Tản mạn chuyện học văn,

Mình đã luôn là một đứa trẻ thích những câu chuyện. Mình đã tự đọc sách trước cả khi bước vào lớp 1, không cần bố mẹ hướng dẫn hay đọc sách cho, hoàn toàn nhờ sự yêu thích tự nhiên.

Nhờ vậy mình là loại học sinh mà một giáo viên dạy Văn có thể tự hào. Mình tự tin nói vậy. Không phải do mình viết rất giỏi hay am hiểu về văn chương, mà vì mình yêu thích Văn học và việc học Văn một cách chân thành (ở cấp phổ thông thì còn cần gì hơn thế?! Đâu phải học Văn là để trở thành nhà văn, nhà báo hay nhà phê bình). Mình luôn đọc hết cả cuốn sách giáo khoa Văn/ Tiếng Việt trước khi năm học bắt đầu, mua sách mới về là đọc ngay. Mình thường xuyên đọc sách bên cạnh SGK, vd học về Nam Cao mà khoái ông ý mình sẽ đọc nguyên cả tuyển tập Nam Cao. Mình có thể nói chuyện say sưa với thầy cô về nhà văn này tác phẩm nọ (không nằm trong chương trình học).

Mình cũng không bao giờ ngại viết.

Trong suốt những năm học phổ thông, ngoại trừ chương trình Thực Nghiệm, mình cảm thấy cách giảng dạy Văn học trong nhà trường đã tạo ra những ấn tượng và ám ảnh sai lầm cho học sinh.

Với mình, việc học tiếng Việt và Văn học, trước hết là có thể đọc đúng và viết đúng chính tả, ngữ pháp, có thể viết được một câu đơn giản, chính xác, không tối nghĩa. Khi sử dụng mạng xã hội, đọc báo mạng, mình thấy người viết đúng chính tả thật hiếm hoi, phần lớn sai cực nhiều những từ đơn giản. Việc học văn hồi phổ thông đa số viết phân tích, nghị luận. Cái này cần tư duy logic, phản biện mạch lạc, viết cái gì là cần bằng chứng, lý luận chứ không phải khả năng sáng tác hay viết văn hoa.

Cao hơn, nhiệm vụ của việc học Văn là học cách để đồng cảm, là để kích thích trong từng đứa trẻ khả năng cảm được những điều mình không trực tiếp trải qua, để có thể thấy đau được nỗi đau của một người mẹ trong chiến tranh cách đây hàng chục năm, để các em lớn lên thành một người có lòng trắc ẩn.

Việc áp đặt cảm xúc, suy nghĩ, ý kiến trong phân tích các tác phẩm khiến môn Văn trở thành một môn học giả tạo, cần chém gió, bốc phét, xa rời đời sống, ít ích lợi so với các môn như Toán, Lý, Hoá, ngoại ngữ… Nhiệm vụ của thầy cô là hướng dẫn, chỉ cho học trò hiểu tại sao một tác phẩm có giá trị, có ý nghĩa. Còn việc học trò thấy thích, đồng cảm được hay không đó là quyền tự do. Học văn ở phổ thông ép buộc học sinh phải thích tất cả các tác phẩm được dạy, chuyện này vô lý đùng đùng. Có lần mình đã tranh luận với cô giáo Văn về chuyện mình không thích một tác phẩm (không có nghĩa là nó dở, mình chỉ không đồng cảm được thôi). Thay vì tranh luận, giải thích, cô chẳng thèm nói gì (hoặc không biết nói lý ra sao) chỉ lắc đầu như thể mình là một đứa ngu ngốc mới không biết thích tác phẩm này (mà chắc cô nghĩ thế đó).

Nếu không được trung thực với cảm xúc của bản thân thì làm sao biết rung động, biết những ngôn từ có thể đẹp đẽ ra sao, biết sức mạnh của một câu chuyện có thể lớn đến thế nào. Mình từng xem một bộ phim về chuyện học văn vô cùng xúc động, dựa trên chuyện có thật ở Mỹ, tên là Freedom writers. Bộ phim kể về một cô giáo trẻ mới ra trường, Erin Gruwell, ngay lớp đầu tiên cô dạy đã vô cùng rắc rối. Lớp tập hợp toàn những học sinh bị coi là khó bảo, dốt nát, những đứa trẻ Mỹ gốc Á, gốc Latinh, gốc Phi…

