Có một câu nói nổi tiếng của Oscar Wilde rằng:
“Man is least himself when he talks in his own person. Give him a mask, and he will tell you the truth.”
(con người ít là mình nhất khi họ mang danh mình mà nói. Cho họ một chiếc mặt nạ và họ sẽ nói bạn nghe sự thật)
Điều này phần nào phản ánh bản chất của nghệ thuật. Con người dùng trí tưởng tượng để tái tạo thế giới qua một lăng kính mới. Âm nhạc, văn học, điện ảnh, hội hoạ… đều xuất phát từ trí tưởng tượng, khả năng tái tạo thế giới qua góc nhìn cá nhân, và cả hơn thế nữa, tạo ra một thế giới khác.
Gốc rễ, thông điệp của mọi tác phẩm đều hướng tới một thế giới tử tế hơn. Những xúc cảm, suy nghĩ ấy là thật, từ một con người đang tồn tại. Thế nên, xem một bộ phim khoa học giả tưởng về một hành tinh, một giống loài không có thật… lại có thể gây tác động tới đời sống thật của người xem. Sự đồng cảm ấy không tự nhiên mà có, nó nảy sinh từ sâu bên trong quá trình tạo ra tác phẩm và bản thân tác giả. Nếu câu chuyện không thuyết phục được chính người tạo ra nó thì không hi vọng gì nó khiến khán giả tin.
Không ngạc nhiên khi nhiều tác phẩm kinh điển có vô số điểm chung hoặc xuất phát từ chính đời thật của tác giả. Đại gia Gastby cùng nàng Daisy với F. Scott Fitzgerald và vợ Zelda, Mary Poppins và tuổi thơ của P. L. Travers (hãy xem thử Saving mr.Banks nha), Winnie the Pooh và gia đình A. A. Milne (phim Goodbye Christopher Robin), Peter Pan và J. M. Barrie (xem phim Finding Neverland nha), Beatrix Potter và Thỏ Peter (phim Miss Potter), Gió qua rặng liễu và Kenneth Grabam, hay H.C.Andersen và Nàng tiên cá… Trong giới hạn bài viết này mình chỉ muốn nói về việc sáng tác cho trẻ em nói chung và picturebook nói riêng.
Tuy vậy, chuyện đời thật có giống hệt trong sách không? Nếu giống hệt chúng sẽ không phải fiction nữa mà là phim tài liệu hoặc phóng sự điều tra. Việc đem câu chuyện riêng tư của bản thân để biến thành một tác phẩm hư cấu (đặc biệt là dành cho trẻ em) là để tạo ra một cơ hội thứ hai, cho chính người sáng tác và những độc giả có chung trải nghiệm hay xúc cảm. Như Walt Disney đã nói, để thuyết phục nhà văn P.L.Travers trao bản quyền làm phim Mary Poppins cho ông, hãy cùng giải cứu ngài Banks một lần nữa, trước toàn thể thế giới, để ngài Banks không chỉ là người cha đã chết vì nát rượu, bỏ mặc vợ và ba đứa con nhỏ, để ngài Banks lại được cùng các con chơi thả diều. Hay Christopher sẽ luôn có thể lại ghé thăm những ngày thơ ấu với gấu Pooh và những cuộc dạo chơi trong rừng cùng bố.
Có lần mình xem một talkshow trò chuyện với đạo diễn Hayao Miyazaki. Mình rất xúc động khi ông nói mục đích làm phim của ông là để trao cho khán giả một cơ hội thứ hai. Bất kể ta có mắc sai lầm gì ta cũng có cơ hội để sửa chữa, để cố gắng, để tốt đẹp, tử tế hơn.
Từ cảm hứng đời thật cho tới một tác phẩm thú vị, lay động được nhiều người là một quãng đường dài. Nhiều tác giả nghiệp dư dễ sa vào cái bẫy luẩn quẩn trong thực tế của mình. Ngày mình còn làm ở NXB, hay nhận được các bản thảo từ những bà mẹ viết cho con mình, viết về con mình. Điều khiến bản thảo của họ không thú vị, hấp dẫn là bởi họ bị mắc kẹt trong hình ảnh con mình hoặc chính bản thân họ. Việc họ thường làm là kể lại chuyện thật của mình và làm lố chúng lên, khoác lên một tấm áo nhân hoá (biến mình thành một chú thỏ chẳng hạn), thậm chí muốn tạo hình nhân vật giống hệt con mình ngoài đời. Nói phũ phàng thì họ thiếu trí tưởng tượng. (Điều buồn cười là khi mình feedback góp ý họ thường có phản ứng rất tiêu cực cho rằng mình không hiểu được, không cảm nhận được câu chuyện của họ. Tất nhiên sáng tác từ trải nghiệm, kỷ niệm cá nhân thì bản thân sẽ có cảm xúc mạnh mẽ, nhưng nếu không truyền tải được cho người khác thì chẳng phải là thất bại rồi sao?)
Không nhiều người biết nguồn cảm hứng của Andersen khi viết truyện Nàng tiên cá chính là từ mối tình đơn phương vô vọng của ông với công tước trẻ tuổi Edvard Collin. Có nhiều bằng chứng trong những bức thư mãnh liệt, tha thiết mà Andersen gửi cho Edvard Collin vào những năm 1830. Andersen hẳn không ẩn dụ mình là một chàng người cá xấu xí, bị tật một bên… đuôi, đem lòng yêu chàng công tước đẹp trai. Nếu thế chắc chắn câu chuyện đã không được yêu thích và trở thành kinh điển, trở thành biểu tượng chung cho tất cả những mối tình đơn phương phi lý và tuyệt vọng, như người sống dưới biển kẻ sống trên cạn. Cả cuộc đời Andersen vô cùng bất hạnh trong tình cảm, điều này phản ánh rất rõ trong những tác phẩm của ông, những chuyện tình hầu như đều có kết cục bi thảm.
Điểm khác biệt những tác giả xuất chúng làm được là họ tạo ra được cả một cơ thể mới cho trái tim cốt lõi lấy cảm hứng từ câu chuyện thật, cảm xúc thật của họ. Andersen không chỉ là một con người ôm mối tình vô vọng, mà đó là nàng tiên cá với cả một thế giới kỳ diệu, rực rỡ dưới đại dương. Thỏ Peter không chỉ là một chú thỏ nâu chạy chơi trong vườn nhà Beatrix mà còn là chú thỏ biết mặc áo khoác xanh, biết không nghe lời mẹ trốn đi chơi, Peter Pan không chỉ là đứa trẻ trong ký ức ám ảnh của Barrie về một người mẹ mất người con cả và luôn dày xéo ông đừng bao giờ lớn mà là một thế giới tuy vẫn có mất mát nhưng tươi sáng hơn, vui vẻ hơn, một thế giới mà ông được chủ động lựa chọn sẽ không bao giờ lớn lên…
Tóm lại, ai cũng có những câu chuyện riêng, những câu chuyện gắn liền với cảm xúc sâu sắc hay mạnh mẽ của mình. Tuy vậy, không phải ai cũng biến những cảm hứng đó thành tác phẩm hay được, không phải ai cũng là người kể chuyện. Nhưng mình vẫn tin rằng ai cũng có ít nhất một câu chuyện đáng để kể, hoặc hãy tìm cách kể nó một cách thành thật như một câu chuyện nonfic, hoặc rèn luyện trí tưởng tượng, học hỏi thật nhiều để biến nó thành fiction.
Reblogged this on Nemophila.
LikeLike
Reblogged this on Pale Blue Fly.
LikeLike
[…] via Từ đời thật lên trang sách, — cốm ơi là cốm […]
LikeLike