Lời biện hộ cho Bồ Câu,

Hôm qua, có phụ huynh vào phản ánh về gợi ý mua sách của mình, cuốn Bồ Câu (nằm trong series Bồ Câu của tác giả Mo Willems), cảm giác sách đắt mà ít chữ, cảm thấy không đáng tiền cho lắm.

81+rK9ENVBL
này này, Bồ Câu cũng có cảm xúc đấy nhé! Ngồi xuống đây nghe Bồ Câu bộc bạch cái đã…

Phản ứng này mình đã gặp khá nhiều, đặc biệt với bộ Bồ Câu. Sự bối rối, lăn tăn này mình rất hiểu. Bộ sách này đa số phụ huynh Việt Nam không biết cách đọc thế nào cho đúng. Đến tận bây giờ, thủ pháp kể chuyện của Mo Willems vẫn tương đối lạ lẫm với thị trường Việt Nam. Không phải phụ huynh sai, đơn giản là họ chưa biết, chưa hiểu cho Bồ Câu thôi 😀 .

Trong một bài giới thiệu từ lâu lắc về Mo Willems và Bồ Câu, mình đã có nói qua về thủ pháp kể chuyện đặc trưng của tác phẩm. Xin được trích lại lần nữa:

Các tác phẩm của Mo Willems nổi bật với thủ pháp metafiction rất khéo léo. Metafiction hiểu đơn giản là một cuốn sách tự tìm kiếm sự tương tác với độc giả (thủ pháp này cũng được dùng trong văn học, phim ảnh, như cuốn Nếu một đêm đông có người lữ khách – Italo Calvino, hay Memento của Nolan hoặc Deadpool – cả phim lẫn truyện. Mời đọc thêm ở đây) . Nhân vật trong sách ý thức được bản thân là một nhân vật tưởng tượng, ý thức được có chiều không gian bên ngoài trang sách/màn ảnh và nó nói chuyện với bạn. Như trong những cuốn picture book của bác Mô thì các trang truyện liên tiếp có nhân vật chính đang kể chuyện, hoặc hỏi chuyện độc giả, và giữa mỗi câu thoại đó sẽ là một khoảng trống để mỗi độc giả sẽ có một câu trả lời của riêng mình. Bằng cách này, người đọc sẽ thấy mình thực sự được tham gia vào diễn biến của câu chuyện, được đối thoại với nhân vật.

Có một chị bạn mình, kể chuyện khi cô bé con nhà chị ấy đọc Bồ Câu, nó sẽ ngồi diễn giọng Bồ Câu, nghĩ ra cả câu chuyện riêng, rồi tự cười khúc khích. Đó là minh chứng rõ ràng cho cách dùng metafiction đúng. Kích thích trí tưởng tượng, tự tạo ra câu chuyện, giao tiếp với nhân vật. Bọn trẻ con không cần biết metafiction là cái gì, nhưng chúng tự tìm được cách đúng (chúng nó thông minh lắm, không đùa!).

Phải nói thêm, cô bé ấy là một đứa trẻ rất tự tin, sáng tạo và chủ động.

Những cuốn sách như Bồ Câu cần sự giao tiếp, cần nhập vai. Đó là những cuốn sách cần “động”, chứ không chỉ đơn thuần đọc-nghe một chiều truyền thống. Bồ Câu không có lời dẫn, chỉ thuần thoại của riêng nhân vật chính. Điều thú vị ở bộ sách này mình quan sát được là phần lớn trẻ con không gặp khó khăn gì trong việc hiểu cuốn sách, trò chuyện với Bồ Câu và cảm thấy thích thú. Trái ngược với người lớn.

Có một chuyện cực kỳ cảm động mình từng nghe một cô giáo kể cho. Trong CLB đọc sách của chị ấy có một bé tự kỷ. Thời gian đầu khi đến CLB, bạn ấy không thể tham gia vào bất kỳ hoạt động nào, lúc nào cũng thu lu một góc riêng. Cho tới khi bạn ấy tìm thấy cuốn Bồ Câu trên giá sách và đọc, và cười rinh rích. Từ sau đó bạn ấy dần hứng thú với hoạt động đọc sách của CLB, dần làm quen và chơi cùng các bạn khác. Bước ngoặt ấy khiến cả mẹ bé và cô giáo phụ trách đều rưng rưng khi nhắc lại. Mình hiểu tâm trạng của bạn nhỏ ấy, cũng như tâm trạng không hiểu của phụ huynh với cuốn sách. Bởi bạn nhỏ ấy đã tìm được một người bạn đầu tiên có thể trò chuyện rất vui ở CLB ấy – chính là bạn Bồ Câu.