9305526_orig.jpg

Khỏi nói Erin đã trải qua nhiều khó khăn đến thế nào. Mãi cho tới khi cô chọn cuốn sách Nhật ký Anne Frank, cô mới “thu phục” được những học trò cứng đầu của mình. Tại sao là Anne Frank? Đây là câu chuyện khiến những đứa trẻ nghèo khó, khổ sở, lớn lên trong tệ nạn và bạo lực ở lớp Erin tìm được sự đồng cảm. À có người cùng chung nỗi đau với mình! Làm sao có thể kỳ vọng những đứa trẻ như vậy hiểu được chuyện tình cảm yêu đương của giới quý tộc thế kỷ 18, 19? Ok, Kiêu hãnh và định kiến hay đấy, nhưng khó tìm điểm chung với đám trẻ láo nháo, đọc chữ còn chưa xong kia.

Cuốn nhật ký chân thực đến tàn khốc của Anne Frank thúc đẩy những đứa trẻ kia có động lực, có can đảm để kể ra câu chuyện của chúng, cho dù những bài viết đầu tiên còn ngô nghê, đầy lỗi chính tả. (Cuộc sống của những học sinh ấy đã thay đổi sâu sắc ra sao, mời các bạn xem phim cho hấp dẫn nhá!)

Không có câu chuyện nào dành cho tất cả mọi người. Nhưng chắc chắn ai cũng có thể tìm thấy một câu chuyện mình có thể đồng cảm, câu chuyện mình có được sự an ủi. Dạy và học Văn nên coi trọng điều này hơn cả.

Khi biết (và được phép) rung động rồi, người học văn mới có cơ truyền sự rung động ấy đến người khác qua bài viết của mình. Điểm văn của mình suốt thời đi học biến động như giá cổ phiếu hàng ngày vậy. Mình từng có cả điểm 2, 3, cũng từng có cả những bài văn thầy cô đọc xong thích quá đem cho cả tổ văn đọc rồi các giáo viên lại đem về lớp họ đọc cho cả lớp nghe. Đó là những tác phẩm mình thấy lay động mạnh mẽ, mình sẽ viết hết sức bình sinh vậy.

Tin vui là dạy và học Văn ở VN không phải toàn chuyện u tối. Đã có rất nhiều thay đổi, nỗ lực của những người có lòng với giáo dục và văn chương, như chương trình của nhóm Cánh buồm chẳng hạn, hay những CLB đọc sách như CLB Ô xinh. Mình đủ tự tin giới thiệu những nhóm hoạt động ấy vì mình đã từng tham gia các chương trình của họ, tiếp xúc với những con người nhiệt huyết ấy, thấy được việc dạy và học Văn đúng cách sẽ đem lại những kết quả ra sao.

Nếu bạn là người ghét cay ghét đắng việc học Văn hồi đi học, nhiều khả năng bạn đã bị dạy sai cách. Cũng như mình với môn Toán vậy, mình đã thay đổi cảm nhận của mình về Toán từ khi đọc Giáo sư và công thức Toán, cũng như chơi với chồng mình :)).

Bạn có nghĩ việc không bao giờ cảm thấy xúc động sâu sắc vì bất cứ thứ gì, một bộ phim, một cuốn sách, một bài hát… không có được dấu chấm cảm nào trong đời mình là một chuyện hết sức buồn bã không? Chúng ta cần học văn (mà rộng hơn nữa là nghệ thuật) đúng cách để giảm thiểu những nguy cơ ấy.

Review | Hẹn em ngày đó

hen em ngay do.jpg

Mình vừa đọc xong cuốn này tối qua. Cuốn này bình thường sẽ không phải ưu tiên lựa chọn của mình. Nhưng vì lý do nào đó, mình đột nhiên muốn đọc một cuốn sách nhẹ đầu và tình cảm.

Hẹn em ngày đó nếu mình không nhầm chính là cú hit đầu tiên của Musso, cũng như Nếu em không phải một giấc mơ với Marc Levy vậy. Sách đã được chuyển thể thành phim. Nhiều ý kiến cho rằng Musso có phần nhỉnh hơn Marc Levy, những câu chuyện của Musso có thêm phần kịch tính, những chi tiết giả tưởng, không chỉ đơn thuần là chuyện tình cảm.

Hẹn em ngày đó kể về Elliot – một vị bác sĩ tài giỏi và tâm huyết cùng mối tình cuộc đời của ông – nàng Ilena. Mở đầu câu chuyện là Elliot năm 60 tuổi, đang mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối, mong ước cuối đời của ông chỉ là được nhìn thấy Ilena một lần nữa. Mong ước vô lý này đã trở thành hiện thực khi ông được tặng 10 viên thuốc có khả năng đưa ông về quá khứ, đúng 30 năm trước.

