Ghi chú về làm người lớn,

Làm người lớn thực nhiều việc phũ phàng lắm các bạn ạ. Mình nói như thể mình mới chập chững bước vào đời ý nhưng năm sau mình bước sang tuổi 30 rồi *hốt hoảng*. Giờ những người bạn cùng lớp mình đã dắt con vào lớp 1, mình vẫn ngồi đây viết về chuyện học làm người lớn 🙂 . Kể có vẻ hơi nhạt nhẽo, nhưng vẫn là vài chuyện mình đang phải trải qua, do tội là một đứa chậm lớn.

Trải qua không quá nhiều chuyện, mình nhận ra để làm người lớn hiệu quả là biết cách ở một mình. Ở một mình mà không lười biếng, không buông thả, không chán nản, mất tinh thần. Có thể tự nghiêm khắc với bản thân mà tập thể dục thường xuyên, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, ăn uống ngủ nghỉ điều độ. Có thể tận hưởng việc đi chơi một mình. Nhất là có thể tự đi khám chữa bệnh.

Mình nhận thấy trong số những bạn bè của mình, nếu ai từng có trải nghiệm du học nước ngoài, hay ít nhất là đi thành phố khác học, làm, không sống chung với bố mẹ, có thời gian phải tự thân vận động hết, sẽ là những người tự tin hơn, bớt sợ hãi hơn khi thử những cái mới.

Con người nhất định phải có không gian cá nhân, phải được một mình để trưởng thành.

Ngày còn ở nhà, mẹ rất ghét mình đánh răng làm bắn bao nhiêu bọt trắng lấm tấm lên gương. Mắng mình suốt. Mình lại cảm thấy chẳng sao cả. Nghe chửi xong gương lại sáng sạch như thường. Khi bắt đầu sống ở nước ngoài, mình mới cảm thấy gương bẩn soi khó chịu thật sự (rồi hì hục tuần nào cũng dọn nhà). Nếu không sống riêng, mình sẽ không bao giờ biết khó chịu hay để tâm tới những chuyện nhỏ nhặt như vậy. Cái gương mình dùng chung hàng ngày với bố mẹ vẫn luôn sáng bóng.

Có lẽ một lúc nào đó mình sẽ tiến lên được level cao hơn của việc làm người lớn – chịu trách nhiệm về một người khác. Mình luôn cảm thấy sợ hãi nếu ai đó lệ thuộc vào mình, hay họ biến mình thành mục đích của bất kỳ việc gì họ làm, dù lớn hay nhỏ. Mình chưa tưởng tượng được việc sẽ có một đứa trẻ (hoàn toàn lệ thuộc vào mình, ít nhất trong vòng mười mấy năm gì đó).

Hồi học cấp 3, có một cô bạn thân nói với mình rằng mình là một trong những mục đích sống của cô ấy. Mình sợ xanh mặt và nghỉ chơi với cô ấy. Những thứ như vậy luôn khiến mình thấy ái ngại và khó chịu. Đến giờ vẫn vậy.

Trước khi thích chăm sóc một đứa trẻ, mình đã bắt đầu thích chăm sóc nhà cửa rồi. Thật ra mình luôn thích ở nhà sạch sẽ, gọn gàng. Nhưng trước kia mình không phải tự làm, bố mẹ làm hộ cho. Giờ thì mình thích tự rồi, với sự giúp sức của rất nhiều tiến bộ công nghệ 😀 :D.

 

Bắt nạt trên mạng,

Hôm nọ, có một tài khoản FB trong friendlist của mình đăng một album phân tích về bố cục góc quay của phim In the mood for love, đặt tên là In the mood for composition.

Mình nói là một tài khoản vì thực ra mình không quen bạn này, không biết bạn ý là trai hay gái, bao nhiêu tuổi, làm nghề gì… Mình add FB vì tài khoản này rất ít khi đăng chuyện cá nhân, chủ yếu là các bài viết về các vấn đề văn học, nghệ thuật, xã hội. Các bài viết này bất kể là kiến thức tự thân hay đi tổng hợp lại trên mạng, bất kể bạn có đồng tình hay phản đối, đều được viết hết sức chỉn chu, đúng chính tả, ngữ pháp (mình đặc biệt phải gạch chân chuyện này vì FBer viết đúng chính tả, ngữ pháp bây giờ hiếm hoi vô cùng). Mình đã đọc được nhiều điều mới, hay ho, nên mình rất trân trọng.

