Nửa còn lại,

large_half-of-it-poster

Ban đầu khi đọc giới thiệu phim, mình hơi sợ phim sẽ lối mòn, với nhân vật chính hội tụ đủ đặc điểm cliché châu Á trong một bộ phim phương Tây: HỌC GIỎI, kém hoà nhập, cứng nhắc, awkward… Lại thêm gia vị đồng tính. Trời ơi đọc đã không muốn xem. Mình đã nghía qua bộ phim vài lần mà vẫn không bấm vào xem.

Tuy vậy, một ngày mát trời và rảnh rỗi sinh nông nổi, mình đã xem thử, trong tâm thế sợ hãi sẽ rùng mình lè lưỡi các thể loại.

Câu chuyện xoay quanh Ellie Chu, cô bé người Mỹ gốc Trung Quốc. Gia đình nghèo khó theo phong cách quen thuộc nhưng bù lại học giỏi nên đã “khởi nghiệp” từ rất sớm, chuyên viết luận hộ các bạn. Khi nhìn tạo hình của Chu, mình bắt đầu thấy dễ chịu hơn: Chân chất một cách vô cùng đơn điệu.

Chu tính tình khép kín, có đôi phần cứng nhắc, lại đem lòng cảm mến cô bạn cùng trường xinh đẹp là Aster. Bước ngoặt của phim là khi Paul – một cậu bạn nhà truyền thống bán thịt, làm xúc xích, hơi ngốc, cũng mê mẩn Aster và thuê Chu viết thư tình tán hộ. Ban đầu Chu từ chối, nhưng vì áp lực cần tiền nuôi gia đình nên đã đồng ý viết MỘT bức thư.

Chuyện tình tay ba rắc rối hơn khi Chu và Aster trò chuyện qua thư rất hợp nhau. Mình thích những phim có lời văn hay, kiểu như là tiểu thuyết, hoặc kịch nghệ, hoặc thơ. (Một vài phim khác có yếu tố này mà mình rất thích như là Stranger than fictions, Miss Poter, V for Vendetta, Dead poets society…) Những lá thư giữa Chu và Aster rất thú vị. Qua những dòng thư ấy, chúng ta được thấy một Aster lãng mạn, tài năng, có chiều sâu, thích suy tư và bị mắc kẹt trong những định kiến: gái xinh thì nông cạn, gái xinh thì phải cặp với hot boy, gái xinh thì lấy chồng sớm cho ấm thân… Còn Chu, ngoài lớp vỏ cứng nhắc, khép kín, là một cô gái cực kỳ thông minh, hài hước, trưởng thành trước tuổi.

Nhân vật ngỡ chỉ là gạch lót đường Paul, hoá ra hay ho hơn mình tưởng. Ban đầu Paul xuất hiện như một anh chàng cục mịch, hơi ngu ngơ, suốt ngày chỉ biết nói mỗi chuyện xúc xích. Dần dà qua từng lớp lang tình tiết, ta thấy thực ra Paul có chỉ số EQ cực cao. Paul nhạy cảm và biết cảm thông với người khác, không phân biệt sắc tộc, giai cấp. Paul biết mình không thông minh học hành giỏi giang, nhưng cậu có đam mê riêng và luôn nỗ lực vì nó. Lúc đầu những đoạn thoại “ngập thịt” của Paul làm mình có phần hơi… ngán. Nhưng sau đó lại thấy dễ thương vô cùng, vì với Paul, đó là cách cậu dùng để biểu đạt cảm xúc, biểu đạt yêu thương. Đoạn Paul kể với Chu về việc mẹ cậu cứ cố giữ công thức cũ của bà mà không chịu thay đổi, cải tiến, vì bà sợ rằng sẽ đánh mất kỷ niệm, kết nối cuối cùng với mẹ mình, thật hết sức cảm động. Rồi Paul làm bạn với người bố u uất của Chu thông qua việc nấu nướng, còn là nấu món yêu thích nhất của Chu.

Bộ phim này không có phản diện. Có những sai lầm nhưng không có ai xấu tính, độc ác. Chỉ là những cô cậu học trò với những bỡ ngỡ, bối rối, va chạm đầu tiên với tình yêu. Xem đến nửa chừng phim mình lại vô cùng lo lắng nếu kết phim không ra gì sẽ phá hỏng toàn bộ trải nghiệm tốt đẹp trước đó. Nhưng cái kết cũng cực kỳ khéo léo, vừa vặn, hợp lý cho tất cả các nhân vật. Dịu ngọt pha lẫn chút cay đắng, nuối tiếc.

Ngoài bộ ba nhân vật chính rất tròn trịa, xuất sắc ra, các nhân vật phụ của phim cũng rất hay ho. Mình khoái nhất bà giáo dạy tiếng Anh của Chu. Trời ơi sao có giáo viên như thế trên đời. Tuy chỉ có vài câu thoại nhưng câu nào cũng đắt xắt ra miếng.

Bên cạnh đó mình rất thích phần quay phim, dựng phim của tác phẩm này. Mọi chi tiết, khung hình đều có chủ ý, trau chuốt, tỉ mỉ, không thừa không thiếu. Phần nhạc cũng ok mà không ấn tượng bằng phần hình ảnh.

Lúc xem xong phim, mình liền đi google về đạo diễn kiêm biên kịch của phim – Alice Wu. Bà ý nhìn giống hệt nhân vật chính :))))), khéo đây cũng là câu chuyện dựa trên trải nghiệm thật của bà. Hẳn vậy nên phim có sự chân thật rất lay động.

Túm lại, mình thấy đây là một bộ phim đáng xem, đừng để chi tiết học sinh giỏi gốc Á đồng tính ngăn cản bạn hehe.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s