Thử thách viết 14 ngày (4)

NGÀY 9: CŨ
thu thach 14 ngay

 

Trong 14 ngày, chủ đề này làm mình khó nghĩ nhất.

Mở rộng chủ đề ra một chút thì mình là người khá chung thuỷ. Không chỉ chung thuỷ với chồng (phần nữa do mình ít khi ưa người khác, như đã kể ở ngày 1, người khác ít khi ưa mình, chứ đừng nói tới hấp dẫn giới tính, so basically I’m such a freaking safe bet), mình còn rất “chung tình” với những gì mình thích. Mình đã thích cái gì sâu sắc mình sẽ thích rấtttttttttttt lâuuuuuuuuuuuuuuuu.

(mình chính là loại dùng điện thoại đến khi hỏng mới đổi, chứ ko có ham muốn đổi đời mới . _ . )

Có lần mình đọc được ở đâu đó, nhà văn Haruki Murakami có tâm sự về việc mỗi khi thấy lạc lối ông sẽ quay trở lại với những sở thích (cơ bản) nhất của mình như những cái cọc níu giữ an toàn, có mèo với 2 cái gì đó nữa mình quên rồi. Thật ra Leonard bảo Sheldon ko có tính cách, chỉ có mấy show mày thích là sai đấy nhé. Cái gì thích quá lâu, quá sâu đậm thì đã đủ trở thành một phần tính cách rồi.

Trong tranh minh hoạ hôm nay, mình xì trum một tác phẩm mình đã xì trum từ nhỏ cho đến tận bây giờ. Một tác phẩm có xì trum mạnh mẽ tới bản thân mình.

Thế giới xì trum là nơi trú ẩn mình vô cùng mê mẩn. Mình có thể ngắm nhìn hàng giờ mấy ngôi nhà cây nấm, với bàn ghế gỗ, khung cửa sổ có rèm cửa xinh xắn. Không quên thắc mắc sao dân Xì trum ra đường thì cởi trần còn đi ngủ thì mặc áo  (minh hoạ dưới comment). Cười ha hả với Xì trum cau có vì quá ư đồng cảm ) (trước khi có grumpy cat thì xì trum cau có chính là meme ghét tất cả thế giới của mình).

Những câu chuyện của dân Xì trum vừa hài hước, giàu trí tưởng tượng, cũng ko thiếu sự xúc động nhẹ nhàng, tinh tế. Thêm chút thực tế phũ phàng. Nhớ tập Xì trum cô nương không, gái xấu không ai thèm để ý, phẫu thuật thẩm mỹ xong một tay xoay đổi thời thế luôn )).

Hồi còn làm ở NN, mình vô cùng đau đầu mỗi lần phải nói chuyện với phụ huynh. Dù là những người không già lắm, thế hệ 8x, rất nhiều trong số họ có định kiến nặng nề với truyện tranh, hay sách nhiều hình ít chữ nói chung. Có một suy nghĩ kỳ dị là phải đọc truyện chữ mới phát huy trí tưởng tượng tốt được?!?!?!?!?!

Mình cho rằng trước khi tự nghĩ ra được thế giới riêng, ta phải được cho xem, phải được biết có một thế giới tưởng tượng nào đó khác với thế giới ta đang sống trước đã. Sự kích thích bằng hình ảnh là vô cùng mạnh mẽ, song song với kích thích bằng ngôn từ hay âm thanh.

Việc cấm hay hạn chế trẻ con đọc truyện tranh là một thiệt thòi, mất mát quá lớn với các em (và có thể cả với người lớn nữa bleh). Truyện tranh chỉ hình thức thể hiện, còn giá trị câu chuyện chẳng kém gì truyện chữ hay điện ảnh hay kịch nghệ, hay bất kỳ hình thức nghệ thuật nào khác.

Con của thuỳ sẽ được đọc truyện tranh thoải mái tẹt ga. Đọc cùng bố mẹ luôn, thích cực!

