Khi xem, đọc những bí kíp về việc chọn đồ, phối đồ, mình thấy khó khi áp dụng. Ví dụ như người ta sẽ luôn khuyên bạn phải hiểu cơ thể mình, biết mình thuộc dáng người thế nào để chọn đồ cho hợp. Nhưng mình không bao giờ xác định được mình là dáng gì, quả lê hay quả táo hay cây cột ( . _ . ) ! Hay việc undertone là warm hay cool, mùa gì màu sắc gì…. mình không thể xác định nổi mạch máu ở cổ tay mình là màu xanh lá hay xanh dương 😐 . Những lời khuyên như vậy tuy đúng, nhưng luôn khiến mình thấy bối rối.
Vậy phải làm thế nào?
Đây là một vài điều mình đã áp dụng và thấy có hiệu quả (với mình).
BÍ KÍP 1: Hiểu về TỶ LỆ của mình
Trong nhà nên có một cái thước dây mềm. Thước dây để đo đạc chính xác vô cùng hữu dụng. Hãy đo kích thước cơ thể mình: vai – vòng ngực – vòng eo (điểm thắt nhỏ nhất ở eo) – vòng bụng dưới – vòng mông – vòng đùi – bắp tay. Chiều dài đầu, chiều dài cánh tay, chiều dài thân giữa…

Khi có những con số cụ thể rồi, cộng với việc tự quan sát trong gương (tất nhiên nhìn bằng mắt không cũng được, nhưng có số thì chính xác hơn), bạn có thể dễ dàng xác định tương quan tỷ lệ, điểm mạnh điểm yếu của bản thân và chọn được quần áo đúng cỡ (nhất là trong thời đại mua sắm online phát triển).
Ví dụ của việc có số đo chính xác là xác định điểm nhấn eo ở đâu cho đẹp. Về cơ bản, phần cạp nên ở phần eo nhỏ nhất hoặc ở điểm mà tỷ lệ từ đầu đến eo gấp 1,5 ~ 1,7 lần từ eo đến gót chân (lẽ ra hồi xưa mình nên học môn giải phẫu chăm chỉ hơn).
Nếu như người bạn khá thẳng, không curvy (như Keira chẳng hạn), hãy tạo một điểm nhấn eo (ở điểm mà tỷ lệ như đã nói ở trên) nhưng phần dưới thì phồng xoè tạo thêm đường cong, như váy chữ A hoặc quần baggy (phồng phồng ở hông) sẽ cực xinh.
Còn mình thấp và mũm mĩm, lưng dài chân ngắn (đã có tỷ lệ số đo cụ thể), nên mình luôn ưu tiên chọn quần cạp cao và ống rộng, thay vì cạp thấp và ống côn.

Rõ ràng khi mặc quần cạp cao, ống rộng (bên phải) nhìn chân mình đỡ ngắn, đỡ to hơn. Mặc dù chiều cao mình không đổi, nhưng tỷ lệ chia nhờ điểm nhấn eo đã tạo ảo giác là ở hình bên phải mình cao hơn bên trái. Hãy cẩn thận với tất cả những thứ khiến người mình bị chia khúc.
Nếu bạn cao và tròn trịa hơn (hay còn được gọi là plus size), quy tắc vẫn không đổi.
Tại sao cô gái trong ảnh bên trái cũng mũm mĩm nhưng lại mặc quần ống côn được, là vì tương quan giữa vòng mông và vòng đùi của cô ấy. Mông mình không đủ to so với đùi, dù kích thước đùi mình nhỏ hơn cô ấy nhưng nhìn trên người mình lại to, nên khi mình mặc quần ống nhỏ nhìn đùi sẽ bị to mà không tạo được đường cong mềm mại từ hông như cô ấy. Cô ấy còn đi giày cao gót, tăng thêm chiều dài cho phần chân.
Tất nhiên, nếu bạn không muốn mặc theo tỷ lệ kể trên, không sao cả, bạn vẫn có thể mặc đẹp. Một vd cụ thể về phong cách không thèm quan tâm tới tỷ lệ, shop này là Magenta Vintage.
Có thể dễ dàng thấy đồ của Magenta có xu hướng oversize, thoải mái. Tuy không cần tỷ lệ, nhìn vẫn thấy thích mắt là do cách họ phối màu đẹp (có một tone màu xuyên suốt: earthy tone), chất liệu hài hoà (ren – linen – cotton), các phụ kiện cùng ngôn ngữ, phong cách (kính – khăn – mũ – giày). Vd giờ mà ném vào một đôi cao gót da bóng là phá tanh bành ngay.
Ưu điểm của những phong cách đặc thù như Magenta là bạn chỉ cần mua hết đồ ở shop đó là sẽ có ngay phong cách riêng, lạ mắt, không cần phải nghĩ nhiều. Khi bạn làm cái gì đủ nhiều, đủ lâu thì cũng thành phong cách riêng được (vd toàn mặc đồ đen, toàn mặc hoạ tiết hoa, toàn mặc linen…). Kể cả mặc đồ không tôn dáng lắm thì nếu chúng thuộc về một phong cách ổn định, thống nhất, các ưu điểm khác (màu sắc, chất liệu) vẫn có thể át lại được việc thiếu tỷ lệ cân đối.
Nhược điểm là nếu bạn muốn phối với đồ từ hãng khác sẽ phức tạp hơn, vì việc phối style sẽ yêu cầu gu và kiến thức sâu hơn.
BÍ KÍP 2: Tương phản
Tương phản ở đây bao gồm cả màu sắc (đậm – nhạt, trơn – có hoạ tiết) lẫn phom dáng quần áo (bó – rộng), tỷ lệ (ngắn – dài), chất liệu (xù xì – nhẵn mịn, bóng – mờ…). Trừ khi người bạn cực đẹp, vòng nào ra vòng nấy thì hẵng mặc đồ bó từ trên xuống dưới. Cách an toàn và dễ hài hoà nhất là trên rộng thì dưới bó, trên bó thì dưới rộng, trên sáng thì dưới tối, trên tối thì dưới sáng. Vd như:


Dù cả hai cô gái trên người đều rất chuẩn, cô gái bên trái nhìn có phần sang chảnh, thời trang hơn (mà vẫn mang vẻ thoải mái, không cần cố). Giày và quần của họ khá giống nhau, chỉ khác áo. Rõ ràng sự tương phản của chiếc áo sơ mi mềm, dáng suông với quần skinny jeans (cũng là tương phản về chất liệu cứng – mềm, màu sắc sáng – tối) đã tôn dáng cô gái hơn hẳn chiếc áo ghi bó, dài tay lại hơi crop ngắn. Thêm cả chiếc mũ fedora rộng vành, cô gái bên phải nhìn bị nặng và to phần thân trên.
Trong trường hợp phối đồ mono tone, bạn vẫn có thể tạo tương phản bằng chất liệu để khiến bộ đồ trông thú vị hơn:
(… Còn tiếp)