Câu chuyện về luật pháp luôn vô cùng đau đầu. Nhưng các bạn biết đấy, càng nắm rõ luật chơi thì chúng ta càng ít bị thiệt.
Dưới đây là một số kinh nghiệm mình đúc rút qua nhiều năm (cả ở vị trí người đi ký HĐ và người soạn thảo HĐ), cũng như tự tìm hiểu, đã có tham vấn luật sư (may quá có nhiều bạn làm luật). Mình sẽ không viết chi tiết kiểu điều luật số mấy, nghị định bao nhiêu… (cái này các bạn tự google là ra nha), mình sẽ viết kiểu dummy, dễ hiểu, dễ áp dụng nhất ở thị trường VN.
Áp dụng với cả tác giả sách chữ lẫn hoạ sĩ minh hoạ, hoặc tác giả vừa vẽ vừa sáng tác.
Nếu có sai sót gì, mong bạn đọc “chỉ giáo”, bổ sung thêm.
Một tác phẩm, hiểu cơ bản, sẽ gắn liền với hai quyền:
- Quyền tác giả/ quyền nhân thân: quyền này bạn có ngay khi bạn hoàn thành tác phẩm, kể cả chưa được xuất bản hay đăng tải ở bất kỳ đâu. Và bạn sẽ luôn luôn là tác giả của tác phẩm đó.
Quyền này không mua bán. Người ta không thể mua quyền tác giả của bạn và bán cho người khác để thay tên tác giả.
– Quyền đặt tên cho tác phẩm
– Quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng
– Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm
– Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Điều này có nghĩa là dù tác phẩm của bạn được xuất bản dưới hình thức nào (in sách giấy hay phát hành online), ở bất kỳ đâu thì bạn luôn được đứng tên tác giả, và người ta không được cắt xén, chỉnh sửa, thay đổi tác phẩm của bạn.
2. (Bản) Quyền xuất bản:
Khi ký hợp đồng, bán bản thảo của mình cho một NXB, bạn đang bán cái quyền này cho họ. Hiểu đơn giản là NXB đó độc quyền in và bán sách của bạn. Bạn không được bán cho ai khác để phát hành/ đăng tải tác phẩm nữa (bất kể họ có dùng tác phẩm vì mục đích thương mại hay không).
Đã từng có rất nhiều hoạ sĩ nhầm lẫn về quyền này. Vd, khi họ đăng tải toàn bộ tranh trong một cuốn sách mà họ minh hoạ lên FB cá nhân, họ đã vi phạm quyền xuất bản/ phát hành của NXB, chỉ NXB nắm bản quyền xuất bản mới được làm việc này. Hoạ sĩ có quyền trích dẫn sản phẩm trên kênh cá nhân. Ở đây NXB không vi phạm bản quyền trí tuệ của hoạ sĩ: hoạ sĩ vẫn được credit, đứng tên chính xác, được trả nhuận bút đầy đủ.
khi chuẩn bị đặt bút ký một hợp đồng xuất bản, bạn cần đọc kỹ (nhất) những điểm sau:
1. Tác phẩm được xuất bản dưới những hình thức nào?
Truyền thống thì chỉ có in và bán sách giấy. Tuy nhiên, nếu NXB định làm ebook, hay audio book, làm app, chuyển thể thành phim, phổ nhạc… đều phải ghi rõ trong HĐ. Đặc biệt là về nhuận bút.
Có một trường hợp cần chú ý là Creative commons license. Đây được coi như một dạng xuất bản tác phẩm (publish). Nếu bạn đã ký hợp đồng với những điều khoản bán đứt toàn bộ quyền xuất bản (exclusive rights), hoặc viết mù mờ không cụ thể, thì bên nắm giữ bản quyền xuất bản có quyền đăng tải tác phẩm của bạn dưới Creative commons license, tức là ai cũng có thể sử dụng, chỉnh sửa, sáng tạo trên tác phẩm của bạn, miễn là họ không dùng cho mục đích thương mại. Nôm na giống như open source vậy. Và bên nắm giữ bản quyền xuất bản hoàn toàn không có trách nhiệm gì với những bên thứ 3 này.
—> Các bạn hoạ sĩ hãy đặc biệt lưu ý điều khoản này trong hợp đồng nhé, nếu không muốn bỗng dưng một ngày tác phẩm của mình thành open source 😀 .
2. Thời hạn khai thác bản quyền xuất bản là bao lâu?
Có nghĩa là NXB đó sẽ được in và bán tác phẩm của bạn trong bao lâu. Thông thường ở VN là 4-5 năm. Hết thời hạn này, bạn có thể bán cho bên khác, hoặc tự phát hành tuỳ ý.
