Tôi đã đến với nghề như thế nào? (phần 3)

Bên cạnh việc bắt đầu làm sách với Room to Read kể từ năm thứ 3, nhờ học ở OMEGA, mình có những công việc minh hoạ đầu tiên: minh hoạ cho SGK, cho tạp chí, các sản phẩm in ấn… Ngoài ra thì mình cũng được tham dự một số triển lãm, rồi thi thố này nọ.

Nhờ minh hoạ lặt vặt mình mua được wacom (mà vẫn dùng tới tận năm ngoái, cũng 6-7 năm liên tục mà chưa từng bị trục trặc gì), và không phải xin tiền tiêu vặt bố mẹ nữa (nhưng vẫn được bao ăn ở 🙂 ). Từ lúc kiếm được tiền từ việc vẽ, bố mẹ mình đã bớt lo lắng và thôi phản đối chuyện mình theo ngành này. Sau đồ đạc công việc gì mình đều tự mua. Nói chung cứ phải (gần) độc lập về kinh tế thì mới độc lập về chính trị được các bạn ạ.

Sau khi tốt nghiệp (vừa điểm trung bình để ra trường 🙂 lạy trời), mình không đi làm công ty ngay mà freelance chừng một năm. Mình chẳng lo nghĩ gì nhiều, việc cũng không thiếu (chủ yếu nhờ không phải lo tiền nhà, tiền ăn 🙂 ). Rồi mình được vào làm ở một cty sách, đến chè nước nói chuyện một buổi với giám đốc xong đi làm thôi, chứ cũng không phải phỏng vấn mệt mỏi gì.

Đợt mới đi làm, lương mình là 5 triệu /1 tháng. Chế độ lương ở đấy là: lương cứng + lương sản phẩm + thưởng doanh thu cuối năm (sách nào bán tốt thì BTV cuốn đó sẽ được thưởng theo doanh thu). Sau gần 3 năm đi làm, với chức vụ trên giấy là phó phòng thiếu nhi, lương cứng của mình là 8tr (được nghỉ 3 ngày 1 tuần), thi thoảng có tháng có lương sản phẩm thì lên được 9tr, hiếm lắm có tháng được 10tr. Thưởng cuối năm + thưởng doanh thu (hầu như năm nào mình cũng có sách lọt top 5 best seller nhé) được 13~25tr. Tính bình quân thu nhập một năm của mình (chỉ riêng đi làm văn phòng) là khoảng 125tr gì đó (vào những năm 2014-2017). Thấp bất ngờ đúng không?

Nếu chỉ đi làm văn phòng như thế, mà không được bố mẹ bao nuôi ăn ở, chắc cũng ngắc ngoải.

Tuy vậy, mình cũng không vì lương thấp mà hối tiếc đã đi làm mấy năm ở đó. Thời gian này mình học được rất nhiều thứ hữu ích (đặc biệt là về quy trình xuất bản, việc in ấn, cách làm việc với BTV…), được/ phải làm đủ thứ việc trên giời dưới bể. Nhược điểm là thời gian này mình gần như chẳng sáng tác được gì, vì đã mệt lử với công việc văn phòng.

Khi đứng ở vị trí BTV xây dựng bản thảo, mình ngộ ra thêm nhiều điều khác về việc sáng tác ở cương vị tác giả. Vd như:

Mọi câu chuyện hay đều bắt đầu từ một cảm xúc chân thành. Nhưng không phải cảm xúc chân thành nào cũng trở thành một cuốn sách hay.

