Có lần mình nghe podcast nói chuyện với một cựu nhân viên FBI, chuyên mảng thẩm vấn, về cách khai thác thông tin. Ông đưa ra một ví dụ đời sống rất dễ hiểu: Muốn biết một học viên trong lớp là sinh viên năm mấy, ông không hỏi cô ấy học năm mấy rồi, thay vào đó ông đưa ra một lời phỏng đoán (mà nhiều khả năng là sai): – em nhìn mặt chắc là sinh viên năm 2 nhỉ? Ngay lập tức cô sinh viên đó sẽ chữa lại, đồng thời đưa ra thông tin chính xác.
Ông nói, nhu cầu sửa sai người khác với con người nói chung vô cùng vô cùng mạnh mẽ, từ những thứ nhỏ nhặt như lỗi chính tả, cho tới to tát như quan điểm chính trị. Muốn khai thác thông tin, chỉ cần đánh vào nhu cầu này, “bẫy” họ khai ra những thông tin mình cần.
Khi nghe tới đoạn này, mình gật gù đồng cảm. Mình thường xuyên rơi vào cái bẫy này. Bé đến giờ mình có bệnh (vẫn đang gắng chữa) hay giải thích bản thân với người khác. Mình có một điểm, vừa xấu vừa tốt (có lẽ nghiêng về bất lợi) là tuyệt đối trung thành với sự thật, sự thật không nể nang cảm tình gì sất. Vì thế mình rất rất thích nhân vật Sherlock Holmes, Sherlock luôn tìm đến tận cùng chân tướng của sự việc, không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc. Tuy vậy, vấn đề ở đây là phơi bày sự thật như thế nào.
Trước giờ, ngoài chuyện hay giải thích bản thân dài dòng ra (để lộ rất nhiều thứ không nên), mình cũng có tật hay sửa người khác. Nếu thấy thông tin không chính xác, mình sẽ muốn sửa ngay (ở đây là fact thôi nhé, không tính opinion. Vd có người bảo món này không ngon, đấy là khẩu vị riêng. Nhưng nếu món đó làm từ thịt gà mà người ta bảo làm từ thịt lợn thì mình sẽ khó kiềm chế muốn lao vào sửa :v ).
Từ bé đến giờ, những lần phơi bày sự thật nào đó, dù có liên quan trực tiếp tới mình hay không, mình đều chỉ nhận lại những điều tiêu cực. Phải nói rõ ở đây: mình không bóc phốt, khi chỉ ra một nhầm lẫn, sai sót gì đó mình không tấn công cá nhân, không đánh giá cả con người bằng một lỗi sai. Với mình thì cái gì sai thì nó sai, vậy thôi, một cách đơn thuần nhất có thể. Việc này hoá ra chả mấy ai hiểu cho, rằng nó sai thì mình nói nó sai, không phải vì có thâm thù, âm mưu gì sất, và mình cũng không cả nể vì đó là người thân quen mà không chỉ ra lỗi.
Sự thẳng thừng, lạnh lùng, không biết nhìn trước ngó sau không đem lại chút ích lợi gì cho mình :)))). Từ góc nhìn của người khác có thể trở thành vô duyên, cạn tình cạn nghĩa, hiếu thắng…
Ngược lại, tiếp nhận việc bị sửa lưng là một chuyện khó nuốt hơn nhiều. Khi bị người khác sửa (nói lại, là fact ko tính opinion), dù là sai thật mình cũng sẽ thấy khó chịu, không chối, mà mình sẽ dùng lý trí để thuyết phục bản thân rằng điều ấy tốt cho mình, nhận sai không có hại gì cả. Ngay cả khi thái độ sửa lưng của người ta rất ngạo mạn, thì biết được cái sai cũng là điều tuyệt đối tốt cho mình. Cái này không phải lúc nào mình cũng làm được, mà mình rất cố gắng rèn luyện.
Dám thừa nhận sai, thừa nhận thiếu sót là một chuyện hiếm hoi vô cùng, có lẽ cần rất nhiều can đảm và rất ít cảm xúc cá nhân để làm được vậy. Đặc biệt với những người là KOL hay influencer, hoặc có chút danh tiếng trên mxh nói chung. Những trường hợp thổ phỉ chửi bới vô văn hoá, cãi cùn thì chẳng nói làm gì, block thẳng tay thôi. Nhưng ngay cả khi bạn muốn trao đổi phản biện lịch sự, thì cũng gặp không ít trường hợp bị hide comment, xoá, block… Giá mà bản lĩnh của họ cũng to được như tự ái cá nhân của họ. Khi sống ngập trong những cái like, những lời ngợi khen, giữ mình khiêm nhường khó hơn nhiều.
Về cơ bản, khi bị sửa sai (mà đúng), tức đến mấy, cũng chỉ cần cảm ơn (dù là giả tạo). Nếu không muốn tranh luận, ok tôi biết có ý kiến trái chiều là như vậy. Còn gặp chuyện người ta nói sai, nếu không ảnh hưởng trực tiếp tới mình, tốt nhất là bỏ qua. Đấy là người trưởng thành, như bố mẹ mình sẽ dạy như vậy. Còn mình vẫn lao vào sửa như điên 🙂 🙂 Đùa đấy, bớt bớt làm chuyện vô bổ nha!
Cô cũng nhận thấy thế. Nhiều khi muốn biết bài có được đọc hay không, cô cứ để những chi tiết sai, để xem ai sẽ sửa mình. Dĩ nhiên nhiều lúc cô sai mà không biết. Hầu như đa số, hễ thấy sai là ra tay ngay. Nhất là khi dịch. Tác giả của một truyện ngắn, bài thơ, tạp văn mà có viết gì sai, thì ít người dám sửa, như sửa câu văn. Nhưng nếu một người dịch mà dùng chữ không đúng ý của người đọc, là người ta sửa sai ngay. Nhất là với những người có tiếng về dịch, họ sửa sai người khác cũng nhiều, thậm chí còn đứng tên biên tập, và dĩ nhiên khi họ sai thì cũng nhiều người thẳng tay. Một số ít, tuy sửa sai, nhưng cẩn thận và kín đáo để không làm người bị sai xấu hổ.
LikeLiked by 2 people