Có một số trường hợp đặc biệt như khi mình làm sách cho tổ chức NGO, sách phát từ thiện chứ không kinh doanh, hợp đồng ký kết là bán đứt mãi mãi quyền này. Họ được tuỳ ý sử dụng và phát hành tác phẩm dưới mọi hình thức. Mình luôn được đứng tên tác giả nhưng mình không bao giờ còn làm gì khác được với những tác phẩm ấy nữa.
Thú thực có vài tác phẩm mình cũng tiếc.
Một trường hợp khác nữa là vd: NXB Việt Nam A đang giữ bản quyền xuất bản tác phẩm này. NXB nước ngoài B muốn mua để dịch và phát hành ở nước mình. Lúc này tác phẩm sẽ được tính là tác phẩm phái sinh (bản dịch thuật), vẫn nằm trong quyền xuất bản của NXB đang nắm giữ. % tiền mua bán bản quyền là thoả thuận riêng giữa tác giả và NXB.
Trường hợp tác giả tự phát hành tác phẩm thì tác giả sở hữu cả bản quyền xuất bản.
3. Thanh toán nhuận bút ra sao? Thời hạn thanh toán?
Có 3 hình thức tính nhuận bút phổ biến là:
– Tính theo %: giá bìa x số % thoả thuận x số lượng bản in (không quan trọng sẽ bán được bao nhiêu).
Vd: thoả thuận nhuận bút 10%, sách bạn giá bìa 50k, in 1000 bản lần đầu, số tiền lần đầu bạn nhận được là 5 triệu VND.
—> càng tái bản nhiều lần thì tác giả sẽ càng kiếm được nhiều. % tối thiểu thường là 10%, cao có thể lên tới 16-17%.
Tình huống xấu là NXB in nhiều hơn số lượng ký trong HĐ, và phần dôi ra đấy tác giả sẽ không được hưởng nhuận bút. Nói thật là ở VN không có cách nào biết chắc được NXB có in đúng số lượng đã ký hay không, có lén in thêm lúc nào hay không. Chỉ có thể đặt lòng tin vào nhau thôi 😦 .
– Trả một cục: bất kể sách in bao nhiêu, bán được bao nhiêu trong suốt thời hạn khai thác bản quyền, tác giả chỉ nhận được đúng số tiền như vậy.
Hoặc với hoạ sĩ là tính theo trang, vd: 500k/1 trang —> sách 10 trang là 5tr. Lưu ý ở đây là tính theo số trang chứ không phải tranh. Vd trong một cuốn sách tranh sẽ có những tranh trang đơn và có những tranh trải rộng trang đôi (tính là 1 spread). Trước có tác giả liên hệ làm hợp đồng với mình tính theo tranh, mình báo lại là trang, liền lặn mất tăm không một lời từ biệt hahahahahahaha.
– Trả một cục ban đầu và có thêm cả % doanh thu về sau (được gọi là phí loyalty). Cách này thường phải có một mốc để bắt đầu tính theo %. Vd: sách bán được hơn 5000 bản, từ bản 5001 tác giả sẽ được tính theo % bản in (như cách 1). Dưới mức 5000 thì chỉ được hưởng một cục ban đầu.
—> không phải tác giả nào cũng đạt được thoả thuận này với NXB.
THỜI HẠN THANH TOÁN:
Có hai kiểu phổ biến:
– Có ứng trước, chia thành 2-3 đợt thanh toán, thời gian cụ thể thoả thuận trong hợp đồng .
– Thanh toán một cục lúc sau. Thường là 01-02 tháng SAU KHI sách được phát hành. Cái này bạn phải đọc kỹ, đây là sau khi sách được chính thức được phát hành trên thị trường, chứ không phải sau khi bạn hoàn thành xong xuôi bản thảo/ sản phẩm. Nếu bạn làm xong mà NXB vẫn ngâm mãi chưa in thì bạn cũng không nhận được tiền đâu (。•́︿•̀。)
Mệt quá, mình xin được nghỉ tại đây. Hẹn tiết 2 còn nhiều điều quan trọng và nhức đầu khác nữa.
Em góp ý một chút nhé:). Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Quyền nhân thân không được chuyển nhượng (hoặc chuyển quyền sử dụng). Tuy nhiên, trong 4 ý chị đã nêu trong quyền nhân thân ở trên thì cái số 3 là ngoại lệ nhé (quyền công bố tác phẩm).
Vài vấn đề liên quan đến xuất bản chắc em phải đọc thêm Luật Xuất bản.
LikeLiked by 1 person
Cảm ơn em đã góp ý. Chị lăn tăn cái này không có phải vấn đề từ ngữ/ dịch thuật có chút khác biệt giữa các bên không. Phần quyền nhân thân là chị copy nguyên si từ mấy trang web luật á.
Có thể là viết các khái niệm bằng tiếng Anh sẽ rõ ràng hơn chăng? 😀
LikeLiked by 1 person