Mình vừa xem xong một bộ phim tên là Force Majeure. Bộ phim đặt ra một tình huống cực kỳ thú vị (với người xem) nhưng vô cùng khắc nghiệt (với nhân vật). Cách giải quyết của bộ phim hợp lý, thỏa đáng, lại rất nhiều hi vọng. Mình không định viết review phim, chỉ muốn mượn phim để nói một vấn đề liên quan, nên mình sẽ spoil hết nội dung phim, nếu muốn xem phim cho hay thì đừng đọc tiếp nhé.
Chuyện kể về một gia đình nọ, có hai vợ chồng với hai đứa con nhỏ, đi nghỉ trượt tuyết ở một ngọn núi. Trong lúc họ đang ăn trưa trên núi thì có tuyết lở. Tưởng chừng tuyết sẽ đổ lên chỗ họ đang ngồi, tất cả mọi người ở nhà hàng đều hoảng loạn chạy thoát thân, người chồng vơ lấy điện thoại và găng tay bỏ mặc lại vợ và hai đứa con nhỏ. Nhưng sau tuyết lở không tới chỗ họ, mọi người đều bình an.
Tuy nhiên từ sau sự việc đó, người vợ không còn cảm thấy tin tưởng, an toàn với chồng mình nữa.
Cuộc sống luôn tạo ra vô vàn những phép thử với chúng ta. Rất khó để nói trước liệu chúng ta sẽ chế ngự được bản năng của mình trong những hoàn cảnh khắc nghiệt hay không. Trong phim, bản năng của người mẹ là túm lấy hai đứa con ngay lập tức nhưng người bố lại bỏ chạy một mình. Tự nhiên mình nhớ tới rất nhiều những vụ tai nạn không ngờ tới, như bà mẹ ở Trung Quốc bị cuốn vào trong thang cuốn nhưng trước khi đó cô đã kịp đẩy đứa con ra xa, hoặc trong vụ động đất cách đây vài năm, khi đào đống đổ nát lên họ tìm thấy một đứa bé còn sống sót nhờ người mẹ lấy thân che chắn với một lời nhắn còn lưu trong điện thoại: nếu con sống sót được thì hãy luôn nhớ rằng mẹ rất yêu con. Hay như người đàn ông đã lấy thân đỡ đạn cho bạn gái trong một vụ xả súng vào đám đông, hay cô giáo trẻ hi sinh tính mạng để cứu học sinh của mình. Không thể biết trước được liệu những hành động anh hùng như vậy có xảy ra hay không, và ai sẽ trở nên dũng cảm phi thường trong những thời điểm sống còn như vậy (đáng tiếc cuộc sống không dễ đoán như những bộ phim anh hùng của Mỹ – nơi chúng ta luôn biết mình sẽ được cứu).
Tất nhiên, chúng ta biết luôn có những người can đảm quên thân mình như vậy (may mắn sao!). Còn những người còn lại? Như ông bố trong bộ phim chẳng hạn. Hành động của anh ta là cực kỳ hèn nhát, đáng thất vọng, nhưng mặt khác mình lại thấy thương cảm cho anh ta – anh ta mắc một sai lầm rất con người và bị chính sai lầm ấy hành hạ, dằn vặt. Liệu vì một khoảnh khắc bản năng ích kỷ mạnh hơn lý trí mà gạt bỏ hết bao năm yêu thương, chăm sóc tận tụy của một người bố, một người chồng thì có công bằng với anh ta không? Chúng ta phải xét tới một thực tế rất lớn là tất cả mọi người đều không sao, không ai bị thương gì.
