Trong cuốn Proust có thể thay đổi cuộc đời bạn như thế nào của tác giả Alain de Botton, có một chương nói về chuyện đọc sách sao cho hiệu quả. Kết luận của tác giả trong chương ấy, đại ý là, mọi sách vở trong cuộc đời đều chỉ mang tính tham khảo, là những gợi ý mở đường cho những khả năng mới, tuyệt đối không phải chìa khoá vạn năng giải đáp mọi vấn đề của đời người, bất kể tác giả là người thông tuệ đến đâu.
Là một người đã đang và vẫn sẽ làm việc với sách, mình hoàn toàn đồng tình với quan điểm kể trên. Cốt lõi của giá trị đọc sách là đọc càng nhiều ta sẽ càng có nhiều gợi ý, biết thêm nhiều khả năng, lựa chọn. Và chức năng quan trọng không thể bỏ qua nữa là để giải trí. Tuy vậy không đảm bảo rằng cứ đọc nhiều sách là sẽ trở nên hiểu biết, tài năng (có khi chỉ thành anh ngộ chữ thôi). Cùng một cuốn sách nhưng ngấm được đến đâu còn tuỳ người. Nhưng hầu hết những người hay ho, giỏi giang, thành đạt đều đọc sách (không có nghĩa chỉ đọc sách mới có thể trở nên hay ho. Là một chiều thôi.).
Mình luôn coi sách và việc đọc sách là một thứ thường nhật, giống như chuyện ăn chuyện mặc. Không nên quá căng thẳng, trầm trọng hoá vấn đề. Đặc biệt không cần tôn thờ sách, đem đóng tủ kính tháp ngà, thờ phụng. Mình quý sách và giữ gìn sách rất cẩn thận, cũng như mình nấu nướng cũng cẩn thận, sạch sẽ. Nhưng mình cũng có thể thoải mái đem sách bán đồng nát, kê chân tủ, hoặc để đầy lên sàn nhà nếu tủ hết chỗ cất (nhất là khi mình sống ở một nơi động đất suốt ngày – nhưng ít ẩm mốc, để sách nặng dưới sàn là phương án an toàn hơn nhiều các bạn ạ). Đối với mình, cách trân trọng sách chân thành nhất là ĐỌC chúng, tận hưởng, phân tích để hiểu cuốn sách đó.
Mình không bao giờ đánh giá những người ít đọc sách hoặc chẳng đọc bao giờ. Nếu chăm xem phim thì cũng là một hoạt động bổ ích chẳng kém gì đọc. Nếu có cảm thấy gì thì chỉ là hơi tiếc. Đọc là một việc thú vị, không thử thì phí thôi chứ không chết, không làm cuộc sống lụi tàn. Tuy vậy mình sẽ đánh giá những người chửi um lên chỉ vì ai đó đặt sách xuống đất, hoặc chê bai các NXB làm sách bản đặc biệt bán giá đắt là mất chất, là con buôn… Mình thấy đó là biểu hiện giả tạo, tỏ vẻ thượng đẳng trí thức. Những người đọc sách đủ nhiều và đọc thật sự sẽ có cái nhìn vị tha và rộng mở hơn nhiều.
Ngày trước, khi cuốn Sát thủ đầu mưng mủ mới được ra mắt, đã bị chửi bới rất dữ dội, với cái lý lẽ phổ biến nhất là “nếu trẻ con đọc được thì…”. Sách đã có ghi giới hạn tuổi trên bìa 15+, nhấn rõ ràng rằng không dành cho các bé thiếu nhi. Nhưng người ta đã muốn chửi thì đổ mọi lý do lố bịch để chửi. Nếu con cháu họ đọc phải mà hỏng người thì đó hoàn toàn là lỗi của họ, không phải lỗi của sách. Có rất nhiều thứ trên đời không dành cho trẻ con, và luôn có nguy cơ chúng nó đọc phải/ xem phải/ dùng phải. Nhiệm vụ của người lớn chẳng phải kiểm soát chúng hay sao? Đổ lỗi cho một thứ gì khác chẳng liên quan mấy luôn luôn dễ dàng hơn nhận trách nhiệm.
