Thử thách viết 14 ngày (5)

thu thach 14 ngay
NGÀY 12: TÍCH CỰC

Chậm hẳn 2 ngày, nhưng viết sớm lại ko có nguyên liệu hay haha.

 

Tối qua mình đã đăng một status kể một chuyện bực mình. Chuyện thật cũng chẳng có gì to tát. Sáng dậy cũng thấy ê sao lại phải thế?!? Bỗng nhiên mình thấy… dằn vặt vì đã làm một chuyện (nghe chừng) rất tiêu cực.

Mình có áp lực (tự tạo ra cho bản thân) là luôn giữ hình ảnh tích cực nhất có thể: vui vẻ, biết điều, biết suy nghĩ đúng sai, không sân si, không chấp nhặt… Và mỗi khi mình không làm đúng được như vậy mình còn cảm thấy tồi tệ gấp đôi .

Hôm nọ được bạn kể cho một câu chuyện trong manga, nhân vật chính được mọi người xung quanh động viên, cổ vũ “cố gắng lên” nhiều quá mà sau đã tự tử. Nghe có vẻ ngu xuẩn. Nhưng đến chừng này mình rất thấu hiểu cho cảm giác đó. Đó là việc thấy vừa tội lỗi, vừa đáng thất vọng khi mình không thể cố gắng lên, không thể tốt như bản thân (và người khác) mong… Còn tồi tệ hơn nữa khi “đầy người còn khổ hơn thế này sao người ta không thế”, hay “thế này đã là gì”, “chuyện thường chả có gì cũng phản ứng thái quá”…

Bạn có bao giờ rơi vào cảm xúc mà thấy buồn, thấy mình đáng nhẽ không nên ứng xử như vậy, không nên cảm thấy như vậy… trở thành một tội lỗi mà có thể mình sẽ tự nhai đi nhai lại với bản thân nhiều năm về sau đó?

Khi xem Big bang theory, mình có nhiều cảm thông với Sheldon. Cả chuyện cậu ấy gặp vấn đề với những thứ chưa kết thúc. Mình ghét những thứ dở dang. Cả về mặt cảm xúc. Nếu một câu chuyện, một trạng thái tiêu cực không được giải quyết ngọn ngành, mình sẽ không thể thực sự trở nên tích cực được, không thật lòng “move on”. Đấy là nguyên do vì sao đôi lúc nhắc lại về những chuyện đã xảy ra từ rất lâu và mình vẫn còn nguyên cảm giác tồi tệ như chúng vừa xảy ra.

Tóm lại, đây chỉ là một biên bản giải thích dài dòng cho chuyện ngày hôm qua, một minh chứng cho bệnh hay giải thích (đã nói ở ngày 1) mà thôi ))))). Mình không nên quá khắc nghiệt với bản thân, không nên thấy tồi tệ khi mình muốn nói ra một chuyện mình thấy không vui cho dù nó đã xảy ra bao nhiêu năm rồi, hay nó quả thực quá là vớ vẩn. (đây có vẻ là một quyết định “tích cực”?)

 
 
 
NGÀY 13: NGƯỜI LẠ
thu thach 14 ngay

 

Cảnh báo: bài viết này toàn lời CAY ĐẮNG

Người lạ, một mặt chẳng liên quan gì đến cuộc đời mình. Mặt khác, lại rất quan trọng. Để tạo ra sự thay đổi, sự phát triển, đó là công cuộc của tập hợp rất nhiều người lạ.

Chủ đề này khiến mình nghĩ tới câu chuyện làm hoạt động cộng đồng hoặc thiện nguyện. Các hoạt động này đặc biệt cần lòng tin của rất nhiều người lạ để có thể phát triển và phát huy hiệu quả.

Mình đã làm sách với Room to Read Vietnam (RtR) từ 2012 đến nay. Mình cũng đã có lần tham gia hoạt động thực địa xuống địa phương với họ. Ngoài RtR, mình cũng tham gia các hoạt động từ thiện hoặc hoạt động vì cộng đồng khác, tuy rất nhỏ thôi nhưng là có đó các bạn. Có lúc là gửi tiền hoặc hiện vật, có lúc mình vẽ tranh để họ đấu giá, hay làm logo free cho tổ chức từ thiện…

Mình có kinh nghiệm với NGO và các hoạt động thiện nguyện, vì cộng đồng. Mình nhận thấy cốt lõi để phát triển và có hiệu quả là cách thức phải càng ĐƠN GIẢN, càng DỄ HIỂU, càng THÀNH THẬT, càng tốt. Tất cả những thứ phức tạp, lắt léo đều dễ gây hiểu nhầm, khó minh bạch, khó thuyết phục người ta tin. Mà một khi đã có một vết mờ khó hiểu là rất khó để người ta hết nghi ngờ.

