
Người đàn ông mang tên Ove đến từ một nhà văn Thuỵ Điển, một luồng gió mới mẻ trong những sách mình đọc gần đây (dạo này toàn đọc nonfic).
Người đàn ông mang tên Ove là một cuốn sách hóm hỉnh, tinh tế, vừa ấm áp vừa phũ phàng tỉnh bơ. Nhân vật chính của tác phẩm, như cái tựa, một ông già tên Ove, sống ở một thị trấn nhỏ, bình thường. Cuốn sách kể về cuộc đời Ove, từ khi ông là một đứa trẻ, tới lúc ông có công việc đầu tiên, ông gặp tình yêu đời mình, ông tự tay xây ngôi nhà cho gia đình nhỏ, ông đánh mất tình yêu đời mình rồi ông lìa đời.
Chuyện bắt đầu từ một ngày nọ, Ove quyết định sẽ chấm dứt cuộc đời vô dụng của mình. Công ty nơi ông đã cống hiến hàng chục năm cuộc đời đột ngột sa thải ông, vợ ông – người hiểu và yêu ông nhất cũng qua đời. Không con cái, không người thân thích, không còn mục đích tồn tại nào. Ông sẽ chết vào hôm nay.
Cái chết của Ove được lên kế hoạch kỹ lưỡng, chỉnh chu, cẩn trọng, hệt như con người ông. Thế nhưng đúng lúc ấy, cô nàng Parveneh người Iran với cái bụng bầu to tướng và anh chồng Patrick vụng về đã tai nạn cái rầm trước cửa nhà Ove. Thế là ông không thể chết vào ngày hôm ấy, ông phải xử lý xong cái phi vụ kia đã. Đó cũng là lúc mọi rắc rối mới ập vào cuộc đời tưởng chừng vô vị, không còn chút sắc màu nào của Ove.
Ove xuất hiện như một ông già hay cáu bẳn, cứng nhắc, bị tuột khỏi sự phát triển của thời đại. Ông là một người đàn ông đơn giản, được vận hành chuẩn xác hàng chục năm dựa trên những nguyên tắc bất di bất dịch. Giả như ông đã treo cái biển không được lái xe vào đoạn đường này thì đừng hòng có ai được lái xe vào. Mọi thứ nằm ngoài những nguyên tắc của Ove đều khiến ông nổi giận vì không thể hiểu được chúng.
Những mâu thuẫn với thời đại và xã hội của Ove gây ra những tình huống dở khóc dở cười, đặc biệt nhờ ngòi bút duyên dáng của Backman, những oái oăm cuộc đời ấy trở nên sống động và gần gũi vô cùng. Lâu lắm rồi mới có cuốn sách khiến mình cười nhiều từ đầu đến cuối như vậy.
Có lần Ove đi mua cây cho vợ. Hai cây giá 50 krona. Ông nằng nặc đòi mua một cây với giá 25 krona, bất chấp người bán hàng ra sức giải thích rằng một cây giá 39 krona, mua hai cây mới được giá khuyến mại. Ove nhất định không hiểu trò vòi tiền vô lý ấy. Cuối cùng người bán hàng đầu hàng mà chịu bán một cây giá 25 krona. Nhưng khi thanh toán bằng thẻ với giá trị dưới 50 krona, khách hàng phải chịu thêm phí 3 krona nữa.
Thế là Ove trở về nhà với hai cái cây giá 50 krona.
Ove cũng không hiểu nổi việc sao vợ mình lại cần nhiều áo khoác đến thế. Người ta bảo rằng, nếu ông đi qua hết được cái tủ áo của vợ ông, ông sẽ đến được Narnia (mình cười sằng sặc đoạn này). Nhưng ông không than phiền gì vì ông yêu bà – Sonja. Bà là mọi sắc màu trong một cuộc đời chính xác chỉ toàn những đường kẻ trắng đen rành mạch của ông.
