Sắc đẹp ngoại cỡ?

Các bạn đã đọc qua câu chuyện thay đổi ngoại hình của Adele hay Rebel Wilson (đóng vai Fat Amy trong Pitch Perfect) chưa?

Họ đều bắt đầu sự nghiệp với đặc điểm nhận dạng là những người phụ nữ ngoại cỡ. Một sự “động viên” tinh thần rằng chị em không cần size 0, eo thắt mông nở thì mới có thể thành công. Liệu quyết định thay đổi ngoại hình của họ có phải một hành động “phản bội”, đi ngược lại tinh thần/ hình ảnh mà khán giả vốn quen, vốn yêu thích?

Phải khẳng định từ đầu rằng, ngay cả lúc nặng cân nhất, Adele hay Rebel Wilson đều có khuôn mặt xinh đẹp và chắc chắn là rất nhiều tài năng (tài năng đến nỗi họ không cần đạt chuẩn ngoại hình vẫn thành công). Họ đã từng có những phát biểu, hay vai diễn đem tới thông điệp bất chấp cân nặng, mặc kệ số đo. Họ từng được tôn vinh vì điều ấy. Nhưng liệu điều đó có thực sự tốt, thực sự tích cực?

Cá nhân mình phản đối quan điểm đó. Và mình nghĩ rằng bản thân Adele và Rebel Wilson thẳm sâu cũng không thực sự tin vào điều ấy. Bằng chứng cực kỳ rõ ràng là họ đã thay đổi, đã giảm cân, đã rũ bỏ hình tượng ngoại cỡ.

Trước khi bàn tới chuyện bề ngoài xấu-đẹp, câu chuyện này nên được nhìn nhận trước nhất trên khía cạnh sức khoẻ. Béo phì là một căn bệnh, và bệnh thì phải chữa. Còn ở ngưỡng nào là béo phì thì hãy tin tưởng y học. Hãy đo đạc các chỉ số cơ thể, hãy nhìn số liệu đừng nhìn bằng mắt thường. Vì một người trông gầy nhom vẫn có thể thừa mỡ (skinny fat), một người trông to cao, nặng cân chưa chắc đã béo vì khung xương họ lớn và tỷ lệ cơ cao. Sumo là một trường hợp đặc biệt, võ sĩ sumo nội tạng hoàn toàn không có mỡ, tỷ lệ cơ của họ rất cao và họ cực kỳ khoẻ.

Tất nhiên, việc body-shaming, kể cả người đó béo phì thật, vẫn là chuyện không chấp nhận được. Nhạo báng người khác với lý lẽ muốn giúp, muốn tốt cho họ quả thật lố bịch và đạo đức giả. Nếu bắt gặp một người chưa được đẹp, chưa được gọn gàng khoẻ khoắn, tốt nhất đừng nói gì cả, đừng bình luận gì hết. Không ai hỏi thì đừng có ý kiến. Bạn không biết được có thể người đó đang trải qua cuộc chiến tập luyện khủng khiếp thế nào.

Ngược lại, việc dối trá khen người thừa cân béo phì là đẹp bất chấp, đây chính là khen cho nó chết. Tiêu biểu như diễn viên hài Amy Schumer – đây là một nhân vật mình không thể chịu nổi trên màn ảnh lẫn ngoài đời. Về diễn xuất, mình không cảm được cái hài của cô, về đời sống, Amy Schumer tiêu biểu cho xu hướng lạc quan độc hại (dù thực tế mình thấy Amy béo nhưng chưa tới mức béo phì ục ịch, còn không béo bằng Adele ngày xưa). Cô kể chuyện bị chê ví như một bịch khoai tây, cô lại liền cảm thấy muốn đi ăn khoai nghiền. Mình không thấy câu đùa ấy buồn cười vì nó thật sự tệ hại. Việc tập luyện, tuy rằng lúc tập rất mệt, nhưng sau đó tinh thần sảng khoái hơn nhiều. Mình tập luyện đều đặn liền cảm thấy tinh thần tăng vùn vụt, làm việc hiệu quả hơn, tâm trạng vui vẻ hơn. Chuyện bỏ mặc bản thân chưa bao giờ là một trò đùa.

Mọi thứ tốt đẹp trên đời hầu như đều khó đạt được. Một cơ thể đẹp (aka khoẻ) cũng vậy. Bao biện việc mình thấy khó quá muốn bỏ qua bằng cách tôn vinh thái quá việc thừa cân đúng là một suy nghĩ lười biếng. Để lâu bám rễ vào đầu là khó chữa lắm. Có lần mình đọc được một comment trên youtube, một cô gái người Mỹ đang sinh sống ở Nhật. Cô ta kể đi khám sức khoẻ và bị bác sĩ nói rằng cô đã béo phì rồi, cần tập luyện và thay đổi chế độ ăn. Cô ta tức giận buộc tội bác sĩ, buộc tội nước Nhật rằng body-shaming cô ta?!

Cho tới giờ, mình trải qua phần lớn cuộc đời trong tình trạng thừa cân (mình cao 1m58). Và mình nhận ra rằng, mình không có ai để định hướng một cách lành mạnh. Mình chỉ có hai tác động: một là tấn công tàn nhẫn (chê béo, nhạo báng, phán rằng mày sẽ không thể thay đổi nổi mà chỉ càng ngày càng béo…), hai là sự tích cực độc hại (mày đẹp bất kể kích cỡ, bất kể các vấn đề sức khoẻ…).

Đến một ngày mình thấy chán ngấy việc cảm thấy xấu xí. Thật sự chán ngấy! Thế là mình thay đổi chế độ ăn, mình tập thể dục hàng ngày. Tuy vậy, giờ mình không quá căng thẳng chuyện cân nặng. Mình chỉ muốn người khoẻ và săn chắc. Mình luôn thích đọc những câu chuyện như Adele hay Rebel Wilson, những người truyền cảm hứng không chỉ từ tài năng của họ.

Tóm lại, hãy thận trọng với những thông điệp “tích cực” về ngoại hình. Nếu muốn đạt được điều gì, nếu thích người đẹp, hãy cứ thử! Và nhất là, tuyệt đối đừng bình luận bừa bãi chê ngoại hình người khác!

2 thoughts on “Sắc đẹp ngoại cỡ?

  1. Klq nhưng chị Thùy cho em hỏi xíu ạ, chị có dùng máy triệt lông không ạ? Với cả bên Nhật mọi người chuộng dùng máy triệt lông gì vậy ạ? Em cảm ơn chị ^^

    Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s