Chết, đi xa chủ đề qúa :”> . Để kết lại bài này, xin phơi bày ruột gan những tác phẩm đã là một phần tính cách của thuỳ – những thứ mình yêu sâu đậm và mù quáng, xin miễn thảo luận hay dở (hoặc ng như thuỳ mà thích mấy cái này á )) ):

1. Truyện tranh:
– Đô rê mon
– Xì trum

2. Truyện chữ: tất cả sách của
– Paul Jennings
– Amelié Nothomb

3. Phim hoạt hình:
– Hercules (phiên bản Disney)
– MindGame (anime) – lại nhớ lần trước có tên thổ phỉ FB vào chửi bới mình vì mình khoe mình thích phim này )))))))))))))))) đm!

4. Phim dài tập:
– Sherlock BBC
– The Big bang theory
– Doctor who
– Black mirror

5. Nhạc:
– MIKA
– The Beatles
– Nhạc phim Disney 2D (cũ)

Còn picturebook thì nhiều lắm xin được dành riêng 1 album giới thiệu khác mới thoả :”>

 
 
NGÀY 10: BẾP
thu thach 14 ngay

Chà, chủ đề này có quá nhiều thứ hay ho để kể. Không biết nên bắt đầu từ đâu.

 

Mấy ngày gần đây nổi lên group Ghét bếp, thủ phạm khiến nhiều anh chị em cười đến sảng cả người. Mẹ mình mà tham gia chắc cũng thành ngôi sao sáng chói của group.

Mẹ mình không phải cao thủ nấu nướng nhưng rất nỗ lực. Có lần mẹ mình mua bột bánh bao sẵn về làm. Không biết sao hấp lên cái bánh tan chảy ra, dính nhằng, không còn nổi hình dạng. Đã thế còn hương lá dứa, xanh xanh, nhìn không khác gì bãi nước mũi   .

Lần khác mẹ mình nấu bò sốt vang. Hôm đó, đi học về mùi hương xộc vào mũi, mình hốt hoảng la lên: mẹ ơi, nhà có con gì chết à? Từ ấy mẹ mình không bao giờ nấu bò sốt vang nữa 

Tuy vậy, công bằng mà nói, mẹ mình vẫn có vài món tủ, ăn rất ngon, là nem rán và bánh lá truyền thống quê ngoại – chỉ làm vào dịp Tết. Bánh lá ăn tuy ngon nhưng cũng lại là một nỗi ám ảnh khác của mình. Vì Tết nào cũng phải è cổ ra rửa lá mỗi lần ăn xong, để gói tiếp lần nữa. Rửa mấy mâm cỗ còn không mệt bằng.

Ở một diễn biến khác, mình vốn không mê bếp núc cho lắm, cũng không giỏi giang gì hơn mẹ. Nhưng từ khi xa quê, máu masterchef ko biết ở đâu bùng lên, dồn mình đến chân bếp để nấu thử đủ món mà trước giờ chỉ tếch đít đi ăn hàng. Mình làm đủ từ xôi xéo, phở, bún thang, bún cá, đến cả bánh cuốn, bánh bao, thậm chí mệt như bánh mì.

Tất cả chỉ vì không thể sống mà không được ăn ngon.

Trái với bạn Nờ – người ăn chỉ cần cho xong bữa, mình PHẢI ăn (một cách) tử tế, đàng hoàng (dù món ăn có thể đơn giản, chỉ rau luộc với trứng luộc). Việc ăn uống búi xùi khiến mình cảm thấy cuộc sống đã rớt xuống đáy. Mình không bao giờ ăn trong nồi, trong chảo, cả đồ take out, luôn luôn bày ra bát đĩa cẩn thận. Mình đặc biệt dị ứng bát đĩa, thìa đũa bằng nhựa. Mình chỉ ăn bằng đồ gốm sứ, thuỷ tinh (đôi khi là gỗ).

Mình cũng là đứa thích ăn cơm nhà. Mỗi lần chuyển nhà là một đợt bét nhất 1 tuần liền cứ phải ăn ngoài. Đến ngày thứ 3 là mình đã thấy cực kỳ khổ sở.

Cũng như việc ăn uống thờ ơ, một căn bếp lạnh lẽo làm mình thấy đời sống cá nhân đó rất… buồn. Có điều gì đó trong việc không thể có (hoặc nấu) một bữa ăn ngon lành, nóng sốt, buồn thê thảm. Chắc bởi việc ăn là một trong những điều cốt lõi duy trì cuộc sống, mà nếu thiếu vắng sự chăm chút nó đi khiến cuộc đời kém sức sống hẳn.