Mô típ một chàng trai quy củ, khép kín phải lòng một cô gái yêu đời, bay bổng không mới, tuy vậy cách tác giả tạo dựng câu chuyện tình yêu ấy qua từng chi tiết nhỏ hết sức đáng yêu, thuyết phục và từng chút một khiến độc giả thấy tin, dần thấu hiểu quyết định từ giã cõi đời của ông. Sonja khiến cuộc sống của Ove đẹp đẽ hơn, giúp ông trở thành phiên bản tốt hơn của chính bản thân mình. Bà động viên ông đi học, trở thành một kiến trúc sư lành nghề. Bà xoa dịu những nỗi tức giận khi ông không hiểu được thế giới này. Cho dù ông vẫn không hiểu được việc tại sao bà lại say mê những câu chuyện không có thật do mấy ông nhà văn nào đó bịa ra, hay vì lý gì lại phải cho mấy con mèo hoang ăn… nhưng nụ cười của Sonja, sự dịu dàng tinh tế, vị tha của bà, luôn làm trái tim ông nhẹ nhõm.
Từng chương của cuốn sách được xen kẽ chuyện quá khứ và chuyện hiện tại. Qua từng mẩu chuyện lật mở về quá khứ đầy thăng trầm và hiện tại lắm rối ren, phiền phức của Ove, người đọc dần hiểu được con người ông, và cả những con người xung quanh ông. Ove tuy cáu kỉnh, hay chửi bới mắng nhiếc người khác, nhưng ông cũng thường giúp đỡ họ khi cần. Không phải vì ông muốn làm người tốt mà bởi nếu Sonja còn ở đây bà ấy sẽ bực nếu như ông không làm thế. Cũng như ông không thể chịu nổi mấy đứa thanh niên trai tráng vô dụng, đến cái xe đạp không biết sửa mà phải để ông ra tay. Dần dà, mấy chuyện phiền hà, cản trở ý định tự sát của ông lại làm ông thay đổi. Ông hạ dần tấm khiên cô lập để mở lòng với những người khác không phải vợ mình, để họ cũng nhìn thấy sự tử tế của ông như Sonja đã từng.
Cuốn sách này ngoài đống tình tiết hài hước cười ra nước mắt, cũng không thiếu những chi tiết nhói lòng, những nỗi bất hạnh được kể bằng giọng tỉnh bơ. Nhưng sau tất cả những gì còn đọng lại sau khi gấp trang sách lại là một cảm giác ấm áp. Cái ấm áp kiểu một tối mùa đông, sau một ngày dài mệt mỏi, được rúc trong chăn với người yêu, nghe một bản nhạc yêu thích, uống cốc trà nóng ấy. Sự ấm cúng, dễ chịu, thoả mãn sau biết bao vất vả, đớn đau. Ngay cả khi bạn thấy cái kết này quá hường phấn, quá đẹp đẽ cho tất cả các nhân vật thì với mình điều ấy rất xứng đáng. Bởi mình, đến những chương cuối cùng đã rất yêu mến mọi nhân vật, tha thiết mong họ được hạnh phúc, vui vẻ. Với cả, đôi lúc nhận thêm nhiều hi vọng quá một chút, tin tưởng thêm một tý vào sự tử tế của con người cũng không hại gì.
Cuốn sách vô tình làm gợi nhớ đến một câu trong bài hát mình rất thích của Mika, tên là Talk about you:
“We’re common people. We’re common people in love. It’s supernatural…”
Chúng ta những kẻ bình thường, những kẻ bình thường yêu nhau. Trong Người đàn ông mang tên Ove đầy những người bình thường, bình dị, không khác mấy với ông mình, mẹ mình, hàng xóm mình… chỉ bởi họ đã học được cách chấp nhận nhau, yêu thương nhau mà cuộc sống của từng con người ấy đã thay đổi hoàn toàn.
p.s: bản dịch tiếng Việt rất ok nhá, dùng cả slang cực duyên.
Hình như mình có xem phim chuyển thể từ truyện này 😀 rất hay
LikeLike