Việc dùng món bài “nhưng tôi có mục đích tốt” để giảm nhẹ hoặc lờ đi các sai lầm sẽ không làm cho tổ chức tốt hơn, hoặc giúp lật lại tình thế trong các cơn khủng hoảng truyền thông (thậm chí khiến tình thế tồi tệ hơn). Tư duy bằng cảm xúc không ích lợi gì trong trường hợp này. Chúng ta có thể bắt đầu bằng một cảm xúc tốt lành, nhưng để duy trì còn cần một cái đầu tỉnh táo nữa.

Mình có một chị bạn. Chị ý không chỉ bán quần áo giỏi mà cái khỉ gì cũng giỏi. Chị ấy cũng làm từ thiện rất nhiều. Cái sáng suốt ở đây là chị ấy luôn rất RÀNH MẠCH. Lúc nào kinh doanh, làm việc là thẳng thắn loa lên: tao đang bán hàng kiếm tiền nhé. Lúc nào tặng là tặng. Cứ thi thoảng lại thấy chị ấy tặng đồ cho người lạ, chẳng cần là dịp gì cả.

Đây là cách làm từ thiện tốt nhất, khi mà mình vẫn sống khoẻ, kiếm tiền tốt, mà vẫn giúp đỡ được người khác.

Cái khó khi làm hoạt động cộng đồng là sao để vượt qua cái ngưỡng chỉ “sound good”, thấy tốt đẹp về bản thân, thấy mình có ích, lan truyền điều tích cực để đạt tới mục đích cao hơn là chương trình đạt được KẾT QUẢ TỐT NHẤT có thể (và ít sự hi sinh nhất có thể).

Hôm qua, có một bạn trên FB share bài bênh vực cho vụ chữ A tự kỷ, cơ bản họ trong sạch, chỉ sai lầm trong cách truyền thông gây hiểu nhầm. Cái đáng nói ở đây là bài viết đã giảm nhẹ thái quá cái lỗi ấy. Trong khi đó chính là nguyên nhân của mọi tổn thương về danh dự lẫn cảm xúc của nhiều người.

Mình vào comment chuyện lỗi đó ko đơn giản như vậy, nó nghiêm trọng. Và người ta nên dừng cách truyền thông đánh động lòng trắc ẩn mà lại nhập nhèm dễ gây hiểu nhầm như vậy đi. Bạn nọ chỉ like không rep, rồi đăng tiếp một post khác nói, đã không giúp được gì thì đừng nói lời cay đắng.

Những người như bạn kia, có phản ứng y hệt đám đông giận dữ với TS. Đặng Hoàng Giang hồi ông nói về việc làm từ thiện không bền vững có thể gây hậu quả lâu dài. Nhưng người ta chỉ thấy là ông ngồi phòng máy lạnh, ko giúp gì thì thôi lại còn nói người ta à?!? Đồ vô nhân đạo! Mà không thấy được đó là một ý kiến đóng góp xây dựng rất xác đáng.

Bản chất họ có cái tâm hướng thiện nhưng thiếu sự sắc sảo để lòng tốt đó đạt hiệu quả cao nhất. Mình xin dùng trích dẫn lời GS. Ng Phương Mai trong cuốn Tôi là một con lừa để kết cho vấn đề này:

Để giúp đỡ thật lòng đôi khi con tim phải biết lạnh lùng đến như là vô cảm.”

 
 
thu thach 14 ngay
NGÀY 14: CHÚNG TA

Những người làm sáng tác nói chung, có đặc quyền nói hộ tâm can của người khác (một cách hay ho, hấp dẫn). Đã bao lần bạn không thể diễn tả được cảm xúc của mình bằng lời và bỗng dưng gặp được một bài hát, một đoạn văn nói hộ được đích xác những gì đang chất chứa trong lòng?

 

Mình nghĩ, để nghệ thuật có thể làm được việc ấy là bởi con người đều có kết nối với nhau bất chấp chúng ta có nhiều khác biệt đến mức nào.

Mình không phải người viết chuyên nghiệp. Mình chỉ viết để giải toả suy nghĩ bản thân (và gây sự, maybe?). Tuy vậy, mình có một lượng “độc giả” tuy ít nhưng cực kỳ bền bỉ và thầm lặng, những người đã đọc những gì mình viết từ hồi mình còn là học sinh cấp 3, sinh viên, cho tới tận bây giờ. Đó là khoảng thời gian đến cả thập kỷ. Mình không hình dung được việc theo dõi một người viết không chuyên lâu tới vậy.

Chúng ta vẫn có thể tìm thấy được sự đồng cảm, chia sẻ dù không quen biết, không gặp nhau bao giờ.

Mình cũng chỉ có rất ít những tác giả/ tác phẩm mình yêu thích đến hàng chục năm trời.