Làm sách, về cơ bản vẫn là một ngành kinh doanh, không được bao cấp. Người làm sách vẫn là người bằng xương bằng thịt, cần sống được bằng nghề thì mới sản xuất sách tốt được. Mình ủng hộ các NXB, các tác giả sách, buôn bán gì cũng được, miễn không phi pháp. Họ cần sống được thì mới sáng tạo được, có nền tảng có vị thế mà tạo ra những cuộc thay đổi. Trong một hội thảo về sách mình từng được tham dự ở L’espace, họ nói rằng ở Pháp, người ta hiếm khi bán giảm giá sách. Sách ế họ sẽ đem thiêu huỷ. Mình không cực đoan phản đối chuyện bán giảm giá sách. Nhưng việc này nên có giới hạn, vài dịp đặc biệt trong năm thôi. Sách ở VN mình thấy gần như bán giảm giá quanh năm suốt tháng. Đến nỗi khái niệm mua sách giá bìa giờ trở thành điều gì đó xa xỉ và xa lạ. Bạn thử nghĩ thành thật xem, lần cuối cùng bạn mua sách giá bìa là khi nào? Chúng ta không mặc cả cò kè giảm giá thì mới mua một bát phở, giá cũng tương đương một cuốn sách. Nhưng một cuốn sách giá 50k ta đọc có thể cảm thấy vui, thấy lay động, rồi ghi nhớ cả chục năm sau thì lại phải sale mới đáng mua?! Thế nên, ở VN, không mấy ai sống được bằng nghề viết sách cả. Số người làm được việc ấy đếm trên đầu ngón tay. Dịch giả có khi còn thê thảm hơn nữa.
Sách cũng giống như nhiều mặt hàng thiết yếu khác trong đời sống: có đủ thể loại, đủ nội dung, đủ chất lượng thượng vàng hạ cám. Mình không bao giờ đánh giá cái gì xứng đáng để thành sách, hay sách phải đứng đắn, mực thước (sách có từ chửi bậy bẩn thỉu mình thấy cũng chẳng vấn đề gì, nếu như từ đó hợp lý và cần thiết trong văn cảnh của câu chuyện). Chỉ có là sách hay hay sách dở thôi. Còn cái gì cũng có thể thành sách hết. Một nhạc sĩ/ ca sĩ còn được trao giải Nobel văn học thì còn rào cản giới hạn gì nữa đâu. Mình tin rằng trong tương lai, sách và văn hoá đọc sẽ ngày càng thay đổi, phát triển khác biệt. Có thể một trăm năm tới một cuốn sách sẽ có hình dạng, hình thức đọc hoàn toàn không giống sách chúng ta đang đọc bây giờ.
Nói dông dài vậy nhưng mình vẫn thực lòng lạc quan với thị trường sách cũng như văn hoá đọc ở VN. Dù chúng ta tiến chậm, rất chậm nhưng vẫn là đang nhích dần lên (ôi tôi muốn lên cơn tiền đình mỗi lần đọc được bài viết nào lôi cái số liệu người Việt đọc 0.8 cuốn sách/ 1 năm ra làm tiền đề. Số liệu ấy đã rất cũ và chỉ dựa trên số sách được mượn từ thư viện @.@). Mình chỉ rất hi vọng vào một thế hệ độc giả mới, yêu thương sách một cách đúng đắn & thực tế, không đội lên đầu thờ cũng không đối xử rẻ mạt với sách.
Cuốn sách gần đây nhất mà bạn đã hay đang đọc là gì?
Dạo gần đây em đang đọc “On Earth We’re Briefly Gorgeous” (Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian) của Ocean Vuong ạ. ^^ Một quyển sách mà phải nói rằng, đọc từng câu từng chữ cứ thích mê cả người. Còn chị thì sao?