Read More »

Câu chuyện đồ chơi 4

NINTCHDBPICT000497445208

Toy story là một franchise hiếm hoi mà càng làm càng hay. Câu chuyện ngày một phức tạp, nhiều lớp lang, kỹ xảo ngày càng trau chuốt, đẹp mắt.

Trong bốn phần phim, với mình phần 4 này là hay hơn cả, khi mình cảm thấy thực sự được lớn lên cùng các nhân vật. Chúng mình đã (buộc phải) trưởng thành thật rồi.

Dẫn dắt bộ phim vẫn là Woody, chàng cao bồi trung thành từ món đồ chơi yêu thích của Andy đã bị thất sủng khi về nhà mới với Bonnie. Phần này Bonnie bắt đầu đi học mẫu giáo, và ở trường cô bé đã tạo ra một món đồ chơi, một người bạn mới – Forky. Sinh ra từ thùng rác khiến Forky tin rằng mình thuộc về thùng rác – nơi ấm cúng và an toàn.

p062_116c_cs.sel16.1802_RGB_FINAL.0.jpg
Forky đầy hoảng loạn khi bị gọi là đồ chơi.

Khác với một Woody ở phần 1 ích kỷ và chỉ muốn giữ Andy cho bản thân, Woody giờ đây đã trở thành một người đàn ông chín chắn, một lòng chỉ mong “đứa trẻ của mình” được vui vẻ, hạnh phúc. Cậu hiểu giờ Bonnie rất yêu mến Forky, nên tự nhận trọng trách chăm nom, bảo vệ Forky để Forky luôn được ở bên Bonnie. Việc này đã dẫn nhóm bạn đồ chơi, nhất là Woody, dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mới, mà sau đó họ hiểu nhiều hơn về chính bản thân mình.

Toy story 4 với mình hoàn toàn là một bộ phim người lớn, các vấn đề bộ phim đặt ra đều sâu sắc và phức tạp hơn trải nghiệm của trẻ nhỏ. Mình nghĩ đây là một điều hợp lý. Bởi lẽ những khán giả trung thành của franchise này cũng đều đã lớn cả rồi. Mình xem phần đầu tiên từ hồi mới học cấp 1, và giờ mình sắp 30 tuổi đầu rồi. Hôm nay cả phòng chiếu mình xem toàn là người lớn, tuyệt đối không có một đứa trẻ nào. Bộ phim chỉ mượn đề tài trẻ con, mượn những món đồ chơi để kể một câu chuyện thực tế phũ phàng hơn rất nhiều.

Phần này có rất nhiều nhân vật mới. Các nhân vật cũ thì hầu như không có nhiều thời lượng. Một nhân vật phụ trong những phần trước lần này trở thành nhân vật trung tâm – Bo peep, cô nàng chăn cừu xinh đẹp.

Bo-Peep-is-Back-Toy-Story-4

Bên cạnh Woody, Bo là nhân vật có sự phát triển thú vị nhất trong phần phim này. Trái với hình ảnh cô nàng chăn cừu yểu điệu, nữ tính của những phần trước, Bo trải qua bao lần đau đớn vì bị bỏ rơi, đã trở thành một món đồ chơi bị lạc mạnh mẽ và tự lập. Cùng với ba chú cừu, Bo cứ như một bà mẹ đơn thân, biểu tượng thời đại nữ quyền lên ngôi vậy. Bo gần như mất lòng tin – hay cố gắng quên đi khát khao bản năng của mọi món đồ chơi là được thuộc về một đứa trẻ, để yêu thương và được lũ trẻ yêu thương. Bo chọn một cuộc sống tự do, được tận hưởng và ngao du khắp chốn. Có những phân cảnh Bo gần như lạnh lùng, chỉ bảo vệ bản thân và những chú cừu của mình là được, còn lại thân ai người nấy lo.

Tuy vậy, mình rất cảm thông với Bo. Chắc ai từng phải đối mặt với cuộc sống bon chen, khắc nghiệt cũng đều hiểu cho Bo, không phải cô vô tình mà hoàn cảnh buộc cô phải sắt đá. Giờ Bo không chỉ ngày ngày đứng dưới cây đèn ngủ xinh đẹp, lấp lánh ru ngủ cho Molly, mà Bo phải chăm nom cho ba chú cừu, cho cả những món đồ chơi bị thất lạc khác, gãy tay thì phải biết tự lấy băng dính gắn lại, bị giam cầm thì phải tự biết tìm đường giải cứu bản thân.