– mình nói chứ ai –

(chính vì thế chúng ta cần BTV giỏi, NXB có tâm)

Hay: hầu hết tác giả đều bắt đầu sáng tác bằng việc kể lại câu chuyện của chính mình (một cảm xúc chân thành). Nhưng không phải ai cũng vượt qua được ranh giới ấy. Việc kể một câu chuyện không bắt nguồn từ trải nghiệm thật của cá nhân cần rất nhiều trí tưởng tượng. Đây là vấn đề mình từng kể nhiều lần khi làm việc với các tác giả là những bà mẹ: họ gần như chỉ quanh quẩn mỗi đứa con của mình. Việc những đứa trẻ là nguồn cảm hứng, là muse để bắt đầu câu chuyện hoàn toàn ok, nhưng không phải ai cũng nhận ra được rằng mình đang bị mắc kẹt trong vòng tròn bé tí xoay quanh đứa trẻ ấy, chứ chưa thực sự TƯỞNG TƯỢNG. Hiếm người vượt qua được ranh giới ấy như J.K.Rowling, Harry Potter chẳng phải bắt đầu từ những giấc mơ của con bà ấy hay sao.

Một vài tác phẩm kinh điển hay ho do các ông bố viết cho con/ lấy cảm hứng từ con: Gấu Pooh, Gió qua rặng liễu, Biên niên sử Narnia, Here we are… Bạn có thể thấy điểm chung thành công của các tác phẩm này là chúng ta không chỉ nhìn thấy (thậm chí là không thấy) đứa trẻ cảm hứng ban đầu. Trong gấu Pooh thì gấu Pooh mới là nhân vật trung tâm. Cuộc sống của Christopher cũng không hạnh phúc gì hơn từ sự nổi tiếng của cuốn tiểu thuyết kia.

(mình đang nói về thể loại fiction, còn nếu kể lại chuyện về con mình đúng như thực tế đã diễn ra, vd như sách nuôi dạy trẻ chẳng hạn, thì đó là non-fic. Không nên nhầm lẫn giữa hai thể loại này.)

Thời gian cuối lúc sắp nghỉ làm, mình rơi vào tình trạng bi bét. Sau cùng mình vẫn muốn được sáng tác, được vẽ nhiều hơn suốt ngày đi sửa bản thảo cho người khác (không phải lúc nào cũng gặp được những ý tưởng hay), hay phải quằn quại giữa những drama chốn văn phòng. Sau khi nghỉ việc, mình dần lấy lại cân bằng và viết truyện trở lại, đặt mục tiêu hướng tới thị trường lớn hơn.

Nhiều lúc mình thấy cực kỳ tuyệt vọng, thấy cạn thời gian, tụt hậu trong khi các bạn hoạ sĩ/ tác giả trẻ thì ngày càng giỏi. Nhưng mình đọc được câu chuyện về một hoạ sĩ minh hoạ, bắt đầu học ĐH năm cô đã 33 tuổi, bắt đầu kiếm sống ổn định được bằng nghề năm 40 tuổi. Có một điều thú vị trong ngành minh hoạ cũng như sáng tác nói chung, người ta ít quan tâm đến tuổi hay bằng cấp của bạn hơn bạn tưởng. Có hai điều quan trọng bậc nhất: 1- chất lượng sản phẩm, 2 – thái độ làm việc. Hoặc có những hoạ sĩ/ tác giả Nhật, ngoài 90 rồi vẫn sáng tác đều đều và chất lượng cao ngất. Tất cả những người như vậy khiến mình thấy an tâm, cứ chăm chỉ mà làm việc thôi. Còn làm việc là còn hy vọng hihi.

Có lẽ mình sẽ viết thêm một bài bonus một số tips giắt lưng làm nghề. Để hôm khác, giờ mình mệt quá. Lại còn phải đi nấu cơm… đúng là những hiện thực trần truồng không thể chạy thoát.

Phần 2
Phần 1

5 thoughts on “Tôi đã đến với nghề như thế nào? (phần 3)

  1. Đọc đoạn cuối “hiện thực trần truồng ” của chị Cốm em cười xỉu=)). Mà em có động lực vào tương lai ghê á chị! Tuổi tác hem có quan trọng. Với lại nghề này người ta chỉ quan trọng chất lượng sản phẩm và thái độ làm việc. Thái độ thì em có,còn chất lượng thì mình học mình rèn luyện thật nhiều thì cũng sẽ tiến bộ mà chị ha!!! Phấn khởi phấn khởi, cảm ơn chị Cốm đã chia sẻ câu chuyện của mình ạ!

    Liked by 1 person

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s