LikeLike
chị cũng mới đọc được đoạn trích của cuốn đó. Với nghe mấy talk của Ocean Vuong, anh ý nói y như văn anh ý viết luôn á :))). Kiểu nói bình thường cứ như ngâm thơ.
Còn tháng này chị đang đọc Talking to strangers :p
LikeLike
Vụ số liệu 0,8 cuốn/năm đúng là cứ thấy nhắc đi nhắc loại từ một bài báo vô thủy vô chung nào đó, sau đó không thấy cập nhật số mới. Trên các báo ở mục xuất bản thì lúc nào các vị cũng ra ngành sách ngành in dù Covid nhưng không lỗ mà vẫn lãi đều, trong khi các công ty sách thì than như gì 😀
LikeLike
Mình ko hiểu lắm ý bạn là gì? Nếu các cty sách không báo cáo lỗ mà vẫn than thở tức là giả nghèo giả khổ?
Mình đã từng làm việc trong ngành xuất bản ở VN và thật sự làm sách rất khó giàu bạn ạ, vừa đủ duy trì hoạt động là may. Thường các cty sách hay có mảng kinh doanh khác để lấy tiền đó nuôi việc làm sách. Các NXB nhà nước thì được nhà nước hỗ trợ. Đợt covid các cty sách đều phải cắt giảm lương tháng của toàn bộ nhân viên.
Ngành in thì đặc thù tương đối khác. In ấn sống tốt chủ yếu ko phải từ in sách, mà là in lịch, in bao bì…
LikeLike
Ý mình là những số liệu trên báo chí về doanh số ngành sách nói riêng và in ấn xuất bản nói chung quá ảo đó bạn, trong khi thực tế người trong ngành thì điêu đứng.
LikeLike
Em đợt này đang tìm hiểu và đọc về chủ đề tâm linh chị ạ 😉 Em vừa đọc xong cuốn Vô thường – Nguyễn Bảo Trung, giờ thì đang đọc Muôn Kiếp Nhân Sinh – Nguyên Phong chị ạ ^^
Em chúc chị luôn bình an nhé!
LikeLiked by 1 person
Hôm nay thì chị đang đọc dở Người Tị Nạn.
Còn tuần rồi nhờ Thuỳ mà vừa đọc xong mấy cuốn picture book hay quá xá hay, dễ thương chi đâu : Colette’s lost pet, Here we are : notes for living on planet Earth, House held up by trees, Imaginary Fred, The loud book và The quiet book.
Cảm ơn Thuỳ thiệt nhiều nha ! Chúc em nhiều sức khoẻ !
Đông Phương.
LikeLiked by 1 person
Em đang đọc Sự an ủi của Triết học, cũng của bác Alain luôn chị. Nhiều cái cũng biết rồi, em không nghĩ là được an ủi nhưng mà giống kiểu bình thường hóa chuyện bạn không hoàn hảo 🙂 hihi
LikeLiked by 1 person
Em chào chị, em là một học sinh lớp 12, em đang gặp khó khăn với môn văn, không biết chị có thể gợi ý một vài đầu sách mà chị thấy có ích cho việc nâng cao khả năng viết bài nghị luận văn học được không ạ? Em cảm ơn ạ!
LikeLike
Chị nghĩ để nâng cao khả năng viết nghị luận thì em nên theo dõi báo chí & đọc sách non-fic (sách về các vấn đề xã hội hoặc sách triết). Ngoài ra rèn luyện cách xây dựng dàn bài trước khi viết, gạch đầu dòng ra các lý lẽ + bằng chứng cho lý lẽ đó.
Một vài đầu sách non-fic chị thấy khá dễ đọc em có thể thử tham khảo như:
– Tôi là một con lừa (Nguyễn Phương Mai)
– Bức xúc không làm ta vô can (Đặng Hoàng Giang)
– Trong nháy mắt (Malcolm Gladwell)
– Tôi nói gì khi nói về chạy bộ (Murakami Haruki)
LikeLiked by 1 person
Em cảm ơn nhiều lắm ạ!
LikeLike