Lần đầu tiên mình sang thăm bạn nhà, hồi còn đang hẹn hò, mở tủ lạnh bạn ý ra chẳng có gì. Lúc ấy thấy thương bạn ấy kinh khủng, dù thẳng thắn mà nói đấy là do cái lối sống thờ ơ chuyện ăn uống của bạn ấy cả  . Chẳng trách ai được.

Mặt tích cực thì bạn Nờ khá dễ dãi, không đòi hỏi cao lương mỹ vị gì. Chỉ ăn đậu phụ với lạc không, ngày này qua tháng khác cũng ok. Mình nấu gì cũng ăn, hỏng cũng không chê bai gì (đức tính này rất giống bố mình – người không bao giờ ý kiến gì với món vợ nấu).

Vừa hỏi bạn ý một câu gợi mở cơ hội nịnh bợ, trong các món vợ nấu thích món gì nhất. Bạn ý nhăn nhó suy nghĩ vẻ quằn quại lắm xong bảo món hôm qua vừa ăn. Chẳng qua không thể nhớ được những món đã từng ăn trước giờ    Bày trò lãng mạn tổ bị quật lại vào mặt 

 
 
NGÀY 11: TỬ TẾ
thu thach 14 ngay
(Cảnh báo cẩn trọng “tường chữ nghĩa” đổ vào đầu)

 

Bài này lên muộn một ngày, phần vì hôm qua mình bị mệt, phần khác vì mình hơi suy nghĩ xem bài về chuyện tử tế của mình có tử tế hay không. Chuyện gì nên kể và chuyện gì thì không.

Có điều mình còn sợ hơn việc không tử tế, đó là “kẻ hay nói đạo lý thường sống như lol”  . Khi ấy đã không tử tế lại còn giả tạo. Viết về sự tử tế thú thực làm mình khá run tay.

Mình biết mình không phải đứa tốt tính lắm, mình có thể rất cay nghiệt hay thù dai nhớ lâu. Nhưng mình luôn có mong muốn trở thành một người tử tế hơn. Và một người tốt, trong khái niệm của mình, không chỉ là không làm việc xấu.

Không làm việc xấu thì chỉ không phải người xấu thôi.

Mình từng gặp chuyện như này: có một bạn A đăng một bản dịch. Bạn B vào bình luận tên gốc, nhưng bạn ấy nhớ bị nhầm một tý. Mình không biết tên gốc nên đọc bình luận ấy mới nói là vậy bạn A dịch thế không sát lắm nhỉ (nhưng thật ra là dịch đúng). Chuyện lẽ ra chẳng có gì nếu bạn B đính chính lại, à xin lỗi mình nhớ nhầm, dịch chuẩn đó. Nhưng không, bạn ấy lẳng lặng xoá bình luận của mình, chẳng nói chẳng rằng. Còn lại trơ trọi cái bình luận chê dịch không sát của mình. Thật là một tình huống trớ trêu!

Đó là một chuyện nhỏ nhặt, sau mình không ghét B, A cũng không giận mình. Nhưng luôn để lại trong mình một vết gợn không dám đặt lòng tin vào B, dù vẫn quý B.

Mình nhận ra là phần lớn mọi người đều như B. Không xấu. Không làm hại người khác. Nhưng không có đủ dũng cảm để nhận sai sót. Để lên tiếng trước cái xấu thì còn xa nữa. Lên tiếng trước cái xấu KHÔNG LIÊN QUAN tới mình thì gần như chắc chắn không.

Mong muốn thành người tử tế từng đẩy mình tới một vài sự vụ nửa tốt bụng nửa ngu ngốc như này:

Hồi học cấp 3, có một cô bạn C quay bài trong giờ kiểm tra Toán (. _ .). Khỏi nói đã chả quay được gì còn bị bắt, bị phạt, bêu riếu trước cả lớp. Hôm đó cô chủ nhiệm (dạy văn) mắng mỏ suốt cả một tiết. Càng mắng càng đi lố. Đến nỗi nói là bạn C – SUỐT NGÀY quay bài.