Nhân vật này không phải là bạn của mình nên mình không quan tâm các chuyện ngoài lề nội dung thông tin của các bài viết. Mình không quan tâm giọng điệu comment hay gì. Nói chuyện này vì trong cuộc tổng tấn công cyberbully vì cái album căng lưới tỷ lệ vàng kia, rất nhiều người ghét vì cái giọng viết caption, bọn mày khen phim mà ko biết vì sao đẹp, để tao nói cho mà nghe! – đấy là diễn giải của các bạn ném đá. Có thể là khó chịu thật, mình không biết, vì mình không để tâm tới cái đó, và mình không phải một đứa sẽ khen phim đẹp vì mông cô diễn viên nên mình không thấy bị trigger vì vài dòng caption vậy. Mình chỉ quan tâm tới nội dung thông tin.

Mình không biết cuộc tổng tấn công này rầm rộ đến vậy cho tới khi đọc stt của khổ chủ, đã phải xoá cả cái album phân tích bố cục kia đi. Nói chuyện quan điểm, chê bai thì vốn dễ gây tranh cãi, giờ đây chỉ khen, mà khen không đúng ý người khác cũng bị ném đá không thương tiếc.

Chuyện này làm mình nhớ tới một phi vụ cyberbully ầm ỹ ngày xưa là bìa cuốn Truyện Thuý Kiều của Nhã Nam. Ngày đó nạn nhân là Kỳ Nam – lúc ấy vẫn là đồng nghiệp của mình. Bìa dùng tranh của họa sĩ Lê Văn Đệ – xuất thân từ trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương trong Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du, do Hội Quảng Tri – Huế xuất bản năm 1942. 23 năm sau, bức tranh cũng đã được in trên bìa tờ Bình Minh – số đặc biệt nhân kỉ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du, xuất bản năm 1965. Dẫn chứng vậy để nói đây không phải một bức tranh vớ vẩn, búi xùi móc ở đâu ra nhằm bôi nhọ Kiều.

Vấn đề lớn nhất, chuyện chọn tranh bìa không phải do Kỳ Nam. Bức tranh Kiều kia là do giám đốc Nhã Nam tự tay chọn lựa. Kỳ Nam chỉ là người đặt chữ, sắp xếp bố cục. Nhưng cá nhân Kỳ Nam, và tác giả album In the mood for composition đều đã phải hứng chịu sự công kích, mỉa mai, mạt sát, đặc biệt từ giới thiết kế, minh hoạ.

Ngày ấy mình nằm im cũng dính đạn. Mình chỉ share lại một bài báo duy nhất, giải thích về nguồn gốc của bức tranh, và phân tích về sức sống dài lâu của Truyện Kiều. Thực ra còn không phải bênh người thiết kế. Nhưng một đám hoạ sĩ, vài người trong đó mình có quen biết, đã vui vẻ bàn tán công khai, dựng chuyện rằng mình bênh đồng nghiệp, post bài rồi lại sợ quá tự xoá đi, bảo mình chắc tự thấy sai xấu hổ nên xoá 🙂 .

Khi mình đọc stt giải thích việc xoá album In the mood for composition, mình thấy cực kỳ buồn, phần vì vụ này khiến mình nhớ lại chuyện bìa Kiều, và một nguồn thông tin hay ho của mình bị thu hẹp, có thể là mất luôn. Dẫu tự biết rằng đăng cái gì lên mạng cũng mang nguy cơ bị tấn công (ngay cả cái blog post này của mình), và rằng mọi cuộc tấn công đều sẽ tan, người ta sẽ quên nhanh thôi, nhưng khi nằm trong tâm bão, đó vẫn là một thử thách không dễ dàng gì. Dù tâm lý bạn kiên cường đến đâu, vẫn sẽ cảm thấy sứt mẻ, tổn thương ít nhiều.

Mình từng bị cyberbully nhiều lần, nhất là khi một tác phẩm nào đó của mình vô tình trở nên viral (như truyện Love monster hoặc I have a crush on you ngày xưa chẳng hạn), mình sẽ bị chửi rất kinh, chắc cũng cả ngàn comment gạch đá. Phương pháp duy nhất của mình là không đọc, không nghe, không đáp trả. Bạn không thể ngăn người khác chửi rủa mình, bạn chỉ có thể lựa chọn không tiếp nhận những điều tiêu cực ấy, không để nó ảnh hưởng tới mình quá. Không chỉ trên mạng, mà ngoài đời cũng vậy, một khi người ta đã “kết án” bạn là thế này thế nọ, bạn có nói gì người ta cũng không thay đổi ý kiến đâu. Không nên mất thì giờ, công sức giải thích bản thân mình làm gì.

Trong tình trạng tỉnh táo nhất, trong tâm thế tử tế nhất có thể, đừng biến mình thành một tên cyberbully, bất kể đó là một dòng comment hay một cái share vô tình.

p.s: có lần mình đăng ảnh làm bánh bao thành công sau bao lần thất bại mà còn bị móc mỉa cơ 🙂 . Mạng xã hội quả thực là đầy hiểm nguy đó mà! *giọng lồng tiếng phim Hongkong*