Đây là một vấn đề mình luôn phải vật lộn. Đến tận bây giờ mình vẫn đang vật lộn. Nhân tìm được một bài báo khá hay và cụ thể về vấn đề này, mình muốn dịch lại và thêm chút chia sẻ kinh nghiệm cá nhân. Các bạn đọc cho vui.
Bài báo gốc tại đây.
BƯỚC 1: Chọn một chủ đề
Hãy chọn một chủ đề bạn yêu thích và tập trung vào đó. Nếu bạn thích vẽ đủ thứ, cũng không sao, nhưng hãy giới hạn tối đa trong 5 đề tài thôi nhé. Ví dụ như toàn vẽ các bữa sáng, toàn vẽ OOTD hàng ngày, toàn vẽ động vật… Cá nhân mình thấy, để nhận diện một hoạ sĩ, câu chuyện/ nội dung họ kể qua tranh còn quan trọng hơn cả bút pháp/ kỹ thuật vẽ nữa.
BƯỚC 2: Xây dựng một thư viện tham khảo
Bạn hãy lựa chọn ra 5 hoạ sĩ bạn yêu thích nhất nhất. Góp nhặt, bắt chước mỗi người một tý. Trộn đều, nhào nặn để dần tạo ra phong cách của riêng mình. Không ai bắt đầu vẽ mà không bắt chước bất kỳ ai đâu ấy. Chỉ đừng copy y xì, đạo tranh người khác là được.
Mình thường dùng pinterest để làm việc này. Mỗi lúc bí ý tưởng, art block này kia, mình sẽ lên pin để tìm cảm hứng. Behance hay Instagram cũng không tồi.
Ngoài ra lưu trữ ảnh thật để vẽ theo cũng là một cách hiệu quả.
BƯỚC 3: Định hình phong cách của bạn
- Chọn ra tone màu yêu thích của bạn. Ví dụ như màu pastel nhẹ nhàng, hoặc màu cơ bản rực rỡ… Các trang web như https://color.adobe.com/create/color-wheel rất hiệu quả. Mình còn có một cuốn sách gọi là Từ điển màu sắc. Lúc nào bí màu thì mở ra xem.

- Bạn thích tạo hình có tính hình học, sắc nét, khối căng hay mềm mại, nét lỏng tay?
- Bạn thích màu bệt, phẳng hay thích tả chất liệu, chuyển màu, pha màu?
Tranh (c) dòng trên Sato Kanae, dòng dưới Machiko Kaede
- Bạn thích dùng chất liệu truyền thống, vẽ tay hay vẽ digital trên máy? Bạn có thể chọn cả hai :D.
Vài tips cá nhân của mình là: mình sẽ viết cụ thể ra các keyword mình hướng tới, gắn nó chỗ dễ nhìn. Để lúc nào vẽ, mình đều nhớ mình đang định hướng ra sao. Tuy vậy, cũng hãy cứ thoải mái thử nghiệm các chất liệu, các kỹ thuật khác nhau. Rồi bạn sẽ tìm được thứ phù hợp với mình nhất, mình vẽ thoải mái nhất.
BƯỚC 4: Vẽ đi vẽ lại nhiều lần
Đừng tự hài lòng hay tuyệt vọng ở lần vẽ đầu tiên. Cứ vẽ đi vẽ lại, thử đi thử lại vài lần, chắc chắn tranh của bạn sẽ đẹp lên nhiều. Practice makes perfect đúng với hầu hết mọi ngành nghề, và vẽ không ngoại lệ.
Bí kíp nhỏ là đừng so sánh với hoạ sĩ khác, thường chỉ làm mình thối chí. Hãy so sánh với chính tranh bạn vẽ hôm qua. Chỉ cần mình tiến bộ, mỗi ngày một chút xíu thôi cũng là đủ rồi, là quá tốt rồi.
BƯỚC 5: Đặt thời hạn hợp lý
Bạn có một bức phác thảo ưng ý, hãy đặt thời gian cho bản thân để hoàn thành bức tranh ấy. Không cần quá gấp nhưng cũng đừng quá lâu. Để quá lâu sẽ… mất hứng, hoặc hoàn toàn quên mất mình đang vẽ gì, vẽ như thế nào. Đánh mất cảm giác vẽ sẽ rất khó bắt nhịp lại.
Nên nhớ, một bức tranh hoàn thiện thì luôn tốt hơn một bức hoàn hảo nhưng chưa bao giờ xong nổi :))).
BƯỚC 6: Lặp đi lặp lại các bước trên
Vẽ là một quá trình dài, vừa quan sát, vừa tìm hiểu, vừa thử nghiệm… Không chỉ là vẽ mà hãy bồi đắp kiến thức, làm phong phú thêm phông nền văn hoá của mình. Bạn sẽ có nhiều thứ để vẽ hơn, nhiều thứ khiến bạn muốn vẽ hơn. Vẽ, với mình, trước hết là một cuộc du hành vào bên trong bản thân, những suy nghĩ, cảm xúc cá nhân.
Không nhất thiết phải trở thành hoạ sĩ, vẽ kiếm cơm thì mới được vẽ và nên vẽ. Chỉ cần bạn thích, việc vẽ khiến bạn thấy dễ chịu thì cứ vẽ thôi :D. Ngại gì.