Trong cuốn Proust có thể thay đổi cuộc đời bạn như thế nào của tác giả Alain de Botton, có một chương nói về chuyện đọc sách sao cho hiệu quả. Kết luận của tác giả trong chương ấy, đại ý là, mọi sách vở trong cuộc đời đều chỉ mang tính tham khảo, là những gợi ý mở đường cho những khả năng mới, tuyệt đối không phải chìa khoá vạn năng giải đáp mọi vấn đề của đời người, bất kể tác giả là người thông tuệ đến đâu.
Là một người đã đang và vẫn sẽ làm việc với sách, mình hoàn toàn đồng tình với quan điểm kể trên. Cốt lõi của giá trị đọc sách là đọc càng nhiều ta sẽ càng có nhiều gợi ý, biết thêm nhiều khả năng, lựa chọn. Và chức năng quan trọng không thể bỏ qua nữa là để giải trí. Tuy vậy không đảm bảo rằng cứ đọc nhiều sách là sẽ trở nên hiểu biết, tài năng (có khi chỉ thành anh ngộ chữ thôi). Cùng một cuốn sách nhưng ngấm được đến đâu còn tuỳ người. Nhưng hầu hết những người hay ho, giỏi giang, thành đạt đều đọc sách (không có nghĩa chỉ đọc sách mới có thể trở nên hay ho. Là một chiều thôi.).
Mình luôn coi sách và việc đọc sách là một thứ thường nhật, giống như chuyện ăn chuyện mặc. Không nên quá căng thẳng, trầm trọng hoá vấn đề. Đặc biệt không cần tôn thờ sách, đem đóng tủ kính tháp ngà, thờ phụng. Mình quý sách và giữ gìn sách rất cẩn thận, cũng như mình nấu nướng cũng cẩn thận, sạch sẽ. Nhưng mình cũng có thể thoải mái đem sách bán đồng nát, kê chân tủ, hoặc để đầy lên sàn nhà nếu tủ hết chỗ cất (nhất là khi mình sống ở một nơi động đất suốt ngày – nhưng ít ẩm mốc, để sách nặng dưới sàn là phương án an toàn hơn nhiều các bạn ạ). Đối với mình, cách trân trọng sách chân thành nhất là ĐỌC chúng, tận hưởng, phân tích để hiểu cuốn sách đó.
Read More »