Mình vốn rất ghét các kiểu bài “chấm chấm chấm” trước tuổi “chấm chấm chấm”. Xong giờ thì mình đang viết một bài thế đây 🙂 .
Mình ghét mấy bài như vậy do thường có quá nhiều cliché, không sát thực tế. Bài này, thực ra cũng chỉ là trải nghiệm và quan sát cá nhân, có thể không áp dụng cho tất cả mọi người. Đọc tham khảo cho vui thôi nhé!
Mình chọn mốc 30 bởi sau 30 khả năng thay đổi giảm đi nhiều (cả tinh thần và thể chất), sức ỳ khá nặng. Có những thứ bạn sẽ rất khó sửa sai.
1. Học nấu ăn
Không cần phải đến level nấu cỗ hay gì, chỉ cần nấu được bữa cơm đơn giản, đủ ăn, đủ chất. Ít nhất cũng phải biết luộc rau không nát, tráng trứng không bị chỗ mặn chỗ nhạt, cắm nồi cơm điện nhớ bật nút nấu… Tất nhiên nấu khéo, biết cả làm bánh các thứ thì xịn quá rồi! (mà cái này tuỳ sở thích thôi)
Khỏi phải nói việc biết nấu ăn, bất kể nam hay nữ, đều là một điểm cộng cực kỳ lớn, còn là minh chứng cho khả năng tự đảm bảo được chất lượng cuộc sống.
2. Học cách chăm nom nhà cửa
Mình không tin những người giường còn không biết dọn lại muốn đi thay đổi thế giới. Trước khi làm công to việc lớn gì, hãy biết tự gấp chăn màn, giặt đồ (sao cho không hỏng), biết sử dụng đồ điện sao cho đúng… Việc chăm nom nhà cửa ngày càng dễ dàng hơn, nhờ có máy móc (giờ đến quét nhà cũng không cần tự quét nữa rồi), nhưng cốt lõi vẫn cần có ý thức về chuyện gìn giữ không gian sống của mình ấy. Mình biết rất nhiều trường hợp, ra đường thì chỉn chu nhưng về nhà như cái ổ lợn.
Không gian sống sạch sẽ, tươm tất ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ và tinh thần của chúng ta đấy. Hãy tin mình, mình học nội thất ra và mình quen rất nhiều kiến trúc sư =)))).
3. Sống xa bố mẹ một thời gian
Với bối cảnh văn hoá Việt Nam, mình không phản đối việc sống chung với bố mẹ. Trẻ con sinh ra trong một gia đình có nhiều thế hệ cũng có cái tốt. Tuy vậy, mình nghĩ rất nên có khoảng thời gian sống riêng, tự lập, bất kể đó là đi học hay đi làm xa nhà, hay đơn giản là dọn ra ở riêng. Cần có không gian để trưởng thành (cả về kỹ năng sống lẫn tinh thần), có áp lực để rèn luyện. Sống chung với bố mẹ suốt dễ bị ỷ lại ấy, và không có nhiều cơ hội để thực tập điều 1 và 2 đâu :p .
Bạn bè xung quanh mình, những người từng có thời gian sống tự lập với những người từ bé đến lớn ở cùng bố mẹ khác xa nhau về khả năng tự xoay xở lẫn sự độc lập về tinh thần.
Và sau cùng thì, bố mẹ cũng sẽ không sống cùng với chúng ta mãi. Không rèn cho quen biết tự lo cho bản thân sớm thì sao mà bố mẹ an tâm được.
4. Yêu ai đó
Ngày xưa mình nghĩ các cụ mắng không yêu sau nó hâm ra chỉ là một cái myth. Hoá ra ảnh hưởng là có thật, dù không phải ai cũng hâm.
Cưới thì không nhất thiết, nhưng rất nên có trải nghiệm yêu đương, là một mối quan hệ song phương nhé. Yêu ai đó vừa là học cách quan tâm chăm sóc người khác, mở đường vượt ra khỏi giới hạn thế giới cá nhân, vừa là cách để chúng ta hiểu bản thân mình. Ngay cả khi đó là một mối quan hệ thất bại, bạn vẫn có thể hiểu thêm được gì đó về mình. Mà mình nghĩ, những năm tuổi 20 chủ yếu là đi tìm bản thân thôi.
5. Xây dựng thói quen vận động
Nói đến đây mình cảm thấy hệt như bố mẹ mình vậy 🙂 .
Qua tuổi 30 cơ thể chúng ta sẽ suy giảm rõ rệt, hay đau nhức hoặc dễ phát phì, nếu như bạn không biết chăm sóc sức khoẻ từ sớm. Hãy chọn một môn thể thao bất kỳ, hoặc tập theo youtube tại nhà, đi xe đạp những khi có thể thay vì đi xe máy, leo thang bộ thay vì thang máy… Việc này không khó như chúng ta tưởng đâu!
Đúc rút của mình chỉ có vậy thôi, là những điều cơ bản mình thấy quan trọng nhất. Ví dụ mà có thói quen đọc sách, dậy sớm, không khẩu nghiệp trên mạng này nọ thì là bonus, tốt quá!