Nhưng điều hay ho nhất ở Bo là cô dám đối mặt và chấp nhận những bất hạnh, những nỗi buồn – “ngày nào cũng có trẻ con đánh mất đồ chơi”, “có rất nhiều những đứa trẻ ngoài kia và thay đổi đôi lúc cũng tốt.” và tìm thấy những mơ ước mới, để hi vọng và theo đuổi. Ngay cả trong những ngày tháng buồn tẻ, u ám, mắc kẹt ở cửa hiệu đồ cũ, Bo vẫn nhận ra những điều đẹp đẽ quanh mình – ánh sáng lấp lánh tuyệt diệu qua những chiếc đèn chùm pha lê xoa dịu mọi ưu phiền của cô.

Hơn cả Woody, Bo Peep chính là người đáng tin cậy, có tâm hồn cởi mở và đầy sức sống nhất trong câu chuyện.

Woody cũng trải qua quá trình trưởng thành không kém phần chua xót. Woody không đột ngột bị bỏ đi như Bo nhưng cậu phải trải qua từng ngày Bonnie dần lờ và quên bẵng mất sự tồn tại của cậu, càng đau đớn hơn khi việc ấy càng khiến Woody nhớ về Andy, về từng kỷ niệm mà đôi bạn đã lớn lên bên nhau. Nhưng thay vì trở nên cay đắng, Woody luôn cố gắng quên bản thân mình đi để nghĩ cho người khác: chăm sóc Forky như ông bố mới lần đầu có con, hi sinh tình cảm cá nhân cho “việc lớn”, luôn đặt lợi ích của Bonnie lên hàng đầu (chứ không chỉ tranh giành tình cảm của đứa trẻ như những phần đầu). Và sau cùng, Woody chấp nhận việc Bonnie sẽ ổn thôi mà không cần có cậu. Việc này vừa có phần cay đắng (ai đó mình hết lòng yêu thương lại không cần mình nữa) lại vừa nhẹ lòng. Woody có thể yên tâm mà tiếp tục những giấc mơ, những hành trình mới của mình.

Bên cạnh những vấn đề nghiêm túc người lớn thì Toy story 4 vẫn cực kỳ hài hước, duyên dáng, mình đã cười rất nhiều từ đầu tới tận những giây cuối cùng của credit. Những nhân vật mới đều đáng yêu, có cá tính rõ ràng. Ngay cả nhân vật-tưởng-như-phản-diện-Gabi cũng có câu chuyện riêng hợp lý và có thể cảm thông.

p200_20d_pub.pub16.2080_FINAL.jpg
Mấy con rối sợ vãi tè :((( có đoạn mình tưởng đang xem nhầm Annabelle

Gabi là một món đồ chơi non trẻ, vì chưa từng thuộc về đứa trẻ nào, vẫn còn khao khát mãnh liệt. Gabi chưa có những trải nghiệm, cơ hội để trở nên vị tha như Woody hay độc lập, tự tin như Bo. Giây phút vỡ tim của Gabi khiến mình thêm phần chắc chắn phim này không dành cho trẻ con hoặc phim trẻ con đã trở thành khốc liệt hơn rất nhiều so với ngày xưa.

Phần hình ảnh và hoạt hoạ của bộ phim cũng rất xuất sắc. Có những phân cảnh khi những món đồ chơi bất động làm một món đồ chơi trước mặt con người, nhưng có thể cảm nhận được cảm xúc sâu đậm qua đôi mắt bằng nhựa không chớp. Cũng nhờ nhà làm phim đã xây dựng mạch phim rất tốt, đẩy cao trào ở những chi tiết hợp lý. Chưa kể Toy story đã có ba bộ phim và vài chục năm để xây dựng mối dây tình cảm giữa khán giả và các nhân vật.

Toy story 4 là bộ phim trải qua nhiều nỗi thất vọng để trưởng thành, nhưng sau cùng là một cái kết trọn vẹn, thoả đáng cho tất cả các nhân vật. Điều đọng lại với mình sau bộ phim không phải sự tiếc nuối hay buồn rầu mà là cảm giác nhẹ nhõm. Mình cảm thấy vui vì tất cả những nhân vật gắn với tuổi thơ của mình đã có số phận tốt đẹp. Và mình cũng phải cố gắng vậy thôi! 😀

Thông báo nhỏ

Mình với đứa em vừa lập một blog chuyên về ẩm thực. Nó thì nấu nướng giỏi, biết làm đủ các loại bánh trái, bánh mì… không như mình chỉ giỏi ăn 🙂 . Blog này sẽ là nơi để chia sẻ kinh nghiệm ăn & nấu, các trải nghiệm ăn uống của bọn mình. Có thể không phải là blog ẩm thực chuyên nghiệp nhất nhưng sẽ là những câu chuyện gần gũi, chân thật, hi vọng là nhiều tính giải trí.

