Mình đã luôn là một đứa trẻ thích những câu chuyện. Mình đã tự đọc sách trước cả khi bước vào lớp 1, không cần bố mẹ hướng dẫn hay đọc sách cho, hoàn toàn nhờ sự yêu thích tự nhiên.
Nhờ vậy mình là loại học sinh mà một giáo viên dạy Văn có thể tự hào. Mình tự tin nói vậy. Không phải do mình viết rất giỏi hay am hiểu về văn chương, mà vì mình yêu thích Văn học và việc học Văn một cách chân thành (ở cấp phổ thông thì còn cần gì hơn thế?! Đâu phải học Văn là để trở thành nhà văn, nhà báo hay nhà phê bình). Mình luôn đọc hết cả cuốn sách giáo khoa Văn/ Tiếng Việt trước khi năm học bắt đầu, mua sách mới về là đọc ngay. Mình thường xuyên đọc sách bên cạnh SGK, vd học về Nam Cao mà khoái ông ý mình sẽ đọc nguyên cả tuyển tập Nam Cao. Mình có thể nói chuyện say sưa với thầy cô về nhà văn này tác phẩm nọ (không nằm trong chương trình học).
Mình cũng không bao giờ ngại viết.
Trong suốt những năm học phổ thông, ngoại trừ chương trình Thực Nghiệm, mình cảm thấy cách giảng dạy Văn học trong nhà trường đã tạo ra những ấn tượng và ám ảnh sai lầm cho học sinh.
Với mình, việc học tiếng Việt và Văn học, trước hết là có thể đọc đúng và viết đúng chính tả, ngữ pháp, có thể viết được một câu đơn giản, chính xác, không tối nghĩa. Khi sử dụng mạng xã hội, đọc báo mạng, mình thấy người viết đúng chính tả thật hiếm hoi, phần lớn sai cực nhiều những từ đơn giản. Việc học văn hồi phổ thông đa số viết phân tích, nghị luận. Cái này cần tư duy logic, phản biện mạch lạc, viết cái gì là cần bằng chứng, lý luận chứ không phải khả năng sáng tác hay viết văn hoa.
Cao hơn, nhiệm vụ của việc học Văn là học cách để đồng cảm, là để kích thích trong từng đứa trẻ khả năng cảm được những điều mình không trực tiếp trải qua, để có thể thấy đau được nỗi đau của một người mẹ trong chiến tranh cách đây hàng chục năm, để các em lớn lên thành một người có lòng trắc ẩn.
Việc áp đặt cảm xúc, suy nghĩ, ý kiến trong phân tích các tác phẩm khiến môn Văn trở thành một môn học giả tạo, cần chém gió, bốc phét, xa rời đời sống, ít ích lợi so với các môn như Toán, Lý, Hoá, ngoại ngữ… Nhiệm vụ của thầy cô là hướng dẫn, chỉ cho học trò hiểu tại sao một tác phẩm có giá trị, có ý nghĩa. Còn việc học trò thấy thích, đồng cảm được hay không đó là quyền tự do. Học văn ở phổ thông ép buộc học sinh phải thích tất cả các tác phẩm được dạy, chuyện này vô lý đùng đùng. Có lần mình đã tranh luận với cô giáo Văn về chuyện mình không thích một tác phẩm (không có nghĩa là nó dở, mình chỉ không đồng cảm được thôi). Thay vì tranh luận, giải thích, cô chẳng thèm nói gì (hoặc không biết nói lý ra sao) chỉ lắc đầu như thể mình là một đứa ngu ngốc mới không biết thích tác phẩm này (mà chắc cô nghĩ thế đó).
