Hôm nay mình xin giới thiệu một cuốn sách tranh xuất sắc gần đây mới mua – This is a poem that heals fish. Thật ra mua nhiều cơ mà cuốn nào hay quá mới thích viết, đâm ra cũng sắp cạn cả từ vựng để ca ngợi.

Ngay từ tựa đề ta đã đoán được ngay, chuyện kể về một bài thơ, do một nhà thơ, nhà viết kịch chấp bút kịch bản – Jean-Pierre Siméon. Mình luôn cảm thấy thơ ca ở Việt Nam bị hiểu nhầm thê thảm. Nếu bạn lỡ mồm nói thích thơ, lập tức người ta sẽ hình dung bạn là đồ… thơ thẩn, đôi lúc sến sẩm và thiếu thực tế. Tuy thế, lại có rất nhiều người bình thường làm thơ. Bố vợ ông anh mình còn sáng tác trường ca, in ra mất cả trăm tờ A4, kể chuyện ngày xưa bị cấp dưới lật ghế. Thơ ca mặt nào đó vừa bình dân, phổ thông lại vừa bị coi nhẹ.
Dù ở bất kỳ cấp độ nào của thơ ca, một người nếu không hề có một áng thơ nào trong đời, không hề thấy rung động trước ngôn từ thì cũng là một mất mát đáng tiếc. Cũng có thể chúng ta không thích đọc thơ vì cách tiếp cận ngay từ đầu đã sai (phải học nhiều thơ cách mạng quá haha. Xin lỗi cụ Tố Hữu, không thể tiêu nổi bài nào của cụ). Điều kinh khủng nhất không phải là phải đọc thơ chiến tranh, hay thơ Đường luật… mà do cách dạy của trường phổ thông là bài nào ta cũng phải thích, phải khen hay, phải ca ngợi gãy lưỡi gãy bút. Mình có nhận ra điểm hay của thơ Tố Hữu, nhưng mình không đồng cảm được nên không thích bao giờ. Mình cũng rất không thích truyện Lục Vân Tiên (và rất nhiều tác phẩm khác phải học hồi phổ thông).
Tiếp cận thơ ca hay văn chương nói chung, mình nghĩ nên bắt đầu một cách đơn giản, gần gũi, thân thiện, là nhìn thấy chúng hiện diện giữa đời thường. Như cái cách mà cậu bé Arthur trong cuốn sách này tìm kiếm một bài thơ để “giải cứu” chú cá sắp chết vì buồn chán của cậu. Arthur tìm khắp trong nhà, trong tủ bếp, dưới gầm giường… mà không thấy bài thơ nào hết.

Đám mì Ý bảo cậu là không có đâu.
Rồi Arthur đi hỏi những người xung quanh, hỏi anh Lolo thợ sửa xe đạp lúc nào cũng đang yêu, hỏi cô Round bán bánh mì, hỏi ông Mahmoud già, hỏi một chú chim… Mỗi người lại đem lại cho cậu một câu trả lời từ cảm nhận của riêng họ, gắn liền với những trải nghiệm, câu chuyện khác nhau. Hoá ra thơ có nhiều hình dạng, mùi vị, và âm thanh như vậy.

Với anh Lolo lúc nào cũng đang yêu, thơ chính là cảm xúc ấy, là khi ta nếm được bầu trời trong miệng. Với cô Round bán bánh mì, thơ là vị bánh mì mới nướng, ăn xong luôn còn đọng lại vị ngon. Với lão Mahmoud già lúc nào cũng da diết nhớ quê, thơ là nhịp đập của hòn đá, phủ đầy quê hương ông…
Sau một chuyến hành trình dài, Arthur trở lại phòng với chú cá ủ dột, vẫn không biết thơ là thế nào, cậu chỉ đơn giản kể lại những gì mình đã được nghe.

A poem
is when you have the sky in your mouth.
It is hot like fresh bread,
when you eat it,
a little is always left over.
A poem
is when you hear
the heartbeat of a stone,
when the words beat their wings.
It is the song sung in a cage.
A poem
is words turned upside down
and suddenly!
the world is new.
Và thế là cậu bé Arthur đã viết bài thơ đầu tiên của mình.

Bên cạnh phần lời quá đẹp, quá tinh tế, phần minh hoạ cũng vô cùng xuất sắc. Từng chi tiết nhỏ được Olivier Tallec chú ý, kể trong tranh khiến câu chuyện càng trở nên sâu sắc, thú vị hơn.
Như đoạn Arthur hỏi đám mì Ý trong tủ chạn bếp, hộp mì Ý hình chữ cái cũng rơi ra chữ p o em. Ngôi nhà của anh Lolo lúc nào cũng đang yêu dán đầy thư tình trên tường. Ông lão Mahmoud áp tai nghe nhịp đập của một hòn đá mà như thấy được cả quê nhà hiện lên trước mắt. Từng trang trong cuốn sách đều được chăm chút tận tâm như vậy. Có thể cảm thấy được hoạ sĩ rất hiểu, rất đồng cảm với từng ngôn từ của tác giả, và bằng trí tưởng tượng đã tạo nên thế giới sắc màu, nên thơ của cậu bé Arthur.

Đến trang bìa lót cũng có cả đống cá xếp bảng chữ cái tỉ mẩn thế này đây!
Nếu đọc xong cuốn sách này mà lũ trẻ vẫn chưa thích thơ ca thì cũng không sao đâu. Có thể chúng sẽ tìm được những bài thơ khác mà chúng thích và đồng cảm.
Hoặc không.
Reblogged this on Pale Blue Fly.
LikeLike