Mình bỏ chuyên mục Bếp núc của blog này để tập trung chính sang blog kia. Nếu bạn có hứng thú với chuyện bếp núc ăn uống thì ghé qua đây với chúng mình nhé:

https://mutattroncom.wordpress.com/

Ngoài ra chúng mình cũng có một kênh instagram cùng tên @mutattroncom, chuyên đăng ảnh đồ ăn ngon, hehe.

Blog vừa mới lập, chúng mình sẽ update thêm nội dung lên sớm.

Nhật ký ăn mặc (P1)

Khi xem, đọc những bí kíp về việc chọn đồ, phối đồ, mình thấy khó khi áp dụng.  Ví dụ như người ta sẽ luôn khuyên bạn phải hiểu cơ thể mình, biết mình thuộc dáng người thế nào để chọn đồ cho hợp. Nhưng mình không bao giờ xác định được mình là dáng gì, quả lê hay quả táo hay cây cột ( . _ . ) ! Hay việc undertone là warm hay cool, mùa gì màu sắc gì…. mình không thể xác định nổi mạch máu ở cổ tay mình là màu xanh lá hay xanh dương 😐 . Những lời khuyên như vậy tuy đúng, nhưng luôn khiến mình thấy bối rối.

Vậy phải làm thế nào?

Đây là một vài điều mình đã áp dụng và thấy có hiệu quả (với mình).

Read More »

[Review] Điều kỳ diệu của tiệm tạp hoá Namiya

Điều quan trọng là phải thật tâm. 

13686733_1578331422471428_4757430694094967598_n.jpg

Kể dông dài một tý trước khi vào cuốn sách: chuyện là sáng nay mình thấy khá down mood do đọc chuyện về em Lan Thy. Có nhiều thứ gây down mood trên FB hàng ngày nhưng câu chuyện kia đặc biệt khiến mình thấy đau lòng, cứ như kiểu chuyện của mình ý, rách ruột lắm. Chắc bởi nó động tới những điều rất nhạy cảm với mình: chuyện trường lớp, mơ ước và đặc biệt là chuyện trung thực. Nghĩ thấy ức ức sao mấy chuyện tốt đẹp thường hay hoá ra là bánh vẽ, còn mấy chuyện rẻ rách thế này chẳng hoá ra bốc phét bao giờ.

Kể thế để biết lúc mình bắt đầu đọc cuốn này tâm trạng mình không được tốt lắm. Nhưng may sao cuốn sách này đến rất đúng thời điểm và nói đúng thứ mình cần nghe.

Read More »

[Review] Giáo sư và công thức toán

tumblr_o9h47zgTME1u1onhso2_1280.jpg
Sách đã được chuyển thể thành phim
(Tựa tiếng Việt bị mất chữ “yêu quý” trong tên gốc, tiếng Anh có “beloved”, tiếng Nhật có “愛した”, khi đọc hết cả truyện mình mới thấy cái từ này quan trọng thế nào. Đáng tiếc tựa Việt đã bị lược mất).
 
Lâu rồi mình mới được đọc một tác phẩm hay và thấm thía từ những trang đầu tiên tới tận cuối cùng thế này. Sách không quá dày, đọc liền tù tì không thấy mệt, vì bị cuốn vào câu chuyện vừa dịu dàng, tinh tế mà lại vừa âm thầm mãnh liệt.
Read More »

Vài bí quyết nhỏ để ưa nhìn hơn,

Sau lần đầu viết bài về chủ đề thời trang (và đã xoá), mình lại mạnh dạn (làm liều) quay trở lại về đề tài này.

Mình hay được khen ăn mặc… thú vị, theo kiểu người ta nhìn sẽ nghĩ ngay mình làm nghề liên quan tới nghệ thuật. Mình cũng hay được hỏi sao phối cái này với cái kia… Điều này bất ngờ với mình! Vì mình ít khi nghĩ đến việc người khác nhìn mình thế nào.