Nếu không được trung thực với cảm xúc của bản thân thì làm sao biết rung động, biết những ngôn từ có thể đẹp đẽ ra sao, biết sức mạnh của một câu chuyện có thể lớn đến thế nào. Mình từng xem một bộ phim về chuyện học văn vô cùng xúc động, dựa trên chuyện có thật ở Mỹ, tên là Freedom writers. Bộ phim kể về một cô giáo trẻ mới ra trường, Erin Gruwell, ngay lớp đầu tiên cô dạy đã vô cùng rắc rối. Lớp tập hợp toàn những học sinh bị coi là khó bảo, dốt nát, những đứa trẻ Mỹ gốc Á, gốc Latinh, gốc Phi…
Khỏi nói Erin đã trải qua nhiều khó khăn đến thế nào. Mãi cho tới khi cô chọn cuốn sách Nhật ký Anne Frank, cô mới “thu phục” được những học trò cứng đầu của mình. Tại sao là Anne Frank? Đây là câu chuyện khiến những đứa trẻ nghèo khó, khổ sở, lớn lên trong tệ nạn và bạo lực ở lớp Erin tìm được sự đồng cảm. À có người cùng chung nỗi đau với mình! Làm sao có thể kỳ vọng những đứa trẻ như vậy hiểu được chuyện tình cảm yêu đương của giới quý tộc thế kỷ 18, 19? Ok, Kiêu hãnh và định kiến hay đấy, nhưng khó tìm điểm chung với đám trẻ láo nháo, đọc chữ còn chưa xong kia.
Cuốn nhật ký chân thực đến tàn khốc của Anne Frank thúc đẩy những đứa trẻ kia có động lực, có can đảm để kể ra câu chuyện của chúng, cho dù những bài viết đầu tiên còn ngô nghê, đầy lỗi chính tả. (Cuộc sống của những học sinh ấy đã thay đổi sâu sắc ra sao, mời các bạn xem phim cho hấp dẫn nhá!)
Không có câu chuyện nào dành cho tất cả mọi người. Nhưng chắc chắn ai cũng có thể tìm thấy một câu chuyện mình có thể đồng cảm, câu chuyện mình có được sự an ủi. Dạy và học Văn nên coi trọng điều này hơn cả.
Khi biết (và được phép) rung động rồi, người học văn mới có cơ truyền sự rung động ấy đến người khác qua bài viết của mình. Điểm văn của mình suốt thời đi học biến động như giá cổ phiếu hàng ngày vậy. Mình từng có cả điểm 2, 3, cũng từng có cả những bài văn thầy cô đọc xong thích quá đem cho cả tổ văn đọc rồi các giáo viên lại đem về lớp họ đọc cho cả lớp nghe. Đó là những tác phẩm mình thấy lay động mạnh mẽ, mình sẽ viết hết sức bình sinh vậy.
Tin vui là dạy và học Văn ở VN không phải toàn chuyện u tối. Đã có rất nhiều thay đổi, nỗ lực của những người có lòng với giáo dục và văn chương, như chương trình của nhóm Cánh buồm chẳng hạn, hay những CLB đọc sách như CLB Ô xinh. Mình đủ tự tin giới thiệu những nhóm hoạt động ấy vì mình đã từng tham gia các chương trình của họ, tiếp xúc với những con người nhiệt huyết ấy, thấy được việc dạy và học Văn đúng cách sẽ đem lại những kết quả ra sao.
Nếu bạn là người ghét cay ghét đắng việc học Văn hồi đi học, nhiều khả năng bạn đã bị dạy sai cách. Cũng như mình với môn Toán vậy, mình đã thay đổi cảm nhận của mình về Toán từ khi đọc Giáo sư và công thức Toán, cũng như chơi với chồng mình :)).
Bạn có nghĩ việc không bao giờ cảm thấy xúc động sâu sắc vì bất cứ thứ gì, một bộ phim, một cuốn sách, một bài hát… không có được dấu chấm cảm nào trong đời mình là một chuyện hết sức buồn bã không? Chúng ta cần học văn (mà rộng hơn nữa là nghệ thuật) đúng cách để giảm thiểu những nguy cơ ấy.
Reblogged this on Nemophila.
LikeLike