Nhờ 3 năm làm ở NXB mà mình đã được làm đủ thứ. Nghề chính của mình là vẽ, sáng tác truyện, nhưng mình đã nhảy sang cả biên tập, thiết kế dàn trang, truyền thông (bao gồm cả viết bài, quản lý làm content các kênh mạng xã hội, chụp ảnh, trả lời phỏng vấn làm phóng sự đủ trò), và tất nhiên, cả dịch nữa. Do hồi đó nhân sự mỏng quá, mình buộc phải làm thôi chứ không định mặc sịp ngoài quần dài lên sân thượng tập bay hay gì.
Chuyện dịch, mình vốn không ham, mà giá dịch sách tranh bèo quá, nhiều khi cả cuốn tiền dịch được… 200k. Làm cái hợp đồng thấy cũng… bôi bác. Nên mình tự dịch luôn. Mình sẽ không nói bút danh dịch của mình đâu, sợ bị chửi lắm hahahahahaha (cộng đồng những người giỏi ngoại ngữ – nhưng chưa chắc đã giỏi tiếng mẹ đẻ – đông và hung hãn lắm đấy haha).
Chuyện dịch là một thứ vô cùng tận. Người dịch không chỉ cần giỏi ngoại ngữ, mà quan trọng là phải giỏi tiếng Việt. Dịch không chỉ là cho đúng nghĩa, còn phải đúng không khí, đúng màu sắc của tác phẩm gốc.
Riêng dịch sách tranh thiếu nhi, có một điều mà các dịch giả thường quên mất, đó là khi đọc to thành tiếng thì sẽ thế nào. Sách tranh thường là loại sách được đọc to (bố mẹ đọc cho con hoặc trẻ con học đọc đánh vần) nhiều hơn là đọc thầm. Một câu văn khi đọc thành tiếng lại dễ gây trẹo mỏ thì cũng không phải là dịch tốt. Nhịp điệu, ngắt nghỉ câu sao cho hợp lý cũng là thứ phải đặt lên hàng đầu.
Nói tóm lại, dịch giả phải tự đọc to bản dịch của mình trước xem có dễ đọc không.
Bên cạnh đó, dùng từ ra sao cũng là một vấn đề đau đầu. Từ đơn giản nhưng vẫn có chất thơ, trong sáng về mặt ngữ nghĩa, dễ hiểu. Việc sử dụng nhiều câu phức, câu quá dài, từ ghép (lại còn từ ghép đảo ngược) khá nguy hiểm.
Sách tranh dù có một nhúm chữ nhưng là một nhúm tinh tuý, để dịch hay rất khó. Vì ít chữ qúa nên bất kỳ lỗi sai nhỏ nào cũng dễ lồ lộ ra. Chưa kể có những cuốn vừa thơ vừa chơi chữ, dịch chịu chết luôn. Ví dụ như loạt sách của Dr.Seuss, Maurice Sendak hoặc cuốn The gift of nothing (mình đã từng giới thiệu ở đây. Ê bạn nào dịch được cuốn này, mình xin cho xuất bản ngay và luôn).
Có một số cuốn sách tranh mình từng làm, từng đọc, mà khiến mình vô cùng nể phục người dịch. Một bản dịch xuất sắc, gần như hoàn hảo, không sót một từ nào không được dịch ra, mà vẫn có nhịp điệu riêng, đầy xúc cảm.
Mình xin list ra ở đây (không phải là tất cả sách dịch hay trên thị trường, chỉ là một số nhỏ mình biết thôi nhé):
- Bộ Kinh khủng Gì-Đâu và Bé Gì-Đâu của dịch giả Lu:

Đằng sau bộ này là một cuộc chiến đau đầu của mình với các BTV khác. Cuốn này vốn là văn vần thôi chứ chưa hẳn là thơ, nhưng nhà thơ/ dịch giả Lu đã chuyển thể hẳn thành thơ 5 chữ một cách cực kỳ uyển chuyển, mà không sót một từ nào trong bản gốc.
Đây là đoạn đầu của cuốn sách:

Đây là phần dịch thơ của dịch giả:
“Một chú chuột đi dạo
trong khu rừng tối om.
Chú cáo kia nhìn thấy:
“Úi chà, đến là ngon!”
“Đi đâu đấy bạn ơi?”-
Cáo hỏi và liếm môi.
“Hay là về nhà tớ
Ăn trưa no đã đời?”
“Bạn Cáo thật tốt quá!
Nhưng tớ không về đâu-
Trưa nay tớ có hẹn
Ăn với ông Gì-Đâu.”
“Ông Gì-Đâu là ai?
Tớ chẳng biết mới tài.”
“Để chuột tớ tả nhé,
Ông Gì-Đâu rất oai,
…
Đấy, mình ví dụ một đoạn như vậy. Để các bạn tự đánh giá xem nhé.
Sau này Lu có làm một vài cuốn khác nữa với Nhã Nam. Nhưng mình vẫn luôn thấy đây là bộ xuất sắc nhất mà anh ý từng dịch.
Một phút quảng cáo thêm: Lu có xuất bản hai tập thơ/ tản văn với Nhã Nam là Lấp kín một lặng im và Sự đã rồi anh ngồi anh hát. Nếu có hứng thú các bạn có thể tìm đọc thử xem sao.
2. Những cuộc phiêu lưu của cô gà mái Louise – dịch giả Đông Phong

Tác giả Kate DiCamillo có lẽ đã quá nổi tiếng với một số tác phẩm (cũng bán rất chạy ở Việt Nam) như Những chuyến phiêu lưu diệu kỳ của Edward Tulane hay Chuyện Despereaux… Nhưng mình thấy chưa nhiều người biết cuốn về cô gà mái Louise này.
Cuốn này cũng vẫn giữ vững tinh thần rất Kate DiCamillo, lời văn rất nên thơ, những câu chuyện dịu dàng không kém phần kịch tính, hấp dẫn. Nhân vật gần gũi, dễ đồng cảm.
Lại thêm phần hình ảnh minh hoạ với phong cách cổ điển, tỉ mỉ, sinh động, rất chi tiết mà không bị nặng nề. Hoạ sĩ Harry Bliss cũng đã từng đạt giải thưởng lớn Maurice Sendak.
Phần dịch của Đông Phong không chỉ sát nghĩa, mà còn rất đẹp. Phần nhịp điệu ngắt nghỉ hợp lý, tạo cảm xúc (đặc biệt nếu bạn đọc thử to thành tiếng). Không cần dùng ngôn từ văn hoa, màu mè, rườm rà mà vẫn vô cùng gợi hình, gợi tả. Ví dụ như đoạn này:

Hay có đoạn cực kỳ ấm áp như thế này:

Rất lâu rồi mình mới đọc được một cuốn dịch tốt như thế này. Hoàn toàn không có cảm giác là văn dịch. Giống như được viết bằng tiếng Việt vậy.
Bài dài quá, có gì mình sẽ update thêm các tác phẩm dịch tốt khác sau.