Thực ra điều khó khăn nhất ở hoàn cảnh này không phải là tha thứ mà là hàn gắn lòng tin. Chỉ từ một vết nứt rất nhỏ có thể lan rộng làm rạn vỡ rất nhiều điều vun đắp bao lâu. Và một khi lòng tin đã sứt mẻ thì phải cần rất nhiều rất nhiều tình yêu, sự sáng suốt cũng như lòng dũng cảm để tin tưởng thêm một lần nữa. Như trong bộ phim này, cuối cùng kẻ tha thứ và hàn gắn tất cả lại là những đứa con, chúng mau chóng quên mất sự việc lở tuyết hụt mà chỉ nhìn thấy trước mặt, ở hiện tại là bố chúng đang vô cùng đau khổ và bố mẹ chúng như thể sắp li dị. Chúng lại yêu bố chúng như chưa hề cần bố cứu mình. Và lần này thì bố chúng đã không làm chúng thất vọng thêm nữa.
Có một chi tiết nhỏ mình rất thích trong phim: người vợ kể lể sự việc cho một người bạn của chồng – cũng đang đi nghỉ với một cô bạn gái trẻ măng. Cặp đôi này lắng nghe câu chuyện và cố gắng an ủi, xoa dịu cả hai vợ chồng. Sau khi trở về phòng, cô gái trẻ quay ra nói với người yêu mình rằng cô nghĩ nếu trong trường hợp như vậy chắc anh cũng sẽ bỏ chạy như ông chồng kia – hai anh trông có vẻ cùng một loại người. Rồi họ cãi nhau. Đây là một tình huống chân thực và bản thân mình cũng từng vướng phải không ít lần. Chúng ta may mắn không rơi vào những tình huống khắc nghiệt thì chúng ta lại tự đặt ra những phép thử. Và nói thật, những phép thử này không khiến chúng ta yêu nhau hơn, tin tưởng nhau hơn mà chỉ thể hiện sự bất an và thiếu tin tưởng lẫn nhau. Không khác gì chúng ta tự cầm rìu phang vào một cái bàn đang dùng bình thường với suy nghĩ rằng dù gì cũng phải thử xem nó có tốt thật không.
Mình nghĩ, ngoài những phép thử khách quan và không thể tránh khỏi mà cuộc sống đổ xuống đầu chúng ta (như một vụ lở tuyết hụt chẳng hạn) có lẽ không nên tự tạo ra thêm những phép thử cho những người xung quanh mình. Nếu thực sự muốn thử thách nhau thì có lẽ cũng từ bỏ nhau đi là vừa. Vì thử chắc cũng như đốt giấy, kiểu gì cũng cháy, không bỏng người này cũng bỏng người kia.
Khi xem V for vendetta, mình thích nhất việc Evey mong muốn nhất là ngừng sợ hãi. Khi cô thôi sợ hãi, người quen cũng không thể nhận ra cô nữa. Chỉ khi thôi sợ hãi, thôi sợ đau buồn, sợ thất vọng thì người ta mới có thể thực sự tin tưởng được.
À nói tới đây lại thấy có tý bất bình cho nỗi sợ. Thôi thì sẽ nói về nỗi sợ vào một dịp khác.
mình thik chi tiết phép thử đang bình thường lại khoái rìu bổ vào bàn trong ví dụ minh họa thêm cho suy nghĩ của bạn
LikeLike
em sẽ không sống nổi nếu như em bỏ chạy trước, và mẹ hoặc em gái của em bị lẫn vào trong đống tuyết lở đó, nên em không thể nào hiểu cho người bố được. í em là, nếu em là ngừoi duy nhất sống sót, thì em sẽ không có tiền bạc, nhà cửa, không ai chăm sóc, nên nó cũng đơn giản là một hành động ích kỷ thôi. em nghĩ cái sự thật rằng ổng đủ can đảm và tự tin để bỏ vợ con mình lại đằng sau là một điều vô cùng đáng kinh ngạc, tất nhiên là nó không tốt, nhưng vô cùng đáng kinh ngạc.
LikeLike
lúc rơi vào hoàn cảnh sống còn mình cũng ko biết chắc đc bản năng sinh tồn của mình mạnh đến đâu đâu em :p
LikeLike