Mình xuất phát là một độc giả, sau lớn thì dấn thân vào ngành làm sách. Tới nay cũng đã vật lộn với sách vở được hơn tám năm. Từ nhỏ mình đã nghĩ, nếu sau có đi làm văn phòng, mình chỉ muốn làm ở một NXB, và sau đúng là như vậy thật.
Mình có quan điểm linh hoạt về sách. Mình không tôn thờ sách, sẵn sàng kê sách dưới chân giường. Đọc xong rồi mà chẳng muốn đọc lại thì đem gói xôi cũng okie. (Và mình rất thích Kindle, các bạn cứ phải chuyển nhà nhiều mà thích đọc mà xem 🙂 ) Với mình, sách không chỉ là tri thức/ kiến thức, mà rộng hơn, đó là những ý tưởng – suy nghĩ – quan điểm của từng cá nhân. Mình thích đọc sách vì tò mò người khác nghĩ gì về thế giới, cách họ nhìn nhận, mổ xẻ cuộc sống. Biết thêm, dù là những thứ mình không đồng tình, không thấy hay ho, thì cũng vui. Cho biết, vậy thôi! (hoặc là để cãi nhau, luyện chính tả, xả xì trét)
Ngày Nobel văn học được trao cho một nhạc sĩ/ ca sĩ – Bob Dylan, dù có nhiều tranh cãi, với mình đó là một bước đi thú vị – có thể không cần thiết, đúng đắn lắm, nhưng thú vị. Vì họ đã gửi tới thế giới thông điệp rằng, văn học có thể là những thứ khác hơn người ta tưởng tượng. Cũng như mình hoàn toàn đồng tình nếu coi rapper giống như nhà thơ, nếu phần lyric họ viết thật sự đầy chất thơ, thể hiện khả năng ngôn ngữ xuất chúng.
Một cuốn sách, chỉ cần gợi chút cảm hứng gì đó, gây cho mình cảm xúc nào đó, khiến mình suy nghĩ lâu hơn về một điều nào đấy, thì nó đã xứng đáng được xuất bản rồi (còn hay hay dở thì hậu xét). Mình nhớ hồi lâu khi cuốn Sát thủ đầu mưng mủ ra mắt, đã gây ra những cuộc tranh cãi vô cùng khốc liệt. Có thể lâu về sau độc giả sẽ nhận ra giá trị của một cuốn sách vừa có tý đùa cợt, vừa trung thực ghi chép lại một hiện tượng/ trạng thái của ngôn ngữ trong đời sống vậy (có chơi chữ hài hước, thông minh nha, không phải teencode gây tiền đình 🙂 ). Không phải chỉ những điều cao siêu, tháp ngà mới nên được lưu giữ.

Mới đây mình đọc được một cuốn sách rất thú vị. Một cuốn sách mà mình nghĩ là ngay cả người chẳng đọc sách bao giờ cũng có thể thích.

Cuốn sách này tập hợp 200 thắc mắc (chơi chữ điêu luyện), về đủ thứ trong cuộc sống của tác giả Sói Ăn Chay. 200 câu hỏi không có câu trả lời – như 200 cú hích tư duy, thoáng qua tưởng kỳ quặc (kiểu shower thoughts vậy) nhưng kỳ thực rất gần gũi, hầu như chúng ta đều từng trải qua.
Đọc cuốn sách này mình vừa thấy buồn cười, vừa thấy đồng cảm, cũng có khi thấy buồn. Có những câu hỏi húc thẳng vào tim như tàu siêu tốc.
Ê có khi nào không ai đánh thuế ước mơ vì ước mơ chưa làm ra tiền?
Ngoài việc đối chữ – ngữ nghĩa tinh tế (đánh thuế – làm ra tiền), tác giả còn lột tả thực tế trần trụi. Mà điều dễ chịu của cuốn sách này là tác giả không áp đặt quan điểm cá nhân, không định hướng người đọc, chỉ thuần gợi lên những suy nghĩ, ý tưởng để chúng ta nghĩ thêm về những khía cạnh trước giờ có thể bỏ quên. Rất tôn trọng, tin tưởng vào trình độ tư duy của độc giả đấy!
Cách đọc cơ bản nhất là sách nói gì ta nghe nấy. Như sách giáo khoa, thuần kiến thức vậy. Cách đọc thú vị hơn chút nữa là độc giả được khuyến khích cùng tư duy với tác giả. Những cuốn sách concept thách thức trí tưởng tượng. Mình từng đọc một cuốn picture book nhưng trắng tinh, không có chút hình ảnh nào. Chỉ toàn chữ không. Cuốn sách tên là The book with no pictures luôn . _ . (không spoil nội dung đâu hehe)

Các NXB trước rất e ngại những cuốn sách concept. Họ sợ độc giả không hiểu, thấy phí tiền, không dám đọc. Nhưng mình nghĩ thời kỳ đó qua rồi. Độc giả VN, ít nhất là độc giả trẻ, giờ đã đòi hỏi cao hơn, thách thức hơn vì họ ngày càng giỏi giang rồi. Không thể chỉ mãi chào mời những món dễ ăn, quen thuộc. Một cuốn sách mạnh dạn (lại thời thượng) như Ê có khi nào? thật đáng hoan nghênh. Lại còn khoe được sức mạnh của tiếng Việt!
Bên cạnh phần nội dung gây kích thích, phấn khích trí não, hình thức của cuốn sách cũng rất đáng khen ngợi (tỉ mỉ, hiện đại), đặc biệt là phần typo. Phần typo đầy sức sống, rõ cá tính, sắc thái, lại thêm cả công nghệ AR đúng là ảo tung hết nồi niêu xoong chảo.
Xem sách không quên check in bằng Facebook.
Phần ít ấn tượng nhất của cuốn này, với mình, là tranh minh hoạ. Về hình thức thì vẫn bắt mắt, chỉn chu, nhưng nội dung hình ảnh thì không đặc sắc. Vẫn đơn thuần là text có gì thì diễn hoạ lại thôi, chưa đóng góp thêm được giá trị khác, chưa có thêm góc nhìn của hoạ sĩ.

Nói tóm lại, hôm nay mình muốn giới thiệu vài cuốn sách concept mình thấy thú vị: Sát thủ đầu mưng mủ, The book with no pictures, Ê có khi nào? Nhưng đặc biệt là Ê có khi nào? vì sách vừa mới ra, mua mình đọc thấy thích thú còn là ủng hộ tác giả và NXB trong nước nữa các bạn ơi!
Gặp tác giả: https://www.instagram.com/soianchay/
Tâm sự của tác giả về cuốn sách: https://bepchu.com/2020/08/31/e-co-khi-nao/
Gặp hoạ sĩ typo: https://www.instagram.com/type.of.la/ hoặc ở Behance
Gặp nhà thiết kế layout: https://www.behance.net/quinnthan