Để trở thành một  người ăn mặc đẹp, có phong cách không dễ, không phải ai cũng làm được. Nhưng để trông dễ nhìn hơn thì không quá khó, cũng không tốn quá nhiều tiền. Dưới đây là một vài đúc rút mình đã thu lượm được qua thời gian.

Read More »

Thoát cơn chán chường,

Đầu năm nay, mình có viết vào mục tiêu của năm mới là tuần nào cũng viết bài mới. Nhưng hãy nhìn xem, hết nửa năm rồi mà cả tháng mình mới nặn ra được một bài 🙂 *mỉm cười trống rỗng*.

Hôm nay mình sẽ chia sẻ về tình trạng mình cũng thường xuyên gặp phải: tụt hứng. Những lúc thế này, mình không vẽ vời được gì, vẽ gì cũng thấy xấu và đầu hoàn toàn trống rỗng. Thậm chí xem phim, ăn uống, đi chơi cũng không hứng thú gì.

Tình trạng này đôi lúc xảy ra không vì lý do gì, nhưng với mình thường là sau một dự án rất tệ (về mặt tinh thần với mình), khiến mình cảm thấy kiệt sức cả về sức khoẻ lẫn tâm lý. Mình vừa trải qua một dự án như vậy. Mình mất đến mấy tuần sau đó không vẽ được gì tiếp.

Vậy những lúc như thế phải làm thế nào? Sau đây là phương pháp cá nhân của mình:

Bước 1: Cho bản thân thời gian

Mình sẽ để bản thân hoàn toàn không làm gì trong vài ngày, cho sự chán chường đỉnh điểm có thời gian để dịu bớt. Nhưng nhớ đặt deadline cho giai đoạn này, nếu không sẽ dễ trượt sâu hơn vào vũng bùn, càng để lâu càng khó thoát ra. Từ hồi cấp 2, mình đã tự đặt ra một nguyên tắc cho bản thân là không buồn cái gì quá hai ngày. Và mình đã làm khá tốt cho tới bây giờ.

Bước 2: Tạm dừng sử dụng mạng xã hội 

Khi mình chán chường thì xem Facebook khiến mình xuống tinh thần hơn nữa. Mình trở nên xấu tính hơn và cứ đi comment cãi nhau với chọc ngoáy. Than thở trên mxh thì thậm chí còn tệ hơn nữa. Mọi thứ trên internet sẽ ở đó mãi mãi. Ai lại muốn ghi nhớ mấy ngày tồi tệ đúng không? Cũng đừng để người khác nhớ về mình như một cục năng lượng tiêu cực. Bạn có thể chat riêng với bạn bè thân để tâm sự, nhưng đừng viết công khai. Đa số người ta không quan tâm lắm, còn đứa ghét mình lại được dịp hả hê (tất nhiên chúng ta sẽ không mang mùa xuân ấy đến cho bọn họ rồi hihi).

Mình vẫn dùng instagram vì mình chỉ follow hoạ sĩ, xem tranh giúp tinh thần mình dễ chịu hơn. Nếu như bạn sử dụng mạng xã hội nào đó mà không khiến bạn thấy tiêu cực hơn thì vẫn cứ linh hoạt sử dụng nhé.

Bước 3: Làm cái gì đó… hỏng

Sau khi đã hết hạn những ngày-không-làm-gì-cả, mình sẽ cố gắng hoàn thiện một cái gì đó, hỏng cũng được. Vẽ xong một bức, viết xong một bài đăng blog, đọc hết một cuốn sách… Quan trọng nhất là phải XONG, vì hỏng thì có thể sửa, nhưng cảm giác dang dở sẽ khiến tâm trạng mình thêm phần tồi tệ. Thường sau khi vẽ xong cái gì đấy, cảm giác làm việc bình thường sẽ dần quay trở lại với mình.

Bước bonus: Ghi chép cá nhân

Mình thích viết tay vì thích sổ và bút mực. Tuy nhiên bạn có thể sử dụng note trong điện thoại hoặc app tuỳ ý. Chỉ cần giữ chúng riêng tư. Nếu tâm sự với người khác chưa đủ hoặc không có ai đủ tin tưởng để nói ra, viết là một cách tốt. Mình thường viết list, ý tưởng hoặc đơn giản vài cái list ngớ ngẩn như danh sách món ăn yêu thích.

Trên là 3 bước cơ bản thoát khỏi chán chường theo kinh nghiệm cá nhân của mình. Từ tháng này mình sẽ trở lại mục tiêu đầu năm là mỗi tuần viết ít nhất một bài. Chúc mình may mắn!