Khi làm biên tập, hay đơn giản là nhận định dưới góc độ một độc giả, một trong những điều cốt lõi mình dựa vào để đánh giá một tác phẩm dành cho thiếu nhi có hay hay không là khả năng tưởng tượng chi tiết của tác giả.
Ví dụ, ngày trước mình từng minh hoạ một cuốn sách tranh tên là Gấu vuông (của tác giả Trịnh Hà Giang). Truyện kể về một chú gấu hình vuông, tính gọn gàng ngăn nắp và thích mọi thứ… đều vuông vắn như mình. Premise câu chuyện và nhân vật sẵn đã rất thú vị rồi. Hình vuông đều chằn chặn cũng gợi cảm giác ngay ngắn, cứng nhắc. Phần kịch bản lời mình nhận được chỉ thuần nội dung sẽ xuất hiện trên trang sách, không kèm bất kỳ chú thích hay miêu tả gì thêm. Câu văn chỉ ngắn gọn như thế này: “Trong nhà gấu mọi thứ đều hình vuông.”
Đây là lúc hoạ sĩ minh hoạ phải phát huy trí tưởng tượng của mình để mở rộng nội dung cho phần lời văn. Mọi thứ đều hình vuông, nhưng vuông như thế nào? Màu sắc ra sao, bố cục nhà ra sao để thể hiện sinh động nhất tính cách của nhân vật? Nếu chỉ một nhân vật gọn gàng, máy móc thì hơi khô khan quá, mình muốn thêm vào vài điểm màu mè cho nhân vật đa chiều hơn. Nên mình cho Gấu vuông mê nghệ thuật, có gu nữa. Vậy thì nhà Gấu sẽ có nội thất màu sắc tươi tắn và chắc chắn phải treo tranh.
Một người mê hình vuông gọn gàng thì sẽ thích hoạ sĩ nào, không phải Piet Mondrian thì còn ai vào đây!
Read More »