4. Thời gian thực hiện dự án
Thông thường bản thảo được duyệt cuối cùng sẽ là quyền quyết định của NXB, tất nhiên là có bàn bạc thống nhất với tác giả, trừ trường hợp tác giả tự bỏ tiền in sách (NXB đứng ở vai trò xin giấy phép xuất bản…).
Thời gian một cuốn sách từ bước bản thảo cho tới khi được phát hành có thể kéo dài tới vài năm (không chỉ ở VN đâu, các nước khác cũng vậy thôi), nên các bạn đừng quá shock nếu sách mình lâu ra như vậy. Có rất nhiều khâu mất thời gian nếu muốn làm cho chỉn chu, và một NXB thì luôn làm nhiều bản thảo cùng một lúc. Ở Việt Nam mình thấy các NXB thường không quá bắt chẹt tác giả/ hoạ sĩ ở khoản thời gian hoàn thiện (hiếm tác giả/ hoạ sĩ nào làm đúng hạn lắm). Tuy nhiên, nếu muốn, đôi bên có thể ký điều khoản thoả thuận về thời gian tối đa để sách được ra mắt, nhưng đừng hi vọng là 1-2 tháng nhá.
5. Sửa chữa bản thảo
Đây là một khoản vô cùng nhạy cảm trong quá trình làm sách. Sửa bao nhiêu lần, sửa cái gì, ai được quyền quyết định cuối cùng… là những vấn đề vô cùng đau đầu. Không hiếm trường hợp tác giả bất đồng với NXB/ btv không thể hoà giải đến nỗi huỷ hợp đồng luôn. Hoặc hoạ sĩ quá lầy, sửa mãi cũng không đúng, không đạt chất lượng. Bạn biết đấy, sáng tác không có một đáp án chuẩn duy nhất, không phải 1 + 1 là sẽ bằng 2.
Trong những năm làm sách, mình từng gặp đủ tình huống, lúc thì btv quá dốt, quá dở hơi, toàn sửa nhố nhăng, lúc thì tác giả quá tự cao, không nghe góp ý. Cá nhân mình thấy, viết những điều khoản siết chặt về việc sửa (vd chỉ được sửa tối đa 3 lần, giới hạn sửa, sửa thì thời gian làm là bao lâu…) chưa chắc đã giúp tạo ra cuốn sách tốt nhất. Có những lần sát deadline, dù đã vẽ xong 3/4 cuốn sách, mình vẫn bỏ hết và vẽ lại từ đầu, mà btv cũng đủ liều cho mình làm vậy. Sản phẩm cuối thường thoả mãn cho cả đôi bên hơn rất nhiều.
Bạn có thể ký những điều khoản chặt về việc sửa. Nhưng cá nhân mình thấy cách tốt nhất là lựa người làm cùng hợp với mình, hiểu tác phẩm của mình. Làm sao để gặp người đó thì nói thật là… cần rất nhiều may mắn. Thêm nữa, hãy giao lưu, nói chuyện với nhau một chút trước khi đặt bút ký HĐ, để hiểu về cách làm việc, quan điểm về tác phẩm, chứ không phải bonding tán nhảm đâu nha.
6. Các sản phẩm ăn theo (merchandise)
Có một ranh giới khá mong manh giữa sản phẩm đi kèm sách để PR và sản phẩm được coi là merchandise. Vd NXB làm thêm túi tote in quote trích từ trong sách để tặng cho 100 độc giả mua sách đầu tiên, đây có thể coi là để PR cho sách, không tính là kinh doanh merch. Tuy vậy, nếu NXB sản xuất hàng loạt túi đó để bán thì đã trở thành merch —> cần tác giả uỷ quyền sản xuất và có thoả thuận % doanh thu.
Không phải NXB nào cũng sản xuất merch, tác giả có thể uỷ quyền/ bán quyền sản xuất này cho một đơn vị thứ 3. Vd bạn có một cuốn sách thiếu nhi thành công, bạn muốn bán hình ảnh nhân vật in lên bìa vở, hộp bút, balo… Bạn có thể ký hợp đồng sản xuất merch riêng với một đơn vị sản xuất. Hợp đồng này không liên quan tới NXB. Trong trường hợp bạn là tác giả text, hình ảnh do hoạ sĩ vẽ thì sẽ có thoả thuận % merch giữa tác giả và hoạ sĩ riêng.
Tuy vậy, mình thấy khoản này ở VN cũng chưa thật chặt chẽ, các NXB nước ngoài cũng không siết chặt với VN lắm. Có vẻ có sự du di, linh hoạt.
Tạm thời đó là những điều cần chú ý khi ký hợp đồng mà mình nhớ ra được. Chi tiết sâu sắc thì cũng còn tuỳ từng NXB, và thoả thuận riêng giữa NXB và tác giả/ hoạ sĩ. Bên ngoài các vấn đề pháp lý, mình thấy xuất bản nhìn chung là giới… ít tiền (tất nhiên vẫn sẽ có những cá biệt nhiều tiền), thật sự là như vậy, nên họ cũng thường nhẹ nhàng, ít căng thẳng hơn so với nhiều ngành nghề khác. Mình nghĩ cách tốt nhất khi bước vào lĩnh vực này, hãy giữ mindset… thư thái thôi, không cần phải xù lông sợ hãi bóc lột lẫn nhau. Nhưng cũng nhất thiết phải thẳng thắn, rõ ràng ngay từ đầu, không suy nghĩ thoả thuận bằng tình cảm. Công tư lẫn lộn, trong bất kỳ trường hợp nào, đều dễ dẫn tới thảm hoạ.
[…] Tiết 2 […]
LikeLike