Gọi em bằng tên anh,

Call me by your name là bộ phim nằm trong danh sách đề cử Oscar cho phim hay nhất năm vừa rồi, cũng được khá nhiều đánh giá tốt từ cả phía nhà phê bình lẫn khán giả.

Bộ phim dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả  André Aciman, kể về mối tình đồng giới của một giáo sư văn học với một chàng trai trẻ mới 17 tuổi.

Bộ phim đặt bối cảnh ở miền nam nước Ý, vào một mùa hè oi ả. Cảnh thôn quê yên ả, nên thơ, lãng mạn được tái hiện qua những khung hình tuyệt đẹp.

call-me-by-your-name-1516955892.jpg

Và các diễn viên chính cũng đẹp như những bài thơ vậy =)).

callme.jpg

Câu chuyện không có quá nhiều kịch tính, nhịp điệu cũng chầm chậm. Hai người từ lúc xa lạ, rụt rè dần dần bộc lộ tình cảm thật với nhau, như mọi mối tình bình thường khác. Cũng có chút ghen tuông, bối rối, nhưng sau cùng cả hai cũng có những trải nghiệm say đắm bên nhau.

Phần lớn bộ phim không gây cảm xúc nhiều cho mình. Mình từng xem nhiều bộ phim về đề tài LGBT, Call me by your name có cách kể bình thản, nhẹ nhàng hơn, không quằn quại, vật vã quá. Cũng có những chi tiết tình cảm khá lãng mạn, dễ thương, như lúc Elio nằng nặc đòi giữ áo sơ mi của Oliver, hay hai người nằm dài trên giường sau một đêm say sưa và gọi nhau bằng tên của người kia. Nhưng không biết sao mình không thấy xúc động gì cả ý. Có thể do đẹp quá, nuột quá chăng?

Hoặc việc cả hai đều không quyết liệt đấu tranh cho mối tình ấy làm mình bớt đồng cảm hơn. Cả Elio và Oliver đều mê đắm trong tình yêu này nhưng lại xác định nó không đi tới đâu, thậm chí không có hành động nào đấu tranh cho nó. Thái độ “ôi cứ mơ hết một giấc mơ đẹp rồi mai tỉnh giấc cũng cam lòng” này thực không phải tách trà của mình. Tất nhiên, hai người đều có cái khó riêng, và có thể câu chuyện của họ thực sự vô vọng, nhưng ít nhất nếu một trong hai nhân vật có chút phản kháng nào đó thay vì cam chịu chấp nhận thời thế thì mình sẽ cảm thấy yêu quý họ hơn chăng?

7917961.jpg

Tuy vậy, khi đã gần hết hi vọng được lay động bởi bộ phim, chỉ vài phút cuối thực sự khiến mình choáng váng. Tưởng chừng như đã vượt qua được mối tình chóng vánh với Oliver, Elio trở lại cuộc sống vui vẻ của một chàng trai 18, cuộc điện thoại thông báo lấy vợ của Oliver đã làm Elio vụn vỡ. Đoạn Elio chẳng nói chẳng rằng, ngồi thất thần trước lò sưởi, cố tỏ ra mình vẫn ổn, cố kìm cho nước mắt không trào ra quả thực là điểm sáng của phim, một cú chốt đầy sức nặng. Không cần lời thoại, không cần nhạc nền, không cần diễn cảm xúc kịch tính mà cũng cảm thấy Elio đã chết trong lòng một chút. Dù biết chắc chắn mình và người đó không đến được với nhau, nhưng một lời khẳng định phũ phàng nữa (một đám cưới) giống như lấy dao cứa lại vết thương cũ, mà không biết đã kịp lành hẳn hay chưa.

img_6376.jpg

Ôi thật tan nát làm sao!

Xem cả tiếng đồng hồ để chốt lại một vài phút quý giá như vậy kể cũng không uổng đâu ha!

 

 

Bức tường

Trong bối cảnh gần đây những luật lệ mới, kiểm duyệt mới được thông qua, có một cuốn sách rất hợp để suy nghĩ về vấn đề này.

IMG_5103_polarr.JPG

Bên Đủng Đỉnh Đọc đã review về cuốn này rất hay (bạn có thể đọc tại đây), nên mình không định viết thêm nhiều, chỉ muốn chia sẻ ngắn gọn về một bức tường mình từng va phải.

