Hồi xưa mình từng viết một bài về Học vẽ bắt đầu từ đâu? Hôm nay nhân chuyện có mấy người bạn mình hỏi về việc tìm lớp học vẽ cho con, mình nghĩ ra thêm mấy thứ.
Bố mẹ mình chưa từng muốn định hướng con cái theo nghệ thuật, càng không muốn con mình lao vào cái nghề “bấp bênh” này (chắc phần lớn phụ huynh đều thế). Đỉnh điểm chính là những cuộc chiến đầy nước mắt và bát vỡ hồi mình học cấp 3 đó. Tuy vậy, không biết vì sao mà từ trước đó, bố mẹ luôn đầu tư cho mình học vẽ rất tử tế, bài bản: lớp tốt, thầy tốt, mua toàn đồ vẽ xịn (còn mua từ nước ngoài về cơ ý). Từ đầu những năm cấp 2 mình đã được học cơ bản chính thống, không phải vẽ chơi chơi tự do, mà luyện từ vẽ khối thạch cao, học về vòng tròn màu, nguyên lý màu sắc, cách dùng màu bột… Chính là cái lớp có ông thầy hay hút thuốc lá, làm cháy cái ba lô của mình đó, nhưng thầy dạy hay, vẫn yêu thầy.
Hẳn lúc bố mẹ mình cho mình học vẽ nghiêm túc nhưng lại không ngờ rằng nó thành ra nghiêm túc muốn theo nghề này :)))). Thế mới khổ chứ! Dù sao cũng phải cảm ơn bố mẹ rất nhiều hihi.
Hội hoạ, cũng như nhiều ngành nghệ thuật, năng khiếu khác, phải khổ luyện mà thành. Thực sự dốc sức, từ càng sớm càng tốt. Những thứ cơ bản, dù sau này vẽ phong cách gì, cũng vẫn phải luyện qua thôi. Luyện sớm thì qua sớm. Picasso hay Akira Toriyama thì ban đầu cũng phải học vẽ hình hoạ cơ bản thôi ấy (trước khi biến thế giới thành những hình khối lập phương, Picasso vẽ tả thực rất đỉnh nha). Monet không biết đã phải vẽ cái hồ súng ấy mấy nghìn lần rồi mới tạo ra được tuyệt tác.

Tất nhiên, không phải cứ học trường lớp chính quy thì mới biết vẽ, mới thành hoạ sĩ. Nhưng ngành nào cũng thế, có học có hơn. Đi học nghệ thuật đừng lo ngại bị thầy cô bắt rập khuôn, thầy cô dở mới thế. Đi học là để có cơ hội được mở mang, được định hướng cho đúng, được chỉ cho những thứ cơ bản nhất, được truyền cảm hứng, động lực. Cũng giống như sáng tác nhạc, kiểu gì cũng phải học chừng ấy nốt nhạc để ghi chép lại được tác phẩm của mình. Như việc cấp 1 mình đã được cho xem tranh trừu tượng của Dali hay ngồi chép tranh Van Gogh. Đó còn là được ở trong môi trường của hội hoạ, cùng với những người thích vẽ (cái này thì tự vẽ ở nhà sẽ không thể có được). Đam mê cần được nuôi dưỡng thường xuyên mới cứng cáp được.
Bạn mình từng kể cho mình một câu chuyện đầy khích lệ. Nó có một người dì bán tạp hoá, người “bình thường” thôi chẳng biết hội hoạ, nghệ thuật gì mấy. Đứa em họ nó từ bé đã mê manga, mê vẽ. Dì nó thấy vậy không hề cấm cản, chỉ đưa ra điều kiện cam kết là tốt nghiệp cấp 3 đi xong làm gì thì làm. Dì vẫn để nó vẽ thoải mái, vẫn đưa nó đi manga festival, còn tìm cả trường ĐH dạy manga, vừa giúp con duy trì đam mê, vừa giúp định hướng đường lối. Bây giờ thì cô em họ ấy đã trở thành hoạ sĩ thiết kế nhân vật cho một cty game của Nhật, ngày nào cũng được vẽ chibi thoả chí rồi kiếm được cả tiền nuôi mẹ.
Đúng là để trở thành hoạ sĩ tốt, không chỉ biết mỗi vẽ mà xong. Vẫn cần kiến thức, cần thường xuyên trau dồi phông nền văn hoá. Tuy vậy, đó phải là hai công việc diễn ra song song. Không thể trở thành hoạ sĩ nếu như việc vẽ bị xếp thứ yếu, sau rất nhiều những thứ khác. Nếu phải học văn hoá thành tài xong mới được nghĩ tới chuyện vẽ thì vẽ mãi mãi chỉ là một thú vui ngoài lề, chẳng đi đến đâu hết. À không, vẫn có thể đi đến đâu đó, nếu thật sự tập trung đầu tư, tuy chậm hơn so với người khác, vì bắt đầu muộn quá mà. Thật may ngày xưa bố mẹ mình không ra điều kiện phải đạt đủ KPI ở trường mới được đi học vẽ. Mà nếu có, mình sẵn sàng đổi điểm 9 điểm 10 để được tiếp tục học vẽ đàng hoàng.
Chắc chắn luôn có những thiên tài, không cần làm gì, học gì, ở nhà tự nhiên vẽ ra được tuyệt phẩm. Mà hiếm hiếm lắm! Còn phần lớn chúng ta, thật an ủi làm sao, có thể đạt được công việc mơ ước bằng cách chăm chỉ rèn luyện, học tử tế, có những người thầy giỏi và có tâm. Vì mình đã có định hướng công việc tương lai từ khi còn rất nhỏ, nên mình tin rằng không bao giờ là quá sớm để đầu tư nghiêm túc cho trẻ con, nếu như chúng bộc lộ niềm đam mê riêng.
p.s: sau này mình có con, bất kể nó có muốn theo nghề của mình hay không, mình vẫn sẽ dạy nó vẽ bài bản, nghiêm túc từ bé. Vì không biết vẽ thì cũng biết xem tranh. Mà biết xem tranh đẹp thì vui thú biết mấy hahaha!
Học cái gì cũng nên nghiêm túc mà học nhỉ, chơi chơi thì thà đừng làm đừng nhắc cho đỡ phí thời gian lại còn tổn hại tinh thần các cháu = ) Bố mẹ chú xịn thật, không vùi dập từ tấm bé chứ ngày xưa vẽ vời ít được chú ý lắm. Xưa mẹ tao cũng đầu tư cho học đàn ca sáo nhị lắm mà khổ thân mình lại mù âm nhạc, nhưng có học bài bản nên may vẫn biết đọc nốt nhạc, nghe bình luận academic vẫn hơi hiểu, nghe nhạc giao hưởng cũng tùy bài mà không thấy buồn ngủ =))
LikeLiked by 1 person
thế nên đến lúc thi ĐH ko cho thi Mỹ thuật khiến t cảm thấy bị phản bội =)))))) sao trước giờ vẫn cho học tử tế đàng hoàng giờ lại quay ngoắt cấm cản =)))))))
nhưng mà thôi may quá giờ vẽ kiếm được tiền rồi =)) (dù vẫn chưa giàu nổi)
LikeLike