Hôm qua mình vừa đọc xong cuốn sách này, một tác phẩm đoạt giải thưởng lớn của văn học thiếu nhi Hàn Quốc. Tính cho tới thời điểm này, tất cả những cuốn sách dành cho trẻ con của Hàn mà mình từng đọc phân ra hai loại: hay và cực hay (nói thật là nể phục vô cùng). Cửa tiệm thời gian là một tác phẩm xuất sắc trong số ấy.
Câu chuyện này kể về Yoon Ah, một cô bé lớp 5, thông minh, học giỏi. Bố cô bé không may mất sớm, để lại mình mẹ Yoon Ah chật vật nuôi cô ăn học. Vì ám ảnh với cuộc sống vất vả, quần quật cả ngày mà mẹ Yoon Ah có một kỳ vọng nặng nề với cô bé, mong cô bé học thật giỏi để thoát kiếp khổ sở. Cho dù Yoon Ah chăm chỉ và đứng thứ hai của lớp cũng không là đủ với mẹ. Mẹ cô bé luôn muốn cô bé học giỏi, giỏi hơn nữa, dẫn tới những lớp học thêm, những giờ học gia sư triền miên và chật kín lịch sinh hoạt của Yoon Ah.
Cho đến một hôm, cô bé vô tình bắt gặp một Cửa tiệm thời gian, nơi giao bán thời gian cho những người bận rộn. Cách trao đổi thật đơn giản, cô bé đánh đổi một ký ức hạnh phúc lấy 10ph dành riêng cho cô bé sử dụng (tức là trong 10ph ấy, tất cả mọi thứ đều dừng lại). Và Yoon Ah đã sử dụng 10ph ấy để chép bài bạn, gian lận và đạt toàn hạng nhất trong các kỳ thi. Giờ thì mẹ rất tự hào về Yoon Ah.
Cửa tiệm thời gian có lối viết nhẹ nhàng, tình cảm, tình tiết mạch lạc, rõ ràng, không quá bất ngờ mà rất chân thật. Yoon Ah là một cô bé ngoan, yêu thương mẹ nhất mực. Nhưng cũng chính thế mà cô bé sợ sự thất vọng, buồn rầu của mẹ, cảm thấy dằn vặt bởi sự hi sinh quá lớn của mẹ mà cô bé lại luôn chưa đủ tốt. Sự căng thẳng, lo lắng cực độ khiến Yoon Ah không đạt được kết quả tốt nhất với khả năng của mình.
Trong khi mẹ hi sinh vì Yoon Ah thì cô bé cũng hi sinh vì mẹ. Cô bé đã đánh đổi cả những giây phút vui vẻ nhất của mình để làm cho mẹ vui. Sau dần cô bé lãng quên cả tình cảm với người bạn thân nhất, với người bà yêu dấu, với cả người cha đã mất của mình. Có một đoạn mình thấy cảm động nhất cả cuốn sách, là khi bà ngoại từ quê lên chơi, đêm nằm ngủ cùng, cô bé thấy ăn năn lắm vì giờ chẳng còn nhớ những điều giản dị ấm áp với bà nữa. Cô bé mở điện thoại lên, đọc lại tin nhắn ngày xưa của bố mà cô bé lưu ở máy không xoá đi bao giờ. Tin nhắn bố gửi lúc đang nằm viện, rằng bố rất yêu Yoon Ah và xin lỗi con gái vì bố chưa về nhà được. Lúc ấy, Yoon Ah chực khóc, xót xa nghĩ, giờ không còn bố nữa rồi mà ngay cả những ký ức về bố cũng mất đi nữa, chỉ vì 10ph đồng hồ sao?

Câu chuyện là cuộc tìm kiếm hạnh phúc thực sự trong con mắt một cô bé lớp 5. Thế giới của cô bé gần gũi và nhỏ xíu xoay quanh chuyện trường lớp, bạn bè, gia đình. Mình có thể nhìn thấy ở Yoon Ah hồi mình còn nhỏ. Mình cũng là một học sinh giỏi, lúc nào cũng đứng top đầu và mình luôn cảm thấy khổ sở về chuyện đó. Mình sợ sự kỳ vọng. Đọc truyện mới thấy trẻ em Hàn Quốc cũng bị ép học nhiều như trẻ em Việt Nam, trở thành những đứa trẻ có tuổi thơ bị đánh cắp, bị vùi lấp trong sách vở. Thậm chí có thể không còn chỗ để thấy hạnh phúc nữa.
Cửa tiệm thời gian cũng đặt ra một câu hỏi lớn hơn về sự chọn lựa, việc chúng ta ưu tiên điều gì hơn trong cuộc sống. Xét cho cùng thì chúng ta cố gắng rất nhiều, dù là làm gì đi chăng nữa, cũng là để cảm thấy hạnh phúc thực sự mà phải không?
Đấy, truyện thiếu nhi của người ta vừa hay, vừa cảm động lại sâu sắc nhường này cơ mà *bật khóc*.
Một thời mình học cấp 3 mà vẫn còn ghiền đọc truyện thiếu nhi Việt Nam, nhất là những chuyện nhân cách hóa động vật hay cây cối trong nhà, còn tìm mấy truyện trên mạng in ra để đọc.
Là fan cuồng truyện thiếu nhi một thời, nói thật là đi ra nhà sách chả tìm được một quyển truyện ưng ý, toàn ba thứ truyện tranh lịch sử xem cái hình vẽ đã hết muốn phim. Có một nhà văn viết truyện thiếu nhi ở Việt Nam hồi ấy mình thích là Nguyễn Thị Bích Nga, giờ không biết chị còn ra sách nữa hay không.
Nói chung là, cả lĩnh vực truyện lẫn phim ảnh dành cho thiếu nhi, ở Việt Nam chả bằng mấy nước trong khu vực nữa là 🙂
LikeLike
😦
LikeLike