The wall được kể qua con mắt của một hoạ sĩ, đã được sinh ra và lớn lên ở Tiệp Khắc, vào giai đoạn sau thế chiến thứ II, dưới sự kiểm soát của Xô Viết. Đây là một câu chuyện lịch sử có lẽ không bao giờ cũ.

Read More »

Bốn mùa một năm,

Khi mình bắt đầu chuyển đến sống ở Nhật, một trong những điều mình thích nhất ở nơi này là cảnh sắc bốn mùa. Trong tiếng Nhật, “bốn mùa” là “四季” (shiki – gồm chữ Tứ và chữ Quý), Shiki là một trong những đặc trưng mà người Nhật tự hào về đất nước mình (mình được biết điều này trong một buổi học về văn hoá Nhật).

Ở Hà Nội cũng có bốn mùa, nhưng bốn mùa Hà Nội có gì khác với Nhật? Hà Nội tháng 2 có hoa đào, tháng 3 có hoa sưa trắng một góc trời cũng lãng mạn và xao xuyến vô cùng, tháng 6 có hoa sen, hoa bằng lăng tím, tháng 9 có hoa sữa (ặc ặc mình siêu ghét cái mùi đau đầu này), tháng 12 có hoa cải vàng… Vấn đề không phải chuyện thiên nhiên không ưu đãi, mà do ở mình quy hoạch đô thị, xây dựng hình ảnh du lịch không tốt đấy. Cùng là bốn mùa, Nhật rất biết “nhấn mạnh”, làm nổi bật những đặc trưng ấy lên. Ví dụ đến mùa hoa anh đào, hình ảnh hoa anh đào sẽ xuất hiện khắp mọi nơi, từ lon bia, chai rượu, cái bánh cho tới xe buýt, băng rôn, poster… Đến mùa lá phong đỏ (momiji) cũng vậy. Giá mà ở nhà mình, người ta cũng quy hoạch cây cối được tốt như vậy. À mà chưa cần đẹp đâu, chỉ cần đừng chặt cây bừa phứa là được rồi!

Vẻ đẹp bốn mùa ở Nhật có thể nhìn thấy ở bất cứ đâu, ngay từ một góc phố bình thường. Giờ đang là mùa mưa, loài hoa đặc trưng của mùa mưa là cẩm tú cầu. Họ trồng rất nhiều loại cẩm tú cầu ở mọi ngóc ngách phố phường, tạo ra những cảnh tượng như một thước phim điện ảnh.

ORG__DSC1098.JPG
hoa cẩm tú cầu mình chụp ở một công viên nhỏ trong thành phố

 

HipstamaticPhoto-550921529.159545.JPG
Chiếc ghế này nằm trên một con đường nhỏ dọc bờ sông, ngay gần nhà mình

Nhật thực sự là một dân tộc duy mỹ, họ quan tâm đến thẩm mỹ của môi trường sống và làm điều đó một cách triệt để. Cùng là ngắm thiên nhiên trong thành phố, ở mỗi nơi lại có không khí khác nhau. Ví dụ ngắm hoa anh đào trên phố và trên sông cảm giác khác biệt hẳn.

IMG_0364_polarrIMG_0365_polarr

Đến mùa Momiji thì cây cỏ như một dải màu gradient tuyệt mỹ. Không chỉ lúc lá đỏ rực đúng độ mới đẹp, mà cả lúc cả thiên nhiên cây cỏ đang chuyển mình cũng xuất sắc không kém.

IMG_4113

Đi Nhật chơi mùa nào cũng có cái đẹp riêng. Đi lúc nào cũng thích, chỉ cần có tiền thôi :)))

p.s: ảnh toàn bộ là mình chụp, mong bạn đọc blog thì đừng repost lung lung. Nói tử tế thế thôi chứ chủ yếu vẫn là tự giác mỗi người, mình cũng chả kiểm soát nổi. 

Những khúc xương hát,

Bạn nào mê picture book người lớn và graphic novel chắc hẳn đã nghe qua cái tên Shaun Tan. Ông là một hoạ sĩ – tác giả người Australia gốc Trung Quốc. Ông nổi danh với các tác phẩm như Arrival, Lost & Found, Rules of summer (cuốn này mình thích nhất), The red tree, The lost things… Các tác phẩm của ông đoạt vô số giải thưởng lớn, được chuyển thể thành phim hoạt hình thậm chí cả nhạc kịch.

