tát này là thứ gần nhất với một nụ hôn…
Cuối cùng là nhạc phim. Nhạc (với mình) chán không chịu nổi. Chán đến nỗi mình muốn mute đi luôn ấy. Nhạc cũng mắc vấn đề như việc đùa, quá diễn nôm. Mấy bài nghe cứ na ná nhạc Highschool musical.
Vài gợn nhỏ là tạo hình và diễn hoạ phim thấy rõ là góp nhặt chỗ này chỗ kia, nhiều chỗ cũng chưa đủ tự nhiên, cứ hơi kịch, hơi lố. Vd nhân vật hoàng hậu – phù thuỷ, có biểu cảm/ hành động không khác gì mẹ Gothel trong Tangled.
Nhưng túm lại, mình vẫn cho rằng đây là một bộ phim hay, có thông điệp tích cực, câu chuyện lẫn nhân vật đều mới mẻ, dễ cưng. Là sản phẩm của một studio châu Á non trẻ thì mình thấy vẫn rất đáng được ủng hộ, động viên.
Đúng là một nỗ lực đầu tay khá vụng về nhưng lại hay bất ngờ ạ! Không biết chị có biết đến Hairspray (2007) không ạ, là một bộ phim chuyển thể từ nhạc kịch, nhân vật chính cũng là một cô gái mũm mĩm và có một câu chuyện tình đũa lệch về nhan sắc. Mặc dù không hay được như bản kịch nhưng em thấy phim cũng tương đối vui ạ, chị có thể check thử xem sao.
LikeLike
Cảm ơn em. Phim đó chị cũng xem rồi :p
LikeLike
[…] Mình đã có review chi tiết cho phim này ở đây. […]
LikeLike