Vấn đề C là đứa rất ngoan, hơi ngốc (trời ơi đi mở sách môn Toán?!). Đó là lần đầu tiên nó quay cóp (trong đời). Mình tuy không thân với C nhưng nghe cô nói đến đấy thấy ngớ ngẩn quá liền đứng dậy chen ngang cô:

– Thưa cô bạn ấy không SUỐT NGÀY quay bài đâu ạ. Đây là lần đầu tiên.

Tất nhiên là không ích lợi gì. Cô vốn đã ghét mình càng ghét mình thêm (bleh,), và chỉ nghĩ bọn học trò bênh nhau. Tuy vậy, hôm đó khi tan học về, C đuổi theo mình và… cảm ơn đã bênh vực cho cô ấy (tuy lúc làm vậy mình ko nghĩ tới C, thật lòng là thế, mình chỉ khó ở khi sự thật bị bóp méo). Từ đó C không còn (bị bắt) quay cóp lần nào nữa (còn có quay hay ko mình ko chắc haha), và chúng mình trở thành bạn.

Một chuyện khác trầm trọng hơn tý, bớt đáng yêu học trò hơn tý là hồi còn làm ở cty sách, có lần đồng nghiệp mình phát hiện ra một NXB khác dùng tranh của một hoạ sĩ nước ngoài (còn sửa vẽ đè lên tranh gốc) nhưng lại không đề tên. Nó kể với mình. Mình kể với một người bạn (không làm trong ngành xuất bản). Người bạn này đăng lên FB hỏi.

Mọi chuyện loạn cào cào lên khi cả tác giả cuốn sách (người vốn không liên quan tội lỗi gì kể cả cái tranh bìa có thật là bị chôm) giật mồng lên chửi bạn mình cố tình bóc phốt kiếm fame    . Bên NXB cũng căng thẳng đến nói chuyện với bạn mình, bắn tin sang cty mình nhắn PR bảo mình xoá hết comment đi. Còn bản thân người hoạ sĩ gây ra sự vụ trên thì cứ im ỉm.

(bạn nào nhớ vụ này vui lòng không comment tên các nhân vật chính ra ở đây)

Chuyện này bị xé ra to tới mức cả cấp trên của mình viết mail cho mình hỏi mình có thù gì muốn dập người hoạ sĩ kia à?!? Người sếp khác thì hỏi nếu lúc nào mình rơi vào tình huống đó thì sao?!

Khía cạnh ngu ngốc của sự việc này là lẽ ra nó nên được xử lý nhẹ nhàng hơn. Nếu phát hiện sai sót, hãy email riêng nhắc nhở nhau sửa. Tuyệt đối không nên bưng lên mxh. Vụ kia rõ là sai, nhưng nếu gây ảnh hưởng tới công ăn việc làm của nhiều người khác thì cũng sai không kém.

Dù lúc đó cái mail của sếp làm mình thấy rất tổn thương. Vì trong mọi trường hợp, người ta thường không tin rằng ai đó lên tiếng chỉ vì đó là một chuyện sai trái. Luôn luôn phải có âm mưu gì đó đằng sau. Nhưng bây giờ thì mình hiểu hơn cho họ. Họ phải nghĩ tới đảm bảo miếng ăn cho nhiều người.

Để làm người tử tế quả thực rất khó. Nó không chỉ đơn giản là lên tiếng trước cái sai. Mà lên tiếng sao cho nhân văn, sao cho vừa giúp ngăn chặn cái xấu, vừa không làm ảnh hưởng bản thân và những người xung quanh. Làm việc tốt không cứ là phải hi sinh cái gì đó khác (aka nếu đi làm từ thiện lại thêm được PR cũng tốt. Thật lòng hay không ko quan trọng bằng người thiếu được giúp đỡ).

Trái tim dũng cảm cũng cần khôn ngoan nữa. Cứu đồng đội không nhất thiết phải bò dưới dây thép gai như Cap, hãy tìm cách cắt dây như Iron man.

2 thoughts on “Thử thách viết 14 ngày (4)

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s