Mình có từng đăng một bài phỏng vấn Shaun Tan (do nhà thơ Nhã Thuyên dịch) tại đây.

Các tác phẩm của Shaun Tan sử dụng đa dạng nhiều chất liệu, từ sơn dầu, chì, than, màu nước tới gốm, điêu khắc. Ông đã tạo ra được một thế giới riêng với những dấu hiệu đặc trưng, nổi bật.

Mới đây nhất là The Singing Bones:

ORG__DSC1260.JPG
Read More »

Về CLB nghiên cứu bí ẩn,

Mình mới được bạn tặng cuốn sách này.

ORG__DSC1256.JPG

Mình có biết Phan từ trước, cũng có dịp làm bản thảo với em ấy (nhưng tiếc là bản thảo không được duyệt xuất bản). Hồi đó, Phan vẽ dù đã có phong cách riêng nhưng nét còn cứng và bố cục rất rối. Bù lại, Phan có tinh thần cầu thị và đặc biệt chịu khó. Mình đã tin chắc em ấy sẽ còn tiến xa. Với cuốn này, Phan đã có một bước tiến rất dài, trưởng thành về cả phong cách lẫn nội dung. Thật sự rất mừng cho Phan! ^^

CLB nghiên cứu bí ẩn là một cuốn sách khá độc đáo trên thị trường sách Việt Nam, cả về hình thức lẫn đề tài. Cuốn sách tập hợp những “bí kíp” phá án của các thám tử, điều tra viên, được đúc rút qua nhiều năm tháng say mê truyện trinh thám. Sách được chia ra thành các hạng mục như: các nguyên tắc khi khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, cách lần theo các loại dấu vết…

Read More »

Lần đầu đi xem kịch

Tối nay mình đi xem một vở kịch. Không đến nỗi dở nhưng thoại hơi sáo, nội dung thì dễ đoán mà nhân vật thì một chiều. Cô Lụa đi bán lụa, nổi tiếng nhất vùng, gặp anh Cuội chuyên đi bịp thiên hạ vì lỡ đem lòng yêu cô nên đi lừa cô lấy thằng công tử vừa già vừa xấu (anh không có ý đấy đâu nhưng cô có biết kế hoạch của anh đâu, lỡ đưa chân rồi anh kêu gì). Cô Lụa cũng ẻo lả như lụa vậy, nhẫn nhịn và câm nín được cái hay giáo điều. Khổ thân anh Cuội yêu phải gái xinh.

Thi thoảng lại có ba bạn hip hop cool ngầu xông ra phá sóng. Rap chuyện thiên địa nhân sống trong trời đất phải trung thực ôi thôi.

Cứ đến mấy đoạn tình cảm ôi Lụa ơi anh yêu Lụa lắm mặt mình lại bất giác nhúm lại như quả táo tàu. Lòng trào lên ham muốn có trai nhà ở đây mà túm tay bấu áo rên rỉ anh ơi em muốn tự tay bóp cổ mình. Cô Lụa mắt trong trẻo long lanh nhìn tới đâu sáng tới đó, không bao giờ đổ lệ vì nỗi đau riêng mà chỉ khóc than cho số phận người khác.

Mới nghĩ tại sao em phải chịu đựng sự nhăn nhúm này một mình, anh phải ở đây chịu cùng mới phải. Đúng đấy, nếu gặp phải quán ăn dở anh cũng phải ở cùng để ăn đỡ cho em, cho bớt thấy tiếc tiền, còn có người ngồi cùng viết review chê dài cả gang tay. Sướng thì em có thể chịu một mình chứ khổ thế này thì không không…

Muốn cùng khổ nhiều như cả cùng sướng thế này thì đúng là tri âm tri kỷ chứ còn gì nữa.

Sully

Chiều nay mình mới xem bộ phim này. Lâu rồi mới thấy xúc động khi xem một bộ phim.