Có giai đoạn mình không viết lách, không muốn bày tỏ quan điểm gì nữa. Tính mình tranh luận hơi hăng (again, mẹ mình đã từng mong điều này sẽ giúp mình trở thành luật sư )) ). Mình không biết làm thế nào khi có bất đồng quan điểm gay gắt với bạn bè thân. Nên mình đã cố gắng tránh né. Tuy vậy, đây là điểm mình cần đối mặt để cải thiện chứ không thể né mãi  . Mỗi khi rơi vào tình cảnh va chạm quan điểm, mình sẽ cố gắng nghĩ về mục đích cuối cùng, thường là chúng ta sẽ có chung mong muốn kết quả tốt đẹp cuối cùng. Còn nếu ko tìm thấy kết quả chung ấy thì… có lẽ đang cãi nhau vớ vẩn rồi  .

Học cách chung sống với những khác biệt có lẽ là bài học mình cần học lâu nhất. Giữ cá tính riêng ko có nghĩa là từ bỏ “chúng ta”.

 
 
 
BONUS: vì viết xong challenge 14 ngày nhưng vẫn chưa hết dịch, chưa hết cách ly :v 
 
NGÀY 15: ĐẺ
thu thach 14 ngay
Thể theo nguyện vọng của một người bạn tôi , xin tiếp tục chương trình tâm sự mùa cách ly.

 

ĐẺ là một câu chuyện nhức nhối của hầu hết chị em đã ngấp nghé ngưỡng 30 và qua 30. Chưa chồng cũng lo chứ ko nói riêng đã lập gia đình. Một người bạn tôi mới đây kể cho một chuyện đầy tính “động đẻ” (kích động phải đẻ): một người dì sinh con năm 33, 34 tuổi gì đấy, hai đứa – 1 bị tự kỷ, 1 bị thần kinh   

Mùa dịch năm nay quá ghê (nhất là ở Nhật), các bà mẹ của mình không còn giục đẻ như mọi khi nữa. Liền làm mình nghĩ tới chuyện nếu mình đẻ con thì sẽ thế nào?

Hi vọng năm mình đẻ sẽ không thiên tai dịch bệnh lắm như giờ. Hôm qua mình vừa tâm sự với một người bạn nữa, nhỡ tao đang đẻ xong động đất phát thế là phọt ra con luôn.

Liền đặt nghệ danh cho con là Jishin.

Nói chung, mình sợ đau đẻ 1 thì sợ chăm 10. Cảm thấy bây giờ có mỗi hai vợ chồng với nhau thôi còn quằn quại không hết việc nhà. Có thêm một cái máy tạo phưn thì ko biết còn thế nào nữa. Tuy vậy, mình luôn nghĩ mình sẽ là một bà mẹ rất… buồn cười. Cho nên an ủi chút là có tính giải trí. Có thể mình sẽ kể chuyện dọn cứt cho con thôi mà cũng kiếm được tiền, maybe?

Hồi xem Big bang theory, tập Amy phát hiện ra Penny định không đẻ, liền làm ầm lên trời ơi thế thì con tao sẽ chơi với ai?!? Mày nghĩ gen của tao trộn với Sheldon sẽ ra một đứa trẻ biết kết bạn hay sao?!? Thật là một cú húc như tàu lửa siêu tốc với mình. Cứ giả sử mình chăm qua được giai đoạn nó ỉa không kiểm soát đi, lớn lên nó sẽ chơi với ai? Liệu nó có biết chơi với ai không? Hay mình lại đi họp phụ huynh về nghe bảo cả lớp ghét con mình?

Ngày xưa mình còn có tưởng tượng là con mình vừa mù số vừa mù màu. Rồi mỗi lần nó mang bài tập toán về là hai mẹ con ôm nhau ra bờ sông ngồi khóc. Khổ thân An Dư bé bỏng!

À nhắc chuyện tên, mình đã kịp đặt tên cho đứa con còn chưa đẻ. Trước kia mình từng nghĩ đặt là Tùng Lam, sương lưng chừng núi, nhưng kiểu gì đời nó cũng sẽ hay bị nhầm thành Tùng Lâm, cái con đồng nghiệp ngồi cạnh mình ngày xưa. Mà mình không muốn con mình phải khổ như thế . Nên đã nghĩ ra tên mới – An Dư, là cách đọc tiếng Việt của Anzu – tên Nhật cho cháu (nếu lúc đẻ bố mẹ cháu vẫn ở đây), nghĩa là quả mơ. Mẹ cháu thì bảo tên đấy hàm ý An nhàn Dư dả, còn bố cháu thì giãy lên ko chịu vì sợ con bị trêu là đồ DƯ THỪA.

Tuy vậy, kết luận của mẹ cháu là, đứa nào rách lol đẻ thì đứa đấy được đặt tên. Thế thôi 

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s