Vậy tại sao phải dùng thủ pháp nghe tên phức tạp thế cho một cuốn sách trẻ con chỉ có một nhúm chữ?

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của picturebook nói chung là dẫn dắt trẻ làm quen với rất nhiều những thứ đầu tiên: chữ cái, câu từ, hình ảnh, màu sắc, môi trường sống xung quanh và cả những khái niệm trừu tượng nữa. Bỏ cái nào đi cũng là thiếu sót. Tất cả những điều ấy đều được đơn giản hoá đi, phù hợp với khả năng tiếp nhận ở từng mức độ tuổi của trẻ.

Có khả năng là những đứa trẻ đã quen với Bồ Câu, sau lớn sẽ đọc được những sách như của Italo Calvino không quá khó khăn, bất kể là chúng có biết đó là metafiction hay không. Người kể được vấn đề phức tạp một cách đơn giản nhất là người hiểu rõ vấn đề đó nhất.

Cũng như có rất nhiều sách tranh về triết học cho trẻ nhỏ (rất rất hay nha, ở VN có vài bộ như Cuốn sách về những sự trái ngược mang tính triết học của Kim Đồng, hoặc bộ Tư duy cùng bé của Alphabook. Hai bộ này mình si mê lắm!)

Trẻ được làm quen sớm với những kiến thức cao siêu (đã được đơn giản hoá và hài hước hoá với minh hoạ bắt mắt, thú vị) chắc chắn sẽ đỡ bỡ ngỡ hơn nhiều khi tiếp cận với những kiến thức phức tạp hơn lúc lớn, phải không ạ?

Không biết metafiction, hay triết học thì có ảnh hưởng gì lớn tới cuộc sống hay khả năng kiếm tiền sau này của trẻ không? Chắc là không. Nhưng biết thì sao? Biết thì vui, biết thì dễ trở thành con người thú vị, giàu trí tưởng tượng. 

Trong một bài luận về việc tại sao tương lai của chúng ta phụ thuộc vào thư viện (đọc bản gốc tiếng Anh tại đây, bản dịch tiếng Việt tại đây), nhà văn Neil Gaiman đã đưa ra những bằng chứng rất thuyết phục về việc tại sao Mỹ có nhiều bằng sáng chế, phát minh hơn Trung Quốc. Vì trẻ em Mỹ lúc nhỏ được đọc nhiều sách hư cấu (fiction) hơn.

Được đọc sách – bất kỳ thể loại gì – đã là rất tốt rồi, đã được 80% thành công rồi. Tuy vậy, nếu chỉ đọc những picturebook… truyền thống, kể chuyện đời thường ăn uống – ngủ nghỉ – vui chơi, bạn Voi học buộc dây giày, bạn Chuột tập bơi… thì mới là phân nửa quãng đường. Những cuốn sách “thách thức” hơn chút, kỳ lạ hơn chút, trừu tượng hơn chút sẽ đem lại những giá trị khác nữa, khó đong đếm hơn (ko giống như đọc bạn Voi học buộc dây giày xong là biết buộc ngay). Chúng ta cho trẻ đọc sách không chỉ để chúng làm quen được với cuộc sống thường nhật, còn là để kích thích tư duy, sự sáng tạo, trí tưởng tượng và cả để vui thích (rất quan trọng đấy). Chúng ta sẽ tượng tượng được nhiều thế nào chỉ với chuyện bạn Voi tập buộc dây giày?

Quay lại với Bồ Câu, tại sao chuyện Bồ Câu đòi lái xe buýt, đòi ăn bánh kẹp… lại kích thích trí tưởng tượng hơn bạn Voi tập buộc dây giày? Bồ Câu không nhằm dạy trẻ một kỹ năng đời sống cụ thể (buộc dây giày), mà còn giới thiệu một phương thức tưởng tượng – đó là TẬP NHẬP VAI, lại còn rất buồn cười. Đặt mình vào tình huống, hình dung ra các khả năng, hội thoại có thể xảy ra…

Đọc xong liệu bạn đã cảm thấy muốn cho Bồ Câu một cơ hội khác nữa chưa?

Về chuyện nhiều chữ – ít chữ, xin dành một bài viết khác dành riêng cho picturebook không lời.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s