Onward,

Lâu rồi mình không viết về phim. Mình vẫn xem nhiều nhưng không có mấy phim khiến mình muốn viết lắm. Hôm qua xem liền hai phim thì cả hai đều quá hay! Đó là Onward và The half of it. Mà mình sẽ viết về Onward trước.

Bài viết có (lẽ) spoil nội dung phim (phần nào…).

onward-teaser-poster

Onward kể về một thế giới hậu phép thuật. Khi việc luyện tập và sử dụng phép thuật quá phức tạp, mất sức, người ta dần chuyển sang và lệ thuộc vào những phát minh thuận tiện cho đời sống (như đèn điện, ô tô…), và lãng quên phép thuật. Một thế giới của tiên, quỷ lùn, nhân mã, rồng, những sinh vật huyền bí trong những câu chuyện thần thoại lại không biết (và không tin) phép thuật.

Chuyện kể về hai anh em Barley và Ian. Barley không sợ cái gì hết còn Ian sợ tất cả mọi thứ. Hai anh em có tính cách hoàn toàn trái ngược nhau, sống những cuộc sống gần như tách rời nhau dù ở chung dưới một mái nhà. Cha hai anh em mất sớm. Ian thậm chí chưa từng được gặp cha.

Chuyến phiêu lưu của hai anh em bắt đầu khi vào ngày sinh nhật thứ 16 của Ian, mẹ cậu mở món quà của bố để lại cho hai đứa. Đó là một cây gậy phép, một hòn đá phù thuỷ, và một câu thần chú hồi sinh người đã chết, dù chỉ trong một ngày (viết đến đây liền nhớ tới Harry Potter). Thế là bắt đầu chuyến hành trình của hai anh em để giành được một ngày ở bên bố.

Rất lâu rồi PIXAR mới có một tác phẩm original, không phải phần 2, phần 3 nào cả. Họ thật sự vẫn chứng tỏ đẳng cấp làm phim vượt trội của mình. Từ The Incredibles 2, tới Toy Story 4 (đều đã có review) tới Onward, phim nào cũng… húc mình như một chuyến tàu siêu tốc. Phim nào cũng làm mình day dứt. Họ đã bứt hẳn ra khỏi giới hạn làm phim cho trẻ con rồi. Những phim mình vừa kể, đối với mình, hoàn toàn là phim cho người đang trưởng thành và đã cập bến trưởng thành.

Họ không ngần ngại đem vào phim những chi tiết phũ phàng, lạnh lùng của đời sống thực tế: như Woody thì luôn lo lắng cho những đứa trẻ của mình, còn Bo thì hiểu chúng nó dù không có mình, vẫn sẽ ổn cả thôi, hay cô nàng The Manticore oai phong lẫm liệt một thời, giờ phải cầm cố gươm quý để… trả nợ thuế. PIXAR đã xoá bỏ mô típ cũ của Disney rằng thế giới là một bản nhạc đầy cầu vồng và unicorn bay nhảy tung tăng, và hết phim cả làng sẽ đều vui, đều hạnh phúc mãi mãi về sau. Có một chi tiết trong Onward, không rõ có phải ngầm ý đá đểu hay không, những con unicorn trong thế giới này giờ tha hoá như lũ… chuột ( . _ . ). Bẩn thỉu, chuyên bới rác và sống chui rúc dưới ống cống.

Onward không có nhân vật phản diện. Không có ác quỷ nào cản đường hết. Đây là hành trình của các nhân vật vượt qua chính bản thân mình. Câu chuyện trưởng thành bắt đầu không ở đâu xa lạ, mà chính từ gia đình. PIXAR luôn biết khai thác đề tài tình thân thật xuất sắc. Thậm chí càng ngày càng sâu sắc, tinh tế hơn.

Barley, ban đầu xuất hiện khá khó chịu: một cậu thanh niên to xác, 17-18 tuổi đầu vẫn chỉ biết mê game trẻ con, suốt ngày nghịch phá, có phần ngớ ngẩn. Tuy vậy, càng về sau, khi hiểu những tâm tư, nỗi niềm của Barley, khán giả sẽ càng thương cậu hơn. Những phá phách bề ngoài của Barley là cách cậu bộc lộ tâm tư dồn nén của mình. Tất nhiên đây là cách ngốc nghếch, nhưng đó mới chính là thử thách để Barley cần vượt qua để lớn lên. Ẩn sâu Barley là một chàng trai tình cảm, rất yêu thương gia đình, rất nhiệt tình sống. Chi tiết về kỷ niệm thứ tư với bố của Barley quả thực đắt giá!

Trái lại, Ian xuất hiện với dáng vẻ của một cậu thiếu niên 16 tuổi gầy gò, nhút nhát, khép kín. Ian nghe chừng chín chắn hơn anh mình, biết suy nghĩ trước sau hơn (nhưng không hẳn là vậy). Ian có mong muốn tha thiết, mãnh liệt, suốt từ đầu đến cuối phim, là được gặp bố một lần. Ian có đôi phần ganh tị vì anh Barley có hẳn ba kỷ niệm tuyệt vời với bố.

Trong suốt hành trình, Ian và Barley đối mặt và vượt qua những nỗi sợ hãi của bản thân. Như với Ian là học cách lái xe, với Barley là việc người khác chỉ coi cậu là một đứa ăn hại phá đám. Hai anh em còn chia sẻ với nhau những kỷ niệm riêng tư nhất. Tất nhiên, tất cả những thứ sến súa kể trên được thể hiện qua những thước phim hành động cực hồi hộp, mãn nhãn và không kém phần hài hước (làm mình cười hô hố). Phim PIXAR vẫn luôn có những miếng hài duyên dáng vô cùng. Chỉ vừa đủ chứ không nhiều quá lố.

Đoạn kết của phim làm mình muốn phát khóc (giờ viết nhớ lại cũng thấy muốn khóc luôn. Thương Ian quá ahuhu!). Dù một cách lý trí, mình biết rằng đó là cái kết hay nhất, sẽ để lại được ấn tượng sâu đậm nhất với người xem, nhưng trong thâm tâm mình vẫn mong các nhân vật đạt được ước nguyện một cách trọn vẹn. Phim không chỉ là về tình cảm anh em, gia đình nói riêng, mà còn là một lời nhắc nhở dịu dàng (và day dứt) về việc chúng ta chỉ có một thời gian giới hạn trong cuộc đời để ở bên người ta thương. Thời gian ấy có thể ngắn hơn rất rất nhiều chúng ta tưởng.

Hệ thống nhân vật phụ mình thấy cũng rất vừa vặn. Đủ mạch lạc, rõ ràng mà không lấn sân câu chuyện chính. Tinh thần bình đẳng giới đã được khéo léo thể hiện qua nhân vật người mẹ đơn thân một nách 2 con vô cùng badass.

Phải cảm ơn là trước khi xem phim, mình đã xem một clip review. Họ nhận định bộ phim như một phim Disney trẻ con thông thường, vẫn hay nhưng không phải có gì mạnh mẽ lắm (mình nghĩ do mấy bạn reviewer đó còn quá trẻ, các bạn ấy chưa đủ “già” để cảm nhận được những cú đâm khủng khiếp của Onward 🙂 ). Vì vậy, mình đã không hề lường trước được cú húc truỵ tim này!

2 thoughts on “Onward,

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s