(spoiler alert!!! nếu bạn chưa xem phim này thì cân nhắc trước khi đọc tiếp)

Chuyện kể về một sự kiện có thật khi một chiếc máy bay bất ngờ gặp nạn lúc mới cất cánh, hỏng hẳn cả hai động cơ và cơ trưởng trong tích tắc đã phải quyết định hạ cánh khẩn cấp xuống sông Hudson ở New York. Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn, 155 người đều bình an vô sự. Ngay lập tức, cơ trưởng Sully được tung hô như một người anh hùng. Nhưng cũng ngay sau đó, ông bị gọi điều trần về quyết định hạ cánh khẩn cấp của mình. Giả lập máy tính cho thấy vẫn có thể đưa máy bay trở lại một sân bay gần đó và không vứt nguyên cả cái máy bay đi như vậy.

Câu chuyện của bộ phim rất đơn giản, chỉ có vậy. Không có quá nhiều kịch tính. Nhưng từng tình tiết trong phim lại rất có sức nặng. Mình có thể cảm thấy được không khí căng ra như sợi chun sắp đứt lúc cơ trưởng ngắn gọn nói vào loa thông báo “Chuẩn bị có va chạm”, có thể cảm thấy sự dằn vặt giằng xé trong lòng Sully khi ông nghi ngờ liệu rằng ông đã quyết định sai, và đặc biệt là khi ông tự biện hộ lại cho hành động của mình trước mọi lời buộc tội từ máy móc. Sự nhạy cảm và tính nhân bản là thứ máy móc sẽ không sao chép được. Những giả lập về vụ tai nạn đã loại bỏ hoàn toàn yếu tố con người, sự căng thẳng trong giây phút sống còn, sự bất ngờ chưa từng được tính toán trước của vụ tai nạn… Sau cùng thì ông đã đúng. Đến máy móc thì vẫn có lúc sai thôi.

Một trong những câu thoại đắt giá nhất là khi được hỏi ông nghĩ gì về hành động anh hùng của mình. Ông điềm đạm trả lời tôi không phải một người hùng, tôi chỉ là một người bình thường làm công việc của mình. Và mọi việc bình an là do công sức của rất nhiều người đồng tâm hợp sức.

Khi chúng ta ngợi ca ai đó là anh hùng, đôi khi lấn át cả lòng biết ơn và ngưỡng mộ ấy là sự kỳ vọng nặng nề. Kỳ vọng họ sẽ giữ vững hình ảnh người hùng ấy để chúng ta có chỗ dựa vào mà tin, kỳ vọng họ sẽ lại tiếp tục làm những việc như thế mỗi khi… có dịp. Chỉ mảy may trái ý dư luận là từ người hùng cũng có thể bị đạp xuống bùn đen ngay.

Như chuyện của MC Phan Anh đứng ra quyên tiền từ thiện được hẳn 24 tỷ. Quá lớn so với kỳ vọng của tất cả mọi người. Và giờ thì anh đang bị bủa vây trước những lời hạch sách, hỏi han về việc giải ngân. Thật dễ dàng để cảm thấy lương tâm được xoa dịu, an ủi, cảm thấy mình cũng là người có lòng trắc ẩn khi quyên tiền cho ai đó đứng ra làm “người hùng cứu giúp nhân dân” – cho dù đó không phải việc của anh ta rồi thì tung hô anh ta tận mây xanh. Và giờ thì dễ là Phan Anh làm ơn mắc oán, bỗng đâu vướng vào một đống chuyện rắc rối mà có lẽ anh cũng chưa có kinh nghiệm để xử lý. Làm từ thiện đâu phải chuyện đơn giản.

Mình chưa bao giờ kỳ vọng vào những người anh hùng, ngay cả khi chúng ta có nguyên biệt đội Avenger đi chăng nữa. Mình chỉ mong có những người bình thường làm hết sức công việc của mình. Chúng ta đáng nhẽ đã có những nhà máy thuỷ điện được quy hoạch đúng chỗ, có quy trình, giải pháp chống lũ được cải tiến, có tổ chức cứu giúp hỗ trợ người dân khi nguy cấp… Chúng ta có lẽ không cần, và không nên mong có thêm nhiều Phan Anh nữa.

Quay lại thì phim rất hay, lại có tính thời sự với Việt Nam bây giờ. Nếu bạn đã lỡ đọc spoiler hết thì vẫn cứ xem đi nhé :p.