Hôm qua mình vô tình xem được một vlog nói về đồ hiệu của một beauty blogger. Cô ấy nói mình đã có kinh nghiệm chơi đồ hiệu 5 năm. Rồi cô ấy chỉ một chiếc túi chất liệu monogram canvas đặc trưng của Louis Vuitton và gọi chiếc túi da này, rồi nói thêm về dùng đồ bằng da thì sao (mình đã lên web của LV để search lại chính xác mẫu túi ấy, đọc phần miêu tả sản phẩm của hãng).
Không biết sao lại có nhầm lẫn cơ bản như vậy? Sai sót này còn buồn cười hơn cả việc cô ấy phát âm từ suede thành su-ê-đi. Gọi là da lộn luôn cho lành. Mình không xem hết video để bắt xem còn lỗi nào khác nữa không.
Mình vốn không phải người… có tiền để dùng đồ hiệu hihi. Nhưng mình thích tìm hiểu về thời trang, cũng như ngành thiết kế nói chung. Vd mình rất khoái ghế. Có thể lúc nào đấy mình sẽ viết về những chiếc ghế có dấu ấn đặc biệt trong lịch sử (thật ra cũng là một môn của mình hồi ĐH đấy). Có lần mình đi một triển lãm kiến trúc, điểm hay ho nhất là bạn được ngồi thử tất cả ghế trưng bày ở đó – những chiếc ghế, theo như Sheldon từng nói – worth the name, chair (my butt was very happy that day).

Quay lại chuyện thời trang, tuy không (thể) dùng đồ hiệu nhưng mình thích xem, thích biết. Cũng như tiêu chuẩn phục vụ của các hàng đồ hiệu, cao ngất so với các hãng thời trang bình thường, chỉn chu từ hộp đựng, dây ruy băng thắt túi… mình cũng kỳ vọng tiêu chuẩn cao và chính xác như vậy ở những người nói về đồ hiệu. Chỉ cần anh nói sai (về những thông tin cố định, vd như chất liệu sản phẩm, còn không tính tới cảm nhận xấu, đẹp cá nhân) một điều, mọi thứ khác anh nói đều kém tin cậy đi đáng kể (dù có thể chúng đúng).
Về câu hỏi dùng đồ hiệu có làm bạn sang hơn không, mình nghĩ quan trọng là ở cách dùng. Dùng đúng, chắc chắn là sang chất ngất rồi. Bên cạnh khí chất, phong thái nội tại (cái này thì bao nhiêu tiền cũng không mua được), hiểu rõ về món đồ mình dùng, đánh giá đúng được giá trị của chúng (ngoài giá trị ghi trên tag ra) chính là điểm khác biệt giữa người có tiền và người có cả tiền lẫn gu.
Điểm mình thấy thú vị ở các món đồ hàng hiệu, ngoài chất lượng, kiểu dáng, là câu chuyện lịch sử của chúng – những quan điểm mà người thiết kế gửi gắm vào đó. Bạn không chỉ mua một món đồ, bạn mua cả câu chuyện về chúng. Concept là thứ khiến một thiết kế có chiều sâu (ôi cái này thực sự nên nói về mấy cái ghế). Vd như Coco Chanel, quan điểm của bà là phụ nữ phải biết yêu bản thân, biết cách tươm tất, là classy and fabulous, là keep your heels, head and standards high. Điều này phản ánh rất rõ qua các thiết kế của bà, sau đó cũng trở thành cá tính đặc trưng của thương hiệu. Việc dùng đồ hiệu (đúng) là bạn đã làm mình đẹp đồng thời thể hiện quan điểm, chính kiến của bản thân. Khi tôi muốn thể hiện tôi là một người sang trọng, đáng tin cậy nhưng vẫn gần gũi, phải mặc như thế nào cho ra chất như vậy, bằng cách chọn đúng thương hiệu có tính cách ấy bạn đã bớt được khâu đau đầu rồi. Cứ mặc đồ của họ là xong.
Các thương hiệu lớn, bất kể có hợp khẩu vị của bạn hay không, đều làm rất tốt việc xây dựng cá tính, tuyên ngôn của mình. Như Chanel thì quý phái, Dior thì lịch lãm, Balenciaga thì độc đáo, dị biệt (có nhiều sản phẩm của hãng này mình không hiểu nổi)… Họ tạo ra những phương pháp mới, trào lưu mới để các hãng khác nhái theo.

Nói vậy không có nghĩa là cứ phải dùng đồ hiệu mới ra cá tính được. Đó chỉ là một cách hiệu quả để mặc đẹp và có “quan điểm”. Nếu có bất kỳ hãng quần áo nào, dù là local brand nhỏ, mà hợp với tính cách, cuộc sống của bạn thì cứ thế mà chơi thôi.
Việc đắp một đống logo lên người, hay mặc đồ hiệu mà vẫn như đồ Quảng Châu thì sâu xa do người mặc không hiểu rõ món đồ hiệu cũng như chính bản thân mình. Không hiểu đúng thì không thể dùng cho đúng, cho đẹp.